Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Lúc cận kề cái chết ta nghĩ gì ?

Ngày Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Lúc cận kề cái chết ta nghĩ gì ?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Khoa học thần kinh gắng sức giải thích những trải nghiệm lúc cận kề cái chết
Những trải nghiệm lúc cận kề cái chết (NDEs) đã được báo cáo bởi những người sắp qua đời – hoặc nghĩ là mình đã chết – và hồi sinh.
Mặc dù không phải tất cả những trải nghiệm đều như nhau, chúng có một số dấu hiệu đặc trưng: nhìn thấy một đường hầm ánh sáng; nhìn thấy những người thân yêu đã qua đời; cảm thấy hạnh phúc hoặc bay bổng; có một trạng thái nhận thức cao; cảm nhận một tình thương lớn; hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời, thường là trong một khoảng thời gian rất ngắn; và cảm thấy như linh hồn rời khỏi thể xác. NDEs cũng có khuynh hướng cải biến cuộc đời của những người đã trải nghiệm chúng – làm cho họ cố gắng trở thành người tốt hơn.

Những trải nghiệm phong phú và thú vị này đã đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có linh hồn hay không, hay là ý thức của chúng ta chỉ là sản phẩm của bộ não. Cùng với sự tiến bộ của khoa học về não bộ, ngày càng có nhiều khẳng định rằng NDEs có thể được giải thích đơn thuần bằng khoa học thần kinh, do đó tránh bất cứ sự giải thích nào dựa vào linh hồn.

Giải thích về NDEs

Nhưng những giải thích dựa trên khoa học thần kinh này chính xác đến đâu?

Một thông tin rất quan trọng là khoảng một nửa những NDEs xuất hiện khi những cá nhân này nghĩ rằng họ chuẩn bị lìa đời, nhưng không thật sự là cận kề cái chết y học. Chẳng hạn như, nếu một người rơi khỏi nhà cao tầng, và nghĩ rằng họ đang chết, nhưng chỉ chịu những chấn thương nhẹ. Nghĩa là nếu chúng ta quan sát não bộ để giải thích tất cả những yếu tố khác nhau của NDEs, chúng ta cần một sự giải thích bao gồm cả những trường hợp một người thật sự đang chết đi và trường hợp những người không thực sự nguy hiểm đến tính mạng, cùng với tình trạng sức khỏe của người đó.

Một giải thích thông thường được đề xuất bởi một số khoa học gia là: khi não bộ thiếu Oxy, bạn có thể phát hiện ra nhiều trạng thái phản ứng, đặc biệt là cảm giác có ánh sáng ở vùng trung tâm của thị giác. Dạng trải nghiệm này có thể được kết luận là do thiếu Oxy, nhưng vấn đề ở đây là, không phải tất cả những NDEs đều có hiện tượng anoxia (sự thiếu Oxy), nhưng nhiều trường hợp vẫn có cảm giác một đường hầm ánh sáng.

Hơn nữa, khi bộ não hết Oxy, nó bắt đầu kích thích rất nhanh một cách lộn xộn – nó không còn hoạt động như bình thường. Từ kiến thức của chúng ta về não bộ, sẽ không có một trải nghiệm tuần tự khi đang trong một trạng thái như vậy, nhưng sự lộn xộn có lẽ là tương tự với trường hợp một người bị lên cơn hay bị bệnh tâm thần – những thí dụ khác về việc não bộ hoạt động không bình thường.

Nhưng những gì chúng ta thấy là những trải nghiệm sống động, tuần tự và biến ảo – những người này nói rằng cảm giác NDEs của họ “thực tại hơn cả trong thực tế,” họ cảm thấy tự do, họ hiểu về vũ trụ một cách sâu sắc hơn, và cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc hơn thế. Điều này xuất hiện cả khi não bộ không bị nguy hiểm tức thời, lẫn khi nó chịu sự thúc ép dữ dội bởi tình trạng bị đe dọa mạng sống.

Sức mạnh tinh thần

Điều thú vị là, trong não bộ lúc sắp qua đời có tỷ lệ hưng phấn cao hơn – ý thức cảm thấy được giải thoát và có thể giải quyết nhiều ý nghĩ hơn lúc bình thường. Sự hưng phấn tinh thần trong tình trạng bộ não túng quẫn như thế không hề phù hợp với hiểu biết của chúng ta về sự hoạt động của não bộ.

Một giải thích dựa trên não bộ khác là: trải nghiệm rời khỏi thể xác (OBE) của NDEs là do sự ngừng hoạt động tại điểm nối thùy đỉnh và thùy thái dương (temporal-parietal junction), một khu vực trong não bộ được cho là tạo nên khái niệm về cơ thể con người.

Bằng chứng cho thấy khu vực này chịu trách nhiệm về cảm giác rời khỏi thân thể và quan sát những địa phương lân cận – thỉnh thoảng là những khu vực và những căn phòng kế bên – thật ngạc nhiên là rất thiếu thuyết phục. Nghiên cứu được đề cập đến nhiều nhất, bởi Blanke và các cộng sự, dựa trên một bệnh nhân, và những giải thích của bệnh nhân cho thấy dẫu rằng cô ấy cảm thấy cô không ở trong thân thể, cô chỉ thấy chân và thân của mình – những bộ phận mà bao giờ cô cũng có thể thấy.

Nghiên cứu này chỉ minh chứng được rằng những kích thích điện tử trong khu vực này của não bộ có thể làm cho người ta cảm thấy họ không ở trong thân thể của mình, nhưng không thể tạo ra bất kỳ nhận thức nào khác trong một OBE, chẳng hạn như nhìn thấy được toàn bộ thân thể của mình, bềnh bồng trong căn phòng, nhìn thấy khung cảnh xung quanh. Tóm lại, nó không thể suy luận được bất kỳ điều gì gần giống với những yếu tố rời-khỏi-thân-thể trong một NDE.

Hồi tưởng lại cuộc đời

Những giải thích về sự hồi tưởng – hiện tượng cuộc đời một cá nhân được hồi chiếu lại, thỉnh thoảng rất chi tiết, và họ cảm thấy hối hận về những hành động ích kỷ và hài lòng với những hành động “tốt” – cũng ngây ngô.

Một giải thích, trong một bài báo trên Scientific American bởi Charles Choi, cho rằng khu vực trên đại não tạo nên sự hồi tưởng là locus coeruleus, một khu vực có liên quan đến chứng stress và được liên kết với những khu vực xử lý cảm xúc và ghi nhớ. Tuy nhiên, tại sao khu vực này lại gợi lên toàn bộ những ký ức đáng nhớ trong cuộc đời một con người trong khi chết đi – hay khi nghĩ rằng mình sắp chết – và không đưa ra những ký ức nào trong khi bị stress nặng nề? Và làm thế nào để giải thích sự sáng suốt về đạo đức thường xuất hiện cùng với hiện tượng này trong một NDE?

Một bài báo khác, viết bởi Mobbs và Watt, trên Trends in Cognitive Sciences, cố giải thích về sự hồi tưởng bằng cách dẫn chứng một bệnh nhân gặp phải REM (một trạng thái đặc thù trong khi mơ ngủ) trong một NDE. Họ kết luận rằng sự hồi tưởng có thể liên quan đến REM bởi vì nó xuất hiện trong NDE và cũng có liên quan đến sự củng cố trí nhớ.

Một thiếu sót nghiêm trọng của lý luận này là REM chỉ xuất hiện cùng với sự củng cố hoạt động của trí nhớ – như học một kỹ năng mới chẳng hạn như học đi xe đạp – và không liên quan đến trí nhớ hồi ức trong quãng đời của một người, giống như trong sự hồi tưởng.

Một vấn đề trọng yếu khác trong lối giải thích này là, giống như ví dụ về rời khỏi thân thể, nó chỉ dựa vào một bệnh nhân. Dựa vào chỉ một trường hợp rồi tổng quát hóa hiện tượng là một phương pháp khoa học kém, bởi vì bạn không thể biết được nó có phải là trường hợp cá biệt hay không.

Mobbs và Watt cũng cố gắng giải thích sự xuất hiện cảm giác yêu thương trước lúc qua đời, với ví dụ rằng những người mắc chứng Parkinson nghiêm trọng thỉnh thoảng sẽ có ảo giác xác chết không đầu, yêu quái, và ma quỷ, cũng như những thân nhân đã qua đời. Những người mắc chứng Parkinson gặp vấn đề trong những khu vực của não bộ sản xuất ra neurotransmitter dopamine, và các tác giả cho rằng những ảo giác này là do sự mất cân bằng dopamine.

Vấn đề trong giải thích này là hầu như tất cả các trường hợp NDE đều cho thấy những trải nghiệm tích cực, và những cảm giác yêu thương và hạnh phúc – chứ không phải là những xác chết không đầu. Trong khi có những trường hợp người ta rõ ràng trải nghiệm được địa ngục và quỷ dữ, phần lớn các trường hợp đều không phải như thế.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là trong những trường hợp bị mắc chứng Parkinson, có sự nhận biết rằng chúng là những ảo giác, trong khi cảm giác trong NDEs thì như thực. Điều này ít nhất cho thấy là nó xuất phát từ một đường dây thần kinh khác.

Một giải thích đúng từ khoa học thần kinh không những cần phải xem xét từng hiện tượng cụ thể, mà còn phải kết hợp được những dữ kiện này và giải thích được làm thế nào mà chúng lại xuất hiện cùng lúc.

Chuyện phiếm?

Một giải thích nữa là NDE chỉ là chuyện phiếm (confabulation) – những trải nghiệm này được bày đặt ra bởi ý thức nhằm giải thích về khoảng trống trong ý thức. Điều này được đưa ra bởi nhà sinh vật học P.Z. Myers, người nổi tiếng hoài nghi.

Myers cho rằng khi người ta hồi sinh từ chết lâm sàng và thuật lại câu chuyện, không có nghĩa rằng họ có nhận thức trong khi chết lâm sàng, có thể chỉ là cách thức của não bộ miêu tả về khoảng thời gian bị mất. Thực ra, ông khẳng định rằng đây là “sự hiểu biết mặc định trong khoa học thần kinh về cách thức hoạt động của bộ não,” trong một bài báo đăng trên Slate.

Giải thích này vấp phải những vấn đề tương tự như những giải thích khác của khoa học thần kinh: khoảng một nửa số NDEs không xuất hiện trong những tình huống thật sự nguy hiểm đến tính mạng, nghĩa là những người này không hề mất ý thức, và vì thế không có khoảng trống nào cả.

Một vấn đề khác là thoạt tiên sự bày đặt có vẻ rất hợp lý, nhưng trong tài liệu khoa học, sự bày đặt về những sự kiện không tưởng và phi thường – giống như NDE – chỉ gặp ở những người có những vấn đề nghiêm trọng về trí nhớ.

Những người gặp phải một dạng chấn thương não nào đó và có vấn đề cả về việc tiếp thu thông tin mới và ghi nhớ thông tin cũ thỉnh thoảng sẽ bày đặt ra những câu chuyện để giải thích các sự kiện. Những câu chuyện này đôi khi không tưởng, chẳng hạn như trở thành một không gian tặc, nhưng có rất ít điểm tương đồng với những trải nghiệm dạng NDE.

Giải thích này cũng có những điểm yếu. Một là, kiểu chuyện phiếm này biến mất theo thời gian. Hai là, những câu chuyện thường biến đổi. Và thứ ba là, chúng không có giá trị miêu tả nào, trong khi điều đó là một dấu hiệu của NDEs – nghĩa là, người ta cố giải thích những điều mà họ đã trải qua, nhưng nhận thấy rằng từ ngữ không thể diễn tả được trải nghiệm của họ.

Vì thế chuyện phiếm là một sự giải thích không có giá trị – thoạt tiên nó có vẻ đúng, nhưng không hề phù hợp với những điều được biết về chuyện phiếm, và hoàn toàn thất bại trong việc lý giải một nửa số NDEs.

Cố gắng giải thích những hiện tượng này qua những cơ chế đã biết là một điều quan trọng, bởi vì chúng ta không muốn tin vào những điều sai, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận những điểm yếu cũng như khi một luận điểm là hoàn toàn sai lầm.

Chú thích:
NDE= Near Death Experience (Trải nghiệm cận tử)

http://vietdaikynguyen.com/v3/tech-science/khoa-hoc-kinh-gang-suc-giai-thich-nhung-trai-nghiem-luc-can-ke-cai-chet/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét