Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Bằng thật, học... giả

Ngày Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bằng thật, học... giả
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Không ai không muốn được học để mở mang kiến thức, hiểu biết hơn. Tuy nhiên, một số người lại có quan niệm rằng, họ học chủ yếu lấy bằng để phục vụ cho mục đích sau này.

Do đó, họ sẵn sàng bỏ tiền ra để “mua” điểm, “mua” bằng hoặc để thuê người học hộ. Trên một số diễn đàn mạng, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt mục rao vặt “dịch vụ” học thuê, học hộ, ví dụ như: “Cần tuyển 2 đến 3 bạn nam học thuê tại chức cho trường A, địa chỉ gần bến xe Kim Ngưu (xe số 26) đi cùng lớp với mình vì có 5, 6 ông cần nên mình tuyển thêm. 
Học tiếng Anh market-leader, kinh tế linh tinh! Thời gian từ 18g đến 20g các ngày trong tuần. Rảnh ngày nào mình gọi ngày đó! Giá cả 50.000 đồng/buổi sau khoảng 5 hoặc 6 buổi có thể lấy tiền! Yêu cầu nam trông chững chạc 1 chút (vì học cho các anh 8x), có phương tiện đi lại hoặc xe bus phải đúng giờ, cần biết 1 chút tiếng Anh”. Thông tin này được đăng một cách công khai và khá chi tiết trên trang www.raovat.com.


Những mẩu “rao vặt” này tưởng như xa lạ với nhiều người nhưng nó lại khá phổ biến trong giới SV hiện nay. Dùng tiền để “mua” bằng cấp là điều đáng phải lên án. Đây chính là kiểu “học giả bằng thật”. Điều này không chỉ xảy ra đối với các hệ đào tạo liên thông, tại chức hay văn bằng 2 mà còn ngay cả đối với hệ chính quy. Nhiều SV “con nhà giàu” sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để đổi lấy một khoảng thời gian chơi bời, thay vì “lĩnh hội” tri thức. Thực trạng đáng buồn là những SV dạng này khá phổ biến và có xu hướng gia tăng. Lười học nhưng lại muốn lấy bằng cấp “xịn” thì quả là nghịch lý. Có lẽ, họ nghĩ “thả con săn sắt để bắt con cá rô” nên mới tìm thuê người học hộ. Có tấm bằng, họ sẽ “thu hồi” lại nhiều thứ hơn so với số tiền đã bỏ ra. Chính vì vậy, dịch vụ học thuê, học hộ mới có “cơ hội” phát triển. Liệu có phải họ đã được “dọn sẵn” nơi công tác ngay sau khi lấy bằng ...? Liệu có mối quan hệ nào giữa việc này với chuyện “chạy việc” như báo chí đã nói trong thời gian vừa qua không ?

Bạn Tùng, SV đồng thời là một “nhân viên” có “thâm niên” trong “ngành”, cho biết, bạn hiện đang học hộ cho những bạn học cùng ngành nên bạn có cơ hội để “trau dồi” thêm kiến thức mà lại kiếm được thu nhập. Với số tiền kiếm được, bạn trang trải học phí cũng như không phải xin thêm tiền của gia đình gửi lên. Bạn thường mang bài tập đến nơi học để tranh thủ làm, vừa đảm bảo tính chất công việc lại vừa không ảnh hường đến việc học của chính bản thân. “Quả là một công đôi ba việc, mỗi mũi tên bắn trúng nhiều đích” - Tùng chia sẻ.

Tình trạng học hộ, học thuê tràn lan sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục, đặc biệt là những nơi “sản sinh” ra những tài năng cho tương lai, những người “lao động” chuyên nghiệp phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Việc học hộ, học thuê khi bị phát hiện, nhẹ thì bị đình chỉ thi, đình chỉ học, nặng thì có thể bị đuổi học. Nhiều trường hợp SV đi học hộ, học thuê bị ảnh hưởng đến tương lai. Họ bị “vùi dập” trong “vòng xoáy” của đồng tiền, khiến bao công sức mà gia đình họ bỏ ra cho con đi học bị đổ “xuống sông, xuống biển”. Kết cục buồn cho những hành động thiếu ý thức và “non trẻ”. Có lẽ, người học hộ và học thuê sẽ bị mất nhiều hơn là được. 

Trao đổi với PV, ông Hồng, có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cho biết, việc thế vai nhau trên giảng đường quả là một thực trạng đáng buồn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy cũng như lối sống của giới SV. Điều này cũng cho thấy công tác quản lý SV tại một số trường còn khá lỏng lẻo và “thờ ơ”. Phải chăng đây cũng là một “lỗ hổng” trong công tác giáo dục tại nước ta? Trình độ và tấm bằng dường như không còn được “gắn kết” chặt chẽ như trước đây. Chỉ cần có tiền là có thể “mua” và “thuê” được mọi thứ, từ việc “điều khiển” người khác đến việc “mua” điểm, “mua” bằng. Liệu tương lai của đất nước sẽ đi về đâu trước thực trạng đáng buồn này? 

Học hộ và học thuê đã và đang trở thành một vấn nạn lớn trong ngành giáo dục nói riêng cũng như của xã hội nói chung. Nên chăng, những nhà quản lý giáo dục cần sớm có những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát việc này. Điều đó không những góp phần giúp cho sự phát triển của đất nước mà không làm “mất đi” truyền thống hiếu học của giới trẻ hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét