Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Vườn và Trái cây Miền Nam

Ngày Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Vườn và Trái cây Miền Nam
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Vườn và Trái cây Miền Nam
BÀNG BÁ LÂN: Những năm đất nước còn thanh bình, đồng ruộng không bị bỏ hoang, miền Nam được coi là vựa lúa của nước ta. Nhưng miền Nam không chỉ có ruộng tốt phì nhiêu, mà còn có vườn tược sum sê nữa. Vườn tược đã chứng tỏ sự màu mỡ của đất đai và đóng góp một phần đáng kể vào sự phồn thịnh của xứ sở.
Không kể miền Trung là xứ nghèo, ở những làng quê miền Bắc tuy mỗi nhà thường cũng cũng có vườn, nhưng là mảnh vườn nhỏ bé, khiêm tốn chỉ đủ trồng vài ba cây ăn trái lớn, còn toàn là loại cây nhỏ như na, ổi, chuối, chanh... và ít cây thuộc loại rau cỏ.

Vườn tược miền Nam, trái lại, khoảng khoát hơn nhiều. Cả một xóm làng nằm trong vườn tược. Xóm nọ giáp xóm với làng kia, vườn nhà này sát liền vườn nhà khác. Xa trông như một rừng cây bát ngát xanh tươi. Mà toàn là cây ăn trái.

Bây giờ, xin mời bạn đọc cùng chúng tôi đi thăm từng loại vườn cây, từ loại cây tầm thường đến những loại cây đặc biệt. Trước hết là chuối. Chuối thì đâu cũng có. Nhưng muốn thưởng thức đủ mọi thứ chuối và ngắm cảnh vườn chuối bao la thì phải đi về miền Tây. Và không cần đi xa, ta dừng lại ở Mỹ Tho là đủ. Ở đây, chuối nhiều vô kể. Vài chục năm trước đây, chúng tôi đã được mắt thấy cả ngàn buồng chuối đủ loại được chủ vườn hái xuống, khuân ra để sẵn bên lề đường từ chiều hôm trước, đợi sáng sớm hôm sau xe vận tải chuyên chở về Saigon cho khỏi mất thì giờ chờ đợi.

Hỏi: "Không sợ mất ư?" thì được trả lời: "Nhiều quá mà! Ai cũng ăn chán ngấy, hết còn ham".
Mà nhiều quá thiệt! Bán không kịp, không hết, người ta phải lột vỏ đem phơi làm kẹo chuối.

Ta sản xuất nhiều, ta ăn chán, ta "hết còn ham". Nhưng người ngoại quốc thì ham lắm. Còn nhớ hồi đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương, lệnh Nhật ra chợ chỉ lùng mua chuối. Và tại các nước Tây phương (chẳng hạn như nước Pháp), muốn ăn chuối có khi phải "com-măng", và chuối được bán tại các cửa hàng thực phẩm một cách trịnh trọng mắc giá còn hơn là ở chợ Bến Thành người ta bán táo, lê, nho ngoại quốc. Từ Saigon đi về miền


Tây, trước khi tới Mỹ Tho, xe đò dừng lại một lúc ở ngã ba Trung Lương. Ở đây, thứ trái cây được bán nhiều nhất là mận. Mận Trung Lương ngon có tiếng, vì vừa lớn trái, vừa ngọt, vừa dòn. Nhìn sang hai bên đường thật là sướng mắt: Vườn mận san sát, xanh um xen lẫn màu trắng hồng của trái cây núc-nỉu. Từ Mỹ Tho, ta vượt nhánh sông Cửu, sang địa phận Kiến Hòa nổi danh là xứ dừa Dừa thì khắp miền Nam đâu đâu cũng có, nhưng đây mới là xứ sở của dừa. Dừa, ở đây, được trồng thành vườn quy mô rộng lớn. Làng xóm núp dưới tàu của lá dừa.

Đường phố xuyên giữa hai hàng dừa cao rợp bóng. Nhìn chỗ nào cũng thấy là dừa đưa đẩy, cũng thấy trái dừa chi chít từng chùm.

Trước sân nhiều nhà, từng đống sọ dừa cao ngất... Nhắc lại hồi đầu năm 1954, trước hiệp định Genève, mỗi trái dừa tươi ở đây chỉ bán có một đồng bạc. Và nếu lùi xa về dĩ vãng mười lăm năm trước nữa thì mỗi trái dừa giá chỉ có một xu, trong khi ấy tại bờ hồ Gươm Hành khách thừa lương muốn thưởng thức một ly nước dừa đá lạnh chỉ phải trả có nữa cắc.

Mỗi trái dừa bán có một xu mà nhiều chủ vườn dừa sống khá phong lưu thì đủ hiểu vườn tược miền Nam sản xuất mạnh là chừng nào và đất đai ở đây thật là mầu mỡ.

Thứ trái cây của miền Nam - mà trước kia chỉ những người Bắc thuộc hạng giầu sang hay ít ra cũng khá giả mới thỉnh thoảng được thưởng thức là xoài. Ngoài Bắc, người ta không kêu xoài mà gọi là "muỗm Saigon" để phân biệt với muỗm địa phương. Tuy cùng một loại, nhưng giữa muỗm bắc với xoài sự phân định "giai cấp" thế là rõ rệt. Bên cạnh xoài, muỗm Bắc như cô gái quê mộc mạc đứng bên cô gái thị thành đúng mốt thời trang.

Vào đây người Bắc mới được tha hồ thường thức thứ trái cây mà trước kia nhiều người không dám mơ tưởng và mới biết xoài có nhiều loại như xoài cát, xoài thơm, xoài tượng v.v... Và ngạc nhiên một cách sung sướng và cảm kích khi mua một chục được cô hàng trao cho những mười hai. Càng ngạc nhiên thích thú hơn nữa khi về tỉnh lẻ thấy mỗi chục được những mười bốn, có nơi mười sáu... Ôi, cái thời dễ dãi một chục mười lăm, mười sáu ấy nay còn đâu? Biết có bao giờ trở lại?

Cam quít thì không có gì đáng kể. Ở đây người ta chuộng cam Nam Vang, nhưng so với cam Bố-hạ thì cam Nam Vang có nhiều thua sút. Nhãn cũng vậy: trái nhỏ, vỏ dầy, hột lớn, cùi mỏng, ướt và ít chất ngọt... Nhãn này ngoài Bắc gọi là nhãn trơn, khiến ta lại thèm thuồng nhớ tới nhãn lồng Hưng Yên. Ấy vậy mà chủ nhân những cây nhãn ấy chịu tốn công bọc cẩn thận từng chùm nhãn để ngăn chim chóc hoặc dơi ăn. Phải chăng cái gì hiếm thì quý?

Có một thứ trái cây nữa cũng hiếm, hầu như không có. Đó là trái vải. Ở miền Nam, chỉ có thứ trái cây tương tự trái vải thiều, nhưng hương vị không giống vải thiều, mà người ta kêu là chôm-chôm. Còn dâu-da thì nhiều và không khác gì ở ngoài Bắc.

Ổi, đu-đủ, na cũng giống như ở người Bắc. Na không ngon bằng na ngoài Bắc. Nhưng ổi, đu đủ thì lớn hơn. Và thứ ổi lớn trái gọi là xá-lị. Có một loại na, trái lớn hơn na Bắc, hình dáng và hương vị cũng khác, gọi là mãng cầu. Ăn thì không ngon lắm, nhưng dầm với nước đá đường làm thành một thứ giải khát rất thông dụng.

Thứ quà thiên nhiên được bán rong nhiều nhất tại các bến xe đò, tại các nơi xe dừng bánh dọc đường là mía và thơm, khóm. Mía được trồng rất nhiều ở miền Nam, nên ngoài việc dùng để kéo mật làm đường và ép làm một thứ nước giải khát bình dân, còn được cắt ra thành miếng cắm que từng chùm bán khắp dọc đường cho hành khách.

Thơm, khóm cũng vậy, cũng được bổ ra từng miếng bán rong. Thơm và khóm, tiếng Bắc đều gọi chung là dứa, nhưng cũng có chút phân biệt: thơm là dứa ta và khóm là dứa tây. Mùa dứa, người ta chỉ từ các nơi sản xuất lên Saigon bằng ghe và các xe vận tải, đổ xuống các vựa trái cây ở chợ Cầu Ông Lãnh, rồi từ đó mới phân phối đi.

Nói đến bưởi thì phải nghĩ ngay đến bưởi Biên Hòa. Vì đó là nơi sản xuất bưởi nhiều và ngon. Cũng vì thế Biên Hòa được mệnh danh là xứ Bưởi, cũng như Kiến Hòa xứ dừa. Bưởi Biên Hòa có hơi khác bưởi ngoài Bắc: khác về hình dáng không tròn và màu da vàng tươi. Ngày Tết, bày mâm ngũ quả trông thiệt đẹp.


Mùa bưởi, người ta đem ra bày bán suốt dọc xa lộ Saigon - Biên Hòa. Khách du lịch ngoại quốc trông thấy hẳn phải có cảm nghĩ tốt đẹp về đất đai màu mỡ của vườn tược miền Nam.

Nhưng thứ trái cây đặc biệt của vườn tược miền Nam là vú sữa, măng cụt và sầu riêng. Vú sữa, khắp miền Nam, chỗ nào cũng có, nên không được coi là trái cây quý, nhưng lá cây vú sữa lại thiệt đẹp. Mặt trên xanh mà lá hạ, mặt dưới úa màu lá thu; những lúc lá đùa với gió, lấp loáng hai màu xao động trông thiệt là vui mắt

Muốn thưởng thức măng cụt và sầu riêng tại chỗ thì phải lên miệt Lái-thiêu, Bình-dương. Ở đây, vườn măng cụt, vườn sầu riêng liền nhau san sát. Xa trông như những cánh rừng. Đang ở ngoài đường nắng chang chang mà bước vào những vườn cây cao lớn đầy bóng rợp này thì nhẹ nhõm cả người. Cảm giác khoan khoái còn gấp bội phần khi vào trong phòng có máy điều hòa không khí.

Nếu lại gặp mùa trái chín thì cảm giác khoan khoái còn tăng hơn nhiều nhiều, vì hương sầu riêng tỏa ra thơm ngát cả không gian. Nhưng hãy coi chừng trái sầu riêng chín rụng. Cho nên, để đề phòng, chủ vườn sầu riêng khi hái trái phải đội nón sắt như chiến sĩ hành quân.

Mùa măng cụt, mùa sầu riêng, người các nơi đổ về đây ông đảo, nhất là những ngày chủ nhật và nghỉ lễ. Khách buôn trái cây đã lắm, mà người lên thưởng thức hóng mát cũng nhiều.


Có một loại trái cây nữa cũng đặc biệt lắm. Đó là mít. Nhưng không phải thứ một như mít ngoài Bắc, mà là thứ mít nhỏ trái rất ít múi và có mùi thơm mường tượng sầu riêng. Một này gọi là mít tố-nữ rất được ưa chuộng và thuộc loại trái cây mắc tiền, chỉ thua giá sầu riêng một chút.

Còn một loại trái cây nữa mà trước đây ở ngoài Bắc thỉnh thoảng mới được ăn. Đó là trái xa-bô-ti (do tiếng Pháp sapotille). Sapotille là trái cây sapotier, vì thế người ta còn kêu là xa-bô-chê hoặc xa-cô-chê. Hình dáng và hương vị hơi giống trái hồng, nên người Bắc gọi là hồng xiêm (không biết có phải gốc gấc tự Thái Lan chăng?)

Thứ cây này được trồng nhiều ở chợ Thủ, một miền thuộc tỉnh Long Xuyên, ở hữu ngạn sông Tiền Giang, vào khoảng giữa đường từ Mỹ Luông lên Chợ Mới.

Sau hết, phải kể đến dưa hấu. Tuy là trái cây không lạ vì cả ba miền Trung Nam Bắc đều có; nhưng đặc biệt ở miền Nam mùa dưa hấu lại rộ vào dịp Tết, trong khi ở Trung và Bắc người ta chỉ được ăn dưa hấu vào mùa hè. Ở đây, hễ cứ thấy dưa hấu bày bán đầy đường, chất đống tại các chợ búa là thấy không khí Tết là ngày tết gần kề. Cho nên dưa hấu là một trong những sắc thái đặc biệt của cái Tết miền Nam. 

Dưa hấu là trái cây có sự tích. Theo một truyện tích đời Hùng Vương - mà nhà văn Nguyễn Trọng Thuật đã dựa theo đó để viết truyện "Quả dưa đỏ" (xuất bản lần đầu năm 1927) - thì thứ dưa này do An Tiêm (đời Hùng Vương thứ 10) tìm được tại một hoang đảo ở Nam Hải khi bị tội lưu đày. Hạt dưa do chim tha lại từ phương tây, nên mới đầu An Tiêm đặt tên là tây quả, sau thấy cùi trắng nõn như da thiếu nữ, ruột đỏ tươi như má hồng giai nhân, hạt đen lánh như hàm răng hạt huyền của cô gái Việt, nên chàng cải tên là Việt-Nga quả. Và lựa một số trái to đẹp, khắc lên má dưa bài thơ chữ Hán, đoạn thả xuống biển cho trôi ới với hy vọng nhờ dưa may bắt được liên lạc với người đất liền. Bài thơ như sau:

Hải chi nam hề thiên chi nha,
Đảo hữu qua hề danh Việt-Nga
Ký chu thần hề tất xỉ,
Tương phi anh hề đằng ba.


nghĩa là:

Hải nam quê thiếp nghìn trùng
Trời sinh phận gái má hồng răng đen
Việt Nga hai chữ là tên
Nước non non nước chờ duyên tao phùng


(N.T. Thuật dịch)

Mỗi năm An Tiêm mỗi tăng gia sản xuất, và mỗi năm dưa được thả nhiều thêm. Và rồi duyên tao phùng đến thật. Một chiếc thuyền buôn Trung Hoa gặp bão, giạt đến gần đảo, vớt được một trái. Dưa lạ, không biết là trái gì, bổ ra chia cho người trên thuyền mỗi người một chút ăn thử. Ai cũng cho là ngon và đồng khen "Hẩu! hẩu!" tức là "hảo, hảo", nghĩa là "tốt, tốt". Nhân đọc bài thơ trên vỏ tri dưa, họ bèn cho thuyền đi vòng vòng tìm kiếm và đến được hoang đảo, trao đổi thực phẩm vải lụa để lấy thứ dưa "hẩu" ấy đem về bán...

Nhờ đó, An Tiêm liên lạc thường xuyên được với đất liền, mở mang được đảo hoang thành nơi trù mật, rồi được nhà vua ân xá triệu hồi.

Hạt giống dưa được An Tiêm đem về trồng tại nước nhà và được kêu là dưa hấu (do tiếng hẩu đọc trại ra). Theo truyện tích thì xưa trái dưa lớn và dài hơn bây giờ nhiều, vỏ xanh biếc, ruột đỏ thẫm, nhiều cát, rất ngọt và mát. Ngày nay, trải qua nhiều đời, có một số dưa biến giống, vỏ xanh lợt đôi khi ngả màu vàng, ruột cũng vàng và hạt thì nâu nâu không còn đen lánh nữa. Có thứ lại mất cả hương vị ngọt thơm nguyên thủy!

Suýt nữa thì quên mất thứ trái cây rất đặc biệt của vườn tược miền Nam và cũng rất đặc biệt về hình dáng. Đó là trái điều lộn hột ăn không ngon, nhưng hột rất được ưa chuộng vì dùng được nhiều việc...

Ngoài những vườn tược trồng cây ăn trái, miền Nam còn có rất nhiều vườn trầu, vườn cau... chưa kể những vườn cao su mênh mông, bát ngát.

Rồi đây, khi đất nước thanh bình, kỹ nghệ phát triển, những trái cây quý được đóng hộp tinh xảo, giá bán ra nước ngoài thì nguồn lợi ngoại tệ thâu về không phải nhỏ, đồng thời còn làm cho ngoại quốc phải chú ý đến "hương hoa" của đất nước chúng ta...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét