Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Kinh tế tư nhân cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ

Ngày Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Kinh tế tư nhân cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


TS Quang A: "tôi chỉ e ngại những người tham dự hội thảo cũng lại chỉ là nói với nhau cho vui chứ không có quyền quyết định gì cả.”
Câu kết của bài: "Mỗi năm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hai Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân và mùa Thu. Hàng ngàn ý kiến được các chuyên gia, học giả đóng góp nhằm tìm kiếm giải pháp cho con bệnh thập tử nhất sinh là nền kinh tế Việt Nam. Cho tới nay hàng ngàn ý kiến được nêu ra nhưng có vẻ vẫn chưa được tiếp thu, vì ở Việt Nam, như các chuyên gia nói, khi nào đảng Cộng sản chưa muốn cải tổ thì chẳng thể làm gì".

Kinh tế tư nhân cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Thực tế tồi tệ và dự báo đầy bi quan của nền kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu khai mạc ngày 26/9 tại Huế.
Cảnh báo tiền đề của sự sụp đổ
Nếu đọc các bài báo về các cuộc hội thảo, hội nghị và diễn đàn trình bày thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, thì hẳn những nhà quan sát, những người ở vị thế trung lập đều đặt ra một câu hỏi, đây có phải là những cảnh báo, tiền đề của sự sụp đổ nền kinh tế nếu không có đối sách thích hợp và kịp thời.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS đã tự giải thể, từ Hà Nội đưa ra nhận định rất đặc biệt. Ông nói rằng ông không tin về một sự sụp đổ nào cả vì trên thực tế kinh tế tư nhân đóng góp tới 70% GDP Tổng sản phẩm nội địa và chính phủ thì đã tới ngưỡng không thể nào làm hại khu vực tư nhân hơn nữa.

“Tôi không bi quan như các học giả nhà nước bởi vì họ chỉ chăm chăm tới chuyện của khu vực nhà nước của họ. Phải nói thật khu vực tư nhân bị ảnh hưởng của chính sách của chính phủ rất nhiều, nếu chính sách của chính phủ mà phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, để làm sao cho nguồn lực của xã hội được phân bổ cho khu vực tư nhân, là khu vực hoạt động hiệu quả nhiều mà không bị làm méo mó vì chính sách sai lầm của đảng Cộng sản Việt Nam về mặt kinh tế, ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo… rồi đất đai giữ sở hữu toàn dân, thì nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn nhiều. Còn nếu người ta vẫn giữ nguyên như vậy thì rất đáng tiếc, nó sẽ không thể phát triển nhanh. Nhưng mà dẫn đến sự sụp đổ thì tôi không tin.”

TS Nguyễn Quang A hàm ý những chính sách sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nền kinh tế tụt hậu. Khu vực quốc doanh được phân bổ phần tài nguyên, nguồn lực rất lớn mà thành quả thì rất kém, trong khi khu vực tư nhân chịu sự đối xử bất bình đẳng nhưng lại đóng góp phần nhiều nhất và tiếp tục tồn tại. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:
“Từ trước đến nay mọi cuộc khủng hoảng đều do chính sách của đảng Cộng sản gây ra và chính người dân là người cứu toàn bộ nền kinh tế này khỏi khủng hoảng và cũng thực sự một phần nào đó cứu sự tồn tại của đảng Cộng sản này. Thử nhìn lại thời bao cấp, thời người ta cấm nhân dân làm tư nhân bắt phải làm tập thể hết. Do chính sách ấy mà nền nông nghiệp bị lụn bại, chỉ mỗi chuyện nông dân phá rào làm khoán, làm tư nhân thì cải thiện được tình hình. Luôn luôn là nhân dân chứ không phải giới lãnh đạo.”

Ngày 26/9 tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại Huế, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một tổ chức nghiên cứu của Nhà nước, nhận định rằng, kinh tế Việt Nam tắc nghẽn và vẫn đang trong lộ trình xuống đáy. Học giả này cho rằng Việt Nam nằm ngoài quĩ đạo phục hồi của kinh tế thế giới và tình hình của Việt Nam có thể đã chạm đáy tăng trưởng, nhưng chưa chạm đáy về điều gọi là “tồn kho thể chế”. Đáy rủi ro, đáy lòng tin, chưa đụng đến mô hình.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên đồng ý với những ý kiến cho là kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Chính phủ hầu như đã vỡ.

Đáp câu hỏi của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS đã tự giải thể, từ Hà Nội đưa ra nhận định:
“Kế hoạch 5 năm vừa qua và nói chung tất cả các kế hoạch 5 năm đều không có nhiều ý nghĩa lắm. Đúng là nền kinh tế Việt Nam từ 2006 đến bây giờ đã vấp phải những vấn đề nội tại rất khó xử và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho những khó khăn trầm trọng thêm.”

Cần chấm dứt sự bất bình đẳng

Tại Diễn Đàn Kinh tế Mùa Thu, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đề xuất giải pháp chiến lược là nhân cơ hội sửa đổi Hiến pháp 1992 cần chấm dứt sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không ghi thành phần kinh tế “chủ đạo” tại Hiến pháp. Ngoài ra về đất đai thay vì sở hữu toàn dân nên chuyển sang đa sở hữu.

Đối với giải pháp chiến lược vừa nêu, trả lời chúng tôi TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Nếu ở Hội nghị Huế lần này đại bộ phận các học giả có ý kiến như thế thì rất đáng mừng vì họ đều là những người ở trong bộ máy nhà nước, họ lại cũng thống nhất về cơ bản với chúng tôi là những người ở ngoài mà nói rằng, tất cả những khó khăn này của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, cái lỗi chính là ở đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam mà bây giờ họ nhìn ra là khu vực kinh tế nhà nước không còn giữ vai trò chủ đạo nữa. Nếu chưa nói được kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo mà chỉ bỏ được cái gọi là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và để cho bình đẳng, cũng như giải quyết được vấn đề đất đai. Đấy chưa phải là tất cả, nhưng được như thế thì là một bước chuyển biến không nhỏ của tư duy phát triển kinh tế. Nếu đúng là như thế thì là điều đáng mừng, tôi chỉ e ngại những người tham dự hội thảo cũng lại chỉ là nói với nhau cho vui chứ không có quyền quyết định gì cả.”

Cùng về vấn đề này, chúng tôi nêu câu hỏi với ông Bùi Kiến Thành một chuyên gia tài chánh từ nước ngoài về Việt Nam làm việc và ông nhận định là, nếu một nền kinh tế thực sự phát triển tốt thì tất cả các thành phần kinh tế phải có cơ hội để hoạt động tốt, chứ không riêng gì những thành phần kinh tế quốc doanh với vai trò chủ đạo. Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, kinh tế quốc doanh đang ở trong mức gọi là rất bi đát về vấn đề khả năng hoạt động cho có hiệu quả. Vì vậy việc việc kinh tế quốc doanh chủ đạo hẳn nhiên là tầm nhìn đã xưa rồi từ khi có những chế độ kinh tế kế hoạch tập trung mà nay đã loại bỏ. Phải đi đến chỗ giải quyết vấn đề tư duy đó cho rõ ràng. 

Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:
“Nói vấn đề tu chính Hiến pháp thì hiện nay những ý kiến đưa ra có nhiều ý kiến hay và tốt đấy, nhưng liệu là các nhà cầm quyền có nghe hay không. Nếu nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sẽ không có và không khi nào có vấn đề tam quyền phân lập ở đất nước này, thì như thế làm gì có tự do làm gì có vấn đề nhân quyền, làm gì có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được.

Hiện có rất nhiều bất cập về thể chế mà có lẽ đến một lúc nào đấy vì quyền lợi của đất nước của nhân dân người ta sẽ thực sự giải quyết thôi. Vấn đề hiện nay chưa thấy có ánh sáng dưới đường hầm về vấn đề thể chế nó sẽ thay đổi như thế nào cho phù hợp để hội nhập với cộng đồng quốc tế về kinh tế thị trường cũng như về thể chế dân chủ.”

Tham luận của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Huế được báo chí trích thuật nói rằng, Nhà nước nói chuyện tái cơ cấu nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động chiến lược. Cụ thể nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn ở tình trạng đề án tái cơ cấu trên giấy mà thôi.

Về vấn đề liên quan, nói chuyện với chúng tôi chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định, kinh tế là hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp không có điều kiện để phát triển thì lấy gì mà cơ cấu. Về vấn đề tiền tệ thì nợ xấu nợ khó đòi lên tới mức vượt báo động và chưa được nhà nước quyết tâm giải quyết thì làm sao nói chuyện tái cơ cấu. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:

“Từ mười mấy năm đã nói phải cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, bao nhiêu lần báo cáo ra Quốc hội  hàng năm, bảy trăm trang mà có làm gì được đâu. Bây giờ là lúc phải thật sự quyết liệt làm việc này. Nhưng liệu có làm được hay không? tại vì Việt Nam không phải như các nước khác. Ở Việt Nam các lãnh đạo Tập đoàn lớn là đảng viên, đối với đảng viên không phải là giải quyết vấn đề hành chính trong công ty. Ông Thủ tướng có quyền bãi nhiệm một Tổng giám đốc trong các Tổng Công ty Nhà nước hay không, hay việc đó là đảng phải giải quyết trước khi hành chính có tiếng nói. Từ tiền tệ tài chính cơ chế chính sách tới cơ cấu qui hoạch cán bộ, nếu không giải quyết những vấn đề ấy thì tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam khó đạt được.”

Theo báo chí ghi nhận, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia nhận định rằng, nhà nước đã phạm một loạt sai lầm, các giải pháp chưa hiệu quả đã vội thắt chặt tiền tệ, không có thu lấy đâu ra chi để tiến hành các giải pháp cải cách, mà giải pháp nào cũng cần tiền. TS Trần Du lịch Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã phản đối ý kiến của ông Lê Quốc Lý với lập luận, ý kiến vừa nêu của ông Lý là “cực kỳ nguy hiểm” vì nó phê phán và chống lại Nghị quyết 11. Theo TS Trần Du Lịch thắt chặt chi tiêu hiện nay là cái giá phải trả, để cố gắng ổn định vĩ mô, nếu không tiếp tục hy sinh, giá phải trả sẽ đắt hơn.

Mỗi năm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hai Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân và mùa Thu. Hàng ngàn ý kiến được các chuyên gia, học giả đóng góp nhằm tiềm kiếm giải pháp cho con bệnh thập tử nhất sinh là nền kinh tế Việt Nam. Cho tới nay hàng ngàn ý kiến được nêu ra nhưng có vẻ vẫn chưa được tiếp thu, vì ở Việt Nam như các chuyên gia nói, khi nào đảng Cộng sản chưa muốn cải tổ thì chẳng thể làm gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét