Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Trang mạng VOA đưa tin về "Cơm có thịt"

Ngày Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Trang mạng VOA đưa tin về "Cơm có thịt"
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Trang mạng VOA đưa tin về "Cơm có thịt"


Những trẻ em này sống tại những xã đặc biệt khó khăn, thường phải tự túc bữa ăn trưa tại 
trường rất kham khổ, không có bếp nấu, và thậm chí không có cả cặp lồng đựng cơm.

Một bữa cơm có thịt tưởng chừng như là một điều rất bình thường và đơn giản với nhiều người, nhưng lại là một ước mơ chung của rất nhiều gia đình có con em đang ở độ tuổi đi học mẫu giáo, tiểu học, ở các xã vùng cao biên giới và thuộc diện đặc biệt khó khăn ở Việt Nam.

Trao đổi với VOA Việt Ngữ qua email, bạn Hải Yến, là đại sứ chương trình Cơm có thịt tại Mỹ ở Boston, Massachusetts đã chia sẻ:

“Sau một chuyến đi Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) của tiến sỹ Trần Đăng Tuấn, ông đã chứng kiến bữa ăn nội trú đạm bạc của hơn một trăm học sinh nội trú tiểu học, trung học cơ sở tại đây, ông Tuấn đã dự định lập một kế hoạch nhỏ cùng bạn bè để các em học sinh này được ăn một hai miếng thịt mỗi bữa.”
Cơm Có Thịt tại Mỹ


Tuy nhiên, nhờ vào sự ủng hộ của nhiều người qua một trang blog, kế hoạch nhỏ ấy đã phát triển thành một quỹ từ thiện mang tên “Cơm Có Thịt.”

Khác với nhiều chương trình từ thiện gây quỹ gửi tiền cứu trợ, ủng hộ đồ dùng học tập, sách vở, quần áo, chương trình Cơm Có Thịt hoạt động chỉ có mục đích chính là giúp đỡ các trẻ em vùng cao ở độ tuổi 3,4 có một bữa ăn có thịt. Những trẻ em này sống tại những xã đặc biệt khó khăn, thường phải tự túc bữa ăn trưa tại trường rất kham khổ, không có bếp nấu, và thậm chí không có cả cặp lồng đựng cơm.

Cơm Có Thịt giúp đỡ các trẻ em vùng cao ở độ tuổi 3,4 có một bữa ăn có thịt.
​​Trên vùng đất cao hẻo lánh, ít có điều kiện để dễ dàng mua được nhiều vật dụng mà những người sống ở thành thị có thể mua bất cứ lúc nào, vì vậy không chỉ gây quỹ, ban tổ chức Cơm Có Thịt còn tổ chức nấu cơm chung tại trường. Các bạn trực tiếp chuyển nồi xoong, bát đĩa, bàn ghế tới các trường, và đều đặn gửi cho mỗi cháu 120.000 đồng/tháng để mua thức ăn. Gia đình góp gạo củi, nhà trường và phụ huynh tổ chức nấu.

Mặc dù Cơm Có Thịt tại Việt Nam đã ra đời được hơn một năm và lan rộng ra nhiều các quốc gia như Australia, Phần Lan, Thụy Điển, Cơm Có Thịt tại Mỹ chỉ vừa mới xuất hiện và hoạt động được hơn một tháng. Thông tin về chiến dịch Cơm Có Thịt tại Mỹ được lan nhanh nhờ công cụ hỗ trợ là mạng lưới internet và trang mạng xã hội Facebook. Bạn Yến cho biết:

“Chương trình được khởi động chính thức trên mạng xã hội Facebook, nên tiêu chí của chúng tôi là làm sao để mọi người không chỉ biết đến Cơm Có Thịt mà sẽ ủng hộ Cơm Có Thịt, để chứng minh được rằng Cơm Có Thịt chạm vào lòng người bằng hoạt động thiết thực chứ không phải chỉ là làn sóng trên Facebook.”

Trong quá trình thực hiện chương trình, một thành viên tình nguyện của chương trình ở Thụy Điển có kể lại một câu chuyện đáng nhớ về một em bé người Mông:

“Chiều ấy mình tới lớp mẫu giáo của một bé khi mặt trời sắp lặn. Bé người Mông, mặc váy, quấn khăn dù trời đã nóng. Bé quay nhìn mình… Mình trông thấy một cái nhọt rất to trên trán sưng tím tái, đã có dấu hiệu mưng mủ vì nhiễm trùng. Một bên mắt vẫn còn thâm đen. Mình hỏi, con có đau không? Mới đầu Bé im lặng vì không hiểu tiếng Kinh và đôi mắt nhìn như dè chừng. Nghe cô giáo nói chuyện, giải thích với mình một lát, có được cảm giác yên tâm với người lạ nên Bé hết sợ. Thấy mình chụp ảnh, cười thân thiện Bé cũng bắt đầu cười như muốn đáp lễ. Cô giáo nhắc lại câu hỏi thật chậm rãi, khuyến khích nên Bé lắc đầu, còn tủm tỉm cười… Cô giáo bảo vừa ngã hôm qua đấy. Hỏi thế nào vẫn lắc đầu nói không đau…

Mình ngồi nhìn bé đến 10 phút, mặc cho mọi người giục đi tiếp vì sợ trời tối mà chặng đường còn dài… Chỉ vài lần mới có cảm giác bất lực đè nén mình như vậy. Không một cái gì có trong tay có thể giúp Bé đỡ đau và an ủi Bé. Bé ngã vì phải tự mình lần mò từ ngôi nhà cheo leo trên đỉnh núi đến lớp học ở lưng chừng núi. Mặt đập vào đá nhọn. Sưng đau thế mà hôm nay Bé vẫn lần mò theo lối nhỏ từ đỉnh núi đến lớp mẫu giáo học. Bữa cơm có thịt đã quyến rũ tính ham học của Bé và bạn bè trong lớp. Tất cả nơi mình đến các cô giáo đều bảo số học sinh tăng lên đáng kể, có lớp đã vượt chỉ tiêu qui định. Lần đầu tiên làm nghề dạy học, các cô giáo đã nhận được lời cám ơn từ cha mẹ học trò vì bữa cơm no bụng và ngon miệng. Cha mẹ còn dặn là đừng nấu ngon quá, đừng cho mì chính vì về nhà các bé chê cơm cha mẹ không biết nấu, không nấu ngon bằng cô giáo. Các cô mẫu giáo không phải đi từng nhà “xin” học sinh nữa. Trò và cô tự tìm đến nhau quây quần vui lắm…”


Bạn Yến chia sẻ thêm rằng: “Chuyện đi làm từ thiện là vậy, chỉ cần bạn nghĩ tới nó, hãy theo đuổi nó, vì trên đường đi, bạn sẽ gặp rất nhiều bạn đồng hành cùng bạn, và ở cuối con đường là ánh mắt các em nhỏ đang háo hức chờ bạn mang đến những bữa Cơm Có Thịt.”

Các bạn đại sứ, tình nguyện viên của chương trình Cơm Có Thịt.
​​Có thể thấy, thuận lợi của chiến dịch này chính là lòng nhiệt thành luôn sôi sục bên trong các bạn tình nguyện viên, những người chủ yếu là sinh viên du học tại các nước đang thực hiện chiến dịch. Bạn Yến nói rằng, có nhiều bạn đã biết về chương trình Cơm Có Thịt nhưng chưa có cầu nối tham gia. Có những bạn đã tham gia nhiều các hoạt động xã hội ở trường học, cộng đồng, nên khi đến với Cơm Có Thịt tại Mỹ, các bạn như được khơi bùng thêm ngọn lửa. Đặc biệt, những chuyến đi tới các trường của Cơm Có Thịt ngày càng đông bạn bè tham gia hơn, nhưng ai cũng tự lo cho chuyến đi của mình để đảm bảo nguồn quyên góp từ các nhà hảo tâm đến đúng những người đang thực sự cần tới nó.

Nhờ vào nhiệt huyết ấy, mà cho tới nay, chương trình Cơm Có Thịt đã gây quỹ được trên 5 tỉ đồng, tương đương 250.000 USD tiền đóng góp để hỗ trợ bữa ăn cho tổng cộng 187 điểm trường, thuộc 28 trường ở 26 xã thuộc khu vực Tây Bắc với hơn 5000 học sinh. Bạn Yến cho biết, để duy trì quy mô này, mỗi tháng các bạn cần trên 600 triệu đồng, tương đương 30.000 USD. Đây cũng chính là những khó khăn mà các bạn đang gặp phải khi mà chiến dịch gây quỹ này được hoạt động hoàn toàn độc lập và người quyên góp phần lớn là cá nhân, một số tổ chức và doanh nghiệp trong nước, phải làm sao để duy trì được sự đóng góp từ các nhà hảo tâm một cách đều đặn.

Bất chấp khó khăn duy trì nguồn quỹ, cộng thêm những vất vả trên đường giao nguồn quyên góp tới từng trường, các bạn trong chương trình Cơm Có Thịt không ngần ngại thể hiện mong muốn sau cuộc vận động đầu tiên tại Mỹ từ ngày 10/10/2012 đến 5/11/2012, chương trình có thể có đủ khả năng đỡ đầu một điểm trường, giống như cuộc vận động ở Úc đã đỡ đầu điểm trường ở Nậm Mạnh, Nậm Hàng, Mường Tè, Lai Châu. Bạn Yến nói rằng, đây sẽ là nguồn động lực lớn để các bạn tiếp tục thực hiện chương trình và có thể tiếp tục “thổi lửa” nấu cơm cho thêm nhiều em, nhiều em nữa khi mà chương trình được lan rộng ở thêm nhiều nước, bao gồm Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore.

Đây không chỉ là một chương trình giúp đỡ các em nhỏ khó khăn, mà còn khơi dậy tình thương yêu và sự chia sẻ ở mỗi người con Việt Nam chúng ta...
Khi được hỏi, điều mà các bạn trong chương trình muốn chia sẻ nhất là gì, bạn Yến đã nói:

“Có rất nhiều điều chúng tôi muốn chia sẻ với những người đã, đang, và sẽ cùng đồng hành với Cơm Có Thịt tại Mỹ rằng, đây không chỉ là một chương trình giúp đỡ các em nhỏ khó khăn, mà nó còn khơi dậy tình thương yêu và sự chia sẻ ở mỗi người con Việt Nam chúng ta. Những việc làm nhỏ bé này đã làm nên ý nghĩa và sức mạnh gắn kết mà chúng tôi tự hào và thật may mắn được là một phần của CƠM CÓ THỊT.”

Đính chính: số tiền gây quỹ 5 tỉ đồng là con số của cả đợt vận động Cơm Có Thịt nói chung, không phải của đợt vận động tại Mỹ nói riêng như đã đăng tải. Xin chân thành xin lỗi quý thính/độc giả vì sự sai sót này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét