Ngày Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết VỀ TĂNG TRƯỞNG VÀ THAY ĐỔI CƠ CẤU KINH TẾ GIAI ĐOẠN 1990-98
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
VỀ TĂNG TRƯỞNG VÀ THAY ĐỔI
CƠ CẤU KINH TẾ GIAI ĐOẠN 1990-98
Tăng trưởng:
Ba đặc điểm lớn nhất về tăng trưởng kinh tế trong 10 năm qua là: Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thời kỳ từ năm 1990 đến nay được chia làm hai thời kỳ rõ rệt: Thời kỳ 1990-95, tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế liên tục tăng lên, từ 5,1% năm 1990 lên 9,5% năm 1995. Thời kỳ 1996-99, tỷ lệ tăng trưởng GDP liên tục giảm sút, còn khoảng 4,3% năm 1999, xấp xỉ mức năm 1989.
Thứ hai, trong thời kỳ 1990-95, tỷ lệ tăng trưởng của tất cả các khu vực kinh tế đều có xu hướng tăng lên như bảng 1 chỉ ra. Tuy nhiên, trong ba năm đầu 1990-92, nếu như tỷ lệ tăng trưởng của nông nghiệp và công nghiệp liên tục tăng lên nhanh, thì tỷ lệ tăng trưởng của dịch vụ lại liên tục giảm sút.
Thứ ba, từ năm 1996, việc giảm tỷ lệ tăng trưởng đã diễn ra trong tất cả các khu vực của nền kinh tế quốc dân.
Sản xuất nông nghiệp năm 1999 cao hơn không đáng kể so với tỷ lệ tăng trưởng dân số. Nông thôn tiếp tục nghèo nàn và lạc hậu. Trong công nghiệp, phần lớn các ngành đều giảm nhanh tỷ lệ tăng trưởng, chỉ một vài ngành như sản xuất dầu thô, xi măng, giấy, khai thác than, và một số sản phẩm thuộc công nghiệp chế biến và công nghiệp hàng tiêu dùng còn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ các nước châu á đang khủng hoảng. Theo các lý thuyết kinh tế vĩ mô và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đối với một nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng dân số hàng năm 2%, một tỷ lệ tăng năng suất lao động 5-7% và một tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động trên 3% cộng với 2-3 triệu lao động thất nghiệp và 6-7 triệu lao động thiếu việc làm như trường hợp nước ta hiện nay, cần phải đạt được một tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm tối thiểu 6-7% để vừa giải quyết được việc làm cho người lao động, vừa cải thiện được đời sống nhân dân. Theo tiêu chuẩn này, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt nam tụt xuống dưới 6% năm 1998-99 là một dấu hiệu rất đáng lo ngại. Nếu tỷ lệ tăng trưởng tiếp tục thấp và kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, mức sống giảm, kéo theo nguy cơ khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội. Trên thực tế, việc giảm nhanh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong ba năm vừa qua đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố từ 5,88% năm 1995 lên 6,01% năm 1996, 6,25% năm 1997 et 6,85% năm 1998.
Về tăng trưởng của các ngành, chúng ta hãy xem xét tình hình trong công nghiệp. Tiến triển của tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng tương tự như tiến triển chung của toàn nền kinh tế. Nếu như tỷ lệ tăng trưởng của giá trị sản xuất công nghiệp là âm: -3,3% năm 1989 và chỉ đạt 3,15% năm 1990 thì năm 1991 đã là 10,4% và năm 1995 đạt 14,5%. Giá trị sản lượng công nghiệp tăng trưởng bình quân 13,4%/ năm thời kỳ 1991-1995, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng trưởng bình quân 15,3%, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 10,0%/ năm và khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 24,2%/ năm. Có thể nói, những năm 1991-95 là thời kỳ công nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất kể từ trước đến nay (trong thời kỳ 1976-80, công nghiệp chỉ tăng 0,6%/ năm, thời kỳ 1981-85: 9,5%, thời kỳ 1986-90: 6,1%, và thời kỳ 1996-2000 dự kiến 12%).
Bảng 2 cho thấy mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng của khu vực công nghiệp quốc doanh nhưng nếu loại bỏ thành phần kinh tế tập thể khỏi công nghiệp ngoài quốc doanh, chỉ tính công nghiệp tư nhân, cá thể và hỗn hợp thì thấy khu vực này đã phát triển cực kỳ nhanh ngay từ năm 1987. Đến nay, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn tiếp tục chứng tỏ tính hiệu quả, năng động và cần phải được nâng đỡ để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa. Nhận xét thứ hai là tỷ lệ tăng trưởng của toàn bộ khu vực công nghiệp nội địa không có vốn nước ngoài chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ tăng trưởng của khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng sản xuất công nghiệp nước ta ngay từ giai đoạn 1990-95.
Nếu như trong thời kỳ 1990-95 sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng lên rõ rệt thì từ năm 1996, tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp đã chững lại và đi vào giai đoạn giảm sút. Tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong ba năm 1996-98 vẫn đạt mức khá là 13,1%/ năm, nhưng giảm dần, trong đó công nghiệp quốc doanh chỉ đạt 10,2%/ năm, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 9,1%/ năm và khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,0%/ năm. So với thời kỳ 1991-95, khoảng cách tăng trưởng giữa công nghiệp quốc doanh và công nghiệp ngoài quốc doanh đã được thu hẹp. Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng rất nhanh và ổn định, tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với phát triển công nghiệp nước ta.
Thay đổi cơ cấu:
Quá trình tăng trưởng kinh tế nêu trên đã tạo ra những thay đổi đáng kể về mặt cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá đất nước. Tỷ trọng công nghiệp (kể cả xây dựng) trong GDP sau khi giảm sút từ 28,9% năm 1986 xuống 22,7% năm 1990 đã tăng trở lại 28,8% năm 1995 và lên đến 32,7% năm 1998 (xem bảng 3). Ngược lại, tỷ trọng nông nghiệp tăng từ 38,0% năm 1986 lên tới 46,3% năm 1988, rồi giảm liên tục trong thời kỳ từ năm 1989 đến nay, và chỉ còn 26% năm 1998. Tỷ trọng khu vực dịch vụ giảm nhẹ từ 33,1% năm 1986 xuống còn 29,7% năm 1988, sau đó liên tục tăng lên trong thời kỳ 1989-1995, đạt 44,1% vào năm 1995, rồi giảm nhẹ từ năm 1996 đến năm 1998 còn 41,3%. Như vậy, đã có một quá trình công nghiệp hoá và kèm theo đó là phát triển dịch vụ trong thập kỷ 90.
Trong bản thân khu vực công nghiệp, cũng có những thay đổi cơ cấu đáng kể. Như sau này chúng ta sẽ lý giải, tự do hoá kinh tế và những đợt phá giá liên tục trong những năm 1988-91 đã mở ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhờ vậy, trước năm 1992, các ngành này đã phát triển nhanh nhất. Tỷ trọng các ngành công nghiệp điện và điện tử, chế biến lương thực thực phẩm, dệt, sản phẩm từ da và giả da, luyện kim màu và một số loại hàng tiêu dùng, hàng phục vụ nông nghiệp đã tăng lên. Ngược lại, các ngành công nghiệp nặng, nhất là luyện kim đen, cơ khí sản xuất máy móc thiết bị và các sản phẩm khác bằng kim loại, vật liệu xây dựng, giấy, sành sứ thuỷ tinh, có tỷ trọng giảm nhanh[1].
Tình hình đã đảo ngược trong giai đoạn sau 1992 do hậu quả của chính sách ồ ạt nhập khẩu vốn nước ngoài và đánh giá cao tỷ giá thực. Từ năm 1993, các ngành công nghịêp nặng sử dụng nhiều vốn, ít lao động kể trên đã nhanh chóng phục hồi và phát triển rất nhanh, trong khi tỷ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động đã nhanh chóng giảm đi.
Một đặc điểm quan trọng khác là tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp khai thác (13,3%) cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của công nghiệp chế biến (12,2%) dẫn tới một quá trình dịch chuyển cơ cấu công nghiệp kém hiệu quả. Có thể nói công nghiệp đang thay đổi cơ cấu theo hướng hướng nội và tăng tỷ trọng các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên bao giờ cũng có giới hạn và bản thân việc bán các tài nguyên thô có giá trị gia tăng rất thấp. Trong tương lai, rõ ràng cần phải có những thay đổi lớn về cơ cấu phát triển công nghiệp thì mới nâng cao được hiệu quả sản xuất của ngành này.
Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp hầu như không thay đổi kể từ năm 1980 đến nay, tức là có sự tăng trưởng tương đối đồng đều của các ngành trong nội bộ nông nghiệp.
Đầu tư:
Nguyên nhân cơ bản nhất của quá trình tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế nêu trên là phát triển theo mô hình dựa quá nhiều vào vốn đầu tư và không coi trọng vấn đề hiệu quả, mà nguyên nhân sâu xa của chiều hướng phát triển lệch lạc này là hệ thống các chính sách kinh tế không hợp lý.
Trên thực tế, đầu tư đã đóng vai trò quan trọng đến quá trình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nêu trên. Những thay đổi về chính sách và cơ chế đầu tư từ năm 1986 đến nay đã tạo ra được môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh hơn cho sản xuất, từng bước đưa nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, nhờ đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được khuyến khích bỏ vốn ra đầu tư. Trong thời kỳ 1991-1995, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 20,8 tỷ USD, trong đó riêng đầu tư cho công nghiệp chiếm 38,4%. Trong thời kỳ 1996-2000, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 39 tỷ USD, trong đó riêng đầu tư cho công nghiệp chiếm 45,9%. Phân tích chi tiết cho công nghiệp thì thấy tỷ lệ tăng trưởng đầu tư công nghiệp lên đến 41,1%/ năm thời kỳ 1991-95 là mức cực kỳ cao, điều đó cũng có nghĩa là nền tảng của phát triển công nghiệp là tăng cường vốn đầu tư chứ không phải là hiệu quả, và nếu tỷ lệ tăng trưởng đầu tư cho công nghiệp không tăng, thậm chí giảm đi, thì tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp sẽ phải giảm. Thực tế, trong thời kỳ 1996-2000, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư cho công nghiệp tụt xuống còn khoảng 14,5%/ năm, đã làm cho tăng trưởng công nghiệp giảm xuống. Tính chung trong thập kỷ 90, tổng số vốn đầu tư cho công nghiệp là 25,9 tỷ đô la, chiếm 43,3% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.
Tiến triển của cơ cấu đầu tư đi liền với thay đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp. Tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp nặng đã tăng từ 70% năm 1986 lên 76,9% năm 1988 cùng với sự đi lên của sản xuất công nghiệp trong thời gian này. Trong các năm 1989-91, đầu tư cho công nghiệp nặng giảm nhanh, chỉ còn 67,4% năm 1991, trong khi tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp nhẹ tăng lên. Hậu quả là các ngành công nghiệp nặng suy thoái trong khi công nghiệp nhẹ phát triển. Từ năm 1992, vốn lại chuyển hướng vào công nghiệp nặng, chỉ khoảng 25-30% được dành cho công nghiệp nhẹ, dẫn tới đảo ngược tình hình tăng trưởng của hai khu vực này. Đặc biệt, đầu tư cho khu vực công nghiệp tư nhân và cá thể còn rất thấp trong khi khu vực này lại tạo ra đựơc rất nhiều việc làm và sản phẩm rất phù hợp với sức mua của người dân nghèo ở thành thị và nông thôn.
Nhìn toàn cục nền kinh tế, chúng ta có một số phân tích sau:
a) Mô hình phát triển dựa quá nhiều vào đầu tư
Đồ thị dưới đây cho thấy những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao của nước ta trong nửa đầu thập kỷ 90 gắn liền với việc gia tăng mạnh mẽ của tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa trên GDP. Nếu như trong thời kỳ 1986-1990, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm nội địa thấp, chỉ lần lượt là là 12,6% và 2,4% thì tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,3%. Ngược lại, trong thời kỳ 1991-1995, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm lên tới 22,3% và 14,7% thì tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng tăng mạnh, tới 8,2%. Trong các năm 1996-98, tỷ lệ đầu tư và tiết kiệm tiếp tục tăng lên tới 28,7% và 19,6%, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm nhẹ xuống còn 7,8%. Sự giảm sút của tỷ lệ tăng trưởng GDP trong những năm gần đây là do cơ chế chính sách càng ngày càng không theo kịp với tình hình mới và ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ châu á làm cho hiệu quả của vốn đầu tư giảm sút nhanh, dẫn tới tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP tiếp tục tăng lên, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm sút. Vì tỷ lệ đầu tư của Việt nam trong những năm gần đây đã xấp xỉ ngang với các nước trong khu vực Đông á và cao hơn hẳn các nước Nam á nên không thể nói là đầu tư của ta còn thấp làm kinh tế không tăng trưởng nhanh được.
Đồ thị 4: Tỷ lệ tăng trưởng GDP, tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tích luỹ nội địa so GDP (%)
|
Vai trò quyết định của đầu tư còn thể hiện rõ hơn ở quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng vốn đầu tư như đồ thị 5 dưới đây chỉ ra. Tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư thời kỳ 1991-1995 là 30,3%/ năm là mức rất cao, đã tạo ra tỷ lệ tăng trưởng GDP tới 8,2%/ năm. Đồ thị và các phân tích tương quan cũng cho thấy đầu tư có độ trễ khoảng hai năm so với tăng trưởng. Vì đầu tư là động lực của quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta, nên khi tỷ lệ đầu tư trên GDP và tỷ lệ tăng trưởng đầu tư tăng chậm, thậm chí giảm, thì có thể dự báo rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP phải giảm. Do tỷ lệ đầu tư đang giảm sút từ hai năm nay, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ còn thấp trong 2 năm tới nếu như không có những thay đổi lớn về chính sách làm tăng hiệu quả vốn đầu tư.
Đồ thị 5: Quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng vốn đầu tư (%)
|
b) Cơ cấu nguồn vốn đầu tư không hợp lý
Bảng 2 cho thấy vốn nước ngoài đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với đầu tư ở nước ta. Chênh lệch giữa tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP rất cao trong giai đoạn 1986-90 và 1993-1997, chỉ giảm mạnh trong các năm 1991-92 khi hệ thống Liên xô sụp đổ và 1998-1999 khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu á. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã quá lạm dụng vốn nước ngoài trong phát triển kinh tế, đi ngược với chủ trương huy động nội lực của Đảng. So sánh với các nước xung quanh, rõ ràng tỷ lệ huy động vốn nước ngoài của ta đặc biệt cao. Đành rằng điều kiện kinh tế chính trị và xã hội của mỗi nước có khác nhau, nhưng nếu như tất cả các nước xung quanh ta đều không để chênh lệch này vượt quá 4-5% GDP thì có lẽ chúng ta cũng không nên làm như vậy. Thực tế, các nước Đông nam á và Hàn quốc tăng nhanh huy động tiết kiệm nước ngoài để đầu tư từ năm 1993-1995, tạo ra được những tỷ lệ tăng trưởng rất nhanh, nhưng đồng thời cũng dẫn đến khủng hoảng tài chính từ năm 1997.
Bảng 2: Chênh lệch giữa tỷ lệ tiết kiệm nội địa và tỷ lệ đầu tư trên GDP (%)
Nước | 81-90 | 1991 | 1992 | 1993 | 1994 | 1995 | 1996 | 1997 | 1998 |
Việt nam | -10,2* | -5,0 | -3,8 | -10,4 | -8,4 | -10,2 | -12,0 | -10,8 | -4,7 |
Hồng Kông | 6,3 | 6,6 | 5,3 | 7 | 1,2 | -4,3 | -1,4 | -3,6 | 0,3 |
Hàn quốc | -0,9 | -3,2 | -2,1 | 0,3 | -1,1 | -1,8 | -4,7 | -1,9 | 13,3 |
Singapo | 0,6 | 11,6 | 11,2 | 8,6 | 16,1 | 17,8 | 15,9 | 14,4 | 18,2 |
Đài loan | 11,4 | 6,5 | 3,7 | 1,8 | 1,9 | 1,9 | 3,9 | 2,8 | 2,4 |
Trung quốc | 1 | 4,6 | 3,9 | -1,6 | 0,6 | 0,3 | 0,9 | 3,3 | 2,5 |
Inđônêxia | 1,4 | -3,1 | -1,6 | -1,9 | -2 | -3,4 | -3,4 | -1,4 | 1,1 |
Malaixia | -3,3 | -9,4 | -3 | -0,1 | -1,6 | -4 | 1,1 | 1,8 | 14,8 |
Philippin | - | -1,7 | -1,4 | -8,4 | -6,5 | -4,8 | -4,6 | -3,5 | 0,7 |
Thái lan | -4,9 | -8 | -6,3 | -5 | -5,6 | -8 | -8 | -2,1 | 11,5 |
Bangladesh | -11 | -1,3 | 0,7 | 0,1 | 2,3 | 0,3 | -2,7 | -2,5 | -1,5 |
ấn độ | -1,4 | -0,7 | -1,6 | -1,3 | -2,1 | -1,4 | -1,1 | -1,5 | -1,7 |
* : Việt nam: 1986-90. Nguồn số liệu: Asian Development Outlook 1999, Asian Development Bank.
Bảng 3 là một ví dụ khác về huy động nguồn vốn đầu tư không hợp lý. Một mặt, tỷ trọng vốn FDI đã tăng lên rất nhanh trong thời kỳ 1990-96, có lúc chiếm tới 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm 1/3 vốn đầu tư, các doanh nghiệp FDI lại đóng vai trò quyết định làm tăng tỷ lệ tăng trưởng GDP. Điều này chứng tỏ luồng vốn nội địa tăng không tương xứng và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào vốn bên ngoài. Mặt khác, tỷ trọng vốn của khu vực tư nhân và dân cư giảm mạnh và liên tục trong suốt thập kỷ 90 trong khi đây chính là nguồn vốn có hiệu quả kinh tế cao nhất và là nguồn vốn nội lực quan trọng nhất của đất nước. Thực tế khu vực ngoài quốc doanh kể cả nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% vốn đầu tư, nhưng lại làm ra trên 30% GDP và sử dụng trên 70% lực lượng lao động xã hội.
Bảng 3: Cơ cấu nguồn vốn đầu tư (%)
Năm | Từ Ngân sách NN | Doanh nghiệp NN | Tư nhân và dân cư | Vốn FDI |
1990 | 26,0 | 11,3 | 49,0 | 13,7 |
1991 | 29,8 | 14,5 | 47,0 | 9,7 |
1992 | 35,3 | 5,2 | 44,6 | 15,0 |
1993 | 38,5 | 7,5 | 31,6 | 21,4 |
1994 | 24,1 | 12,5 | 34,1 | 29,4 |
1995 | 25,6 | 9,7 | 30,8 | 33,9 |
1996 | 28,2 | 10,7 | 26,9 | 34,1 |
1997 | 31,7 | 14,0 | 22,8 | 31,5 |
1998 | 36,9 | 16,7 | 21,3 | 25,1 |
c) Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả
Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quá không chỉ ở cấp toàn nền kinh tế mà còn ở cấp ngành và cấp từng sản phẩm. Ở cấp kinh tế quốc dân, hệ số ICOR[2] của ta tăng lên rất nhanh trong thập kỷ 90. Nếu như ICOR năm 1992 là 1,76 thì đến năm 1998, đã lên tới 5,3, tức là gấp 3 lần, nhanh nhất khu vực châu á (xem bảng 4). Mức ICOR năm 1998 của ta cao hơn mức trung bình thời kỳ 1991-97 của các nước so sánh trong khi trình độ phát triển kinh tế của ta còn thua xa. Năm 1999, dự kiến ICOR của ta sẽ lên tới 6,6. Điều này cũng nói lên rằng nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế nhanh ở nước ta chủ yếu là tăng vốn đầu tư.
Bảng 4: So sánh hệ số ICOR của Việt nam và một số nước châu á
Nước | 1991 | 1992 | 1993 | 1994 | 1995 | 1996 | 1997 | 1998 |
Việt nam | 2,4 | 1,76 | 2,20 | 2,83 | 2,68 | 3,05 | 3,56 | 5,30 |
Hồng Kông | 5,33 | 4,32 | 4,67 | 5,11 | 8,18 | 7,73 | 6,06 | -6,94 |
Hàn quốc | 3,45 | 7,69 | 6,34 | 4,08 | 4,06 | 5,21 | 6,98 | -6,36 |
Singapo | 5,73 | 5,52 | 3,39 | 3,59 | 3,72 | 4,80 | 4,53 | 24,93 |
Đài loan | 3,00 | 3,35 | 3,89 | 3,88 | 3,98 | 4,16 | 3,12 | 4,58 |
Trung quốc | 3,58 | 2,44 | 2,66 | 3,43 | 3,90 | 4,25 | 4,55 | 4,90 |
Inđônêxia | 3,42 | 4,65 | 4,64 | 3,93 | 3,79 | 4,09 | 6,27 | -2,28 |
Malaixia | 3,72 | 4,91 | 4,47 | 4,11 | 4,30 | 5,06 | 5,39 | -6,77 |
Philippin | 9,90 | 5,36 | 5,00 | 3,72 | 4,44 | -47,60 | ||
Thái lan | 3,66 | 5,36 | 4,86 | 4,48 | 4,58 | 7,56 | -104,25 | -4,38 |
Bangladesh | 3,85 | 2,67 | 2,60 | 3,36 | 3,14 | 3,07 | 2,88 | 3,04 |
ấn độ | 28,50 | 4,53 | 3,49 | 2,67 | 3,01 | 3,31 | 5,14 | 4,28 |
Nguồn số liệu: Tính từ các số liệu của Asian Development Outlook 1999, Asian Development Bank.
Ở cấp ngành, vốn đầu tư được phân bổ kém hợp lý nên hiệu quá không cao. Theo bảng 5, tỷ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp đã giảm mạnh trong suốt thời kỳ 1991-95, trong khi đây là ngành có hệ số ICOR thấp nhất và tạo ra được nhiều lao động nhất. Đầu tư cho nông nghiệp bếp bênh, lúc tăng, lúc giảm trong các năm từ 1995 đến nay. Mặt khác, tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp giảm đi nhanh chóng từ năm 1994 đến nay trong khi tỷ trọng vốn cho dịch vụ và hạ tầng xã hội tăng lên rất cao. Đây là quá trình dịch chuyển cơ cấu đầu tư bất hợp lý vì các nhà đầu tư đã chuyển vốn từ lĩnh vực sản xuất sang kinh doanh dịch vụ.
Bảng 5: Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư (%)
Ngành | 1990 | 1991 | 1992 | 1993 | 1994 | 1995 | 1996 | 1997 |
Công nghiệp và xây dựng | 38,4 | 44,0 | 48,9 | 55,3 | 39,0 | 33,0 | 41,1 | 31,5 |
Nông lâm ngư nghiệp | 17,1 | 15,7 | 12,7 | 8,9 | 9,4 | 12,0 | 8,5 | 15,4 |
Dịch vụ và hạ tầng xã hội | 44,5 | 40,3 | 38,4 | 35,8 | 51,6 | 55,0 | 50,4 | 53,1 |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ở cấp sản phẩm, một mặt, do dự báo cầu không chính xác nên đã đầu tư ồ ạt vào một số ngành, dẫn tới cung vượt quá xa so với cầu, lãng phí cao và hiệu quả kinh tế kém. Ví dụ điển hình là sản xuất xi măng, sắt thép, than, mía đường, cao su, rau và thịt lợn. Mặt khác, chúng ta cũng đã sai lầm trong chọn lựa các ngành kinh tế mũi nhọn không phù hợp với trình độ phát triển hiện tại của nền kinh tế như cơ khí, điện tử, sinh học và vật liệu mới. Các ngành này có tỷ suất lợi nhuận rất thấp trong khi nhu cầu vốn đầu tư rất cao. Đầu tư chỉ tập trung vào mua sắm dây truyền thiết bị lắp ráp từ nước ngoài và xây dựng nhà xưởng, dẫn tới chi phí sản xuất rất cao và kinh tế phát triển hướng nội là chính. Hậu quả là nguy cơ mất lợi thế so sánh rất rõ. Hiện nay, người ta đang đổ xô vào kinh doanh trong các ngành đang được bảo hộ mạnh và các ngành còn lợi thế so sánh cao như dệt may, nước giải khát, giày dép, làm cho giá thành sản phẩm sẽ tăng nhanh và các ngành này sớm mất nốt lợi thế so sánh.
d) Tóm tắt nguyên nhân của tình hình trên
Việc nền kinh tế nước ta phát triển gần như tự phát theo mô hình không hợp lý nêu trên có nguyên nhân từ rất lâu. Do thất bại của cuộc tự do hoá hệ thống tài chính quá nhanh năm 1989-1990 đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng tiền tệ tín dụng năm 1990, chính phủ Việt nam đã trở nên quá thận trọng trong mỗi bước cải cách kinh tế, nhất là trong lĩnh vực tự do hoá các hoạt động ngân hàng và tín dụng. Trong những năm 1992-93, do chính sách tài chính tiền tệ quá chặt được áp dụng và có quá nhiều hạn chế và ràng buộc đối với các ngân hàng thương mại, tình trạng thiếu hụt vốn để tiền tệ hoá nền kinh tế và tích luỹ vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng trong khi nguồn vốn trong dân không được huy động và tỷ lệ dự trữ tiền tệ tăng tự phát tại các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thiếu nghiêm trọng vốn tín dụng nội địa, từ năm 1992, các nhà đầu tư trong nước đã phải quay sang huy động nguồn vốn từ nước ngoài, kéo theo hiện tượng tự phát gia tăng tích luỹ và đô la hoá rất cao trong nền kinh tế.
Nhiều người đã hy vọng rằng luồng vốn nhập khẩu từ nước ngoài sẽ cho phép nâng cao tỷ lệ đầu tư nội địa và động thời ổn định được tỷ giá, chiếc neo mà Ngân hàng trung ương cố gắng duy trì để đẩy lùi lạm phát. Ý tưởng này rất đúng nếu luồng vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng để nhập khẩu công nghệ mới, các máy móc thiết bị tiên tiến và các vật tư cần thiết phục vụ cho chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng nội địa và khai thác các tiềm năng phát triển phong phú của đất nước. Tuy nhiên, như nhiều lý thuyết kinh tế và nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra, về lâu dài, chiến lược phát triển dựa vào vốn nước ngoài có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng mới vì hai lý do: Một là, đầu tư nước ngoài có xu hướng làm giảm tỷ lệ tích luỹ nội địa và làm tăng tiêu dùng nội địa ngoài tầm kiểm soát, tức là có sự thay thế giữa hai dạng vốn trong và ngoài nước. Hai là, vốn đầu tư nước ngoài thường dẫn đến đánh giá cao nội tệ, làm cho hàng hoá sản xuất trong nước trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Rõ ràng hai hiện tượng trên đã từng bước diễn ra trong nền kinh tế Việt nam trong thời kỳ từ năm 1993-94 tới nay. Hậu quả cuối cùng là nền kinh tế đi vào giai đoạn suy giảm như chúng tôi phân tích ở trên.
Về mặt cơ cấu, trong thời kỳ 1988-91, do chính sách tự do hoá kinh tế rộng rãi và những đợt phá giá cao và liên tiếp, tỷ suất lợi nhuận của nông nghiệp và dịch vụ tăng nhanh nên vốn, vật tư, lao động và các nguồn lực khác được dồn vào hai khu vực này vì trong nền kinh tế thị trường, giá cả và tỷ suất lợi nhuận quyết định chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp. Nông nghiệp và dịch vụ phát triển trong khi công nghiệp suy thoái. Từ năm 1992 đến hết 1993, vốn nước ngoài vào ngày càng nhiều và đồng tiền việt nam lên giá mạnh so với các loại ngoại tệ, dòng vốn chảy ngược từ nông nghiệp và dịch vụ sang công nghiệp. Do đó tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp rất cao trong khi tăng trưởng của hai ngành trên chậm lại. Từ năm 1994, do nội tệ bị đánh giá ngày càng cao và kéo dài, trong khi vốn nước ngoài tiếp tục tăng nhanh, bản thân ngành công nghiệp cũng không còn lợi thế so sánh nữa, các nhà sản xuất quay sang đầu tư vào dịch vụ và các ngành công nghiệp còn và sẽ được nhà nước tăng cường bảo hộ. Quá trình này sẽ làm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng nhanh. Chính những sai lầm trong cơ cấu huy động và định hướng sử dụng vốn đầu tư, trong duy trì chính sách tài chính và tiền tệ kém mềm dẻo, lãi suất thực quá cao và tỷ giá không được điều chỉnh theo đà lạm phát đã hướng các hoạt động đầu tư chạy theo cơ cấu kém hiệu quả, nền kinh tế mất dần sức cạnh tranh. Hậu quả là nhà nước phải liên tục tăng cường chính sách bảo hộ thông qua tăng hạn ngạch hải quan và thuế nhập khẩu, giữ ổn định tỷ giá, cho phép sản xuất thay thế nhập khẩu tăng lên... Những biện pháp bảo hộ này, đến lượt mình, lại làm cơ cấu đầu tư méo mó hơn, đẩy nền kinh tế vào vòng khó khăn mới.
Bảng 1: Tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm của các ngành kinh tế (%)
Năm | GDP của toàn nền kinh tế | GDP của nông nghiệp | GDP của công nghiệp | GDP của khu vực dịch vụ |
1986 | 2,3 | 2,4 | 10,3 | -2,8 |
1987 | 3,6 | -0,5 | 9,2 | 5,3 |
1988 | 6,0 | 3,9 | 5,3 | 9,1 |
1989 | 4,7 | 6,8 | -2,8 | 7,6 |
1990 | 5,1 | 1,0 | 2,8 | 9,8 |
1991 | 6,0 | 2,2 | 7,7 | 7,4 |
1992 | 8,65 | 6,9 | 12,8 | 7,6 |
1993 | 8,1 | 3,3 | 12,6 | 8,6 |
1994 | 8,8 | 3,4 | 13,4 | 9,6 |
1995 | 9,5 | 4,8 | 13,6 | 9,8 |
1996 | 9,3 | 4,4 | 14,5 | 8,8 |
1997 | 8,2 | 4,3 | 12,6 | 7,1 |
1998 | 5,8 | 3,5 | 10,0 | 4,5 |
1999 | 4,3 | 2,7 | 8,0 | 2,7 |
Bảng 2: Tỷ lệ tăng trưởng của giá trị công nghiệp qua các năm (%)
Toàn ngành công nghiệp | Công nghiệp quốc doanh | Công nghiệp ngoài QD | Riêng CN tư nhân, cá thể | CN có vốn ĐTNN | |
1986 | 6,2 | 6,2 | 6,2 | -6,5 | |
1987 | 10 | 9,3 | 10,9 | 19,9 | |
1988 | 14,3 | 15,5 | 12,9 | 31,8 | |
1989 | -3,3 | -2,5 | -4,3 | 34,5 | |
1990 | 3,1 | 6,1 | -0,7 | 10,4 | 76,2 |
1991 | 10,4 | 11,8 | 7,4 | 26,7 | 45,6 |
1992 | 17,1 | 20,6 | 9,6 | 16,9 | 40,3 |
1993 | 12,7 | 14,6 | 8,1 | 4,6 | 13,7 |
1994 | 13,7 | 14,7 | 11,2 | 15,5 | 12,8 |
1995 | 14,5 | 14,9 | 13,7 | 14,5 | 8,8 |
1996 | 14,1 | 11,9 | 11,4 | 11,6 | 21,7 |
1997 | 13,2 | 10,8 | 9,5 | 9,6 | 20,9 |
1998 | 12,1 | 7,9 | 6,3 | 6,7 | 23,3 |
Nguồn số liệu: Các niên giám thống kê 1994-1998.
Bảng 3: Thay đổi cơ cấu GDP trên chặng đường 13 năm đổi mới (%)
Ngành | Công nghiệp và xây dựng | Nông lâm nghiệp, thuỷ sản | Dịch vụ |
1985 | 27,35 | 40,17 | 32,48 |
1986 | 28,88 | 38,06 | 33,06 |
1987 | 28,36 | 40,56 | 31,08 |
1988 | 23,96 | 46,3 | 29,74 |
1989 | 22,94 | 42,07 | 34,99 |
1990 | 22,67 | 38,74 | 38,59 |
1991 | 23,79 | 40,49 | 35,72 |
1992 | 27,26 | 33,94 | 38,8 |
1993 | 28,9 | 29,87 | 41,23 |
1994 | 29,65 | 28,7 | 41,65 |
1995 | 28,76 | 27,18 | 44,06 |
1996 | 29,73 | 27,76 | 42,51 |
1997 | 32,08 | 25,77 | 42,15 |
1998 | 32,7 | 25,98 | 41,32 |
Bảng 5: So sánh tỷ lệ lạm phát và phá giá (%/ năm)
Lạm phát | Phá giá | |
1986 | 774,7 | 185,7 |
1987 | 223,1 | 360 |
1988 | 393,8 | 715,2 |
1989 | 34,7 | 43,3 |
1990 | 67,4 | 58,1 |
1991 | 67,6 | 103,1 |
1992 | 17,6 | -25,8 |
1993 | 5,2 | 0,3 |
1994 | 14,4 | 1,7 |
1995 | 12,7 | -0,6 |
1996 | 4,5 | 1,2 |
1997 | 3,6 | 14,2 |
1998 | 9,2 | 9,6 |
1999 | 0,1 | 1,1 |
2000 | -0,6 | 3,4 |
Nguồn số liệu: Niên giám thống kê các năm 1994-1998. Tỷ lệ lạm phát và phá giá được xác định bằng cách so sánh giá cả và tỷ giá tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước.
[1] Hai trường hợp đặc biệt : Tỷ trọng công nghiệp nhiên liệu tăng vọt là nhờ vai trò của dầu khí, tỷ trọng công nghiệp điện tăng là nhờ đưa vào sử dụng các công trình đă đầu tư trong quá khứ, nhất là nhà máy thuỷ điện Hoà bình do Liên xô giúp đỡ xây dựng.
[2] ICOR được tính theo giá so sánh 1995, theo hai phương pháp sau: 1) ICOR(t)=I(t-1)/DGDP(t); và 2) ICOR(t)=i(t-1)/gGDP(t), trong đó I(t) là tổng vốn đầu tư năm t, DGDP(t)=GDP(t)-GDP(t-1), i(t-1) là tỷ lệ đầu tư trên GDP năm t-1, và gGDP(t) là tỷ lệ tăng trưởng GDP năm t. Vì I(t-1)/ DGDP(t) = [I(t-1)/GDP(t-1)]/[DGDP(t)/GDP(t-1)] = i(t-1)/gGDP(t) nên hai phương pháp trên đều cho cùng một kết quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét