Ngày Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Trung Quốc đối diện thách thức mới ở châu Phi
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Việc ông Tập Cận Bình bỏ nhiều thời gian ngay sau khi nhậm chức để đến thăm các nước châu Phi nhấn mạnh tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với châu lục có nhiều nước đang phát triển nhất thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình mới được bầu của Trung Quốc vừa tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Nga và sau đó đến thẳng Tanzania trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Durban, Nam Phi và thăm chính thức nước này. Ông Tập Cận Bình sẽ kết thúc chuyến thăm nước ngoài đầu tiên này ở nước cộng hòa Congo.
Cho đến nay Trung Quốc coi tương lai của mình luôn gắn liền với các nước đang phát triển của thế giới. Năm mươi trong tổng số 54 nước châu Phi công nhận Trung Quốc, bốn nước công nhận Đài Loan. Trung Quốc đặt sứ quán ở tất cả các nước đó, trừ Somalia. Năm 2009 Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành bạn hàng lớn nhất của châu Phi. Hàng năm Trung Quốc viện trợ một khoản tiền là 2,5 tỷ USD, bằng trị giá viện trợ của khối OECD cho châu Phi, trong khi Mỹ viện trợ 8 tỷ USD.
Ông Tập Cận Bình trấn an các đối tác tại châu Phi, vốn đang lo ngại
Trong khi tổng đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi còn thua kém đầu tư của Mỹ, nước bắt đầu đầu tư sớm hơn, đầu tư của Trung Quốc trong mấy năm gần đây có lẽ đã lớn hơn số viện trợ ban đầu của Mỹ. Washington có hiện diện an ninh lớn hơn ở châu Phi so với Bắc Kinh, bao gồm một căn cứ quân sự ở Djibouti với trên 3.000 nhân viên. Mặt khác, Trung Quốc hiện có 1.500 nhân viên quân sự và cảnh sát biên chế ở 6 trong 7 phái đoàn giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc ở châu Phi, trong khi Mỹ chỉ có chưa đến 30 nhân viên trong các phái đoàn này.
Hiện nay mỗi năm Trung Quốc cấp khoảng 5.000 học bổng toàn phần cho sinh viên châu Phi sang học tập tại Trung Quốc và cung cấp đào tạo kỹ nghệ cho 30.000 người Phi. Kể từ năm 1963, trên 18.000 nhân viên y tế Trung Quốc đã đến làm việc ở 46 nước châu Phi. Cách đây vài năm Trung Quốc đã bắt đầu cử một số tình nguyện viên trẻ tuổi sang châu Phi trong các chương trình tương tự như Peace Corps quy mô lớn của Mỹ. Tân Hoa Xã có trên 20 văn phòng ở châu Phi và Đài phát thanh quốc tế và đài truyền hình trung ương của Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng sự có mặt ở châu Phi. Trung Quốc có trên 29 Viện Khổng tử học ở 22 nước châu Phi trong đó dạy tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc.
Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã không ngừng cố gắng gây ảnh hưởng ở châu Phi và xu hướng này sẽ được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Trong khi Trung Quốc coi mối quan hệ với châu Phi là một phần của chiến lược “cùng thắng” nhằm giúp phát triển châu lục Đen, bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn nhiều. Giống như tất cả các nước khác, Trung Quốc hoạt động trên cơ sở lợi ích quốc gia của họ và họ có ít nhất là 4 lợi ích ở châu Phi.
Thứ nhất, Trung Quốc cần tiếp cận với nguồn nguyên liệu của châu Phi, đặc biệt là năng lượng và khoáng sản để vận hành nền kinh tế của họ. Tiếp tục thành công của nền kinh tế hiện nay giúp đảm bảo vai trò lãnh đạo của đảng ở trong nước.
Thứ hai, Trung Quốc dựa vào sự ủng hộ về chính trị của các nước bạn bè ở châu Phi trong các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Thứ ba, Bắc Kinh tìm cách thay thế Đài Bắc tại bốn nước hiện còn công nhận Đài Loan.
Thứ tư, Trung Quốc cần nhanh chân hơn Mỹ để giành lấy thị trường trên một tỷ người và có tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh, tạo ra một thị trường hấp dẫn đối với các mặt hàng xuất khẩu của mình.
Ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy những lợi ích này của Trung Quốc tại châu Phi và gần như chắc chắn là sẽ cố gắng hơn trong việc tăng cường các mối quan hệ với từng nước châu Phi cũng như các tổ chức khu vực như Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế các nước tây Phi, Cộng đồng phát triển Nam phần châu Phi (SADC), và Thị trường chung Đông và Nam Phi (CMESA). Năm 2000, Trung Quốc đã thành lập Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi họp ba năm/lần ở cấp thượng đỉnh để phối kết hợp sự can dự ngày một lan rộng này. Trung Quốc đã cam kết dài hạn với châu Phi.
Trung Quốc đồng thời cũng gặp phải những thách thức mới ở châu Phi và Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình ngày càng thấy cần phải giải quyết những vấn đề này.
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Zhai Jun gần đây dự tính đã có khoảng từ một đến hai triệu tiểu thương và doanh nhân người Trung Quốc đang sinh sống ở châu Phi. Khi số lượng này tăng thì họ gặp phải sự chống đối nhiều hơn từ các đồng nghiệp người Phi vì người bản địa thường không cạnh tranh được với người Trung Quốc.
Một số xã hội dân sự châu Phi và thậm chí một số chính phủ đang bắt đầu công khai phàn nàn và tiến hành một số biện pháp nhằm hạn chế người Trung Quốc nhập cư vào châu Phi. Thí dụ, năm 2009 Tanzania đã thông qua một luật cấm người nước ngoài (chủ yếu nhằm vào người Trung Quốc) sở hữu các cửa hàng ở Dar es Salaam. Những thương lái Trung Quốc và nhiều thương lái người Phi bán các sản phẩm Trung Quốc với giá thường thấp hơn so với các sản phẩm tương tự do người Phi chế tạo. Tình hình này đang gây lo ngại cho những nhà sản xuất người Phi.
Năm 2012, thương mại của Trung Quốc với châu Phi vượt 200 tỷ USD và nhìn chung tương đối cân bằng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong quan hệ buôn bán song phương đang tồn tại những bất cập lớn. Khoảng 15 nước châu Phi xuất khẩu năng lượng và khoáng sản đang có xuất siêu với Trung Quốc, trong khi trên 30 nước nghèo nguyên liệu đang bị nhập siêu lớn. Cán cân thương mại với các nước còn lại nói chung cân bằng. Trung Quốc đang nhận ra rằng họ phải giải quyết bài toán xuất siêu thương mại với các nước nghèo hơn ở châu Phi, vì các mối quan hệ như vậy là không bền vững.
Chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình đến Tanzania, Cộng hòa Nam Phi và Congo đã nói lên điều này. Tanzania liên tục bị nhập siêu từ Trung Quốc: năm 2011 họ chỉ xuất được 428 triệu USD hàng hóa sang Trung Quốc và đã nhập đến 1,8 tỷ USD. Nam Phi đã từng bị nhập siêu từ Trung Quốc cho đến năm 2010 thương mại hai chiều mới cân bằng. Năm 2011, Nam Phi nhập siêu không đáng kể từ Trung Quốc.
Congo là một nước xuất khẩu dầu chủ yếu cho Trung Quốc, trong thập kỷ qua đã xuất siêu sang Trung Quốc. Năm 2011 Congo xuất khẩu dầu và gỗ trị giá 4,2 tỷ USD sang Trung Quốc trong khi nhập từ Trung Quốc một lượng hàng hóa trị giá 541 triệu USD.
Cũng như các vấn đề ở Trung Quốc, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy cần phải giải quyết ở châu Phi là những mối quan ngại về môi trường, trách nhiệm xã hội của các doanh nhân, an toàn cho người lao động và tuân thủ luật lao động địa phương. Trung Quốc có truyền thống là yếu về tất cả các lĩnh vực này ở trong nước. Cho nên không đáng ngạc nhiên khi họ va vấp về những lĩnh vực này ở châu Phi.
Sự can dự nhiều hơn và hiện diện lớn hơn của Trung Quốc ở châu Phi mang theo nguy cơ rủi ro lớn hơn, đòi hỏi nhà lãnh đạo Trung Quốc phải giải quyết. Trong những năm gần đây có đến vài chục người Trung Quốc bị bắt cóc và sau đó đã được thả ở khu vực châu thổ sông Niger của Nigeria; hàng chục công nhân xây dựng và công nhân dầu khác đã bị bắt cóc và thậm chí bị giết ở Sudan, và 9 nhân viên thăm dò năng lượng đã bị giết ở khu vực Ogaden ở Ethiopia. Năm 2011, Trung Quốc đã phải hồi hương 36.000 lao động khỏi Lybia trong cuộc chiến lật đổ chính phủ Qadhafi. Hiện nay Trung Quốc cơ bản phải đối mặt với những mối đe dọa về an ninh mà những công dân các nước phương Tây lâu nay gặp phải ở châu Phi. Trung Quốc là dựa vào các chính phủ địa phương để bảo vệ công đân của mình, nhưng chính sách này không phải lúc nào cũng hiệu quả và Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ phải ngày càng trực tiếp đứng ra bảo vệ các lợi ích của họ.
Chính sách của Trung Quốc với châu Phi dưới thời ông Tập Cận Bình sẽ giống như dưới thời Hồ Cẩm Đào, nhưng những thách thức sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn. Trung Quốc đã có một thời gian tương đối dễ dàng hơn ở châu Phi, nhưng giờ đây người Trung Quốc sẽ phải nhanh hơn và làm việc nhiều hơn để có thể giữ được vị trí hiện tại ở châu lục này.
Phạm Ngọc Uyển (theo The Diplomat)
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2013/03/trung-quoc-doi-dien-thach-thuc-moi-o-chau-phi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét