Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Đầu tư gián tiếp nước ngoài: Một Bài Học Toàn Cầu Hóa

Ngày Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Đầu tư gián tiếp nước ngoài: Một Bài Học Toàn Cầu Hóa
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Tài liệu cũ lưu trên máy tính:

Đầu tư gián tiếp nước ngoài: 
Một Bài Học Toàn Cầu Hóa

8.2007.
Trong Tháng Mười tôi đi Bangkok, ngạc nhiên vì đổi một đô la Mỹ chỉ được 35 bạt; mới đầu năm ngoái còn đổi được gần 40 bạt! Một tô hủ tíu ngồi ăn trên vỉa hè vẫn giá 25 bạt, nhưng tính ra đô la thì tăng hơn 20 phần trăm! Ðồng bạt lên giá, chính phủ Thái Lan lo lắng vì đồng bạt lên giá thì hàng hóa Thái Lan khi xuất cảng sẽ lên giá theo, khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam. Ðầu tuần này chính phủ Thái đã tìm cách kiềm không cho tiền lên giá nữa, họ thay đổi luật về tiền đầu tư của người nước ngoài vào các chứng khoán trong nước. Không ngờ (ít nhất, ông bộ trưởng tài chánh Thái không ngờ) nhiều người vội đem bán cổ phần và chỉ số SET của thị trường chứng khoán Bangkok tụt mất 15 phần trăm trong một ngày. Hôm sau, chính phủ Thái sửa lại luật, thị trường lại lên được 11 phần trăm. Nhưng, giới đầu tư thấy mất niềm tin, và các nước đang phát triển khác, nhất là trong vùng Ðông Nam Á cũng bị ảnh hưởng.

Ðây là một bài học cho Thái Lan, và cho các nước đang cần vốn của ngoại quốc. Một thứ khan hiếm ở các nước nghèo là tiền vốn, không có vốn khó tiến nhanh được. Kinh tế thế giới đã giao lưu tự do, tiền vốn cũng chạy qua chạy lại , vượt các rào cản biên giới, không khác gì hàng hóa và dịch vụ. Và tiền chạy nhanh hơn hàng hóa, chỉ cần bấm một cái thì tiền từ Á Châu có thể chạy sang Âu Châu hay Mỹ Châu rồi.
Trong mấy năm nay thế giới đang tràn ngập tiền đầu tư. Tính chung số tiền có thể sử dụng của những quỹ hưu bổng, của các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân đến cuối năm 2005 lên tới 46 ngàn tỷ đô la, hoặc 46 triệu triệu Mỹ kim, gấp 4 lần Tổng Sản Lượng Nội Ðịa của nước Mỹ. Những người quản lý các món tiền khổng lồ đó phải đi tìm chỗ đầu tư sinh lợi, nếu không họ sẽ mất việc. Những quỹ đầu tư nho nhỏ khoảng dăm chục, một trăm tỷ đô la dành riêng cho những nhà tỷ phú đã đạt được những mức lời ngoạn mục đến 20 phần trăm một năm, khiến những người nghèo hơn, tài sản chỉ một vài trăm triệu thấy mà ngốt mắt, cũng góp vào các quỹ đầu tư kiếm lời. Một nghề kiếm nhiều tiền nhất bây giờ là cố vấn đầu tư. Ông chủ tịch một công ty cố vấn đầu tư ở New York mới được trả lương và tiền thưởng 56 triệu Mỹ kim cho năm 2006.
Ai cũng công nhận rằng các quốc gia đang phát triển cần tiền đầu tư, trong nước không đủ thì làm sao thu hút tiền từ nước ngoài đến. Một bài học trong sự phát triển của Hồng Kông những năm từ 1960, 1970 là một mảnh đất không có tài nguyên nào khác ngoài sức người làm việc thì phải thu hút được càng nhiều vốn ngoại quốc càng tốt. Vị giám đốc tài chánh của thuộc địa Anh Quốc lúc đó đã nói một câu đáng nhớ: “Tiền vốn nó sẽ tự động đến dễ dàng nếu nó biết nó có thể ra đi dễ dàng.” Bây giờ hầu như các nước đang phát triển đều học kinh nghiệm đó. Không phải chỉ những nước đã giàu mới tích lũy được nhiều vốn để đem ra nước ngoài đầu tư. Dân Trung Hoa trung bình tiết kiệm 25 phần trăm lợi tức của họ, cũng là một nguồn vốn lớn. Chính phủ Trung Quốc đang ôm một ngàn tỷ Mỹ kim trong quỹ dự trữ ngoại tệ, bằng một phần tư số dự trữ ngoại tệ của tất cả các nước. Họ cũng đem tiền đi đầu tư, mua công trái của chính phủ Mỹ, một thứ trái phiếu an toàn nhất thế giới. Nước Nga, tràn ngập vì tiền bán dầu lửa, số dự trữ lên gần 300 tỷ Mỹ kim , cũng đem hơn một nửa đi mua các chứng khoán ở Mỹ, phần lớn do các công ty quản lý tài sản ở nước ngoài trông coi giúp.
Ðầu tư thì phải sinh lợi, tỷ số tiền lời chia cho vốn gọi là “lợi suất,” return. Vụ đầu tư an toàn thì mức lời thấp, vừa đủ đền bù cho người bỏ vốn đã nhịn tiêu thụ mà tiết kiệm. Người ta thường lấy mức lời trên các công trái ngắn hạn của chính phủ Mỹ làm gốc, coi như lợi suất thấp nhất cho món đầu tư an toàn nhất. Khi bỏ tiền đầu tư mà chịu rủi ro, người ta sẽ đòi hỏi một mức lời cao hơn, số chênh lệch gọi là “suất lời trội vì rủi ro” - risk premium. Suất lời trội cao thêm bao nhiêu tùy theo mức may rủi cao hay thấp. Khi mua trái phiếu các xí nghiệp lớn tương đối an toàn, người ta đòi thêm vài ba phần trăm, khi mua cổ phần người ta muốn được lời cao hơn vì mối rủi ro bị mất tiền cũng cao hơn. Ðối với các món tiền cho vay qua việc mua trái phiếu, mức lời có thể trông thấy rõ, chỉ so sánh lãi suất của món nợ với giá người ta mua món nợ đó. Ðối với cổ phần, một cách ước lượng lợi suất là so sánh giá cổ phần (P, tức price) với lợi tức của công ty, nếu đem chia cho mỗi cổ phần (E, tức earnings). Mức lời lên xuống theo tỷ số E/P, tức là đảo ngược của “tỷ số P/E” mà giới mua cổ phần trong thị trường hay nói đến.
Trong một năm qua, giá cổ phần trên thị trường chứng khoán ở Mỹ lên mạnh, cũng vì giới đầu tư quốc tế nhiều tiền quá và họ dám bỏ tiền vào cổ phiếu là những thứ nhiều rủi ro vì tin tưởng rằng kinh tế sẽ phát triển điều hòa, nếu có xuống cũng xuống nhè nhẹ, gọi là hạ cánh an toàn. Nhưng số cổ phần ở Mỹ không đủ làm các nhà đầu tư thỏa mãn, họ vẫn còn nhiều tiền. Các quốc gia ở Trung Ðông bán dầu lửa số thu nhập trội hơn số chi tiêu về nhập cảng lên tới 500 tỷ Mỹ kim trong ba tháng, cao hơn số bội thu của Trung Quốc chỉ có 200 tỷ đô la. Những vương quốc này không những đã mua công trái của chính phủ Mỹ mà họ còn góp vào các quỹ đầu tư trên cổ phần nữa.
Vì thế giới nhiều tiền quá, các thị trường chứng khoán ở Á Châu cũng lên khi các quỹ đầu tư mang tiền đến mua cổ phần. Khi người ta muốn mua cổ phần ở Thái Lan chẳng hạn, thì họ phải đem đô la đi mua đồng bạt, tiền bản xứ. Cứ như vậy, tiền các nơi đổ vào các nước Ðông Nam Á, trong đó có tiền mua cổ phần; khiến đồng đô la đem tới các nước Á Châu đổi tiền đã đẩy giá các đồng tiền bản xứ lên cao. Ðồng nguyên của Hàn Quốc (won) đã tăng giá 7.5% so với đô la Mỹ trong năm nay; đồng rupiah của Indonesia tăng 6.9%; đồng peso Phi Luật Tân tăng 6.5%; đồng ringit của Mã Lai Á tăng 5.4%. Ðồng bạt của Thái Lan lên mạnh nhất, tới 17%.
Khi đồng bạt lên giá, chính phủ Thái Lan lo hàng xuất cảng lên giá theo, sẽ khó cạnh tranh với các nước khác. Ðặc biệt là với Trung Quốc, vì chính phủ Bắc Kinh vẫn không thả nổi hối suất, ghìm giá đồng nguyên của họ, chỉ mới cho tăng lên chút đỉnh so với đô la Mỹ, tăng chưa tới 6% từ 18 tháng qua.
Chính phủ Thái Lan tính làm sao cho đồng bạt đừng lên giá so với đô la nữa. Họ truy ra một nguyên nhân, là có nhiều đồng đô la đang chạy vào nước họ để đầu tư, do đó đi mua đồng bạt làm tiền Thái Lan lên giá. Thế là họ quyết định sẽ hạn chế tiền đầu tư ngoại quốc. Một thứ mà chính phủ có thể ấn định là đánh thuế. Thái Lan đã đưa ra biện pháp buộc các món tiền nước ngoài đem vào Thái Lan phải đem gửi 30 phần trăm trong Ngân Hàng Trung Ương, không có lời, và chỉ được lấy đem ra ngoài nếu việc đầu tư lâu trên một năm. Ai lấy ra sớm hơn sẽ phải đóng thuế, giống như là bị phạt.
Chúng ta có thể tưởng tượng các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy thế nào. Họ đem tiền đến mua trái phiếu, tức là cho vay, hoặc mua cổ phần, cũng giống như góp vốn, vì tin tưởng vào nền kinh tế Thái Lan. Một năm trước đây, tiền đã ngưng vào Thái Lan vì chính phủ Thaksin bị dân chống đối về chuyện tham nhũng, tình hình bất ổn. Nhưng kinh tế Thái Lan vẫn có những nền tảng vững chắc để tiến tới, và cuộc đảo chánh vào Tháng Chín lật đổ ông Thaksin đã đem lại niềm tin khi có một chính phủ phần lớn là các nhà chuyên môn đảm trách.
Nhưng niềm tin đó đã biến thành lo ngại, khi chính phủ đặt ra các luật lệ mới một cách độc đoán. Bà thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Thái còn nói rằng các nhà đầu tư ngoại quốc mua cổ phần ở Thái Lan được lời đến 20 phần trăm nhờ cổ phần lên giá, thì nếu phải đóng thuế 10 phần trăm cũng không mất bao nhiêu! Nhưng, điều mà người ta lo là sau khi có các biện pháp mới này, tiền từ bên ngoài sẽ ngưng bớt không bỏ vào Thái Lan theo nhịp độ cũ nữa. Và khi đó, những người mới đem tiền vào sẽ thấy mức lời của họ bị giảm vì 30% vốn bỏ vô không sinh lời. Nếu quý vị đầu tư 100 đồng,hy vọng lời 15 đồng, tức 15%, nhưng bỗng nhiên 30 đồng bị ghìm lại, thì dù vẫn lời 15% thì 70 đồng vẫn sinh ra được 10 đồng rưỡi mà thôi. Tính chung cả số vốn bỏ vào, lợi suất chỉ còn 10.5%. Khi mức lời giảm, trị giá các cổ phần sẽ xuống, hoặc ít nhất không tăng lên như người ta trông đợi. Trước viễn tượng đó, người ta quyết định bán bớt cổ phần, cho an toàn hơn. Sau khi nhiều người ngoại quốc bán bớt cổ phần của họ, giá cổ phần xuống, những chủ nhân cổ phần người bản xứ phải vội bán theo trước khi giá xuống thêm nữa. Thế là tất cả thị trường xuống, giá cổ phần xuống mất 15%, tính ra trị giá các công ty Thái Lan đã bị giảm 23 tỷ Mỹ kim. Cùng ngày hôm đó, thị trường chứng khoán ở Mã Lai Á, Indo, cho tới Ấn Ðộ, Pakistan, và cả Hungary cũng xuống. Vì giới đầu tư quốc tế lo sợ các nước khác cũng có thể áp dụng các biện pháp tương tự như Thái Lan.
Ngày hôm sau, chính phủ Thái Lan đã rút lại quyết định hôm trước. Họ cho biết các món tiền đầu tư vào cổ phần sẽ không phải theo các biện pháp mới, chỉ có các trái phiếu là bị áp dụng mà thôi. Nhờ thế thị trường chứng khoán Bangkok đã tăng lên được 11%, và thị trường các nước chung quanh cũng tăng lên. Nói chung, người ta vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Thái Lan. Nhưng người ta đã mất tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của chính phủ Thái! Ông chủ tịch đảng đối lập ở Thái Lan đã yêu cầu cách chức ông bộ trưởng tài chánh, là người đưa ra các biện pháp hạn chế đầu tư vừa rồi. Ông giám đốc sở giao dịch chứng khoán, giống như SEC ở Mỹ cho biết ông không hề được tham khảo về biện pháp hạn chế tiền vốn của chính phủ, ông chỉ biết tin sau khi lệnh đã ban hành!
Các nước đang mở mang có thể rút ra một bài học. Kinh tế toàn cầu hóa khiến cho việc quản lý nền kinh tế và tài chánh quốc gia không đơn giản. Ðồng tiền đến dễ nếu nó được ra đi dễ dàng. Mà các nước đang phát triển thì cần nhiều tiền đến, không nên làm cho người ta lo sợ. Có nhiều cách khác để giảm bớt không cho đồng tiền nước mình tăng giá so với đô la Mỹ. Chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn, Ngân Hàng Trung Ương có thể ấn định lãi suất thấp hơn. Các quyết định độc đoán đều có hại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét