Ngày Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Biểu tượng ngôi sao trong tâm thức Việt Nam
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Biểu tượng ngôi sao trong tâm thức Việt Nam
Nhắc đến biểu tượng ngôi sao, tất nhiên đa số người Việt Nam liên tưởng đến mẫu quốc kỳ đương đại, một số khác thì nghĩ về một ý thức hệ đã gây tranh cãi từ hàng thập kỷ nay. Với quan điểm “tôi ở giữa tôi chữa đôi bên”, trước nay BBT TTXVA không hướng theo ý thức hệ này để công kích ý thức hệ khác và ngược lại, chúng tôi kiên trì kêu gọi cộng đồng hãy nhận diện lịch sử một cách công minh. Vì chúng tôi nghĩ rằng, sự dối trá chất chồng sự dối trá chỉ gây ra băng hoại, lịch sử vận động theo đà tiến chứ không phải đà lùi. Mọi quan điểm phản hồi, mong quý độc giả comment lịch thiệp dưới bài viết !Theo quan niệm thiên văn học, ngôi sao là một khối cầu plasma, có khả năng tự sản sinh năng lượng và phát sáng nhờ các phản ứng tổng hợp hạt nhân bên trong lõi, trọng lượng và khả năng vận động có được nhờ lực hấp dẫn. Mỗi ngôi sao thường là sự tổng hợp của nhiều nguyên tố hóa học, và trong thiên hà có hàng tỉ ngôi sao, bản chất của Mặt trời và Trái đất cũng là những vì sao. Các ngôi sao tất nhiên có trước và tồn tại ngoài ý muốn của con người.
Còn trong tâm thức con người, ngôi sao là một biểu tượng siêu thực (symbol), mặt trời và mặt trăng cũng là những biểu tượng nhưng lớn hơn. Các biểu tượng mặt trời, mặt trăng, ngôi sao đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại từ rất sớm, mang ý nghĩa rõ rệt về tâm linh. Tới mức, con người đã nhân cách hóa chúng thành các vị thần (gods). Mặc dù, sự sùng bái trời-trăng-sao trong các nền văn hóa là tương đồng, nhưng vẫn có sự khác nhau trong cách nhận diện vị trí. Thí dụ :
- Người Trung Hoa quan niệm : Ngôi sao là một khối cầu và nhận ánh sáng từ mặt trời. Bản thể mặt trời là một khối cầu có nhiều tia sáng và ban phát năng lượng cho vạn vật. Mặt trăng cũng là một khối cầu, nhưng lớn hơn ngôi sao và đứng ở vị trí trung dung. Luận điểm này tương thích với ý thức hệ Nho giáo, bởi vậy từ xưa, các hoàng đế Trung Hoa thường ví mình là mặt trời và xem thần dân như những vì sao. Nhận thức vũ trụ của người Trung Hoa đã được các nước đồng văn mô phỏng, như : Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…
- Khác biệt với nền văn minh Trung Hoa, nền văn minh Tây Âu vốn coi trọng các giá trị dân chủ hơn, họ cho rằng : Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao đều là các vì tinh tú. Tức là, cả ba tinh tú này đều có khả năng sản sinh năng lượng. Mặt trời và ngôi sao được thể hiện là các khối cầu có nhiều tia sáng, nhưng mặt trời có kích thước lớn hơn ; riêng mặt trăng thường được thể hiện là một hình lưỡi liềm và có tính cách hiền hòa. Nhận thức này tương ứng với sự tôn trọng giá trị cá thể của người Âu châu, coi tất cả mọi người đều bình đẳng và không có ai đứng trên hoặc đứng dưới cộng đồng.
Ngôi sao David (מגן דוד) – biểu tượng đặc thù của văn hóa Do Thái. Người Do Thái đã phỏng theo hình dạng ngôi sao David để sáng chế ký tự Hebrew.
Ngôi sao Maroc (Star of Morocco) vốn là biến thể của ngôi sao David, nhưng có ý nghĩa biểu trưng cho Hồi giáo.
Biểu tượng ngôi sao và trăng lưỡi liềm (star and crescent) của cộng đồng Hồi giáo. Mặt trăng : nam thần Sin, ngôi sao : nữ thần Ishtar.
Ngôi sao đỏ năm cánh ban đầu tượng trưng cho 5 giai cấp hợp thành Liên bang Soviet (theo quan điểm của Vladimir I.Lenin), về sau được coi là một trong các biểu tượng của phong trào Cộng sản quốc tế.
Biểu tượng của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là ngôi sao 4 cánh.
Malaysia sử dụng biểu tượng quốc gia là mặt trăng và ngôi sao 14 cánh. Mặt trăng : Hồi giáo, 14 cánh sao : 14 tiểu bang (về sau Singapore độc lập nhưng ý nghĩa không đổi).
Trong cuộc khởi nghĩa Vũ Xương (10 tháng 10 năm 1911), những người cách mạng đã treo lá cờ Thiết Huyết (铁血十八星旗) tại Hoàng Hạc lâu, sau này trở thành ý tưởng tạo nên quốc kỳ Trung Hoa Dân quốc và cờ ngũ tinh liên châu của Việt Nam Quang phục Hội. Trên nền đỏ là 18 ngôi sao vàng chuyển động quanh mặt trời màu đen. Đây là bằng chứng cho thấy sự khác biệt trong thế giới quan Á Đông và Tây Âu.
Tại Việt Nam, dẫn liệu cổ nhất về thế giới quan của tiền nhân là trống đồng, trên mặt trống luôn thể hiện mặt trời ban phát tia năng lượng cho vạn vật – đây là ý niệm sơ khai nhất của nhân loại. Cách nay chừng 2 ngàn năm, không gian văn hóa của người Việt Nam tiếp nhận thêm sự ảnh hưởng từ Trung Hoa – nền văn minh này chỉ thực sự lớn mạnh từ thời Hán (206.TCN – 220). Thuở xưa, tổ tiên chúng ta gọi ngôi sao là tinh cầu (星球), các ngôi sao là tinh tú (星宿), mặt trời là nhật (日), mặt trăng là nguyệt (月). Trong khoa phong thủy, người Trung Hoa coi địa bàn sinh sống của họ (khoảng giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử) ở vị trí sao Bắc Đẩu (北斗七星) – chòm sao sáng nhất và nhằm ở chính giữa bầu trời đêm ; còn nơi định cư của người Việt Nam (vùng đồng bằng Bắc Bộ) nằm ở khoảng sao Dực (Dực Hỏa Xà), sao Chẩn (Chẩn Thủy Dẫn) – tương ứng với cánh và đuôi của chòm sao Chu Tước (朱雀). Quan niệm phong thủy cũng cho rằng, sao Dực và sao Chẩn thường đem lại tai ương (hung tinh). Trong nhiều thế kỷ, người Việt Nam đã chấp nhận quan niệm này, các nhà chiêm tinh thường căn cứ vào trạng thái của sao Dực, sao Chẩn để đoán điềm hưng vong của triều đại.
Chòm sao Chu Tước được thể hiện trong mĩ thuật là một con chim sẻ màu đỏ rực, tương ứng với hành Hỏa (thuyết Ngũ hành).
Bài thơ Thuật hoài (述懷) của danh tướng Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255 – 1320) có viết :
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Câu thơ Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu hàm nghĩa : Ba quân thế mạnh như hổ, nuốt cả sao Ngưu. Sao Ngưu tức là Ngưu Lang tinh (牛郎), rút từ thành ngữ Khí thôn Ngưu Đẩu (Thế mạnh nuốt sao Ngưu Lang, sao Bắc Đẩu).
Trên tấm bia ghi công đức của danh thần Nguyễn Trãi (阮廌, 1380 – 1442), hoàng đế Lê Thánh Tông (黎聖宗, 1442 – 1497) đã sai tạc bài thơ như sau :
Cao Đế anh hùng cái thế danh,
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành.
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh.
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển,
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh.
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự,
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình.
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành.
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo,
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh.
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển,
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh.
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự,
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình.
Câu thơ Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo (Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương) thường được hậu thế nhắc nhớ để vinh danh Nguyễn Trãi. Theo chú thích của giáo sư Bùi Văn Nguyên (Tổng tập Văn học Việt Nam - tập 5, NXB Khoa học Xã hội, 1995) “khuê tảo” nghĩa là sao Khuê và rong biển – tượng trưng cho vẻ đẹp của văn chương, học thuật. Cũng can hệ đến biểu tượng sao Khuê (奎宿), vào năm 1805, Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (阮文誠, 1758 – 1817) đã cho xây dựng trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước. Công trình đó được gọi là Khuê Văn Các (奎文閣, gác Khuê Văn / hàm ý “vẻ đẹp của sao Khuê”), là nơi hội họp bình văn và đốt giấy của các sĩ tử. Trên mặt tường gỗ của gác Khuê Văn có chạm các câu đối như sau :
Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển – Bích thủy xuân thâm đạo mạch trường.
Hy triều phấn sức long văn trị – Kiệt các trân tàng tập đại quan.
Thành lâm Bắc đẩu hồi nguyên khí – Nguyệt tế thu đàm chiếu cổ tâm.
Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ – Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang.
Hy triều phấn sức long văn trị – Kiệt các trân tàng tập đại quan.
Thành lâm Bắc đẩu hồi nguyên khí – Nguyệt tế thu đàm chiếu cổ tâm.
Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ – Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang.
Tạm dịch :
Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng – Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài.
Triều ta tô điểm nhiều văn trị – Gác đẹp văn hay đón khách xem.
Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt – Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa.
Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến – Phủ đồ thư một mối thánh hiền.
Triều ta tô điểm nhiều văn trị – Gác đẹp văn hay đón khách xem.
Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt – Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa.
Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến – Phủ đồ thư một mối thánh hiền.
Trên tầng lầu của Khuê Văn Các có chạm 4 cửa sổ, trên mỗi cửa là một vòng tròn với các chân chống – đó là sự mô phỏng ngôi sao Khuê tỏa sáng.
Tranh 3D phục dựng Khuê Văn Các đầu thế kỷ XX.
Khuê Văn Các nhìn từ phía tam quan. Ảnh chụp năm 1950.
Kho tàng văn học dân gian còn ghi lại câu ca “Trên trời có ông sao Tua / Ở làng Minh Giám có vua Bá Vành” để nhắc nhớ về Phan Bá Vành (潘伯鑅, ? – 1827) – lãnh tụ nông dân khởi nghĩa ở trấn Sơn Nam Hạ. Sao Tua tức là Tua Rua – một cụm sao nằm trong chòm Kim Ngưu. Nó có tên gọi khác là sao Mạ, nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa thường nhìn chòm sao này để xác định thời điểm gieo mạ.
Như vậy, từ buổi bình minh của lịch sử, tổ tiên chúng ta đã sớm định hình được triết lý về thiên văn, đặc biệt, biểu tượng ngôi sao đã xuất hiện rất lâu đời và trở nên thân thuộc trong tâm thức người Việt Nam. Đó là yếu tố chính khiến cho biểu tượng này vẫn hiện diện trong lối sống đương đại, bất chấp mọi trăng trầm lịch sử.
Sử sách ghi lại rằng, hoàng đế Quang Trung (1753 – 1792) đã sử dụng một lá cờ nền đỏ và ở giữa có ngôi sao vàng (Quang Trung đế kỳ /光中帝旗). Trong ảnh : Quang Trung đế kỳ được phục dựng tại Festival Huế 2008 – tái hiện lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung.
Từ 1802 đến 1885, triều Nguyễn sử dụng hoàng thất kỳ là một lá cờ nền vàng viền lam, ở giữa có ngôi sao đỏ (tượng trưng cho chính đạo, sự hợp nhất). Tên gọi là cờ long tinh (龍星旗). Lá cờ này về sau bị chính phủ Pháp buộc phế bỏ nhưng vẫn được phong trào Cần Vương (1885 – 1896) sử dụng.
Vào năm 1913, tổ chức Việt Nam Quang phục Hội (越南光復會, 1912 – 1925) đã mô phỏng quốc kỳ Trung Hoa Dân quốc để tạo ra ba mẫu cờ ngũ tinh liên châu (五星联珠), gồm : đoàn kỳ Quang phục Hội, quân kỳ Quang phục quân, quốc kỳ Việt Nam Dân quốc. Trong cuốn hồi ký nhan đề Tự phán, viết năm 1929 tại Bến Ngự (Huế), chí sĩ Phan Bội Châu (潘佩珠, 1867 – 1940) giải thích : “Xưa nước ta chỉ có cờ Hoàng Đế mà không có cờ nước cũng là một việc đáng quái gở. Hội Việt Nam Quang phục mới chế định ra quốc kỳ bằng cờ ngũ tinh, dạng huy thức dùng bằng cách ngũ tinh liên châu… Nhân vì nước ta có năm địa bộ, sở dĩ dùng thức nầy để tỏ rõ cái ý năm đại bộ liên lạc làm một. Sắc cờ dùng hoàng địa, hồng tinh làm cờ nước ; hồng địa bạch tinh làm cờ quân. Hoàng là để biểu thị nhân chủng ta. Hồng là biểu thị sắc nước ta : Nam phương thuộc hỏa, hỏa sắc hồng. Quân kỳ sở dĩ dùng bạch tinh là tỏ rõ mục đích quân, cốt đánh đổ chính phủ người (da) trắng“.
Vào năm 1920, hoàng đế Khải Định (啓定, 1885 – 1925) đã ấn định hoàng thất kỳ triều Nguyễn là một mẫu cờ có kích thước 1:2, có ba sọc ngang : vàng – đỏ – vàng, các sọc vàng tượng trưng cho rồng và sọc đỏ là tượng trưng cho ngôi sao. Tên gọi vẫn là cờ long tinh (龍星旗). Lá cờ này được sử dụng cho đến năm 1945. Trong ảnh : Cờ long tinh hiện diện tại lễ Tứ tuần đại khánh mừng thọ hoàng đế Khải Định (1924).
Tem Đông Dương phát hành năm 1945 với cờ long tinh và con số 11.3.45 (thời điểm Hoàng đế Bảo Đại công bố nền độc lập của Đế quốc Việt Nam).
Biểu tượng ngôi sao trong tâm thức người Việt Nam đương đại thường là năm cánh hoặc sáu cánh, ý niệm này thực ra bắt nguồn từ văn hóa Tây Âu. Cho đến khoảng thập niên 1920, lối tư duy người Việt Nam căn bản vẫn thiên về không gian Á Đông, vì thế không có gì lạ khi ngay đến các vua chúa vẫn quan niệm ngôi sao là một khối cầu. Chính sự tiếp xúc tự tin và liên tục với văn hóa Tây Âu đã khiến dòng ý thức của người Việt Nam thời nay trở nên khác biệt với tổ tiên, thậm chí, chúng ta không còn am hiểu về thế giới quan của tiền nhân.
Nam Long bội tinh (L’Ordre du Dragon d’Annam) ra đời ngày 14 tháng 3 năm 1886 dưới triều Đồng Khánh (同慶, 1864 – 1889), huân chương này được thiết kế theo quan niệm Tây Âu, nhưng họa tiết vẫn giữ được nét truyền thống phương Đông : Con rồng xanh nằm trên ngôi sao nhiều cánh.
Hình vẽ Nam Long bội tinh trên vỏ hộp thuốc lá.
Năm 1939, Đại Việt Quốc dân Đảng thành lập tại Phú Yên đã sử dụng đảng kỳ là một lá cờ nền đỏ, chính giữa có ngôi sao trắng năm cánh xếp trên đĩa lam. Mẫu cờ này do Đảng trưởng Trương Tử Anh (1914 – 1946) thiết kế, hiện nay vẫn được sử dụng làm cờ biểu trưng của Đại Việt Quốc dân Đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng. Thậm chí, ba tổ chức khác là Đảng Tân Đại Việt, Đại Việt Cách mạng Đảng, Đảng Dân tộc Việt Nam dựa theo mẫu cờ này để sáng tạo ra đảng kỳ của riêng mình. Cờ sao trắng ra đời vào thời điểm nở rộ trào lưu Âu hóa, có thể xem là tiên khởi cho sự tiếp nhận mạnh mẽ văn hóa Tây Âu tại Việt Nam.
Bài hát Cờ Sao Trắng do nhạc sĩ Lê Ninh sáng tác, được sử dụng làm đảng ca của Việt Nam Quốc dân Đảng.
Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội có lẽ là tổ chức chính trị thứ nhì lấy ngôi sao năm cánh làm biểu tượng. Theo nhà văn Sơn Tùng, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu trong sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa (1940), sau này được chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn làm quốc kỳ. Đây là lá cờ gây tổn hại nhiều giấy mực nhất cho những người bài Cộng. Trong ảnh : Người hàng phố tụ họp mừng Quân đội Nhân dân về tiếp quản Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1954.
Đoàn kỳ của phong trào Thanh niên Tiền phong (một tổ chức chính trị – xã hội tồn tại trong tháng 7, tháng 8 năm 1945) là nền vàng với một ngôi sao đỏ năm cánh.
Trong cuốn Hồi ký 1940 – 1945, ông Trần Văn Giàu có thuật lại một sự kiện diễn ra năm 1945 : Mới bảy giờ sáng thì các đoàn người đã bắt đầu vào chiếm lĩnh vị trí đã định trước của mình. Hơn Tám giờ, đứng trên lễ đài (cao chỉ hai thước, hai thước rưỡi) thấy cả một biển người, một rừng cờ và băng. Cái vườn cây sao rộng lớn trước phủ Toàn quyền đầy nghẹt. Cả đại lộ Norodom từ phủ Toàn quyền đến tận vườn thú cũng đầy nghẹt, người đi trên lề cũng khó, nói gì dắt xe đạp. Đường Blansubé đến bót giếng nước cũng giống y như vậy ; người là người, băng cờ là băng cờ ! Mỗi đoàn thể có mặt đều xưng tên bằng một tấm băng đi đầu : Công đoàn Ba Son, Công đoàn Labbé… Thanh niên Tiền phong đoàn Lê Lai, đoàn Phan Bội Châu… Nông dân trung quận Chợ Lớn, hội cựu binh sĩ, v.v… và v.v… Gần trăm phần trăm cờ là cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, cờ vàng sao đỏ. Anh Dương Văn Phúc kéo áo tôi, nói nhỏ : có đồng chí báo cáo là có mặt bọn Đệ Tứ Trốt-kít với băng đề là : “Nhóm Tranh đấu”, cờ của họ là cờ “ngôi sao xẹt”… Đoàn thể chính trị, tôn giáo nào ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ lúc đó cũng đều có màu cờ của họ. Cờ quẻ Ly của triều đình Bảo Đại, cờ chữ Vạn của Cao Đài, cờ ngôi sao xẹt của Trốt-kít, cờ điều của Hòa Hảo… Loạn cờ ! Cờ sao xẹt theo suy diễn của Trần Văn Giàu thực chất là một nắm đấm khỏe nằm trong ngôi sao năm cánh – một biểu tượng thường thấy của phong trào Quốc tế Cộng sản Đệ Tứ.
Vào năm 1948, Khu tự trị Thái (Fédération thaï) được thành lập, chúa Đèo Văn Long (1887 – 1975) đã chọn hiệu kỳ là ba sọc lam – trắng – lam và có ngôi sao đỏ 16 cánh ở giữa, 16 cánh sao tượng trưng cho 16 châu hợp thành xứ Thái. Lá cờ này được sử dụng đến năm 1955.
Trong cuốn sách Đức Huỳnh giáo chủ, ông Phan Bá Cầm đã thuật lại sự ra đời lá cờ Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng (1946 – 1975), như sau :
Vào khoảng tháng 7 năm 1947, trong một trận đánh tại vùng Láng Linh, vì thiếu quân kỳ nên Bộ đội Dân Xã bị thiệt hại nặng. Có một số sĩ quan như Cò Trình, Cò No… tử trận.
Ông Lâm Thành Nguyên đến báo cáo với Ban chấp hành Liên tỉnh lúc bấy giờ đóng tại xã Hưng Nhơn, nguyên nhân của sự tổn thất và yêu cầu Liên tỉnh tạo cho lá quân kỳ. Sau khi thảo luận, lá cờ vàng với một ngôi sao đỏ được đưa ra, có ý đối chọi lại cờ Việt Minh, nền đỏ một ngôi sao vàng.
Lá cờ nầy không được chấp nhận, vì lẽ nó không khác lá cờ của Thanh niên Tiền phong. Do đó, lá cờ được thêm hai ngôi sao nữa nghĩa là thành lá cờ nền vàng ba ngôi sao đỏ.
Ban chấp hành Liên tỉnh có yêu cầu các cấp cho ý kiến và giải thích ý nghĩa để chọn lựa. Có nhiều ý kiến được đưa ra. Người thì giải rằng : nền vàng là màu tượng trưng cho quốc gia Việt Nam, còn ba sao là tượng trưng cho ba kỳ Nam – Trung – Bắc hoặc
- Tam dân chủ nghĩa : Dân tộc, Dân quyền, Dân sanh.
- Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng.
- Tam tài : Thiên, Địa, Nhơn.
- Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng.
- Tam tài : Thiên, Địa, Nhơn.
Vì có lá cờ vàng ba sao đỏ nên Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng còn có tên gọi : Đảng Dân Xã Bao Sao.
Tiểu đoàn Mường số 1 (1er Bataillon Muong) của Quân đội Quốc gia Việt Nam chọn ngôi sao Maroc làm biểu tượng. Ảnh chụp ngày 26 tháng 3 năm 1951 tại Vĩnh Yên.
Trong cuốn tiểu thuyết Trăng huyết của các tác giả Anthony Grey và Nguyễn Ước, có đoạn : “Trong văn phòng trang hoàng công phu trên tầng hai dinh Gia Long, Ngô Đình Nhu – Cố vấn Tối cao của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ung dung mỉm cười khi nghe giọng nói lập cập và khẩn trương của một người Việt Nam khác qua máy điện thoại. Ngửa hẳn người ra ghế, ông gác chân lên mặt chiếc bàn giấy sơn mài màu đen, khoan khoái rít một hơi thuốc rồi chầm chậm nhả thành một làn khói chập chờn bay lơ lửng lên trần nhà. Trên bức vách đằng sau, người ta vừa trang trọng treo bức chân dung khá lớn của ông. Cao hơn một chút có hai lá cờ cán gắn chéo nhau. Bên phải là quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa màu vàng ba sọc đỏ. Bên trái là đảng kỳ Cần Lao Nhân Vị hình chữ nhật, chia làm hai phần theo chiều dọc nửa đỏ nửa xanh màu lá mạ ; trên nền xanh có ba ngôi sao đỏ xếp theo hình tam giác“. Còn trong cuốn sách Dòng họ Ngô Đình – ước mơ chưa đạt, tác giả Nguyễn Văn Minh đã thuật lại lời cố Trung tướng Tôn Thất Đính (1926 – 2013) về sự kiện ông gia nhập Đảng Cần lao Nhân vị năm 1957, như sau : “Một bàn thờ Tổ quốc rất lạ lùng : Quốc kỳ và Đảng kỳ được treo song song, nhưng Đảng kỳ gồm hai màu xanh lá cây và đỏ. Trên bàn thờ có tượng Chúa Jesus, chân dung của Tổng thống Ngô Đình Diệm và một bộ tam sên cùng một thanh gươm“.
Những tư liệu về Đảng Cần lao Nhân vị hiện nay phần nhiều do người đương thời kể lại, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phục dựng mẫu đảng kỳ theo sự hồi tưởng của họ. Ba ngôi sao đỏ có lẽ tượng trưng cho thuyết Nhân vị (Personalism).
Các lá cờ của phong trào FULRO (Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Sắc tộc bị Áp bức, 1964 – 1992) thường lấy biểu tượng là ngôi sao trắng.
Giới tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa thường sử dụng lá cờ với các ngôi sao để biểu thị cấp hàm, quy tắc này bắt nguồn từ văn hóa quân sự của Hoa Kỳ. Bức ảnh được chụp năm 1967.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (1929 – 1975) mang quân hàm Thiếu tướng nên được gọi là tướng hai sao.
Trong bài viết Chuyện lá cờ, học giả Nguyễn Duy Ân viết : “Ông Nguyễn Văn Thiệu lập Đảng Dân chủ lại lấy nền vàng sao đỏ làm đảng kỳ như để đối nghịch lại lá cờ của Đảng Cộng sản : Ngôi sao đỏ tượng trưng cho năm hào âm nhu, tiểu nhân, không có hào Lục Ngũ như trên thực tế. Đất đai của cải miền Nam còn dồi dào (nền vàng) dù đang bị Cộng sản Bắc Việt tấn công nhiều mặt, nhưng tối thiểu vẫn có tự do – dân chủ, có báo chí tương đối độc lập để tạo ảnh hưởng về mặt tinh thần và dư luận, vì vậy tham nhũng miền Nam cũng không dám lộng hành mà chỉ là tham nhũng cò con nên dân chúng không đến nỗi ăn bo bo hay gặm củ mì, củ chuối. Đám quần Âm Sao Đỏ không đủ thủ đoạn tàn ác và hiểm độc bằng đám tiểu nhân Sao Vàng cho nên nước mất thì Đảng Dân chủ cũng tan mà cờ (đảng) cũng tiêu“.
Hình dạng gần đúng của lá cờ Đảng Dân chủ. Tổ chức này thành lập năm 1967, đến năm 1969 thì mở rộng thành Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội (National Social Democratic Front), tồn tại đến 1975 mới giải tán.
Nội dung một bản tin ngày 25 tháng 5 năm 1969 loan báo về sự thành lập Mặt trận Dân Xã.
Các binh chủng Việt Nam Cộng hòa thường chọn ngôi sao trắng làm biểu tượng. Trong ảnh là trụ sở Bộ Tổng tham mưu.
Ngôi sao trắng trên phù hiệu Lục quân Việt Nam Cộng hòa.
Phù hiệu Sư đoàn 5 Bộ binh.
Ngôi sao trắng trên nón sắt Biệt động quân.
Quân kỳ Phi đoàn 516 Không quân.
Phù hiệu Phi đoàn 83 Không quân.
Ngôi sao trắng trên phù hiệu Quân cảnh.
Phù hiệu Trung tâm Huấn luyện và Bổ sung Quân khuyển.
Biểu tượng ngôi sao vàng của Liên đoàn Biệt động quân.
Biểu tượng ngôi sao vàng của Sư đoàn Nhảy dù.
Biểu tượng Thủy quân lục chiến là một ngôi sao đỏ.
Lữ đoàn A Thủy quân lục chiến.
Trong bài viết Quốc kỳ và quốc ca Việt Nam, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1924 – 1990) viết : “Việc một hội đoàn Việt Nam dùng làm hiệu kỳ một lá cờ nền vàng ba sọc đỏ trên có biểu tượng riêng cho mình là một điều hữu ích cho công cuộc tranh đấu chống lại Cộng sản. Khi Liên minh Dân chủ Việt Nam (Alliance for Democracy in Vietnam) áp dụng nguyên tắc trên đây và thêm năm ngôi sao năm nhánh màu xanh trên cờ vàng ba sọc đỏ để làm đoàn kỳ của mình, một số người đã chỉ trích vì cho rằng như vậy là bất kính đối với quốc kỳ. Nhưng sự thật không phải như vậy. Việc dùng một biểu hiệu thêm vào quốc kỳ để làm hiệu kỳ cho một tổ chức tranh đấu cho Tổ quốc là một điều mà người các nước đã từng làm. Như trên đây đã nói, khi thành lập Lực lượng Pháp quốc Tự do để chống lại chánh phủ Pétain, tướng de Gaulle đã dùng một cây thập tự Lorraine thêm vào quốc kỳ Pháp. Vậy, việc đoàn kỳ của Liên minh Dân chủ Việt Nam là một quốc kỳ trên có 5 ngôi sao năm nhánh màu xanh chỉ hàm ý rằng Liên minh Dân chủ Việt Nam là một tổ chức của Việt Nam Cộng hòa tranh đấu dưới lá quốc kỳ Việt Nam, và 5 ngôi sao năm nhánh màu xanh chỉ để phân biệt nó với những tổ chức tranh đấu khác nhưng cùng một mục tiêu chung“.
Hình ảnh 5 ngôi sao màu lam được Liên minh Dân chủ Việt Nam sử dụng làm biểu tượng. Sau này, nhiều tổ chức khác tại hải ngoại cũng mô phỏng theo. Màu lam (navy) vốn được Cách mạng Pháp coi là tượng trưng của tinh thần tự do (Liberty), được đưa lên quốc kỳ Pháp.
Như vậy, biểu tượng ngôi sao là một hình ảnh rất đặc trưng trong văn hóa Việt Nam, nó được đa phần người Việt Nam ưa thích. Cho nên, những góc nhìn thiên kiến về biểu tượng này là hoàn toàn lệch lạc
TTXVA.ORG
Xem tin nguồn: http://ttxva.org/bieu-tuong-ngoi-sao-trong-tam-thuc-viet-nam/#ixzz2pbgQ9P5s
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét