Ngày Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Đảng có dám đổi mới?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Đảng có dám đổi mới?
Thông điệp của Thủ tướng có thật sự đột phá?
Việt Nam vừa bước sang một năm mới rất mới.Cùng một lúc, người dân đón nhận hai cái mới: Hiến pháp mới và lời kêu gọi đổi mới.
Hiến pháp mới đã có hiệu lực được vài ngày – không biết người dân đã cảm nhận được khác biệt gì chưa – nhưng ít nhất, họ đã nghe một thông điệp rất khác thường.
Khác với trước đây, thông điệp năm nay nghe rồi nhưng không trôi vào dĩ vãng. Nó tạo được tiếng vang và được mang ra bàn luận.
Tầm nhìn của nó không chỉ là một năm mà là quốc kế lâu dài của nhiều năm, thậm chí của vài thập kỷ.
Bàn về tình hình kinh tế-xã hội là một chuyện, thông điệp còn đi sâu vào căn cơ của vấn đề. Và trên hết, đó là lời kêu gọi đổi mới.
Kể từ khi Đảng phát động công cuộc đổi mới vào năm 1986, đã gần 30 năm mới nghe thấy lời kêu gọi đổi mới từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước.
Một vấn đề hệ trọng như ‘đổi mới’ thì tôi tin rằng đây không phải là thông điệp của cá nhân người đứng đầu Chính phủ mà Thủ tướng chỉ thay mặt Đảng và chính quyền truyền đạt lại với nhân dân.
Ba vấn đề cốt lõi
Nội hàm của khái niệm ‘đổi mới’ này, như Thủ tướng đã trình bày, tựu chung ở ba vấn đề cốt lõi: dân chủ, pháp trị và thể chế.
Xét tình hình Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ ba chủ đề này đã chạm gần đến cốt lõi mọi vấn đề.
Trước hết, nhắc đến pháp trị tôi lại nhớ đến một câu chuyện tôi vừa nghe.
Cách nay mấy hôm, tôi có cuộc phỏng vấn với cô Tạ Minh Tú, con gái bà Đặng Thị Kim Liêng, người tự thiêu đến nay cũng gần hai năm.
Bà Liêng là nạn nhân của cường quyền?
Cuộc phỏng vấn nhằm tìm hiểu thực hư về di bút tuyệt mệnh mà bà Liêng được cho là đã để lại trước khi tự thiêu mà con gái bà đến nay mới phát hiện được.
Thư tuyệt mệnh mà cô Tú xác nhận đúng là nét chữ của mẹ tố cáo chính chính quyền đã đưa bà vào con đường chết bằng cách ‘gài bẫy, cột đủ thứ tội, vu khống để lấy nhà’.
Theo lời kể của con gái bà thì trước khi tự thiêu, bà Liêng đang theo đuổi một vụ kiện đất đai với nhà hàng xóm. Cô kể rằng trước ngày tự thiêu bà Liêng đã ‘ngồi trên võng nhìn con chết lặng rồi khóc’.
Dẫu rằng không thể dựa vào lời kể của cô Tú để xác định tính xác thực của câu chuyện, vả lại việc tranh chấp này tôi cũng không biết đúng sai thế nào.
Nhưng một bà lão tự tưới xăng rồi châm lửa ngay trước cổng cơ quan công quyền thì chắc chắn phải tuyệt vọng cùng cực và uất ức đến đỉnh điểm trước chính quyền.
Ở đây cần nhắc lại là bà Liêng cũng chính là mẹ của Tạ Phong Tần, người đang thụ án tù vì tội ‘chống Nhà nước’.
Pháp luật trong tay
Nếu chính quyền chỉ vì lẽ công bằng mà xử lý chuyện gì ra chuyện đó thì liệu bà Liêng có uất đến như vậy không? Đến nỗi một mạng người oan uổng để lại thảm cảnh cho một gia đình mà chính quyền cũng bị mang tiếng xấu.
Mà đến tận bây giờ chính quyền cũng im luôn vụ kiện đất đai, theo lời cô Tú.
Ở đây tôi có cảm giác là pháp luật được vận dụng tùy tiện, cảm tính theo ý chính quyền chứ chẳng hề có gì là ‘pháp trị’ cả!
Tại sao phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước?
Có lẽ cũng cần thông cảm khi thông điệp của Thủ tướng chỉ nói đó là điều muốn đạt được. Cái muốn đạt được thì trên thực tế chưa có hoặc có ở mức độ chưa như mong muốn.
‘Pháp trị’ thì như thế, còn ‘thể chế’ và ‘dân chủ’ thì sao?
Thể chế cần hoàn thiện là ‘thể chế kinh tế thị trường’ mà Thủ tướng đã nói rõ là phải ‘tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng’.
Kinh tế thị trường phải là một cuộc chơi công bằng, nhưng liệu có công bằng không khi mà bắt đầu cuộc chơi, có người được cho giữ vai trò chủ đạo?
Hiến pháp quy định vậy thì chính quyền có can thiệp được không để tạo ‘môi trường công bằng’?
Đảng và dân chủ
Tuy nhiên ấn tượng nhất ở đây là mục tiêu ‘dân chủ’.
Có thể thấy Đảng có một bước đi ngoạn mục.
‘Dân chủ’ là một từ Đảng vốn dĩ không thích. Các cơ quan tuyên truyền của Đảng lâu nay vẫn luôn tấn công ‘dân chủ’ khiến cho khái niệm này trở thành có hàm ý xấu.
Nay thì khác. Đảng không những ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ mà dân chủ của Đảng phải ‘ưu việt hơn tư bản’.
Rõ ràng Đảng muốn‘dân chủ’ là giá trị của mình mà các nước tư bản chẳng những không bì được mà cũng không giành được!
Dân chủ, theo Đảng, muốn phát huy tốt thì phải ‘tăng cường sự lãnh đạo của Đảng’.
Liệu Việt Nam có dân chủ không khi người dân không được bày tỏ chính kiến?
Tôi không rõ vì sao mà tăng cường quyền lực cho chính quyền lại có lợi cho quyền làm chủ của dân trong khi chính quyền đó không được dân bầu, không do dân giao quyền và không có cơ chế chịu trách nhiệm trước dân?
Các mục tiêu trên được Thủ tướng đánh giá là ‘rất khó khăn’. Đúng là khó khăn thật!
Chừng nào Đảng giải thích được tại sao có người làm chủ lại cần người lãnh đạo ông chủ thì tôi mới tin là độc đảng đem lại dân chủ.
Chừng nào chính quyền không chỉ cải thiện thể chế thị trường, mà còn thể chế chịu trách nhiệm, thể chế phi tham nhũng… thì tôi mới tin vào khả năng chính quyền có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Chừng nào pháp luật tự thân đứng vững không bị lợi dụng hoặc thao túng thì tôi mới tin là có Nhà nước pháp quyền.
Chừng nào bất cứ ai, kể cả ‘một ủy viên Bộ Chính trị’, cũng phải được xét xử bằng pháp luật chứ không phải xử kín rồi tha bổng thì tôi mới tin vào pháp trị.
Xoa dịu người dân?
Dẫu sao thì việc chính quyền nhận thức được ý nghĩa của dân chủ, thể chế và pháp trị cũng là điều đáng hoan nghênh.
Động cơ của việc này được cho là ‘cần động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh’ khi mà ‘động lực của những cải cách trước đây không còn đủ mạnh’.
Xét tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay thì tôi tin vào động cơ này. Đảng, với tư cách người cầm lái, đang thật sự muốn đổi mới để tạo chuyển biến lớn cho đất nước.
Các đại biểu Quốc hội có đại diện cho người dân?
Với lại, việc Đảng cổ súy dân chủ, pháp trị và thể chế chứng tỏ Đảng không bảo thủ mà đã lắng nghe tâm tư của dân, tuân theo xu thế của thời đại và chạy theo bước tiến của thế giới.
Ít nhất, Đảng có thể xoa dịu phần nào những đòi hỏi của người dân. Chỉ trích Đảng về dân chủ ư? Chẳng phải Đảng ‘đang nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ đó sao? Lên án Đảng độc quyền lãnh đạo chăng? Đảng đang ‘đảm bảo dân chủ’ đấy!
Đảng cho thấy quyết tâm ‘đổi mới’ với việc hoàn thiện các thể chế. Nhưng cái gốc của mọi thể chế là Hiến pháp thì Đảng có quyết tâm hay không?
Người dân thức dậy vào năm mới với những hứa hẹn là cuộc sống của họ sẽ rất khác.
Không rõ họ có cảm nhận được khác biệt gì không, nhưng nhìn quanh vẫn là Đảng độc quyền lãnh đạo, ruộng đất của chung còn quốc doanh vẫn chủ đạo nền kinh tế.
Vẫn chưa thể đổi?
Mong Đảng từ bỏ độc quyền lãnh đạo của mình có lẽ quá viễn vông. Nhưng vấn đề đất đai và quốc doanh, bao năm qua rối loạn thế nào mà vẫn để được hay sao?
Người nông dân không thể an tâm làm ăn nếu ruộng vườn nhà cửa có thể bị cưỡng chế bất cứ lúc nào. Lòng dân không yên và nông thôn tiếp tục xáo trộn.
Đành rằng cần thu hồi đất cho an ninh-quốc phòng. Đành rằng phát triển kinh tế-xã hội là cần thiết. Đành rằng lợi ích của nhà đầu tư phải bảo đảm. Nhưng lợi ích của nông dân thì sao?
Làng quê Việt Nam sẽ không yên bình với các vụ cưỡng chế thu hồi đất?
Nhà đầu tư thì hám lợi còn chính quyền có thể bị mua chuộc bằng tiền. Rốt cuộc tiền-quyền cấu kết với nhau đè lên đầu lên cổ người dân.
Bao năm qua vẫn diễn ra hình ảnh phản cảm là chính quyền hùa với nhà đầu tư bức bách nông dân. Vậy tại sao Hiến pháp không điều chỉnh? Nếu không đảm được đảm bảo quyền lợi tất cả các bên thì lẽ nào lại bắt người dân chịu thiệt?
Về phía doanh nghiệp quốc doanh, tôi không thấy có cơ sở nào để giữ vai trò chủ đạo – xét cả thực tiễn lẫn lý luận.
Về mặt thực tiễn, các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái tạo mọi điều kiện nhưng chỉ có từ nợ tới lỗ mà nếu có lời thì hiệu quả sử dụng đồng vốn không bằng được tư nhân.
Về mặt lý luận, doanh nghiệp nhà nước được bảo trợ nên mất hết động lực cạnh tranh. Họ không cảm thấy sức ép phải giảm nhân sự, bớt chi tiêu, cải tiến công nghệ, cập nhật quy trình và nâng cao năng lực quản lý như tư nhân.
Quốc hội của ai?
Chưa kể việc Nhà nước dùng các chính sách điều tiết để hỗ trợ đã bóp méo nền kinh tế thị trường mà nguyên tắc cốt lõi là tự thân vận động.
Cho nên, ngoài việc thể hiện lý thuyết của Đảng về ‘quan hệ sản xuất công hữu’ thì tôi thấy không có lý do thuyết phục để duy trì vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước.
Có lẽ tôi không ở tâm thế của các đại biểu Quốc hội nên không thể hiểu được những cân nhắc của các vị về lợi ích toàn cục của đất nước chăng?
Hiến pháp mới đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1 năm 2014
Ở điểm này thì chắc Thái Lan không bằng Việt Nam. Dù lợi ích của người nông dân họ có cục bộ và có làm tổn hại đến lợi ích chung của đất nước nhưng họ vẫn có đại diện đông đảo và mạnh mẽ tại Hạ viện.
Còn khi Quốc hội Việt Nam ấn nút thông qua Hiến pháp với số phiếu gần tuyệt đối thì không rõ Quốc hội đó đại diện cho ai nhưng chắc chắn không có ai đại diện cho 80% dân số là nông dân vốn không hề muốn đất đai của mình bị công hữu và cũng không có ai đại diện cho số đông người đóng thuế không muốn tiền mồ hôi nước mắt của mình chảy vào những cái thùng không đáy của các doanh nghiệp nhà nước.
Đối với chính quyền thì con số gần 98% tán thành có lẽ là cần thiết để trả lời ‘các thế lực thù địch’ chỉ trích việc lập hiến của Đảng.
Tuy nhiên, đây có thật sự là thắng lợi của Quốc hội?
Nó cho thấy đại đa số người dân Việt Nam không được đại diện trong Quốc hội. Nó cũng cho thấy Đảng không sòng phẳng với dân khi tận dụng vị thế cầm quyền để soạn ra bản Hiến pháp có lợi cho mình.
‘Thêm ria cho mèo’
Tương tự, con số ‘hoành tráng’ hàng chục triệu người dân góp ý cho Hiến pháp không hề cho thấy lòng dân tin Hiến pháp mà chỉ đơn thuần là tô vẽ cho cho nền dân chủ của Đảng.
Đào đâu ra mấy chục triệu người dân không những có hiểu biết sâu sắc về chính trị, pháp luật mà còn dành thời gian đáng kể trong thời buổi cơm áo gạo tiền hiện nay để nghiên cứu dự thảo Hiến pháp?
Rõ ràng, tinh thần đổi mới quyết liệt mà Thủ tướng đề xướng không hề thấy trong suốt thời gian sửa đổi Hiến pháp. Thay đổi có chăng là vẽ thêm ria cho mèo mà thôi.
Đảng đang đi quá chậm trong khi thế giới đã đi quá nhanh?
Chẳng hạn như thêm vào câu ‘Đảng chịu trách nhiệm trước dân’ nhưng không hề nói là chịu trách nhiệm thế nào? Có mất quyền khi phạm sai lầm không?
Chẳng hạn nói Chủ tịch nước là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang vậy còn Bí thư Quân ủy Trung ương thì sao?
Chẳng hạn như viết hoa chữ ‘Nhân dân’. Nghe giống như phần thưởng an ủi cho dân vậy!
Hiến pháp một khi đã ra đời thì sức sống ít nhất cũng cả chục năm.
Trong khoảng thời gian từ nay đến chục năm tới, Việt Nam khó lòng có thay đổi gì lớn lao.
Trong bối cảnh thế giới phát triển như vũ bão hiện nay. Cả chục năm nữa mà những vấn đề nhức nhối vẫn y nguyên thì đất nước sẽ còn tụt hậu đến chừng nào?
Chừng nào Đảng thay đổi?
Đảng nói sửa Hiến pháp ở những vấn đề thực tế đã tỏ tường, nhưng vấn đề ‘đã tỏ tường’ đấy thật ra rất chậm so với sự vận động của cuộc sống.
Bản thân Đảng ngày xưa nói ‘chủ nghĩa xã hội bách chiến bách thắng’ nhưng nay chỉ còn yêu cầu ‘tôn trọng sự khác biệt’.
Đảng đang đối phó với sự tự diễn biến trong lòng Đảng mà đã là diễn biến tự nhiên thì sức người không thể nào đỡ nổi.
Đảng đang liên tục yêu cầu quân đội và công an trung thành tuyệt đối. Chứng tỏ Đảng cũng đang bất an với quyền lực của mình.
Người dân Ukraine muốn đoạn tuyệt với quá khứ có hình ảnh của Lenin
Các Đảng cộng sản một thời trên thế giới hoặc là đã giải tán, hoặc là đã thay tên, đổi cờ, hoặc đã từ bỏ chuyên chính vô sản và chấp nhận đấu tranh nghị trường.
Tôi đã chứng kiến những người lớn lên trong lòng Đảng ở Hà Nội giờ chỉ quan tâm chuyện làm ăn. Tôi đã nghe trên khắp đường phố Sài Gòn phát ra những bản nhạc vàng từ mấy chục năm trước từ loa của những người bán đĩa dạo.
Sách kể rằng ngày xưa trước họa xâm lăng của người Pháp, quần thần Tự Đức vẫn chủ trương Thánh Khổng: ‘lấy đạo quân tử chống kẻ tiểu nhân’. Kết cục thế nào ai cũng rõ.
Trong khi đó, vào lúc này có kẻ như hùm như hổ đang lăm le múa vuốt nhe nanh.
Đảng cũng có kinh nghiệm gần 30 năm trước. Trước sự tồn vong Đảng đã vượt qua những trở lực nội tại rất lớn để ‘đổi mới’ và từ bỏ kinh tế tập trung bao cấp.
Chính công cuộc đổi mới đó đã cứu Đảng chứ không phải như Đảng nói là Đảng đã cứu dân.
Thực tế cũng cho thấy nếu người cầm quyền thức thời biết lấy lợi ích quốc gia làm trọng thì sử sách và nhân dân sẽ ghi nhận – như những nhà lãnh đạo quân sự Miến Điện hiện giờ.
THEO BBC
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140105_vn_another_renovation.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét