Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Những thú chơi độc của Việt kiều Mỹ!

Ngày Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Những thú chơi độc của Việt kiều Mỹ!
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Những thú chơi độc của Việt kiều Mỹ
(ĐSPL) - Trong câu chuyện tản mạn về những thú chơi lạ, độc của người Việt sống ở Mỹ, ông Mạnh Lê, một người Việt sống hơn 30 năm ở NewYork (Mỹ) cho biết, hai thú chơi cuốn hút rất nhiều người và đem lại những cảm giác mới lạ là câu cá đại dương và đua thuyền ngược gió.
Câu cá ngừ đại dương (Ảnh minh họa)
Thú chơi của người giàu
Theo những chia sẻ của ông Mạnh Lê, câu cá đại dương (thường là cá ngừ) là thú vui với những ai có lòng kiên trì và thích mạo hiểm. Việc các cần thủ dùng kỹ thuật câu vật lộn với con cá giữa đại dương bao la quả thực đem lại những cảm giác khó tả. Lâu dần thành ghiền.
Sau khi đưa được cá lên bờ thì họ ướp ngay vào đá lạnh giữ tươi, loại cá ngừ đại dương này thường được các cần thủ ăn sống vì theo lời ông Lê thì nó sẽ có tác dụng trẻ hóa cơ thể và tăng cường bản lĩnh đàn ông.

Những người đi câu chỉ câu cá to vài chục ký trở lên. Mồi câu cá ngừ thường là cá bạc má, cá nục sống. Con cá làm mồi thường to bằng bắp tay, theo đó, móc câu cũng phải to để tương thích với nhau. Có hai cách câu cá ngừ là câu dây và câu cần. Cần câu cá ngừ được làm bằng thép pha, rất nhẹ nhưng chắc. Loại cần này có giá khoảng 1.200 USD (hơn 20 triệu đồng), cần to, sức chịu lên đến vài trăm ký.

“Khi câu được cá, thường nó ở rất xa, phải là tay câu chuyên nghiệp mới quay con cá vào bờ. Có khi phải đến hai, ba người mới làm xong công đoạn này để cá không bị vuột mất. Mặc dù mỗi chiếc cần đều có điều chỉnh câng nặng của cá, thế nhưng, phải cho dây đi theo con cá khi nó đã đớp trúng mồi. Nếu cá vừa ăn mồi mà đã kéo thì cá sẽ vuột mất vì khi đó cá còn khỏe. Có khi, tàu phải chạy theo cá cho nó mệt, khoảng nửa tiếng sau khi cá đã yếu thì mới bắt đầu kéo vào bờ. Tính riêng thời gian kéo cá lên tàu phải mất từ 1 – 3 tiếng. Cá ngừ câu được nặng khoảng từ 30 – 70kg”, ông Mạnh Lê nói.

Thú chơi này buộc người chơi phải chi một khoản tiền rất lớn. Tàu đi câu thường có hai dạng là tàu riêng hoặc đi thuê. Muốn câu cá, tàu phải chạy xa bờ ít nhất 12 tiếng. Tính sơ sơ tiền dầu cho cả quãng đường đi về là trên 500 USD (khoảng 10 triệu đồng), chưa tính khoản thức ăn, nước uống, tàu phải có bảo hiểm đầy đủ. Khi đi câu, người câu phải mặc áo phao, áo chống lạnh, áo chống nước và trang bị nhiều thứ khác. Trên tàu phải có đầy đủ hệ thống đo lường nước, bão, có vệ tinh theo dõi. Mỗi một chuyến đi câu thường có từ 3 – 5 người tham gia (với điều kiện là tàu riêng không phải đi thuê) chi phí mất khoảng 20 triệu đồng. Ở Mỹ, hiện có nhiều dịch vụ cho thuê tàu đi câu, giá dịch vụ cao hơn, tùy vào việc đi dài ngắn nhưng thường dao động từ 20 – 60 triệu đồng.

Ông Lê kể: “Năm 2012, tôi đã đi câu ở vịnh Mexico (Nam Mỹ). Chuyến đi diễn ra trong hai ngày. Tôi và hai ông bạn phải đánh vật 3 tiếng đồng hồ mới kéo được con cá ngừ nặng 50kg lên thuyền. Câu được một con, cả bọn mệt rã rời, không dám câu tiếp. Con cá này được dùng ăn nhậu cả tháng mới hết. Thịt cá thường được làm món sasashimi (ăn cá sống), steak (giống bít tết)…”.

Ngoài câu cá ngừ đại dương, đua thuyền ngược gió cũng là một thú chơi được ưa chuộng. Tuy nhiên, môn thể thao này chỉ dành riêng cho giới quý tộc bởi tính riêng chi phí cho du thuyền đã rất đắt, chưa kể đến các loại dịch vụ phụ trợ khác phục vụ cho việc đua. Nhiều người nghĩ rằng thuyền không thể đi ngược hướng gió nhưng trên thực tế, thuyền không thể đi ngược hướng gió hoàn toàn nhưng lại có thể chệch một góc nhỏ. Để di chuyển thuyền ngược gió, người ta phải cho thuyền di chuyển theo lối zíc zắc.

Ông Mạnh Lê cho biết, mỗi chiếc thuyền có giá từ 1 - 2 triệu USD, thuyền rẻ cũng từ 500.000 – 900.000 USD/chiếc. Đua thuyền ở Mỹ thường được tổ chức trong vịnh, nơi chỉ có những con sóng nhỏ. Giới hâm mộ môn thể thao này thường là những tay triệu phú. ơHn nữa, muốn chơi môn này phải tập nhiều, phải tham gia hội, club, có hội lệ phí là 50.000USD/hội viên/năm. Giải của những cuộc đua thuyền ngược gió này khá lớn, chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các đại gia.

Theo ông Lê, vận động viên đua thuyền ngược gió phải có kỹ thuật cao và đó phải hiểu vật lý. Tính hướng gió, tốc độ gió rồi thay đổi tình thế trong khả năng để hợp tác với gió cho thuyền đi nhanh. Mỗi một lần thi có khi 50 – 100 thuyền cùng trổ tài với thời gian một lần đua khoang 3 – 5 giờ đồng hồ. Một thuyền đua có khoảng 8 người, chủ yếu là nam giới, phụ nữ rất hiếm vì môn này đòi hỏi nhiều sức và có độ nhanh nhạy cao. Với cuộc thi quy mô thế giới, có người còn kỳ công đem thuyền từ châu Á qua châu Mỹ, đoạn đường dành cho thi đua thuyền ngược gió thường khoảng 5km.

Thuyền phải chạy ngược gió nên rất khó. Với các tay chơi, gió càng mạnh, càng xoáy thì họ càng thích. Đó mới là khi đạt được cảm giác mạnh nhất. Thuyền được thiết kế đặc biệt để tránh bị lật ngang, phía dưới thuyền có mấy cái chân lái và cục sắt giúp cân bằng thuyền.

Đua thuyền ngược gió đòi hỏi phải có sức khỏe (Ảnh minh họa)

Nguy hiểm rình rập


Hai thú chơi trên không chỉ tốn kém mà lại đầy nguy hiểm rình rập. Thú chơi câu cá đại dương thường dành cho những người từng trải bởi hiểm nguy lớn nhất khi câu cá ngoài đại dương là sóng. Tàu câu không phải tàu chuyên nghiệp nên thường không lớn lắm. Khi ra đại dương sóng lớn, gặp bão thì tàu như bay trên không, nó không chìm nhưng có thể bị sóng “nuốt” tức thời.

“Năm 2012, ông bạn tôi tên Limo (Việt kiều Mỹ, ở bang Louisiana) sau khi câu cá xong, đang đi vào bờ thì thời tiết thay đổi nhanh. Giông xối xả kèm gió lốc giật mạnh, chiếc tàu chao đảo, tàu bị sóng đánh gần như chìm, mọi người thót tim nhưng may là Limo đã có kinh nghiệm nên cầm cự vật lộn mãi rồi cũng qua được hiểm nguy. Ngày trước, gia đình Limo có truyền thống đóng tàu, đi biển. Limo ghiền việc câu cá đại dương, tuần nào ông ấy cũng đi. Với người chưa có kinh nghiệm đi câu, kinh nghiệm lái tàu, khi gặp sự thay đổi bất ngờ của thời tiết thì không chống cự nổi, dù có các biện pháp bảo hộ nhưng cũng không tránh khỏi khi bị va đập bất ngờ, đuối sức, bị đánh ra xa tàu và nhấn chìm”, ông Mạnh Lê chia sẻ.

Nguy hiểm của trò đua thuyền đó là khi tàu bị ngả, nhiều người bị xô ngã, có thể rơi xuống vịnh bất cứ lúc nào. Có nhiều người bị thương vì chưa biết cách di chuyển trong thuyền. Thế nhưng, lòng say mê của những tay đua đã lấn át tất cả. Với ông Lê, cảm giác thuyền đi ngược sóng vừa run sợ, lo lắng vừa mãn nguyện. Với những ai muốn thử lòng can đảm của bản thân và thích những trò mạo hiểm thì đua thuyền ngược gió là lựa chọn số một.

Ông Lê khẳng định, cả hai thú vui trên đều cho người chơi thử được cảm giác mạnh, đem lại sức khỏe cho con người và xả stress. Nhiều người ghiền thú chơi này nên đã bất chấp nguy hiểm.

Kỹ năng giữ cân bằng thuyền ngược gió

Ở Mỹ hàng năm có nhiều cuộc đua thuyền ngược gió, đặc biệt là vào 3 tháng hè (từ tháng 6 – tháng 9), tổ chức tại bang Florida, Washington, Cali…Đội tàu thi thường có gần chục người, tinh thần làm việc nhóm (team work) là quan trọng nhất. Mỗi người một nhiệm vụ, không có ai lên đó ngồi chơi, tất cả đều phải làm việc nhanh, tích hợp nhau giống như một đội bóng. Người lái, người quay cánh buồm, người quay trục lườn kiểm soát độ tàu. Trong đó, không thể thiếu một nhóm ngồi ở be tàu mà chỉ ngồi một bên vì tàu lúc nào cũng nghiêng. Nhóm người có nhiệm vụ ngồi tàu này thường có trọng lượng cơ thể hơn một tạ chứ không phải người nhỏ con. Họ vừa phải đạt tiêu chí béo vừa phải nhanh. Khi ngồi, phần mông để ngoài be tàu, người ngả ra sau cho cân bằng, khi gió đổi, hễ tàu nghiêng về hướng nào là cả nhóm nhanh như chớp chuyển sang phía bên kia ngồi. (Ghi theo lời kể của ông Mạnh Lê, Việt kiều Mỹ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét