Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Tà Xi Láng 'siêu phẩm' giữa đại ngàn

Ngày Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tà Xi Láng 'siêu phẩm' giữa đại ngàn
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


TP - Chiếc Win 100 của Giàng A Sử cài số một, nấc chồm trên con đường ngổn ngang đá hộc. “Nhà báo yên tâm ôm chặt nhé. Em phi quen rồi”, cán bộ văn hóa xã Giàng A Sử nắn lại sức chịu sốc của PV Tiền Phong trên “con đường lịch sử” mà tuổi trẻ tỉnh Yên Bái khai phá từ 9 năm trước.
Ảnh: Hồng Vĩnh
Ảnh: Hồng Vĩnh.
Dốc nối dốc dựng ngược bám lưng núi Tà, phía cuối rừng trên núi cao đặc quánh sương mù là trung tâm xã Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu) - xã vùng sâu đặc biệt khó khăn ở Tây Bắc chỉ toàn người Mông sinh sống.
“Siêu phẩm” giữa đại ngàn Tây Bắc
Ai “đi Tà” ngày trước phải cơm đùm nước lọ cuốc bộ trèo đá xuyên rừng cả ngày mới đến xã. Đường chỉ đủ người lách ngựa len, chỉ sơ sảy ngã rơi vực mất mạng. Gần 10 tỷ đồng mới có thể mở đường lên Tà. Lấy đâu ra? Lãnh đạo tỉnh họp bàn nát óc. Năm 2004, Yên Bái huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Triệu tập cuộc họp thủ lĩnh Đoàn toàn tỉnh. Những cánh tay trẻ đồng loạt quyết tâm. Ra quân ngày gần Tết 2004, hơn 6.500 bạn trẻ đến từ thành phố Yên Bái, các huyện thị trong tỉnh và Quân khu 2 náo nức mang xà beng, cuốc xẻng lên núi trong cái lạnh khắc nghiệt 3 độ.
Những chàng trai, cô gái vác ba lô hăm hở, tình nguyện không hưởng một ngày công khi nghĩ đến cái nghèo của người Mông trên non.
Dây thừng thắt lưng buộc nối gốc cây mà đứng vững xà beng, treo cả người lơ lửng trên cao mà cuốc vách, rồi còn đu người ra vực tìm lỗ khoan đặt mìn phá đá. Ngày mưa kéo dài nhưng không ngày nào công trường ngơi nghỉ.
Toàn tuyến rừng núi vang rầm rào tiếng đất đá rơi. Rét, thiếu nước, muỗi vắt tấn công cả ngày lẫn đêm.
Không ai bỏ cuộc vì biết rằng phía cuối rừng xa nơi con đường dẫn đến có người Mông ở Tà Xi Láng chịu khổ bao đời nay... Hơn 100 thanh niên khỏe mạnh nhất được đưa vào đội hình tiếp phẩm, cõng từng can nước, rau, gạo lên núi, ngày nào cũng phải trèo leo hàng chục cây số.
Thanh niên tình nguyện làm đường ở Tà Xì Láng năm 2004. Ảnh:Hồng Vĩnh
Thanh niên tình nguyện làm đường ở Tà Xì Láng năm 2004. Ảnh:Hồng Vĩnh.
Bí thư Tỉnh Đoàn Nông Việt Yên nhớ lại ngày anh đang là thủ lĩnh tuổi trẻ TP Yên Bái. Huy động cả ngàn bạn trẻ lên rừng Tà gần một năm. Dựng lán dày đặc trên núi. Xong đoạn núi này lại di chuyển sang núi kế tiếp.
Tỉnh Đoàn đảm nhận cung đường được coi là khó và hiểm nhất toàn tuyến. Sức trẻ chinh phục tất cả trong gió rét, sương mù, mưa rừng bất chợt. “Chuyện đời xưa đời nay”, “Đoàn ca”, “Nối vòng ta lớn” lẫn tiếng đất đá, cuốc thuổng dậy lên…
Anh Hoàng Bình Quân khi ấy lên tận công trường động viên từng đội. Bí thư Tỉnh Đoàn Phạm Thị Thanh Trà (nay chị là Bí thư Thành ủy Yên Bái) cũng thường xuyên đến tận điểm cao, ôm lấy các bạn trẻ mà khóc vì thương các em.
Nhiều bạn trẻ gầy sụt đi, nhưng tất cả bảo nhau gắng hoàn thành nhiệm vụ. Có đêm tổ chức văn nghệ ngay trên núi, mấy bạn nam rong hai con ngựa xuống núi cõng loa đài lên.
Họ đi từ sáng, đêm khuya vẫn chưa về. Hôm trước, một bạn trẻ ở tuyến công trường bên kia núi trượt ngã rơi xuống vực sâu, vĩnh viễn không trở về. Mọi người không nói gì với nhau, nhưng ai đó đã rùng mình nghĩ đến tai nạn.
Không sóng điện thoại, không thể liên lạc. Hàng trăm bạn trẻ được lệnh cầm đèn pin khoác áo mưa đi tìm, nhưng rồi đêm muộn mấy bạn trở về, áo quần rách ướt bết bẩn. Cả dãy lán mừng rỡ. Mới hay một trong hai con ngựa trượt chân rơi xuống vực sâu hàng trăm mét. Ngựa nát bét. Đôi loa thùng cũng tan tành. Mấy anh em gắng đu dây xuống vực nhặt từng mẩu xác con ngựa xấu số.
Anh Đỗ Chí Công, khi đó trong đội hình xung kích, giờ là Phó chánh văn phòng UBND huyện Trạm Tấu), kể lại nhiều kỷ niệm với con đường lịch sử. Có bạn bị đau ruột thừa được anh em cáng đi bộ xuống núi mà phải buộc dây thừng đu cả người lẫn cáng qua nhiều đoạn vách. Bạn lịm đi trên cáng, anh em gần như kiệt sức mà không dám nghỉ vì lo phải đưa đến viện kịp thời.
Bác sỹ tiếp nhận ca mổ nói đêm ấy nói chỉ chậm vài chục phút nữa thì chắc chắn không cứu được bệnh nhân. Hôm sau, anh em trở lại công trường ngay. Họ không nghỉ lại ở Văn Chấn vì không muốn mình làm công trường thiếu đi vài người.
Con đường vắt lượn uốn theo núi Tà ra đời như một công trình… không tưởng. Ngay tại công trường năm ấy đã có tới hơn 1.500 bạn trẻ được kết nạp vào Đoàn, 117 bạn được kết nạp Đảng.
Hàng ngàn lá thư của các em nhỏ từ hậu phương Yên Bái gửi đến “tiền tuyến” thăm hỏi các anh chị. Tiền, thuốc men cũng được quyên góp gửi lên tiếp sức để có được con đường “siêu phẩm” ở vùng núi hiểm trở nhất tỉnh Yên Bái đủ cho xe tải nhỏ chạy lên Tà Xi Láng - niềm mơ ước của 1.600 người Mông đang sống trên non cao.
Đàn ông đi chợ
Toàn tuyến đường đã có những đoạn được trải bê tông nhưng nhiều đoạn vẫn là đường đá. Xe tải nhỏ đã cõng được vật liệu lên được núi Tà xây dựng trụ sở xã và trường học khang trang, nhưng với chi phí khủng gấp 4-5 lần so với dưới xuôi.
Những ngôi nhà gỗ của người Mông đã điểm xuyết ven đường. Lão Vàng Séo Chang nói vừa chuyển nhà cũ trong bản ra vệ đường tiện xuống núi, lại gần ruộng dễ chăm bón. Trong bản cũng có nhiều người sắp chuyển ra.
Những đứa trẻ lớp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đi chân đất trong cái lạnh gần 10 độ. Cô giáo Vân, hiệu trưởng trường mầm non, kể rằng, hồi mới đến đây, cô cho bọn trẻ ăn cháo có thịt, chúng liền bị tiêu chảy cả lớp. Hóa ra, những đứa trẻ nghèo bản người Mông chỉ quen ăn chất xơ.
Cô và đồng nghiệp phải lên rừng hái lá thuốc cho tất cả các cháu. Cô Vân ít về thăm quê ở dưới xuôi vì con đường đá hãy còn khó đi bằng xe máy. Cô hai lần bị sảy thai vì đường xóc. Giờ cô và đồng nghiệp ở luôn trên núi, chỉ hè hoặc Tết mới về.
Thanh niên tình nguyện làm đường ở Tà Xì Láng năm 2004. Ảnh:Hồng Vĩnh
Học sinh Tà Xi Láng đi chân đất vui chơi trong cái lạnh 8 độ
Chủ tịch xã Giàng A Chang dẫn chúng tôi vào thăm bản. Trâu đeo mõ lốc cốc nối về bản lúc chiều tối. Bản người Mông có những cây đào to và cây mận hậu cổ thụ - thứ mận ngon nổi tiếng.
Anh Chang nói người Mông được Đảng chăm lo thế này là nhiều lắm rồi, chứ vài năm trước thì chả mấy nhà có con đi học. Đường lên núi tốt hơn thì có cái chợ. Giờ vẫn chỉ đàn ông ở Tà Xi Láng phóng xe máy mỗi tuần một lần xuống núi đi chợ mua mắm, thịt, quần áo, còn đàn bà không đủ sức đi...
Mắt anh Chang bỗng tươi lên chỉ ra phía đầu thôn, một hàng cột điện cao to mới dựng. “Sắp có điện rồi nhà báo ạ. Sẽ được xem ti vi. Tà Xi Láng sớm theo kịp các xã dưới xuôi. Có đường tốt, có chợ, người Mông sẽ mang mận, táo, thịt trâu về bán ở tận Hà Nội…”.
Tùng Duy
http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/611839/Ta-Xi-Lang-sieu-pham-giua-dai-ngan-tpp.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét