Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

‘Phút nói thật’ của du khách đến Việt Nam

Ngày Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết ‘Phút nói thật’ của du khách đến Việt Nam
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


‘Phút nói thật’ của du khách đến Việt Nam

Cục Thống kê Việt Nam cho biết sáu tháng đầu năm 2011, hơn 2,96 triệu khách quốc tế đến thăm Việt Nam, tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, du khách đến Việt Nam vẫn có nhiều nhận xét trái ngược nhau sau chuyến đi của họ.


Du khách nước ngoài nhập gia tùy tục cùng uống rượu
với người Việt Nam khi đi du lịch nước này (ABC)

Cảnh đẹp Việt Nam

Nhiều du khách cho hay một trong những điểm mạnh của Việt Nam là có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Họ cảm thấy ‘kinh ngạc’ trước cảnh đẹp hùng vỹ của những kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long, động thạch nhũ Phong Nha, Kẻ Bàng hoặc Chùa Hương… Ngoài ra, những bãi biển của Việt Nam cũng có thể nói là tuyệt đẹp so với nhiều nước, kể cả bãi biển nổi tiếng thế giới Gold Coast của Úc. Đây là những thế mạnh thực sự của Việt Nam, dù có một thực tế là Việt Nam chưa khai thác được mọi các ưu thế của mình.
Hầu hết du khách có thể dễ dàng bày tỏ sự thán phục của họ trước các cảnh quan của Việt Nam song khá nhiều người tỏ vẻ dè dặt hoặc cân nhắc khi nhận xét về những khía cạnh khác trong nền du lịch Việt Nam. Nếu so với du khách tới các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, số du khách tới Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng. Bên cạnh đó, lượng khách quay trở lại sau lần đầu thăm Việt Nam cũng rất thấp.

“Một đi không trở lại”?

Mặc dù Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, trong đó có những nơi được xếp vào hàng Di sản Thế giới, nhưng nhiều du khách vẫn không quay trở lại du lịch Việt Nam lần hai, lần ba.
Anh Trần Hoàng, hướng dẫn viên từng đưa rất nhiều du khách, phần đông là khách Nhật, tham quan Việt Nam: “Trong suốt gần 20 năm ‘lăn lộn’ với nghề cả ở trong lẫn ngoài nước, tôi cũng như đồng nghiệp ở các công ty du lịch khác ít khi gặp lại một người khách nào đến Việt Nam du lịch lần thứ nhì”.
Anh Hoàng là người vẫn đưa khách du lịch nước ngoài tham quan các thắng cảnh tại Việt Nam (in bound tour) hoặc đưa khách Việt Nam tới các thắng cảnh ở nước ngoài (out bound tour).
Khi so sánh những lần hướng dẫn du khách trong các chuyến ‘in bound’ với các chuyến ‘out bound’, anh Hoàng cho hay Việt Nam còn cần cải tiến rất nhiều về dịch vụ du lịch trong thời gian dài mới mong có thể theo kịp các ‘cường quốc du lịch’ khác trong vùng Châu Á.

Giá cả không rẻ

Những du khách từng nhiều lần đi du lịch các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Singapore cho biết sở dĩ họ đi du lịch ở Việt Nam là vì họ chưa từng tới Việt Nam nên họ đi ‘cho biết’. Tuy nhiên, họ chỉ mỉm cười ý nhị khi nghe hỏi liệu họ sẽ quay trở lại Việt Nam hay không.
Một trong những điều mà nhiều khách nước ngoài than phiền là số tiền họ bỏ ra ở Việt Nam không tương xứng với dịch vụ mà họ nhận được.
Cô Trần Phượng, hướng dẫn viên du lịch có 7 năm kinh nghiệm, cho hay giám đốc một công ty du lịch tại Tokyo (Nhật) mỗi năm trong số khoảng 17, 18 triệu người Nhật du lịch ở nước ngoài thì có 1 triệu người du lịch Thái Lan và chỉ có khoảng 300 ngàn người tới Việt Nam.
Nữ giám đốc công ty ở Nhật này khi đến Việt Nam du lịch cũng cho biết dịch vụ và giá cả là một trong những yếu tố hàng đầu khiến Việt Nam không phải là điểm đến du lịch hấp dẫn.

Khi người trông coi di tích “đang nhậu”

Trong khi các nước láng giềng của Việt Nam có cả một chiến lược được phối hợp đồng bộ để đẩy mạnh du lịch, ngành công nghiệp không khói, thì ở Việt Nam tất cả đều ở tư thế ‘mạnh ai nấy làm’.
Một số nơi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng việc trùng tu và bảo quản hết sức nhếch nhác và thiếu khoa học mà truyền thông Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng phản ánh, báo động với các cơ quan có trách nhiệm.
Nữ du khách Nhật cũng kể về trường hợp một lần cùng với một đoàn du khách khoảng hơn 10 người đến tỉnh Ninh Thuận thăm quần thể tháp Chàm.
Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều, cửa vào tháp bị khóa bên ngoài. Một số em bé đang chơi trước tháp bảo hướng dẫn viên người Việt nói mọi người chờ để các em đi gọi người giữ chìa khóa. Cả đoàn chờ khoảng gần nửa tiếng, sau đó một em bé khoảng 9, 10 tuổi mặc quần đùi ở trần mang một chùm chìa khóa đến.
Cả đoàn chờ thêm vài phút để em tra hết chìa này sang chìa khác để mở cửa tháp. Em cho biết ba em “đang nhậu” nên kêu em đi mở cửa giùm.
Theo lời anh Lê Phi, hướng dẫn viên cho nhóm khách du lịch nói tiếng Anh của một công ty du lịch có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện tượng du khách thường phải đối phó với cả một “sư đoàn người đeo bám” (lời một du khách Úc nói với anh), bao gồm từ người ăn xin tới người bán quà lưu niệm, tặng phẩm, xe ôm, lẫn người móc túi… ở nhiều địa phương Việt Nam vẫn luôn diễn ra.
Du khách cũng than phiền là các sản phẩm du lịch tại Việt Nam khá đơn điệu, không có nhiều mẫu mã đẹp và hàng chất lượng nói chung không cao.
Ngoài ra, vấn đề vệ sinh cũng là điều khiến du khách e dè. Sự thiếu về số lượng lẫn chất lượng các nhà vệ sinh công cộng ngay ở những địa phương có thắng cảnh nổi tiếng cũng là điều khiến nhiều du khách cảm thấy ngại trong những ngày đi du lịch ở Việt Nam.
Thiếu tour du lịch trọn gói
Anh Lê Phi cho hay có lẽ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Úc, không coi Việt Nam là điểm du lịch mạnh nên hầu như không có hãng du lịch nào tổ chức tour du lịch trọn gói (packaged tour) thường xuyên cho du khách thăm viếng Việt Nam.
Trong khi đó, theo hướng dẫn viên Trần Hoàng, ở những quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Indonesia, các tour du lịch trọn gói là điều rất thông thường. Rất nhiều du khách từ nhiều nơi như Mỹ, Pháp, Ý, Đức, Nhật, Hàn Quốc… tới những nước Đông Nam Á đã sử dụng hình thức dịch vụ này.
Người tham gia tour du lịch trọn gói sẽ đóng tiền cho hãng du lịch ở nước của họ và hãng sẽ lo toàn bộ cho khách từ lúc rời quốc gia gốc tới khi khách về tới nhà.
Để làm được điều này hãng du lịch ở quốc gia gốc sẽ liên kết rất chặt với hãng ở quốc gia đến để sắp xếp mọi sự. Trong suốt thời gian du lịch, khách hoàn toàn không phải lo lắng về các khoản như khách sạn, địa điểm và chương trình thăm viếng, di chuyển (dù bằng đường bộ, hàng không hay đường thủy)…

Chất lượng không đúng như quảng cáo

Qua sự trao đổi với các hướng dẫn viên khác, hướng dẫn viên Trần Hoàng cho hay thành phần du khách quốc tế đến Việt Nam khá đa dạng và nhu cầu, mục đích quan tâm tìm hiểu của họ cũng phong phú.
Rất nhiều người Pháp trước khi tới Việt Nam họ đã tìm hiểu tương đối khá kỹ và sâu sắc về những địa danh hoặc lịch sử của những nơi họ sắp đến.
Trong khi đó, các khách Mỹ, Úc, New Zealand (trừ các cựu chiến binh) thường là những người không hiểu nhiều về Việt Nam và tương đối … dễ tính. Có du khách đến Việt Nam mới khám phá ra rằng người Việt ăn cơm bằng… đũa. Có du khách nói với hướng dẫn viên người Việt rằng trước kia họ tưởng Việt Nam còn rất nguy hiểm vì bom mìn do chiến tranh để lại còn rất nhiều và rải rác khắp nơi.
Người Nhật nằm trong số những du khách đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về vấn đề dịch vụ khi đến Việt Nam. Do đó, trong khi khách đến từ các nước khác có thể châm chước về chất lượng dịch vụ thì người Nhật sẽ tỏ vẻ không hài lòng nếu dịch vụ không đúng như yêu cầu đã quảng cáo.
Nhiều người Nhật tỏ vẻ ngạc nhiên khi được đưa vào các khách sạn ở Việt Nam được quảng cáo vào loại 3, 4 sao nhưng theo đánh giá của họ thì dịch vụ trong những khách sạn này không thể tương xứng 3, 4 sao ở nước họ.

Cần lắng nghe tiếng nói từ du khách

Cô Nguyễn Hương, hướng dẫn viên có hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết có lần sau khi cô hướng dẫn cho một đoàn khách tham quan hơn 2 tuần lễ tại Việt Nam, một nữ du khách người Úc đã ngỏ lời cám ơn và cho biết bà rất cảm kích về về sự tận tụy và giúp đỡ của cô đối với đoàn nói chung và với bà nói riêng trong thời gian đoàn du lịch ở Việt Nam.
Nữ du khách Úc cho cô biết cảm tưởng của bà về cảnh đẹp Việt Nam “tuyệt vời” và “hơn hẳn nhiều nước như Singapore”.
Tuy vậy, bà cũng so sánh rằng với số tiền trọn gói phải chi cho chuyến du lịch Việt Nam thì nếu “tôi đi nghỉ mát ở Thái Lan, Malaysia hoặc Indonesia sẽ sướng hơn nhiều”.
Cô Hương cho hay nhiều hướng dẫn viên người Việt thường nghe những “phút nói thật” như kể trên.
Cô mong rằng các cơ quan có trách nhiệm quảng bá và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam cần lắng nghe quan tâm nhiều hơn nữa những ‘phút nói thật’ của du khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo bayvut

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét