Ngày Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Quan hệ Trung-Việt từ năm 1949 đến nay
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM - Tài liệu tham khảo đặc biệt
“CÂU CHUYỆN KHÔNG THỂ KHÔNG NÓI” GIỮA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
Lưu ý: Tài liệu này để tham khảo cách nhìn của TQ.
Nhiều quan điểm phía Trung Quốc nêu ra trong bài này không đúng.
Bài II
Quan hệ Trung-Việt từ năm 1949 đến nay
(Tác giả Vu Hướng Đông, Giáo sư Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam,
Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Trịnh Châu)
Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, nhân dân Việt Nam lúc đó đang tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ chống lại kẻ thù xâm lược Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 18 tháng 1 năm 1950, Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đã hơn 60 năm, quan hệ Trung – Việt lúc lên lúc xuống: Những năm 50 -60 thế kỷ trước là thời kỳ thân thiết “vừa là đồng chí vừa là anh em”, sau những năm 70 là thời kỳ bước vào trạng thái không bình thường, cho đến khi xảy ra cuộc chiến ở khu vực biên giới năm 1979. Năm 1991 Trung Quốc và Việt Nam thực hiện bình thường hoá quan hệ, gần 20 năm trở lại đây quan hệ hai nước nói chung đã trải qua ba giai đoạn là khôi phục quan hệ năm 1991 – 1998, hợp tác toàn diện năm 1998 – 2007, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2008 đến nay.
1/ Vừa là đồng chí vừa là anh em – Đối kháng quyết liệt – Láng giềng hữu nghị
Sự điều chỉnh lớn và lựa chọn chiến lược trong chính sách ngoại giao nói trên trước hết là dựa vào nhu cầu nội tại liên quan lợi ích quốc gia, bao gồm lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế và lợi ích an ninh của mỗi nước làm chỗ dựa căn bản, thứ hai cũng do quan hệ địa chính trị trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của những biến động trong tình hình thế giới đem lại.
Từ những năm 50 thế kỷ trước đến nay lợi ích quốc gia của hai nước Trung-Việt được biểu hiện khác nhau trong những thời kỳ khác nhau và trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Trung Quốc trong những năm 50 đến những năm 70 chủ yếu biểu hiện ở việc mở rộng sự nghiệp cách mạng và xây dựng trong nước, xây dựng và củng cố cơ sở của chế độ xã hội chủ nghĩa, nỗ lực phá vỡ sự kiềm chế, phong toả của các thế lực thù địch phương Tây đứng đầu là Mỹ, từng bước loại bỏ áp lực quân sự rất lớn của tập đoàn Liên Xô, tranh thủ điều kiện và khả năng cải thiện môi trường xung quanh và môi trường quốc tế. Từ khi cải cách mở cửa đến nay Trung Quốc tập trung xây dựng kinh tế, ra sức thực hiện trỗi dậy hoà bình và hiện đại hoá.
Đối với Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lợi ích căn bản của Việt Nam là tranh thủ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ thắng lợi, lợi ích này được biểu hiện chủ yếu ở việc khôi phục và xây dựng kinh tế, đồng thời thông qua kiểm soát Campuchia và Lào tranh thủ vị trí địa chính trị có lợi ở khu vực Đông Dương. Từ sau những năm 80 thế kỷ trước đến nay, chủ yếu biểu hiện trong cố gắng thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới mở cửa, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Năm 1986, đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng do chiến lược hỏng và môi trường quốc tế bị cô lập, Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 6 Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định con đường và phương hướng chiến lược phát triển mới, từng bước cải cách và từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch tập trung cao độ theo kiểu Liên Xô, chuyển trọng tâm sang xây dựng kinh tế, đưa Việt Nam vào giai đoạn đổi mới mở cửa phát triển toàn diện. Nhu cầu thúc đẩy sự nghiệp đổi mới mở cửa và xây dựng kinh tế trở thành động lực nội tại khiến Việt Nam điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc và giữ quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc sau khi bình thường hoá quan hệ. Đại hội lần thứ sáu Đảng Cộng sản Việt Nam còn đề ra phương châm ngoại giao “thêm bạn bớt thù”, thay đổi tư duy ngoại giao “nghiên hẳn về một phía”, liên minh với Liên Xô trước đây, thực hiện đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá một cách toàn diện. Việc Việt Nam điều chỉnh chiến lược đối ngoại liên quan rất nhiều đến sự thay đổi về môi trường địa chính trị. Đặc biệt sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến lược ngoại giao trước đây của Việt Nam đã mất đi cơ sở tồn tại. Việt Nam đưa quân sang Campuchia không chỉ mang thêm gánh nặng kinh tế mà còn lún sâu thêm vào tình trạng hết sức bị cô lập trên trường quốc tế. Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước ASEAN yêu cầu mạnh mẽ Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, giải quyết vấn đề Campuchia một cách công bằng, hợp lý, một số nước từ đó đã đề xuất chủ trương biến chiến trường thành thị trường ở khu vực Đông Dương.
Từ khi cải cách mở cửa đến nay, điểm cơ bản trong chiến lược ngoại giao hội nhập quốc tế của Việt Nam là bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, tiến đến bình thường hoá quan hệ với các nước ASEAN và Mỹ. Trên cơ sở đó Việt Nam thực hiện “ba bước đi” là gia nhập ASEAN, gia nhập Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã coi việc bình thường hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam là “điều kiện hết sức cần thiết để ổn định tình hình khu vực”. Năm 1991, Đại hội lần thứ bảy Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là “thúc đẩy tiến trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, từng bước mở rộng hợp tác Việt-Trung”.
Cố gắng tìm kiếm biện pháp bình thường hoá quan hệ với Việt Nam của Trung Quốc đã được đáp ứng một cách đúng mức. Tháng 10/1989 trong khi tiếp Quốc vương Sihanouk của Campuchia và nhà lãnh đạo Kayson Phomvihane của Lào, Đặng Tiểu Bình đều cho biết Việt Nam đề xuất muốn bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, chúng tôi hoan nghênh nhưng Việt Nam phải rút toàn bộ quân ra khỏi Campuchia. Chỉ có như vậy mới kết thúc được quá khứ, quan hệ Trung-Việt mới có thể khôi phục. Đối với chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đặng Tiểu Bình nói hy vọng ông Nguyễn Văn Linh “thừa cơ quyết đoán ngay, kết thúc gọn ghẽ vấn đề Campuchia”, đồng thời tỏ ý hy vọng có thể mắt thấy vấn đề Campuchia được giải quyết, quan hệ Trung-Việt khôi phục bình thường vào trước hoặc sau khi Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu, kết thúc “một bầu tâm sự”.
Cải cách mở cửa ở Trung Quốc và đổi mới mở cửa ở Việt Nam có một số bối cảnh và cơ sở giống nhau, đều lựa chọn con đường đi từng bước, dần dần xây dựng thể chế kinh tế thị trường mang đặc sắc của mỗi nước. Cả cách ở Trung Quốc đi trước Việt Nam một bước, đến đầu những năm 90, sức sản xuất xã hội, sức mạnh tổng hợp quốc gia và mức sống của nhân dân Trung Quốc đều đã được nâng cao mạnh mẽ, xu hướng trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ. Việt Nam cũng ở vào thời kỳ phát triển nhanh, dần dần trỗi dậy ở khu vực Đông Nam Á. Đối với VIệt Nam, hữu nghị với Trung Quốc cũng được, đối kháng cũng không sao nhưng dù thế nào, đối với Trung Quốc là một nước láng giềng lớn như vậy sẽ không thể bỏ được. Ở Việt Nam có câu thành ngữ “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Phương thức tư duy xử thế như vậy đã có ảnh hưởng nhất định đối với cách xác định quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc sau khi đã bình thường hoá quan hệ.
Xét từ nhân tố Trung Quốc, cách xem xét cơ bản trong việc điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc của Việt Nam còn có hai phương diện rất đáng chú ý: Một là đối mới mở cửa đòi hỏi phải vận dụng kinh nghiệm của Trung Quốc; Hai là đi theo con đường xã hội chủ nghĩa yêu cầu phải có sự ủng hộ của Trung Quốc. Trước và sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng của ý thức hệ trong quan hệ quốc tế tuy có phần giảm đi nhưng sự đồng thuận về chính trị và xu hướng giá trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, vai trò của những yếu tố này đã từng được phát huy trong việc thúc đẩy bình thường hoá quan hệ và phát triển quan hệ sau đó. Quan chức Việt Nam cho rằng Việt Nam thiếu công nghệ và các thiết bị tiên tiến, nếu có tiền cũng có thể mua được từ phương Tây, nhưng phương thức phát triển của Trung Quốc và kinh nghiệm thành công của Trung Quốc dù có tiền cũng khó mua được từ các nước khác.
2/ Việt Nam gây nên chuyện, vấn đề Nam Sa không ngừng leo thang
Trong quá trình phát triển quan hệ Trung – Việt, tranh chấp Nam Hải bắt đầu từ những năm 70 thế kỷ trước đã trở thành nhân tố tiêu cực lớn. Trong bối cảnh biến động ghê gớm về địa chính trị trên thế giới và khu vực, phương thức của Việt Nam thông qua dư luận để tuyên truyền và chiếm đóng về mặt quân sự, không ngừng khuấy lên tranh chấp với Trung Quốc ở Nam Hải đã trở thành một trong những nhân tố làm cho quan hệ Trung-Việt hiện nay xấu đi, cũng khiến cho quan hệ hai nước trong thể kỷ 21 đứng trước thử thách nghiêm trọng.
Mọi người đều biết, năm 1958 trong một bức thư ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai đã công nhận chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) là thuộc về Trung Quốc, năm 1974 lại công khai ủng hộ cuộc chiến phản kích tự vệ của Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi lập trường trong vấn đề Nam Hải. Mùa Xuân năm đó hải quân Việt Nam đã căn cứ theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bí mật xuất quân, chiếm lĩnh trái phép các đảo thuộc quần đảo Nam Sa như đảo Nam Tử (Việt Nam gọi là Song Tử Tây), đảo Cát (hay còn gọi là bãi cát Đôn Khiêm), (Việt Nam gọi là đảo Sơn Ca), đảo Hồng Hưu (Việt Nam gọi là đảo Nam Yết), đảo Cảnh Hồng (Việt Nam gọi là đảo Sinh Tồn). Nửa cuối những năm 70 đầu những năm 80 Việt Nam lần lượt công bố 4 sách trắng và một số bài nghiên cứu, tuyên bố các quần đảo Tây Sa và Nam Sa là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đánh lừa cộng đồng quốc tế. Trước việc làm nói trên, Trung Quốc đã kiên quyết đáp trả và tỏ rõ lập trường nghiêm chỉnh của mình. Sau đó Việt Nam lại tiếp tục gặm nhấm thêm một bước các đảo của Trung Quốc, tăng cường xâm chiếm trái phép, không ngừng nâng cao quy cách hoạch định khu vực quản lý hành chính đối với cái gọi là “quần đảo Hoàng Sa” và “quần đảo Trường Sa”, đồng thời mở rộng mức độ hợp tác với các công ty nước ngoài, tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, ngang nhiên cướp đoạt tài nguyên biển của Trung Quốc.
Mặc dù quan hệ láng giếng hữu nghị truyền thống giữa hai nước được khôi phục và không ngừng phát triển, việc hoạch định biên giới trên đất liền và biên giới Vịnh Bắc Bộ đã có thành công, nhưng đến nay vấn đề tranh chấp Nam Hải giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Những năm gần đây, Việt Nam có ý đồ thúc đẩy “quốc tế hoá” vấn đề nói trên. Một là tuyên bố Nam Hải (Biển Đông) là khu vực biển chung của các nước Đông Nam Á, lôi kéo một số nước như Philippin, Malaixia cùng đối đầu với Trung Quốc; Thứ hai là lợi dụng nhân tố nước lớn ngoài khu vực can thiệp khiến tình hình Nam Hải càng trở nên phức tạp. Việt Nam đã thông qua vận động khiến cho Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ sửa đổi lại cách chú thích các tên đất liên quan đến một số bãi đảo của Trung Quốc theo hướng có lợi cho họ. Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã công khai tỏ thái độ về vấn đề Nam Hải hòng đục nước béo cò. Hải quân Mỹ và hải quân Việt Nam từ hình thức giao lưu trên tầu năm ngoái cho đến diễn tập quân sự hỗn hợp diễn ra như hiện nay, quan hệ giữa hai bên không ngừng được nâng cấp.
Đầu năm 2007, Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 4 khoá 10 Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu thông qua “Chiến lược biển đến năm 2020”, nâng cấp chiến lược kinh tế biển mà Việt Nam vẫn nhấn mạnh trước đây thành chiến lược biển toàn diện lâu dài trong đó lấy “biển làm cho đất nước giàu mạnh” là mục tiêu, “dựa vào biển để làm giàu” là hướng đi, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ “chủ quyền và lợi ích biển”. Cùng với việc thực thi chiến lược biển nói trên, Việt Nam tiếp tục áp dụng phương châm đối đầu trực diện với Trung Quốc, một bước không lùi để xử lý vấn đề tranh chấp Nam Hải, mở rộng mức độ xâm phạm lợi ích biển của Trung Quốc, đẩy mạnh chiếm đoạt nguồn dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc, khiến cho Trung Quốc và Việt Nam những năm gần đây luôn luôn bất đồng trong vấn đề Nam Hải, va chạm cũng liên tục xảy ra.
Vấn đề tranh chấp Nam Hải liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia của mỗi nước Trung Quốc và Việt Nam, nhưng không phải là toàn bộ nội dung trong quan hệ Trung-Việt. Hiện nay, Trung Quốc cần bảo vệ cơ hội chiến lược để phát triển. Việt Nam cũng cần bảo vệ “cơ hội vàng” để phát triển. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ hai bên trước tiên cần có thiện ý thiết thực và cơ sở tin cậy lẫn nhau vững chắc, sau đó là tìm kiếm phương thức và biện pháp thích hợp để hiệp thương giải quyết vấn đề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét