Ngày Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Nợ xấu và quyết tâm chính trị
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Một trong những vấn đề 'nóng' đang được bàn luận tại Quốc hội Việt Nam là nợ xấu và nhu cầu cải tổ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ngay về lượng nợ xấu, các đánh giá vẫn chưa đồng nhất.
Giải thích về con số nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói trên thế giới cũng như Việt Nam, hiện chưa có một bộ tiêu chí nào được coi là thống nhất để tính toán nợ xấu. Mặc dù vậy, ông khẳng định: "Người ta đều thống nhất rằng con số do cơ quan quản lý, trong trường hợp này là ngân hàng Nhà nước, đưa ra là có cơ sở nhất."
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện quyết liệt việc tái cấu trúc ngân hàng
Giới chuyên gia tỏ ra bất đồng với ý kiến của ông Bình.
Kinh tế gia, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC: "Hiện nay tiêu chí về nợ xấu của Việt Nam chưa thống nhất với tiêu chí nợ xấu của quốc tế nên Việt Nam đánh giá nợ xấu thấp hơn so với quốc tế".
"Con số nợ xấu mà Việt Nam đưa ra trong thời gian qua cũng không nhất quán. Thống đốc thì nói là 10%, trong khi ông Quyền, chánh thanh tra thì nói 8,3%."
"Đây không chỉ là nợ xấu giữa ngân hàng với doanh nghiệp mà còn có thể là giữa ngân hàng với ngân hàng do tình trạng sở hữu chéo."
Hồi cuối tháng Chín, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng khoảng cách trong thống kê giữa Việt Nam với quốc tế khiến việc nhận định đúng tình hình kinh tế rất khó khăn.
"Sự chênh lệch trong thống kê trong nước với tiêu chuẩn thống kê thế giới cũng như sự mập mờ xung quanh vị trí kinh tế thực sự của những ngân hàng hiện tại đang tiếp tục che đậy cho những vấn đề thực sự họ đang đối mặt," báo cáo của Moody's Investor Service về quyết định hạ bậc tín nhiệm Việt Nam ngày 28/9 viết.
Tái cấu trúc
Tại phiên họp Quốc hội ngày 30/10, Thống đốc ngân hàng Nhà nước nói đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng "đang được Ngân hàng nhà nước thực hiện quyết liệt" để giải quyết các vấn đề, trong đó có nợ xấu.
Thế nhưng giới chuyên gia lại cho rằng việc tiến hành đang diễn ra quá chậm chạp, thiếu công khai.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói trong buổi phỏng vấn với BBC ngày 31/10: "Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được thông qua từ hội nghị Trung ương lần thứ Ba hồi tháng Mười năm 2011 cho đến nay đã là một năm mà chỉ mới sáp nhập có mấy ngân hàng nhỏ"
"Cho đến nay tôi vẫn chưa thấy công bố đầy đủ đề án đó, dù đại biểu Quốc hội rất quan tâm."
Phát biểu tại buổi họp ngày 30/10, tiến sỹ kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội cho rằng nên công khai các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý thanh khoản ngân hàng yếu kém để tạo niềm tin cho thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng. Nếu không làm được điều này, dù công tâm đến đâu chúng ta cũng vẫn bị nghi ngờ và mất niềm tin," ông Lịch nói.
Trước ý kiến này, ông Nguyễn Văn Bình cho biết "các hoạt động thanh tra, kiểm toán sẽ được công khai đầy đủ đến các phương tiện thông tin đại chúng".
Tuy nhiên vị thống đốc ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh "có những đề án phải xem xét để tránh gây hoang mang cho công chúng trước khi đăng tải".
Bình luận về câu trả lời của ông Bình, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng tất cả các thông tin cần được công khai và giải thích rõ với người dân.
"Theo tôi cách tốt nhất là hãy cung cấp thông tin, giải thích và trình bày đầy đủ sự việc để người ta khỏi bất ngờ ... vì sớm hay muộn gì người ta cũng sẽ biết được sự thật và sẽ có những phản ứng khác nhau." Kinh tế gia Lê Đăng Doanh
"Theo tôi cách tốt nhất để công chúng không bị hoang mang, đó là thông báo đầy đủ. Chứ còn giấu thông tin thì không có lợi ích gì trong việc thuyết phục được công chúng," ông nói.
"Theo tôi cách tốt nhất là hãy cung cấp thông tin, giải thích và trình bày đầy đủ sự việc để người ta khỏi bất ngờ ... vì sớm hay muộn gì người ta cũng sẽ biết được sự thật và sẽ có những phản ứng khác nhau."
'Không hợp pháp lý'
Bình luận về độ hiệu quả của các bộ phận quản lý hiện tại, tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: "Hiện nay chỉ có một Ủy ban giám sát tài chính do Nhà nước lập theo quyết định của Thủ tướng chứ không phải do một nghị định của chính phủ, vì vậy tư cách pháp lý không phải là cao lắm".
Nhận xét về việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành do một Phó thủ tướng làm trưởng ban để xử lý yếu kém của hệ thống ngân hàng, ông Doanh nói "tất nhiên điều này sẽ đem lại một sự tiến bộ hơn so với trước khi có sự tham gia liên ngành."
"Tuy nhiên hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, hệ thống chứng khoán và bất động sản có sự liên thông với nhau, thế nên cần sự giám sát có tính liên thông, hệ thống để nhìn thấy toàn bộ hệ thống tài chính, tiền tệ, chứng khoán và bất động sản để rút ra những kết luận cụ thể và hiệu quả hơn. Và hiện nay cần phải chờ xem sự liên thông, liên ngành này được tiến hành đến mức độ nào."
Ông Doanh cũng nhận định rằng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâu nay dựa quá nhiều vào tín dụng để kinh doanh. Nên khi thị trường bất động sản đóng băng khiến các công ty bất động sản không trả được nợ thì nợ đó biến thành nợ của ngân hàng.
Phát biểu trong buổi họp ngày 31/10, Bí thư thành ủy Đà Nẵng ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng sở dĩ các ngân hàng không siết nhà, siết đất khi bên vay không trả được nợ ngoài lý do thị trường đóng băng, tụt giá còn có đóng góp của sự nâng khống giá."
Ông Thanh ví dụ: "Một khu đất có giá trị khoảng 200 tỷ đồng, bằng một hợp đồng mua bán họ đã đưa lên 800 - 1.000 tỷ đồng để được vay 600 tỷ, bây giờ bán thì chưa tới 100 tỷ, khu đất đó không có ai mua, như vậy mất đứt 500 tỷ."
Cựu viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng tính pháp lý của Ủy ban giám sát tài chính lập theo quyết định của Thủ tướng chứ không theo nghị định chính phủ là không cao.
"Việc cải tổ hệ thống ngân hàng là điều hết sức trọng yếu," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói.
Ông Doanh nhận xét tăng trưởng tín dụng trong những năm qua và thực trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng đang khiến yếu kém trong hệ thống ngân hàng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Lý giải về vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, thống đốc Nguyễn Văn Bình nói việc này không chỉ có "sáp nhập các ngân hàng mà còn có các giải pháp để lành mạnh hóa các hoạt động tài chính của ngân hàng thương mại." Thống đốc cũng lấy dẫn chứng việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro đã giúp thanh khoản của các ngân hàng tốt hơn.
Bình luận về điều này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng "đây là một bước tiến bộ có giới hạn và tạm thời".
"Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần có một nỗ lực có tính chất hệ thống. Luật pháp Việt Nam cần được bổ sung, sửa đổi để có sự giám sát chặt chẽ hơn."
Nợ xấu và quyết tâm chính trị
Trả lời câu hỏi về việc liệu với đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng hiện nay, chỉ tiêu hạ nợ xấu xuống dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là có khả thi hay không, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
"Khi thống đốc giải trình trước Ủy bản thường vụ Quốc hội trước câu hỏi của Chủ tịch hỏi rằng cuối năm 2012, 2013 là nợ xấu là bao nhiêu thì ông đã nói rằng với sự nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, đến hết nhiệm kỳ này sẽ đưa nợ xấu xuống tiêu chuẩn quốc tế. Và kỳ này ông cũng nhắc lại điều đó và nói thêm là đạt 3%."
"Nhưng tôi không hiểu là nỗ lực hệ thống chính trị này nghĩa là gì. Vì lực lượng vật chất sẽ phải được giải quyết bằng lực lượng vật chất."
"Một khoản nợ độ 10 tỷ đôla như ông Quyền chánh thanh tra nói thì phải cần một khoản vốn bắt cầu để giải quyết. Nhưng giờ tôi chưa rõ rằng phương án đó là như thế nào và số vốn giải quyết sẽ là bao nhiêu."
Ông Doanh nói ông cũng chưa biết là số tiền giải quyết nợ xấu sẽ lấy ở đâu ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét