Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

‘Trung Quốc trỗi dậy’: Sự thật hay giả dối?

Ngày Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết ‘Trung Quốc trỗi dậy’: Sự thật hay giả dối?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!



Cái được gọi là “trỗi dậy” đó phải chăng chỉ liên quan đến lớp người giàu có, còn giai cấp bình dân và người nghèo vẫn chịu cảnh lắng sâu trong bầu không khí mông muội của những năm tháng cách mạng văn hóa?

Ferrari là trở thành biểu tượng của giới nhà giàu Trung Quốc
Ferrari là trở thành biểu tượng của giới nhà giàu Trung Quốc, có mức sống cách biệt hàng chục lần so với tầng lớp nghèo khổ.


“Trung Quốc trỗi dậy”?

Cho đến gần đây, Nouriel Roubini - người từng đoạt giải Nobel kinh tế và là một trong những chuyên gia hàng đầu trên thế giới phổ biến “học thuyết khủng hoảng”, vẫn bảo lưu quan điểm rằng Trung Quốc là một trong những nhân tố nguy biến có thể đẩy kinh tế thế giới xuống vực thẳm.

Như một thách thức với cả bộ máy kinh tế và tuyên truyền của Trung Quốc, quan điểm của Roubini được giữ vững, bất chấp việc Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc phát đi những số liệu về mức tăng GDP 7,9% và tăng trưởng xuất khẩu 14,1% vào tháng 12/2012, nhằm chứng tỏ sự phục hồi trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cũng lại xuất hiện chủ thuyết “Trung Quốc trỗi dậy” trong giới quản lý và học giả kinh tế ở đất nước đông dân nhất thế giới, vào đúng thời điểm một nhà hàng ở quốc gia này tuyên bố không đón tiếp “Người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó”.

Nhưng điều oái oăm là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ý kiến hoài nghi về các số liệu kinh tế Trung Quốc được công bố. Nếu vào quý 2 năm 2011 đã từng nảy sinh mối nghi ngờ từ các tổ chức xếp hạng quốc tế như Moody’s và Fitch Rating về nợ công của Trung Quốc, thì trường hợp giáo sư Lang Hàm Bình của Đại học Trung Văn (Hồng Kông) cũng đã trở thành một trong những nguồn dẫn phản biện mang tính thách thức nhất.

Theo Lang, những con số công bố vào năm 2011 như tỷ lệ tăng trưởng 9,1% GDP và mức lạm phát 6,2% đều là giả; mà tỷ lệ lạm phát thực tế ít nhất là 16%. Một trong những nguyên do làm tăng lạm phát là Trung Quốc đã “in tiền quá nhiều”. Dẫn chứng không thể phủ nhận cho mối nghi ngờ quá lớn này là trong lúc GDP của Mỹ cao gấp 2,5 lần so với Trung Quốc, lượng tiền mà Trung Quốc in ra lại cao hơn 30% so với Mỹ.

Cũng theo cách tính của Lang, GDP ở Trung Quốc thực chất hiện nay chỉ khoảng 5,5-6%. Tỷ lệ này không chỉ bị tác động nặng nề do sụt giảm giá trị xuất khẩu, mà còn bởi khả năng trả nợ gần như vô vọng của các chính quyền địa phương cho Ngân hàng trung ương.

70-80% GDP nợ công!

Còn về nợ vay ngân hàng và nợ công thì sao? Những con số lại tiếp tục nhảy múa. Cơ quan kiểm toán quốc gia Trung Quốc cho biết món nợ của chính quyền địa phương các cấp là 10.700 tỷ nhân dân tệ, tức 1.140 tỷ euro, tương đương với 27% tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng hãng xếp hạng tín dụng Moody’s lại nghi ngờ tính xác thực của con số thống kê chính thức này và đánh giá số nợ phải là 1.513 tỷ euro, chiếm đến 36% tổng sản phẩm quốc nội.

Cả hai năm 2011 và 2012, Cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc đều cho biết vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương tuy tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát, khi nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 50% GDP tính đến cuối năm 2010, trong khi mức báo động là 60%.

Còn theo một chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ, giáo sư Bùi Mẫn Hân, nếu tính cả nợ của các chính quyền địa phương và chi phí tái cấp vốn cho ngân hàng quốc doanh cũng như trái phiếu mà các ngân hàng này phát hành bên cạnh trái phiếu đường sắt, tổng số nợ của Trung Quốc phải chiếm tới 70 - 80% GDP.

Nhấn thêm vào sự khác biệt quá lớn kể trên, là mâu thuẫn giữa niềm tin vào việc “Trung Quốc trỗi dậy” với việc một hãng xếp hạng tín dụng khác - Fitch Rating - đánh giá nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc vào giữa năm 2013 có thể lên tới 60%.

Hay sự “trỗi dậy” đó chỉ liên quan đến lớp người giàu có, còn giai cấp bình dân và người nghèo vẫn chịu cảnh lắng sâu trong bầu không khí mông muội của những năm tháng cách mạng văn hóa?

Giả dối và mục ruỗng

Chỉ mới vào năm 2012, Trung Quốc mới bắt đầu cho phổ biến các số liệu thống kê về hố chênh lệch giàu nghèo mà họ đã giữ kín từ năm 2000. Mã Kiến Đường - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết chỉ số Gini của quốc gia này trong năm 2012 là 0,474. Gini cũng là một cách đo lường tiêu chuẩn về bất bình đẳng kinh tế và mức chênh lệch giàu nghèo mà nhiều nước trên thế giới sử dụng. Chỉ số này nằm trong khoảng từ 0 đến 1, với mức 0 là hoàn toàn bình đẳng, còn 1 là hoàn toàn bất bình đẳng. Theo chuẩn quốc tế, hệ số Gini ở mức 0,4 cho thấy sự bất bình đẳng ở mức nguy hiểm.

Dubai Trung Quốc
Khu địa ốc hạng sang được mệnh danh “Dubai Trung Quốc” ở thành phố Tam Á, Hải Nam, tiêu biểu cho tình trạng hào nhoáng bên ngoài của nền kinh tế, khi giá bán tụt giảm tới hơn một nửa vẫn không có khách mua.

Credit Suisse của Thụy Sỹ khẳng định một sự thật rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010). Còn trước đó vào năm 2008, tỷ lệ này chỉ là 9 lần, cũng vẫn do Cục thống kê Trung Quốc đưa ra. Khác hoàn toàn với khoảng cách 25 lần mà cuộc điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ Cải cách Trung Quốc - một tổ chức phi chính phủ - cho thấy.

Có một vẻ gì đó mà các giáo sư Lang Hàm Bình và Vương Tiểu Lỗ mô tả như “giả dối” trong những con số thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc. Sự không thật luôn được che giấu một cách lộ liễu từ nhiều năm nay, đã khiến nền kinh tế vả cả xã hội bị phủ lên một lớp sơn hào nhoáng, thay cho sự ruỗng mục đang ngầm tỏa mạnh mẽ trong lòng nó.

Có thể không bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ trỗi dậy, nhưng không phải từ ánh hào quang kinh tế, mà là ngược lại…


Phạm Chí Dũng (Song Moi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét