Ngày Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Nhiều phụ huynh mừng nếu bỏ luyện chữ cho trẻ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Có con trai học lớp 3, từng bị cô giáo dọa cho lưu ban vì chữ xấu nhất lớp, ngày nào chị Hải Anh cũng kèm con luyện chữ một giờ. Đọc tin về đề xuất bỏ luyện chữ đẹp, chị nhủ thầm "giá áp dụng thì tốt biết bao".
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh chỉ giúp trẻ hoàn chỉnh một kỹ năng nhưng lại rất tốn thời gian, vì vậy cần bỏ nội dung này và bổ sung vào chương trình học những phần bổ ích khác. Khi đề xuất này được đưa ra, không ít phụ huynh bày tỏ ý kiến ủng hộ và hy vọng việc này sớm được áp dụng.
Từng chịu áp lực và vô cùng mệt mỏi vì con viết xấu, chị Hải Anh (Từ Liêm, Hà Nội), phụ huynh một học sinh lớp 3 cho rằng, việc luyện chữ khiến con trai chị không còn thời gian để học và trải nghiệm những điều khác. Từ lúc cháu học lớp 1, chị đã thường xuyên nghe cô giáo phàn nàn vì con viết quá tệ. Ngoài việc nhờ cô rèn thêm ở lớp, hằng ngày chị cũng phải kèm con tập viết. Khi viết chậm, chữ cu cậu không đến nỗi, nhưng vở ở trên lớp thì nghệch ngoạc.
"Đến giờ, kể cả toán lẫn các môn khác, con làm bài toàn bị trừ điểm vì chữ xấu. Cũng vì lý do này cháu ngày càng chán đi học. Thấy con khổ sở nhăn nhó khi luyện viết, mình cũng thương, nhưng không thể không bắt cháu luyện, phần vì cô nhắc nhở quá nhiều, phần vì lo con thiệt thòi vì bị trừ điểm", chị Anh cho biết.
Chị rất mong đề xuất bỏ luyện chữ mau chóng được áp dụng trong trường tiểu học, để giảm áp lực cho trẻ, và cả phụ huynh, đồng thời giúp học sinh có thêm nhiều thời gian học các môn bồi dưỡng kỹ năng khác hữu ích hơn cho cuộc sống.
Nhiều trẻ phải đi luyện chữ từ lúc chưa bước chân vào tiểu học. Ảnh minh họa: MT.
|
Có hai con học tiểu học, một bé lớp 4, một bé lớp 1 - đều từng được nhà trường đưa vào đội luyện chữ đẹp để đi thi, nhưng anh Thành (Hà Đông, Hà Nội) không hề thấy tự hào. Theo anh, việc này chỉ làm mất thời gian của các con, khiến các cháu vất vả hơn, và còn kèm nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực. Anh từng xin giáo viên cho con ra khỏi đội tuyển thi luyện chữ, nhưng không được đồng ý.
"Tôi nghĩ, chữ đẹp chỉ phù hợp với thời trước, khi chưa có Internet và máy tính, đồng thời học sinh chỉ phải học rất ít thứ thôi. Còn ngày nay, bọn trẻ bị nhồi nhét rất nhiều thứ, và luyện chữ càng thêm gánh nặng cho các con. Như tôi, trước đây cũng được nhiều thầy cô, bạn mến vì chữ đẹp, nhưng giờ cả năm có mấy việc cần tới viết lách?", anh Thành bày tỏ.
Anh kể, một cháu gái gọi anh bằng cậu, hồi cấp 1 viết đẹp, còn đạt giải cấp thành phố, nhưng sang cấp 2 chữ lại xấu đi, xem vở chữ nọ dính với chữ kia không ai luận ra gì, vì viết vội cho kịp cô đọc. Theo anh, thay vì rèn trẻ viết chữ đẹp nên dạy các em cách trình bày khoa học sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.
Cùng quan điểm này, chị Ngọc Trâm (Thành Công, Hà Nội) cho rằng, luyện viết đúng, viết rõ ràng là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải rèn chữ trẻ từ lớp một, thậm chí là mẫu giáo. "Ở khu tập thể tôi ở, nhiều gia đình con 5 tuổi đã đưa đến lớp luyện chữ. Có bé mới lớp 1 đã tập viết tới chai đầu ngón tay. Điều đó chỉ khiến các em chưa hoặc vừa đến trường đã sợ học, không đem lại điều gì hay. Thời gian đó để trẻ vui chơi và học từ việc chơi là hơn", chị Trâm thổ lộ.
Có con trai đang học tiểu học, chị Trâm cho biết, bản thân chị thấy con viết bình thường, không tới nỗi nào, nhưng cô giáo thường xuyên phê bình cháu viết không đẹp, yêu cầu mẹ cần rèn con ở nhà hoặc đưa cháu đi luyện chữ. "Mình không coi trọng việc này nên cũng không bắt con dành quá nhiều thời gian để nắn chữ. Thực tế, nên dạy con cách tư duy tốt hơn là chăm chăm viết sao cho đẹp. Có nhiều thứ cần trang bị cho học sinh buổi mới vào trường, ngoài chữ viết và con số", bà mẹ 34 tuổi nêu ý kiến.
Bên cạnh những phụ huynh ủng hộ việc bỏ luyện chữ đẹp cho trẻ tiểu học, một số người vẫn cho rằng, nét chữ là nết người, việc rèn chữ mang lại nhiều lợi ích, không nên bỏ. Có con trai mùa thu này mới vào lớp 1 nhưng vợ chồng anh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) rất quan tâm tới việc rèn chữ cho con. Tối nào cô nhóc gần 6 tuổi cũng được bố mẹ hướng dẫn ngồi vào bàn tô chữ, tô số, viết chữ theo mẫu.
Anh Đức cho rằng, việc luyện chữ đẹp giúp rèn cho trẻ tính kiên nhẫn, cẩn thận - một tố chất không thể thiếu của người muốn thành công trên đường đời, vì thế, nếu có mất nhiều thời gian cũng xứng đáng. "Vấn đề tạo sức ép hay không đến con là do thầy cô, bố mẹ, chứ không phải việc luyện chữ. Đừng quá đặt nặng việc thi thố chữ đẹp hay so sánh trẻ này với trẻ kia, thì chẳng có gì là áp lực. Hơn nữa, cách dạy mới khiến trẻ chán hay thích viết, chứ không phải vì chữ nghĩa", anh Đức bộc bạch.
Ông bố 32 tuổi cho biết, anh không kỳ vọng con viết đẹp nhất lớp hay được đi thi chỗ này chỗ kia, mà chỉ muốn cháu có ý thức làm việc gì được việc nấy, viết chữ phải ra chữ, chứ không phải nghệch ngoạc không ai luận nổi. "Giờ tôi cho con viết mỗi tối cũng không phải để rèn chữ, mà muốn cháu quen với việc ngồi tập trung một chỗ trong khoảng thời gian nhất định, để sau này dễ thích nghi khi vào hợp lớp 1", anh Đức nói.
Trong một bài viết gửi VnExpress.net năm 2013, nhà giáo Montessori Lê Mai Hương cho rằng, mục đích của giáo dục là giúp trẻ thích nghi với cuộc sống và môi trường. Và công nghệ đã giúp một em bé chưa biết đọc biết viết tiếp cận với kiến thức mình cần. "Đưa cho em bé 3 tuổi một cái ipad em bé cũng biết cách chơi trò chơi, cách nghe các bài hát, học tiếng Anh, xem phim hoạt hình trong youtube. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa những điều không tưởng như bạn nói, máy tính thực hiện lệnh, sẽ xảy ra, trẻ đâu có cần phải đánh máy chứ đừng nói đến việc phải viết chữ đẹp", nhà giáo bày tỏ.
Theo bà Hương, những em bé đang học lớp một bây giờ sẽ tham gia thị trường lao động trong 15 năm sau. Tương lai 15 năm sau các em sẽ phải cạnh tranh với công dân trên toàn thế giới để có việc làm trên chính đất nước mình, các kỹ năng sống và làm việc toàn cầu mới là những điều cần trang bị cho trẻ.
Tác giả dẫn chứng, nếu nhìn từ góc độ vệ sinh, không có lý do gì để bắt trẻ mặc một bộ quần áo đẹp để rồi sợ bẩn không dám chơi đùa với các bạn, không được là chính mình, là một đứa trẻ có tuổi thơ. Việc chấm vở sạch, chữ đẹp cũng vậy, nhà trường có sắp thời gian biểu cho giờ rửa tay sau giờ ra chơi hay có đủ chỗ trong nhà vệ sinh cho trẻ rửa ráy không? Nếu bản thân trẻ không sạch làm sao sách vở sạch.
"Tệ nhất là việc trẻ bị đánh giá mỗi khi chấm điểm vở sạch chữ đẹp. Làm sao bạn khuyến khích trẻ khi ngày ngày bạn truyền đi một thông điệp 'Chữ xấu thế này chắc mai sau chẳng làm nên trò trống gì'. Ngôn ngữ viết chỉ là công cụ để học và lưu giữ kiến thức của nhân loại, không phải là mục đích chính khi đi học, càng không phải là thước đo nhân cách", nhà giáo bộc bạch.