Ngày Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Sơ sinh đã… lo ế vợ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Bé sơ sinh đã lo ế vợ (Ảnh minh họa) |
Tình trạng khan hiếm vợ tương lai cho 'quý tử' khiến nhiều bà mẹ xôn xao, lo lắng.
>>> Con trai tôi ‘tự xử’ trong nhà tắmMặc dù các quý tử mới chỉ có vài tuổi, thậm chí có cu cậu vẫn còn ẵm ngửa, thế nhưng tình trạng khan hiếm vợ tương lai cho con đã khiến nhiều bà mẹ phải xôn xao, lo lắng.
Nghe thì tưởng đùa. Vậy mà nỗi lo đó là hoàn toàn có thật. Bởi lẽ, với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, các chuyên gia đã dự báo đến năm 2025 Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu cô dâu”.
Hàng triệu anh chàng sẽ “ế” hoặc phải lấy vợ… châu Phi
Trái với những bà mẹ còn tư tưởng “để mai tính” hoặc cho rằng đó chỉ là “lo bò trắng răng” vì chuyện vợ chồng là cái duyên cái số, thì các cơ quan chức năng hiện đang rất nhức nhối trước vấn đề này.
Theo báo cáo của Tổng cục dân số tại Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh tổ chức tại Hà Nội ngày 3/11 vừa qua, thì tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đã mất cân bằng nghiêm trọng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam luôn trong xu hướng tăng mạnh, có năm tăng tới 1 điểm phần trăm, tức là gấp 10 lần so với giai đoạn trước đây. Và theo điều tra biến động dân số 1/4/2012, tỷ số này đã cao tới mức nghiêm trọng: 112,3 trẻ trai/ 100 trẻ gái”.
Hệ lụy của vấn đề này chính là hàng triệu nam giới dưới tuổi 50 sẽ bị thừa nên phải trì hoãn kết hôn và nhiều người trong số họ sẽ không thể có đối tượng kết hôn. Nhiều nước đã rơi vào tình trạng tương tự. Hàn Quốc, Trung Quốc là ví dụ điển hình.
Hai nước này thường xuyên phải sang Việt Nam để “nhập khẩu” cô dâu mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn đàn ông bị ế. Thế nên, mới có chuyện nhiều phụ nữ Việt Nam bị buôn bán và bị bắt ép làm vợ chung của nhiều người.
Đó là bài học nhãn tiền của Việt Nam. Nếu không sớm khống chế tình trạng mắt cân bằng giới khi sinh thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.
Tình trạng khan hiếm vợ tương lai cho 'quý tử' khiến nhiều bà mẹ xôn xao, lo lắng. (Ảnh minh họa). |
Bởi mặc dù Việt Nam diễn ra sự mất cân bằng giới tính khi sinh khá muộn so với các nước nhưng tốc độ lại gia tăng nhanh chóng và diễn biến phức tạp. Và theo các chuyên gia dân số, thì việc “nhập khẩu” cô dâu không hề dễ bởi các thống kê nhân khẩu học cho thấy 20 năm nữa các nước như: Lào, Camphuchia, Philippines… không dư phụ nữ để Việt Nam “nhập”.
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cảnh báo: “Nếu may mắn thì một số đàn ông Việt Nam vào thời điểm đó phải sang châu Phi mới hy vọng tìm được bạn đời”.
Con gái được “chuộng”
Nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh chính là tâm lý muốn có con trai. Trước kia, việc sinh đẻ không cần kế hoạch, đẻ đến bao giờ có con trai thì thôi chỉ gây nên tình trạng quá tải về dân số mà không làm mất cân bằng giới tính. Còn hiện nay, vấn đề đặt ra là có ít con, song nhất định phải là con trai.
Bởi vậy mà công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng phát triển. Những thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa đã bị lạm dụng cho việc xác định giới tính thai nhi. Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội tại một số tỉnh thuộc khi vực Đông Bắc, Tây Bắc và duyên hải cho thấy có tới 2/3 phụ nữ biết giới tính của con trước khi sinh, 98% trong số đó là qua siêu âm.
Dù việc chẩn đoán giới tính thai nhi bị cấm đoán nhưng nhiều người làm dịch vụ sẵn sàng “lách luật” như việc dùng “từ lóng”: “giống mẹ”, “giống bố”, “mạnh mẽ”, “dịu dàng” để thông báo về giới tính của thai nhi. Từ đó, việc nạo phá thai nếu không có được “cậu ấm” như mong muốn ngày càng tăng cao.
Thế nhưng, xu hướng “chuộng” con gái cũng đang phát triển rõ rệt.
Cách đây hơn ba năm, một cuộc khảo sát đã cho thấy kết quả bất ngờ khi lần đầu tiên người Trung Quốc mong muốn sinh con gái hơn con trai. Việc dư thừa hàng chục triệu nam giới cũng như chi phí khổng lồ cho việc nuôi dưỡng một cu cậu đã khiến nhiều gia đình mong muốn đứa con duy nhất của họ là con gái (Trung Quốc có chính sách 1 con).
Với nhiều gia đình ở nước này, con gái là lựa chọn khôn ngoan và kinh tế nhất. Bởi với tình trạng thiếu nữ trầm trọng như vậy, mỗi cậu bé sinh ra sẽ tạo thêm gánh nặng cho xã hội và áp lực cho cha mẹ.
Còn với những gia đình trẻ Việt Nam hiện nay, tư tưởng cũng dần tiến bộ. Nhiều gia đình đã gạt bỏ tư tưởng không nhất thiết phải có con trai bằng được. Họ thường sinh con theo tự nhiên, không dùng biện pháp can thiệp. Nếu cặp đôi nào có con một bề là các công chúa thì cũng vui vẻ mà không cố thêm.
Chị Nguyễn Trâm Oanh (khu tập thể Thành Công, Hà Nội) cho biết: “Hồi đầu thấy vợ chồng tôi chỉ có hai bé gái, nhiều người nói ra nói vào, thậm chí tôi còn bị chê không biết đẻ. Nhưng kệ họ thôi, con nào cũng là con mình. Trong cái thời lắm ô nhiễm bệnh tật này, nhiều người muốn có con còn không được, mình có đến hai đứa là hạnh phúc lắm rồi”.
Chị còn nói vui: Nhưng tình hình này thì có khi con trai lại thành “bom nổ chậm” còn các công chúa đắt giá phải biết. Đùa vậy chứ tôi nghĩ trai hay gái đều quý, quan trọng là phải nuôi dạy con cho tốt.
Trong khi đó, những bà mẹ đã có một cậu ấm rồi thì lại càng khát khao có con gái. Chị Nguyễn Thu Minh (Thanh Trì, Hà Nội), vừa mang thai được 5 tuần. Mặc dù chưa biết là bé trai hay bé gái, nhưng chị ngày đêm mong cầu đó là một công chúa, vì “nếu lại thêm một “thằng quỷ sứ” nữa thì không biết phải xoay sở, đánh vật thế nào với 3 thằng đàn ông trong nhà”.
Thậm chí, nhiều bà mẹ 8X hiện nay còn có những lý do rất dễ thương, đó là sinh con gái để mua sắm và làm điệu cho con. Chị Thanh Hương (Nguyễn Oanh, Quận Gò Vấp, TP. HCM) khát khao có con gái đầu lòng, nhưng lại sinh con trai.
Mỗi lần lên facebook xem các mẹ có con gái post ảnh quần áo, phụ kiện đáng yêu, phòng ngủ màu hồng, chị lại đầy ghen tỵ. Vì lý do đó mà chị quyết tâm, nhất định “tập 2” phải săn cho được một nàng công chúa.
Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã dự báo rằng nếu không có sự can thiệp tích cực thì năm 2020, tức là chưa đầy mười năm nữa, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta sẽ là 125 bé trai/ 100 bé gái và tiếp tục được duy trì. Đến năm 2050, con số chênh lệch nam nữ sẽ dao động từ 2,3 đến 4,3 triệu người.
Theo Eva
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét