Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Tam Quốc diễn nghĩa

Ngày Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tam Quốc diễn nghĩa
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Tam Quốc diễn nghĩa

Bàn cờ nước lớn đang chuyển động ráo riết đa phương, đa chiều, chi phối bởi lợi ích quốc gia và chủ nghĩa thực dụng.
Còn quá sớm để nói tới việc thiên hạ phân làm hai cực, ba cực, bốn cực… Điều có thể nói là chính trị nước lớn đang diễn ra biến động, nước này mạnh lên, nước kia yếu đi, các nước tiến hành tập hợp lực lượng, hòa dịu, đối tác, cạnh tranh chiến lược, liên minh kiểu Á-Á, kiểu Á-Âu, kiểu châu Á-Thái Bình Dương… Người  “hợp tung”, kẻ “liên hoành”, thật chẳng khác ngoại giao thời Chiến quốc của Trung Quốc cổ đại là mấy. 


Một số nhân vật trên bàn cờ chính trị châu Á-Thái Bình Dương năm 2013

Từ ngày 22-24/3, ông Tập Cận Bình thăm chính thức Nga lần đầu tiên trong cương vị Tổng bí thư-Chủ tịch nước. Đây cũng là chặng đầu của chuyến xuất ngoại đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc kết hợp tham dự BRICS tại Nam Phi và thăm 3 nước châu Phi.

Chuyến thăm Nga được chuẩn bị kỹ, được đề cao như một mốc quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Trung Quốc và Nga. Thời điểm diễn ra rất quan trọng vì ban lãnh đạo mới của hai nước này, cũng như các nước lớn khác, đều tích cực điều chỉnh chiến lược đối ngoại và chính sách giữa họ với nhau, tạo ra những chuyển động đầy kịch tính.
Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nga 2013 có tính tượng trưng cao nhưng không hẳn là mới, vì 10 năm trước ông Hồ Cẩm Đào cũng chọn Nga trong chuyến xuất ngoại đầu tiên. Cái mới là hai bên sẽ đổi mới nội dung của Hiệp ước láng giềng tốt, hữu nghị và hợp tác Trung-Nga, ký kết ngày 16/7/2001.
Cuộc gặp chủ yếu mang nội dung chính trị. Thỏa thuận về khí đốt được trông đợi từ lâu vẫn chưa ký vào dịp này do Trung Quốc không chấp thuận giá cả được xem là cao so với giá thị trường thế giới. Cũng có thể Trung Quốc muốn giữ lại làm con bài mặc cả trước tình hình quan hệ Nga-Mỹ, Nga-Nhật có chuyển động thuận nghịch đối với Bắc Kinh.

Việc củng cố quan hệ với Nga là ưu tiên cao của Bắc Kinh theo chủ thuyết “an Tây, dựa Bắc, tranh Đông-Nam”. Để đối phó với trục Mỹ-Nhật và thực hiện tranh chấp chủ quyền biển đảo ở các hướng Đông-Nam, Trung Quốc tìm cách hòa hoãn với Ấn Độ ở phía Tây (vừa hợp tác vừa cạnh tranh vừa kiềm chế), trong khi ra sức củng cố quan hệ với Nga và SCO làm chỗ dựa chiến lược, chống lưng cho an ninh quốc gia để triển khai quan hệ trên các hướng khác.
Chính sách Nga của Trung Quốc làm người ta nhớ lại tầm nhìn chiến lược của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo”.
Nga nếu khéo vận dụng thế và lực có thể tham gia vào cục diện “Tam quốc phân tranh” đang hình thành trên lục địa Á-Âu. Việc Nga chi 660 tỷ USD để hiện đại hóa quốc phòng trong vòng 8 năm (đến năm 2020) là nhằm nhanh chóng tái lập cân bằng chiến lược quân sự, chuẩn bị cho cuộc chơi mà Tổng thống Putin xem là “thời cơ lịch sử”.
Mỹ phát đi những tín hiệu "xuống thang" trong quan hệ với Nga. Tại Thông điệp Liên bang vừa rồi, Tổng thống Obama tuyên bố dự định đàm phán với Nga về việc tiếp tục cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược. Hai nhân vật có ảnh hưởng của Chính quyền Obama-II là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ủng hộ việc tìm kiếm thỏa hiệp mới với Moscow. Mỹ thể hiện sự mềm dẻo trong vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa (NMD), điều được Nga nêu lên như điều kiện tiên quyết cho việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ: Ngày 15/3, ông Chuck Hagel tuyên bố tái cơ cấu chương trình NMD của Mỹ, chuyển 1 tỷ USD từ chương trình châu Âu để mua các tên lửa đánh chặn GBI bố trí ở bang Alaska. Đơn vị tên lửa ở đấy sẽ tăng lên 1,5 lần vào năm 2017, nghĩa là từ 30 lên 44 đơn vị. Mỹ có thể sẽ điều chỉnh hệ thống NMD đặt ở châu Âu.
Việc Mỹ cải thiện quan hệ với Nga nếu diễn ra thuận lợi sẽ tạo đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc, mà Mỹ cần hòa dịu để giúp phục hồi kinh tế Mỹ. Washington vẫn phải đặt trọng tâm chiến lược vào châu Á giữa lúc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Ông Tập Cận Bình đang kêu gọi thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Trong là để đoàn kết toàn dân, ngoài là để thực hiện luận thuyết “nước mạnh ắt sẽ bá quyền”.
Lãnh đạo Bắc Kinh lôi kéo chính quyền mới ở Mỹ tiến tới thiết lập “quan hệ kiểu mới”. Ngày 19/3, trong buổi tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đang thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để tăng cường mối quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau; tôn trọng và cân nhắc đến những lợi ích cốt lõi và quan ngại chính của mỗi bên; giải quyết thành công những khác biệt với mục tiêu xây dựng một mối quan hệ kiểu mới.
Nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, khi tiếp người đồng cấp Australia Bob Carr thăm Washington ngày 18/3, khẳng định sẽ tiếp tục chính sách chuyển trọng tâm sang Châu Á, khẳng định Mỹ “sẽ kiên trì với chính sách tái cân bằng đối với Châu Á, nếu như không muốn nói là (sẽ) làm nhiều hơn”. Trong khi ông Thomas Donilon,  Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, lại nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Trung là một nội dung quan trọng của chính sách tái cân bằng. Cách nói này cho thấy Trung Quốc từ đối tượng trở thành đối tác của chính sách tái cân bằng.
Ở một khúc quanh khác, mặc dù xung đột Trung-Nhật vẫn diễn ra ráo riết xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc sẽ cùng Nhật Bản và Hàn Quốc nối lại vòng đàm phán FTA tại Seoul từ ngày 26-28/3. Xung đột có thể được lợi ích chiến lược về chính trị kinh tế hóa giải. Liên kết kinh tế Đông Bắc Á này do Trung Quốc chủ đạo. Không ngại mang tiếng “bắt cá hai tay”, mấy ngày trước đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẵn sàng tham gia vòng đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liên kết này do Mỹ chủ đạo.
Như vậy, trong đối tượng có đối tác, trong đối tác có đối tượng. Lợi ích quốc gia được tối đa hóa thông qua chủ nghĩa thực dụng, gần với phương châm được Đặng Tiểu Bình ưa dùng “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”.
Vào thời điểm cao trào của chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ năm 2010-2011, các học giả Hồng Kông từng cho rằng tại Đông Á diễn ra thời đại “Chiến quốc tranh hùng”. Thời gian tới, không biết chừng sẽ diễn ra cuộc “Tam quốc diễn nghĩa”./.

http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/115049/tam-quoc-dien-nghia.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét