Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

VIỆT NAM: NÂNG CAO TỐC ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG - THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC NHÌN TỪ NĂM 2007 (phần 1)

Ngày Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết VIỆT NAM: NÂNG CAO TỐC ĐỘ VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG - THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC NHÌN TỪ NĂM 2007 (phần 1)
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Bài viết cũ của tôi:

VIỆT NAM:  NÂNG CAO TỐC ĐỘ
VÀ CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG
- THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC NHÌN TỪ NĂM 2007

Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục được duy trì ở mức khá cao, quan hệ kinh tế đối ngoại ngày càng được mở rộng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, nền kinh tế cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 chậm lại, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã trở lại xu thế tăng lên song nhiều khó khăn, thách thức mới lại phát sinh như tốc độ lạm phát lại có xu hướng tăng lên sau hai năm liên tục giảm xuống; tỷ lệ đầu tư trên GDP đã giảm sút lần đầu tiên kể từ năm 1998 đến nay; nhập siêu tăng cao; ngoại tệ đang đổ vào ngày một nhiều trong khi chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý, sử dụng có hiệu quả...

Bài viết này sẽ điểm lại những thành tựu và khó khăn nổi bật của Việt Nam trong năm 2007 để có cơ sở đề xuất một số giải pháp lớn nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại trạng thái phát triển cân đối, hài hoà, đảm bảo cho quá trình phát triển ổn định, lâu dài và có hiệu quả.
1) Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và diễn ra tại tất cả các khu vực kinh tế. Nếu như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2001-2005 là 7,5%/năm, thì năm 2006 đạt 8,2%, năm 2007 có khả năng sẽ đạt 8,5%. Riêng năm 2007, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng với tốc độ khá cao là 10,6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản duy trì được tốc độ tăng trưởng khá là 3,5% trong khi khu vực dịch vụ tăng trưởng tới 8,7%, cao nhất kể từ năm 1997 đến nay.
Đồ thị 1: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2000-2007 (%)
Đặc điểm nổi bật trong quá trình tăng trưởng gần đây là tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng lên với xu thế ổn định, không có độ dao động lớn, trừ năm 2005 có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Như vậy, có thể nhận định quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta có tính chất cơ cấu chứ không phải là tình thế, nên nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, trừ khi môi trường phát triển có những biến động rất đặc biệt. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đang thuộc vào loại cao nhất trong khu vực và thế giới.
Đồ thị 2: Tốc độ tăng trưởng của các khu vực giai đoạn 2000-2007 (%)
Tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết hơn về tình hình phát triển của các khu vực thì có thể thấy tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp hầu như ổn định trong suốt 7 năm qua, trong khi tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ có xu hướng tăng lên nhanh và khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm nhẹ. Do vậy, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ đồng thời giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP liên tục tăng lên, nếu như năm 2000 khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 36,7% GDP thì năm 2006 đã tăng lên 41,5%, năm 2007 tiếp tục tăng lên 41,8%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ sau nhiều năm giảm sút đã tăng trở lại từ năm 2005, đến năm 2007 đã chiếm 38,2% GDP. Ngược lại, tỷ trọng khu vực nông nghiệp đã giảm từ 24,5% năm 2000 xuống còn 20,4% năm 2006 và 20% năm 2007. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục thúc đầu chuyển dịch cơ cấu lao động và phân bố lại dân cư. Tuy nhiên, những số liệu dưới đây cho thấy tốc độ chuyển dịch kinh tế và cơ cấu lao động còn tương đối chậm so với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa.
Bảng 1: Tỷ trọng các khu vực trong nền kinh tế (%)

Cơ cấu GDP (%)
Cơ cấu lao động (%)
Nông nghiệp
Công nghiệp
Dịch vụ
Nông nghiệp
Công nghiệp
Dịch vụ
2000
24,53
36,73
38,73
65,1
13,1
21,8
2001
23,24
38,13
38,63
63,4
14,3
22,3
2002
23,03
38,49
38,48
61,9
15,4
22,7
2003
22,54
39,47
37,99
60,3
16,5
23,3
2004
21,81
40,21
37,98
58,8
17,3
23,9
2005
20,97
41,02
38,01
57,3
18,2
24,6
2006
20,40
41,52
38,08
55,7
19,1
25,2
2007
20,00
41,80
38,50
54,7
19,6
25,7
Các phân tích chi tiết hơn cho thấy trong năm 2007, từng khu vực, từng ngành kinh tế đều có chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, tăng cường liên kết lẫn nhau, gắn kết sản xuất với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội đồng thời thích ứng hơn với các đòi hỏi khắt khe của quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng và toàn diện của nền kinh tế. Đặc biệt, trong khu vực dịch vụ, đã tiếp tục tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng để phát huy ưu thế và khả năng cạnh tranh như du lịch, vận tải biển, tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Phát triển mạnh mẽ thương mại, bảo đảm hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa và với nước ngoài thuận lợi. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 22,5%. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tỷ trọng kinh tế nhà nước đã giảm tiếp từ 12,4% năm 2006 xuống 10,7% năm 2007; tỷ trọng kinh tế ngoài nhà nước tương ứng tăng từ 83,6% lên 85,1% và tỷ trọng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 4% lên 4,2%. Tiếp tục phát triển mạnh du lịch để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử. Ước lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,3-4,5 triệu lượt khách, tăng khoảng 20,4-26% so với năm 2006.
Bên cạnh những kết quả là cơ bản nêu trên, trong năm 2007, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đã kéo dài nhiều năm cần tiếp tục có giải pháp mạnh để xử lý. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã khá cao song vẫn chưa đạt yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nguy cơ tụt hậu vẫn rất lớn. Năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm. Nhiều nguồn lực, cơ hội cho tăng trưởng vẫn chưa được tận dụng. Chất lượng phát triển thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Tăng trưởng kinh tế những năm qua chưa phát huy được các nhân tố phát triển theo chiều sâu. Năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp. Chưa kết hợp thật tốt giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ và chăm lo đúng mức cho sự phát triển con người, khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường. 
Mặc dù Việt Nam đã chuẩn bị gia nhập WTO từ nhiều năm và từ tháng 12/2006 đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của WTO, đồng thời cũng đã được Mỹ trao quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, nhưng tốc độ chuyển dịch cơ cấu để khai thác những lợi thế này của Việt Nam còn rất yếu nếu so với những kết quả đạt được của các nước láng giềng như Trung Quốc hoặc Campuchia trong những năm đầu gia nhập WTO. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong 3 năm gần đây giảm đáng kể so với tiềm năng.
Để giải thích quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nêu trên, dưới đây sẽ phân tích một số nhân tố chính tác động tới quá trình đó, bao gồm các nhân tố cung (vốn, lao động) và các nhân tố cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).
2) Đầu tư tăng trưởng chậm lại, hiệu quả đầu tư tiếp tục tăng lên
Những số liệu thống kê cho thấy nguồn gốc tạo ra tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế nước ta trong thời kỳ đổi mới là tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP đã tăng lên rất nhanh. Thực tiễn cho thấy việc thực hiện lộ trình chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa trong những năm gần đây đã làm cho môi trường sản xuất, kinh doanh và đầu tư của nước ta ngày càng lành mạnh hơn, qua đó, đã khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn ra làm giàu, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
  Đồ thị 3: Tỷ lệ đầu tư, tỷ lệ tích luỹ, tỷ lệ tiết kiệm nội địa so với GDP (% - trục trái) và tốc độ tăng trưởng GDP (% - trục phải)
Tuy nhiên, tình hình đã diễn ra không thuận trong năm 2007. Đồ thị trên đây cho thấy tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP đã liên tục tăng lên trong 5 năm 2001-2006 nhưng đã bắt đầu giảm sút trong năm 2007. Vì đầu tư đã và đang đóng vai trò rất quan trọng đến quá trình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế nước ta nên việc suy giảm tỷ lệ đầu tư trên GDP có khả năng sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì tốc độ tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế nước ta.
Mặt khác, đồ thị cũng cho thấy chênh lệch giữa tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tiết kiệm nội địa khá lớn trong khi chênh lệch giữa tỷ lệ tích luỹ và tỷ lệ tiết kiệm nội địa đã đã bị giảm tới mức không đáng kể. Điều này chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của vốn đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế nước ta.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư đã có sự chuyển dịch rất tích cực. Tỷ trọng vốn thuộc khu vực kinh tế nhà nước đã giảm mạnh từ 59,1% năm 2000 xuống còn 46,4% năm 2006; trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tương ứng tăng rất mạnh từ 22,9% lên 37,7%. Tỷ trọng vốn thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sau khi giảm từ 18% năm 2000 xuống còn 14,2% năm 2004 đã và đang phục hồi nhanh, năm 2006 đạt 15,9%, dự kiến năm 2007 khoảng 16,7%.
Trong khu vực kinh tế nhà nước, tốc độ chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư cũng diễn ra khá nhanh theo hướng tích cực là giảm mạnh tỷ trọng vốn tín dụng nhà nước (từ 31,1% tổng nguồn vốn thuộc kinh tế nhà nước năm 2000 xuống còn 22,3% năm 2006), giảm tỷ trọng vốn của các doanh nghiệp nhà nước (từ 25,3% xuống 23,6%); đồng thời tăng mạnh tỷ trọng nguồn vốn ngân sách nhà nước (từ 43,6% năm 2000 lên 54,1% năm 2006).
Năm 2007, với các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và giải ngân trong những tháng cuối năm, dự báo vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2007 có thể đạt 463,3 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), bằng 40,5% GDP, tăng 16,1% so thực hiện năm 2006; trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tăng khoảng 17,5% so với năm 2006; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước giảm 2,6%; vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước tăng 3,9%; của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng khoảng 19,5%; của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,1%. Với các tốc độ tăng trưởng như vậy, cơ cấu đầu tư năm 2007 vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Về sử dụng, các nguồn đầu tư xã hội đã được tập trung hơn cho những mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế của từng vùng, từng ngành. Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng quy mô lớn, cho nông nghiệp và nông thôn, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội... Nhiều dự án đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đã đi vào hoạt động, làm tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh...
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từng bước được cải thiện, thể hiện qua hệ số ICOR. Nếu như hệ số ICOR của nền kinh tế nước ta trung bình 5 năm 2001-2005 là 5,16; thì năm 2006 giảm xuống còn 5 và năm 2007 giảm xuống còn là 4,76. So với các nước trong khu vực, hệ số ICOR của nước ta cũng không phải là quá cao vì trong 5 năm 2001-2005, ICOR của Trung Quốc là 4,76; Hồng Kông 6,95; Hàn Quốc 7,07; Đài Loan 4,36; Inđônêxia 4,48; Malaixia 4,32; Philippin 4,9; Singapor 7,66; Thái Lan 5,46[2]... Nếu sử dụng chỉ tiêu tích luỹ tài sản hoặc tích luỹ tài sản cố định thay thế cho chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển nêu trên thì hệ số ICOR của ta còn thấp hơn nhiều[3].
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, trong lĩnh vực đầu tư, đang nổi lên một số khó khăn, thách thức như: Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ chế và chính sách định hướng thu hút các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội chưa đủ hấp dẫn, môi trường đầu tư tuy có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rủi ro; trên thực tế vẫn còn sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế làm cho một số nhà đầu tư chưa mạnh dạn bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh. Các khu vực trọng điểm, có lợi thế hoặc còn nhiều tiềm năng chưa được quan tâm đầu tư thích đáng nên hiệu quả đem lại thấp. Công tác cải cách hành chính liên quan đến đầu tư tuy đã có đổi mới ở một số khâu, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, chậm trễ, làm lỡ cơ hội đầu tư... Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng nhà nước chưa thật sự phát huy vai trò là vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác nhằm hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, có hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn. Bố trí vốn nhà nước vẫn còn dàn trải. Việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng chưa nghiêm. Tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều nguồn vốn đầu tư thuộc khu vực kinh tế nhà nước đạt thấp so với năm trước.
3) Lao động  tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng
Lý thuyết và kinh nghiệm thực tế tại các nước đang phát triển đều khẳng định vai trò to lớn của nguồn nhân lực trong quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và công nghiệp hoá. Trong giai đoạn đầu phát triển, khi nguồn vốn còn khan hiếm, nguồn nhân lực thường đóng vai trò rất quan trọng, như là một nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng chủ yếu của nền kinh tế. Trong giai đoạn công nghiệp hoá hiện nay, vai trò của vốn đầu tư tăng lên nhưng không vì thế mà vị trí của nguồn nhân lực bị xem nhẹ vì với chất lượng ngày càng cao, nguồn nhân lực đang trở thành nhân tố cơ bản tạo ra công nghệ và kỹ thuật mới làm tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đặc biệt, khi khoa học và công nghệ đã thực sự trở thành động lực chủ yếu của quá trình tăng trưởng thì vai trò nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu của nguồn nhân lực sẽ cực kỳ quan trọng.
Ở nước ta, tình hình cũng không phải là ngoại lệ. Các số liệu tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động từ khi đổi mới đến nay đã khẳng định nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn cũng tăng nhanh trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã giảm khá mạnh. Ngược lại, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tốc độ tăng trưởng việc làm trong nền kinh tế quốc dân và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lại giảm xuống trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên.
Đồ thị 4: Tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ lệ sử dụng
lao động ở thành thị và nông thôn giai đoạn 2000-2007 (%)
Đồ thị trên đây minh họa quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp thành thị trong 8 năm gần đây. Nếu như trong giai đoạn 2000-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ sử dụng lao động luôn gắn rất chặt với nhau thì năm 2006 tình hình đã đảo ngược. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 giảm xuống trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị vẫn giảm xuống và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn vẫn tiếp tục tăng lên. Đáng nói thêm là tốc độ giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn mạnh hơn so với xu thế trong khi tốc độ tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn thấp hơn so với xu thế. Sang năm 2007, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng lao động trở lại xu thế như giai đoạn 2001-2005 nhưng tốc độ giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị vẫn mạnh hơn so với xu thế và tốc độ tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn vẫn thấp hơn so với xu thế. Điều này có nghĩa là từ năm 2006, tốc độ tạo thêm công ăn việc làm ở thành thị đang được đẩy nhanh hơn, trong khi ở nông thôn, tốc độ tạo thêm công ăn việc làm đang chậm lại; đây là kết quả của xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp trong khi tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng nhanh.
Bảng 2: Đóng góp của lao động và năng suất lao động tới tăng trưởng GDP

2000
2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
GDP, giá cố định, tỷ đồng
273666
292535
313247
336242
362435
393031
425135
461215
Lao động, nghìn người
37610
Top of Form
38563
39508
40574
41586
42527
43347
44590
NSLĐ (GDP / Lao động)
7.276
7.586
7.929
8.287
8.715
9.242
9.808
10.343
Tốc độ tăng trư­ởng GDP
6.79
6.89
7.08
7.34
7.79
8.44
8.17
8.49
Tốc độ tăng trư­ởng lao động đang làm việc (%)
1.97
2.53
2.45
2.70
2.50
2.26
1.93
2.87
Tốc độ tăng NSLĐ (%)
4.73
4.25
4.52
4.52
5.17
6.04
6.12
5.46
Sai số
0.09
0.11
0.11
0.12
0.13
0.14
0.12
0.16
Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP (%):
100
100
100
100
100
100
100
100
  - Lao động
29.0
36.75
34.61
36.76
32.03
26.79
23.61
33.78
  - NSLĐ
69.6
61.68
63.82
61.58
66.31
71.59
74.94
64.37
  - Sai số
1.4
1.56
1.56
1.66
1.65
1.62
1.45
1.85
Số liệu trong bảng trên cho thấy nguồn nhân lực vẫn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nước ta trong khi đóng góp của nhân tố năng suất lao động trong tăng trưởng còn rất khiêm tốn. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động (nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu) tăng tương đối nhanh so với tốc độ tăng trưởng nguồn lao động và tốc độ tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động (các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng). Tuy nhiên, theo bảng trên, tốc độ tăng trưởng lao động đã chậm lại đáng kể trong năm 2006, nhưng sau đó lại tăng nhanh để bù lại trong năm 2007; do vậy tốc độ tăng trưởng năng suất lao động sau khi tiếp tục tăng mạnh theo xu thế trong năm 2006 (6,1%), đã giảm khá mạnh trong năm 2007 (chỉ tăng 5,46%, giảm đáng kể so với hai năm 2005 và 2006).
Đóng góp của các nhân tố lao động và năng suất lao động tới tăng trưởng GDP rất khác nhau nhưng đều quan trọng. Trong giai đoạn 2001-2005, nhân tố tăng trưởng lực lượng lao động đóng góp tới 33,4% vào tốc độ tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế trong khi nhân tố tăng năng suất lao động đóng góp 65%. Xu thế chung là đóng góp của nhân tố năng suất lao động tăng lên, cao nhất tới xấp xỉ 75% vào năm 2006, nhưng năm 2007 giảm xuống chỉ còn 64,4%. Nhìn chung, đóng góp của lực lượng lao động tới tăng trưởng kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng cao so với các nước khác trên thế giới, chứng tỏ tăng trưởng nguồn lao động vẫn là nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng. Mặt khác, đóng góp của nhân tố năng suất lao động chiếm từ 2/3 đến 3/4 tốc độ tăng trưởng GDP chứng tỏ năng suất đã là nhân tố quan trọng nhất quyết định quá trình tăng trưởng mặc dù chưa thực sự mạnh mẽ như trường hợp các nước khác trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phân tích chi tiết hơn sẽ cho thấy vai trò của lao động và năng suất lao động rất khác nhau giữa các khu vực, ngành kinh tế; trong khi năng suất lao động có vai trò rất quyết định đối với sự phát triển của khu vực công nghiệp thì trong các khu vực nông nghiệp và dịch vụ, vai trò của năng suất lao động còn rất hạn chế.
4) Tiêu dùng đang trở thành nhân tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng
Trước đây, tiêu dùng luôn là thành phần quan trọng nhất trong tổng cầu[4] của nền kinh tế nước ta vì nó luôn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vai trò của tiêu dùng đã giảm sút do tỷ trọng của xuất khẩu đã tăng lên. Mặt khác, theo đà công nghiệp hóa, tỷ trọng của tích luỹ trong tổng cầu cũng đang tăng lên rất nhanh. Năm 2006, tiêu dùng chỉ còn chiếm 38,6% tổng cầu trong khi tích luỹ tài sản chiếm 20,1% và xuất khẩu chiếm 41,3%. Năm 2007, tiêu dùng chỉ còn chiếm khoảng 37,1% tổng cầu trong khi tích luỹ tài sản tăng lên 21,3% và xuất khẩu tăng lên 41,6%.
Đồ thị 5 cho thấy trong giai đoạn trung hạn vừa qua, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tiêu dùng có những biến động khá lớn. Trong các năm 2000-2001, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng xã hội rất thấp so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đây là giai đoạn cung vượt cầu và Nhà nước đã phải triển khai thực hiện chính sách kích cầu để tiêu thụ đầu ra cho sản xuất, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Kết quả là trong hai năm tiếp theo (2002-2003), tốc độ tăng trưởng tiêu dùng đã tăng lên rất nhanh, vượt trên tốc độ tăng trưởng GDP mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP tiếp tục tăng lên. Cầu vượt cung đã làm tốc độ lạm phát (giá tiêu dùng) tăng dần và lên đến 9,5% năm 2004, đồng thời tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong 2 năm 2004-2005 được điều chỉnh chậm lại. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP đã vượt đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng xã hội (1,1%), làm cho mất cân đối cung - cầu được thu hẹp, tốc độ tăng giá bắt đầu chậm lại. Tuy nhiên, từ năm 2006, tình hình đang có xu hướng đảo ngược: Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng xã hội liên tiếp tăng lên nhanh; khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng xã hội liên tục bị thu hẹp lại; nguy cơ mất cân đối cung - cầu đang tăng cao, kèm theo nguy cơ lạm phát cao quay trở lại ngay từ năm 2007.
Đồ thị 5: Tốc độ tăng trưởng của GDP và các thành phần của tiêu dùng (%)
Về mặt cơ cấu, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chính phủ chỉ thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của dân cư trong 2 năm 2002-2003; trong các năm còn lại, tiêu dùng chính phủ liên tục tăng trưởng cao, làm cho tỷ trọng tiêu dùng chính phủ trong tổng tiêu dùng xã hội tăng nhanh. Đặc biệt, trong 2 năm 2006-2007, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chính phủ liên tục cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.
Đồ thị 6: Tốc độ tăng trưởng GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá hiện hành (%)
Để thấy rõ hơn quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng, có thể quan sát đồ thị phản ánh quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cả hai chỉ tiêu này đều được tính theo giá hiện hành. Trong 2 năm gần đây, khoảng cách giữa hai chỉ tiêu này đang có xu hướng doãng ra, phản ánh tình trạng mất cân đối cung cầu đang có xu hướng tăng lên sau khi đã thu hẹp lại trong 2 năm 2004-2005. Kết hợp với xu hướng tỷ lệ đầu tư trên GDP giảm sút và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, có thể thấy tiêu dùng đã thay thế cho đầu tư và cầu nước ngoài làm nhân tố cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2007.
Điều này đã thể hiện khá rõ trong một số lĩnh vực của nền kinh tế nước ta hiện nay như tỷ lệ sử dụng công suất máy móc, thiết bị đang tăng lên rất cao; nhiều ngành, nghề, địa phương đã huy động gần hết công suất; việc tiêu thụ hàng hóa đã trở nên rất dễ dàng; khối lượng hàng hóa tồn kho giảm nhanh và lượng hàng dự trữ còn rất mỏng trong khi nhu cầu xã hội vẫn tiếp tục tăng cao; nhập siêu tăng lên mức kỷ lục, đồng thời tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng tăng lên khá mạnh, trái với xu thế diễn ra trong những năm trước; giá tất cả các nhóm hàng tiêu dùng đều tăng mạnh; tín dụng cho tiêu dùng tăng nhanh... Những biểu hiện trên phản ánh tình trạng cung nội địa đang mất dần cân đối với cầu.


[2] Trong tính toán này, đã loại trừ số liệu của một số nước tại các năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm hoặc xấp xỉ bằng 0; nếu tính cả các số liệu này thì hệ số ICOR của nhiều nước sẽ rất cao.
[3] Chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển của nước ta bao gồm một số khoản không thuộc đầu tư tài sản cố định như quan niệm phổ biến trên thế giới. Do vậy, các tổ chức quốc tế thường không sử dụng chỉ tiêu này của ta mà dùng chỉ tiêu được sử dụng thông dụng trên thế giới là tích luỹ tài sản hoặc tích luỹ tài sản cố định (ví dụ xem số liệu phụ lục Báo cáo phát triển châu Á hàng năm của Ngân hàng phát triển châu Á). Nếu dùng chỉ tiêu tích luỹ tài sản, hệ số ICOR giai đoạn 2001-2005 của Việt Nam là 4,56; năm 2006 là 4,37; năm 2007 ước là 4,18. Nếu dùng chỉ tiêu tích luỹ tài sản cố định, hệ số ICOR giai đoạn 2001-2005 là 4,27; năm 2006 là 4,01; năm 2007 ước là 3,81. Như vậy, dù sử dụng chỉ tiêu nào thì hệ số ICOR cũng đều có xu hướng giảm dần.
[4] Tổng cầu gồm tiêu dùng (nhà nước và cá nhân), tích luỹ tài sản và xuất khẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét