Ngày Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết (1) Trên ván cờ nước lớn: Từ Geneva đến Paris
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Trên ván cờ nước lớn: Từ Geneva đến Paris
LTS: Gần 40 năm đã trôi qua kể từ khi Hội nghị Paris về Việt Nam kết thúc. Từ Geneva đến Paris, và ngay cả trước đó và giai đoạn hiện nay, Việt Nam thường xuyên bị đặt ở tình thế đứng giữa các nước lớn, trên bàn cờ chiến lược. Tuần Việt Nam trò chuyện với TS Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp, với kì vọng lí giải cho vị thế đặc biệt này của Việt Nam, và tìm gợi ý chính sách cho giai đoạn hiện tại.
Không thể loại bỏ lợi ích riêng của Trung Quốc trong việc thuyết phục Việt Nam chịu ký hòa ước Gieneva, nhưng tôi không tin rằng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chịu ký, hay ít nhất nhượng bộ về giới tuyến, chỉ vì sức ép, hay sự thuyết phục của Chu Ân Lai, TS Pierre Journoud nói.
TS Pierre Journoud nói: Việt Nam dường như luôn bị kẹt vào thế một con cờ trong bàn cờ của các nước lớn. Đầu tiên là giữa Pháp và Trung Hoa (thời Nguyễn), rồi đến hai phái Cộng sản và Quốc dân Đảng ở Trung Quốc (1945-1946), rồi Pháp - Mỹ một bên và Liên Xô - Trung Quốc một bên tại hội nghị Geneva (1954), rồi Liên Xô và Trung Quốc từ những năm '60 kéo dài đến hết cuộc chiến ở Campuchia. Bây giờ dường như lại kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc trong câu chuyện liên quan đến tranh chấp Biển Đông...
Trung Quốc không muốn láng giềng mạnh
Xin phép ông trở lại thời điểm đàm phán Geneva. Lập trường của phía Chính phủ Hồ Chí Minh ban đầu là giới tuyến tạm thời sẽ là vĩ tuyến 14, thế nhưng cuối cùng họ phải chấp nhận vĩ tuyến 17. Có thông tin nói rằng đây là chủ ý của Liên Xô, trong một sự đổi chác nào đó với phía Pháp.
Tôi nghĩ rằng người đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Chính phủ Hồ Chí Minh nhượng bộ là Trung Quốc, chứ không phải Liên Xô.
TS Pierre Journoud nghiên cứu lịch sử thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu sự phát triển của các vấn đề chiến lược khu vực Viễn Đông kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ông đồng thời cũng là giảng viên - nghiên cứu tại trường Đại học Paris I - Sorbonne - Panthéon. |
Khi bắt đầu cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, và nhất là khi những người cộng sản giành thắng lợi ở Trung Quốc vào năm 1949, Stalin đã trao vai trò ở Đông Nam Á choTrung Quốc. Bởi ông ta không muốn can dự vào Đông Nam Á.
Lý do?
Thứ nhất, bởi Stalin nghi ngại trước việc Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản mà còn là một nhà dân tộc chủ nghĩa.
Thứ hai, Stalin còn có quá nhiều mối bận tâm khác ở trong nước và châu Âu. Liên Xô đã để cho Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo ở Đông Nam Á, cho đến giữa những năm '60.
Về phía mình, Trung Quốc có quan điểm là không muốn có những láng giềng mạnh bằng cách chia rẽ họ, nhất là đối với Đông Dương nói chung, và Việt Nam nói riêng. Và điều này đã thể hiện rất rõ trong chính sách họ theo đuổi hiện nay ở khu vực này.
Trong nửa thứ hai của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, và trong cái tạm gọi là khoảng lặng giữa hai cuộc chiến tranh Đông Dương 1954-1964, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng. Họ trang bị và huấn luyện cho quân chủ lực của Việt Nam để đội quân này trở nên chuyên nghiệp.
Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Chính phủ Hồ Chí Minh dần chuyển từ tài chính - quân sự sang kinh tế - chính trị. Chắc anh chị còn nhớ Chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã tiến hành cải cách ruộng đất trước sức ép và với tư vấn của chuyên gia Trung Quốc thế nào.
Trung Quốc chưa bao giờ muốn láng giềng mạnh. Ảnh LAD |
Vâng, chúng tôi có nhớ. Nhưng đó là sự kiện mà nhiều người muốn quên.
Sau cải cách ruộng đất, vì tư tưởng cực đoan của những người tiến hành nó, ảnh hưởng của Liên Xô mới bắt đầu tăng lên. Tức là nó đã giúp làm cân bằng hơn ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Xô đối với Việt Nam (Dân chủ Cộng hòa).
Thế nhưng, lúc đó, Liên Xô vẫn chưa thực sự muốn can dự vào câu chuyện Việt Nam. Có một chi tiết thú vị là năm 1957, Liên Xô đã đề nghị Liên Hợp Quốc kết nạp cả hai nước Việt Nam vào tổ chức này (trước đề nghị của Mỹ về việc kết nạp Việt Nam Cộng Hòa - TS). Bây giờ nghe lại thấy quá buồn cười, phải không? Hà Nội lúc đó cũng thấy hết sức sửng sốt.
Bước ngoặt của sự can dự của Liên Xô vào Việt Nam là sự kiện Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc vào đầu năm 1965, và sau đó đưa quân đội sang tham chiến tại miền Nam.
Mỹ vào Việt Nam vì Trung Quốc?
Theo ông, những nguyên nhân gì dẫn đến việc chính phủ Mỹ quyết định trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam?
Về mặt quốc tế, Mỹ muốn ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản xuống khu vực Đông Nam Á. Tôi nghĩ thắng lợi của những người cộng sản ở Trung Quốc là một nguyên nhân cực kỳ quan trọng buộc Mỹ phải thay đổi chính sách đối ngoại của mình. Chính vì vậy, cho dù Việt Nam không phải là một vị trí quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ, nhà cầm quyền nước này vẫn phải có sự can thiệp mạnh mẽ về mặt quân sự.
Chắc anh chị còn nhớ cuộc Chiến tranh Triều Tiên trước đó (1950-1953). Mỹ rất lo ngại rằng cả khu vực này sẽ do người cộng sản thao túng. Bởi Mao Trạch Đông chủ trương giúp sức cho tất cả các đảng cộng sản ở tất cả các nước láng giềng, hay trong khu vực.
Và đó là cái cớ rất tốt cho người Mỹ can thiệp?
Ngoài tư duy của thời Chiến tranh lạnh, liệu còn cái cớ gì hay hơn nữa? Chính Mao Trạch Đông đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các đảng cộng sản trong khu vực tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng ở nước họ. Sự can thiệp của Mỹ có cái lý của nó, bởi lúc đó kẻ thù số một của Mỹ ở khu vực này là Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam.
Về mặt quốc nội, trên thực tế, người Mỹ đã can dự vào Việt Nam từ năm 1950, với sự ủng hộ cả về chính trị lẫn kinh tế cho chính quyền Bảo Đại và sau này là chính quyền Ngô Đình Diệm. Các Tổng thống Mỹ, từ Eisenhower đến Johnson, đều tái khẳng định sự ủng hộ với chính quyền Nam Việt Nam, với tư cách một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trong lúc đó, ở Pháp, cũng trong năm 1954, Tướng De Gaulle lên ngôi Tổng thống. Kể từ đó, trong mọi cuộc gặp gỡ với các tổng thống Mỹ , chẳng hạn với Eisenhower năm 1959, và Kenedy năm 1961, đều ở Paris, ông đều kêu gọi Mỹ hãy "ra khỏi Việt Nam". Anh chị có thể tìm thấy trong kho lưu trữ, và thấy rằng Tổng thống De Gaulle tỏ ra rất quyết liệt trong lập trường của mình.
Lạ nhỉ?
Ông ta đã nhận thức được sai lầm của nước Pháp trong quá khứ, và cho rằng nên tăng cường quan hệ kinh tế - văn hóa với các nước Đông Nam Á, chứ không phải chính trị, hoặc quân sự. Nhưng, như anh chị thấy, cả Tổng thống Eisenhower lẫn Tổng thống Kennedy đều phớt lờ lời kêu gọi của ông.
Theo nghiên cứu của tôi, chủ yếu ở kho tư liệu của Nam Việt Nam, sau cái chết của Ngô Đình Diệm, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đối với các chính quyền quân sự sau đó, từ Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, đến Nguyễn Văn Thiệu, chủ yếu là những người Mỹ ở Sài Gòn, chứ không phải ở Washington.
Nếu anh chị có dịp đọc những báo cáo trong kho tư liệu đó, anh chị sẽ thấy chỉ có một số ít tướng lãnh ở Sài Gòn là mong muốn chiến tranh, còn phái dân sự chỉ muốn hòa bình. Và người Mỹ đã lựa chọn ủng hộ thiểu số tướng lãnh hiếu chiến đó, thay vì đa số còn lại, để quyết định trực tiếp can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1965.
Có một sự chuyển đổi rất thú vị trong giai đoạn ngắn ngủi từ 1963 đến 1965.
Hòa giải các "anh lớn"
Theo ông, liệu sự kiện Vịnh Con Lợn ở Cuba năm 1962 có ý nghĩa gì trong việc thúc đẩy sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam?
Tôi nghĩ nếu đó là nguyên nhân, thì chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Câu chuyện đó liên quan tới Liên Xô, chứ không phải với Trung Quốc - mối quan ngại lớn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á.
À, tôi nhớ ra rồi. Sau đó chủ thuyết của Liên Xô là cùng tồn tại hòa bình. Cốt lõi của chủ thuyết này là các siêu cường cố gắng phân định với nhau khu vực ảnh hưởng của họ.
Cũng do chủ thuyết này mà có sự rạn nứt sâu sắc giữa hai nước lớn nhất trong phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc. Và Việt Nam đã vô tình rơi vào cái khe của vết rạn ngày càng lớn này.
Đúng vậy. Sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu từ năm 1960, và ông Hồ Chí Minh đã cố gắng hàn gắn sự rạn nứt này, với vai trò một trung gian hòa giải...
Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi này, ông Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cả hai nước đang cực kỳ mâu thuẫn với nhau. Phải nói, về khía cạnh này, ông quá giỏi.
Chỗ đứng của Trung Quốc, từ Gieneva đến Paris
Đi với các nước lớn cũng giống như ta uống thuốc, ta luôn phải chịu tác dụng phụ của nó. Ông có nghĩ với việc cố nuốt trôi "hai viên thuốc lớn" đó, Việt Nam sau này cũng phải chịu những tác dụng phụ? Nói rõ hơn, sau năm 1975, Việt Nam lại bị kéo vào hai cuộc chiến tranh biên giới, một ở phía Bắc, một ở phía Tây Nam...
Tôi nghĩ đó lại là một câu chuyện khác, có nguyên nhân khác. Chứ còn giai đoạn những năm '50, hay '60, thực sự Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam với tư cách một đồng minh.
Trong lập luận của ông, tôi có cảm giác rằng mối quan hệ giữa các quốc gia quan trọng hơn là vấn đề hệ tư tưởng?
Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào từng giai đoạn khác nhau. Nói chung, trong quan hệ với Việt Nam, trong suốt thời kỳ từ 1950 đến 1975, mặc dù đã phạm một số sai lầm lớn mang tính chiến lược, Trung Quốc vẫn là một đồng minh lớn của Việt Nam, và đã có những sự giúp đỡ to lớn về quân sự, kinh tế - tài chính.
Nhưng cũng nhờ sự giúp đỡ to lớn để thúc đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc cũng có cơ hội để bắt tay với Mỹ, để từ đó thoát khỏi thế bị cô lập.
Vâng, cái bắt tay lịch sử giữa Mao Trạch Đông và Nixon.
Phía Mỹ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ là một siêu cường trong tương lai, và đó là một cách tiếp cận đúng. De Gaulle đã nhận ra điều này sớm hơn nhiều, từ năm 1964. Ông đã có một quyết định quan trọng là muốn Trung Quốc can dự vào tiến trình hòa bình ở Việt Nam, một quyết định khiến Mỹ phản ứng rất dữ dội.
Nhờ sự giúp đỡ to lớn để thúc đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc cũng có cơ hội để bắt tay với Mỹ. Ảnh Lê Anh Dũng |
Cuộc gặp của hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc vào năm 1972, và quan hệ xích lại gần nhau giữa họ đã làm phức tạp mối quan hệ Việt - Trung. Bởi, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam, động thái này về chính trị được coi là quá nhạy cảm.
Trước đó, Trung Quốc đã không đồng tình với chiến dịch Mậu Thân của Việt Nam, và sau đó là tiến trình đàm phán hòa bình Paris.
Về chiến dịch Mậu Thân, việc cuộc tấn công diễn ra ngay tại những đô thị lớn ở miền Nam rõ ràng đã đi ngược lại chiến lược của Trung Quốc là lấy nông thôn bao vây thành thị. Còn tiến trình hòa bình Paris, đối với Trung Quốc, chính là một dạng của "cùng tồn tại hòa bình".
Bước ngoặt quan trọng thứ ba trong quan hệ Việt - Trung, là giai đoạn 1973-1974. Khi đó, Trung Quốc, vì quá lo ngại sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô đối với bán đảo Đông Dương, đã có những động thái tăng cường quan hệ với Thái Lan, và nhất là lực lượng kháng chiến Khmer Đỏ. Quan hệ Việt - Trung đã gặp nhiều trở ngại.
Nhượng bộ Geneva không vì sức ép
Vai trò của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam trong hòa ước Geneva và Paris rõ ràng khác nhau. Ở Geneva, Chu Ân Lai đã thuyết phục Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, khi hai người này được bí mật mới sang Trung Quốc, phải có sự nhượng bộ về giới tuyến tạm thời.
Đúng là vai trò của Trung Quốc là quá lớn vào năm 1954. Và cũng không thể loại bỏ lợi ích riêng của Trung Quốc trong việc thuyết phục Việt Nam chịu ký hòa ước. Tôi nghĩ lời đe dọa của Mỹ là sẽ can thiệp quân sự vào Đông Dương thực sự có sức nặng lên bàn đàm phán, và đó là điều Trung Quốc không muốn, bởi họ đã có kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, kết thúc một năm trước đó.
Nhưng tôi không tin rằng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chịu ký, hay ít nhất không nhượng bộ về giới tuyến, chỉ vì sức ép, hay sự thuyết phục của Chu Ân Lai. Họ thực sự hiểu rõ rằng, nếu không ký hòa ước Geneva theo cách đó, Mỹ sẽ nhảy vào Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người được Tổng thống Dương Văn Minh cử đến trại David để thương thuyết với phía Bắc Việt Nam về ngừng bắn, đã kể rằng vào sang 30.4.1975, ông đã gặp Tướng Vanuxem ở Dinh Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Lúc đó, Tướng Vanuxem đã thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh cố giữ thêm vài ba ngày nữa, hoặc chí ít là một ngày, và sẽ có sự can thiệp của phía Trung Quốc. Tướng Vanuxem còn nói rằng đã có sắn đường dây nóng với Bắc Kinh tại tòa lãnh sự Pháp tại Sài Gòn.
Tôi thực sự chưa được nghe câu chuyện này. Tôi nghĩ nó rất thú vị, nhưng khả năng hiện thực hóa là ít.
Trung Quốc, tranh thủ lúc Mỹ bỏ rơi chế độ Sài Gòn, đã chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Liệu điều này có gắn với việc họ giúp đỡ Bắc Việt Nam như một đồng minh, nhưng lại không muốn Việt Nam thống nhất, để hưởng lợi, cũng như bắt tay với Mỹ để thoát khỏi thế cô lập?
Về ý đầu tôi đồng ý với anh. Chính sách nhất quán của Trung Quốc từ rất lâu là không muốn thấy những nước láng giềng mạnh, và cách tốt nhất để thực hiện điều đó là chia rẽ họ. Một Việt Nam thống nhất, lớn mạnh và được hỗ trợ bởi Liên Xô thì càng nguy hiểm hơn đối với tham vọng của họ.
Tôi nghĩ việc Trung Quốc muốn bắt tay với Mỹ không phải ngay từ đầu, mà là hệ quả của mâu thuẫn với Liên Xô lên tới đỉnh điểm trong một cuộc chiến tranh qui mô nhỏ ở khu vực biên giới vào năm 1969. Hoảng sợ trước nguy cơ bị Liên Xô chèn ép, Trung Quốc đã tìm cách bắt tay với Mỹ.
Nếu anh chị đọc những bản ghi chép những cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, anh chị sẽ thấy lãnh đạo Trung Quốc hững hờ thế nào với triển vọng thống nhất Việt Nam, cũng như những chiến thắng về quân sự của Việt Nam ở chiến trường B (miền Nam).
Rất tiếc là chúng ta không có khả năng tiếp cận kho dữ liệu của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam để khẳng định ý đồ đằng sau của Trung Quốc trong việc ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận các tài liệu đã giải mật của phía Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu khác thôi.
Còn nữa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét