Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG CHẬM DẦN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ ĐẦU TƯ

Ngày Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG CHẬM DẦN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ ĐẦU TƯ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Bài viết của tôi năm 2002:

NGUY CƠ TĂNG TRƯỞNG CHẬM DẦN
NHÌN TỪ GÓC ĐỘ ĐẦU TƯ
          Lý thuyết và kinh nghiệm thực tế tại các nước đang phát triển đều khảng định đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Vai trò của vốn đầu tư đối với nền kinh tế được thể hiện trên hai mặt: vừa là nhân tố cung, tạo ra cơ sở vật chất và các đầu vào không thể thiếu của mọi quá trình sản xuất, nhưng đồng thời vừa là nhân tố cầu, tiêu thụ đầu ra của quá trình tăng trưởng. Đặc biệt, trong những năm cung lớn hơn cầu, thông qua mua sắm máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng... phục vụ cho quá trình đầu tư, hoạt động đầu tư sẽ phát huy tác dụng kích cầu nội địa, mở ra thị trường cho các ngành kinh tế khác phát triển, từ đó hỗ trợ tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế. Do khả năng tác động 2 mặt của mình, đầu tư vừa có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn cung thấp hơn cầu, vừa có tác dụng kích cầu trong giai đoạn nền kinh tế dư thừa công suất sản xuất. Theo báo cáo phát triển thế giới năm 1991 của Ngân hàng Thế giới, vốn tài sản cố định đã tạo ra khoảng 2/3 tỷ độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của các nước đang phát triển trong thời kỳ 1960-1987.

Vai trò của đầu tư đối với nền kinh tế nước ta
Ở Việt Nam, tình hình cũng không phải là ngoại lệ. Các số liệu tăng trưởng kinh tế và đầu tư từ khi đổi mới đến nay đã khảng định vốn có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế nước ta. Trong những năm nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh 1991-1995, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá cố định 1994 rất cao, tới 23,8%/năm. Ngược lại, từ năm 1996 đến 1999, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội giảm xuống còn 11,6%/năm, làm cho tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm mạnh; trong đó, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư các năm 1998, 1999 chỉ đạt lần lượt là 2,65% và 9,8%, thấp nhất thập kỷ 90, làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,8% và 4,8%, cũng thấp nhất thập kỷ 90. Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư tăng dần, năm 2000 đạt 10,8%, năm 2001 đạt 12,2%, ước năm 2002 đạt 13,2%, làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP tăng dần qua các năm, đạt 6,79% năm 2000, 6,84 năm 2001 và xấp xỉ 7% năm 2002.
Tình hình tương tự nếu phân tích quan hệ giữa tăng trưởng và đầu tư trong các khu vực kinh tế. Đối với khu vực kinh tế quốc doanh, tỷ lệ đầu tư trong giai đoạn 1991-1995 trung bình đạt 21,1%/năm, làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP của khu vực này lên tới 9,3%/năm; nhưng khi tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư giảm xuống chỉ còn 17,7%/năm giai đoạn 1999-2001, thì tỷ lệ tăng trưởng GDP của khu vực này cũng giảm xuống chỉ còn 7,4%/năm. Trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ tăng trưởng vốn đầu tư đã giảm từ 47,4%%/năm giai đoạn đầu xuống còn 2,5%/năm giai đoạn sau, làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP của nó cũng giảm tương ứng từ 88,7%/năm xuống còn 15,8%/năm.
Ngoài phương pháp truyền thống trên, có thể phân tích đóng góp của đầu tư tới quá trình tăng trưởng kinh tế theo tiếp cận chi tiêu trong cân đối tài khoản quốc gia. Tiếp cận này xuất phát từ nguyên tắc tổng cung bằng tổng cầu; trong đó tổng cung bao gồm sản xuất trong nước (GDP) và nhập khẩu; tổng cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.
Bảng 1 trình bày kết quả tính toán vai trò của các nhân tố trên tới tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế. Kết quả cho thấy đóng góp của tiêu dùng chiếm tỷ trọng rất cao trong giai đoạn 1991-1997, trung bình tạo ra 4,93% của tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân năm giai đoạn này là 8,35%, tức là chiếm 59% của tỷ lệ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên vai trò của nó đã giảm mạnh từ năm 1998 đến nay, chỉ tạo ra 2,67% tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân năm giai đoạn này là 6,04%, tức là chỉ còn chiếm 44,2% tỷ lệ tăng trưởng GDP.
Bảng 1: Đóng góp của các yếu tố vào tỷ lệ tăng trưởng (%)
Năm
Tỷ lệ tăng trưởng GDP
Đóng góp của tiêu dùng
Đóng góp của đầu tư
Đóng góp của hoạt động xuất nhập khẩu
1991
5.81
3.40
1.00
1.41
1992
8.70
3.89
3.38
1.43
1993
8.08
3.82
8.41
-4.16
1994
8.83
5.43
3.42
-0.03
1995
9.54
6.08
4.35
-0.89
1996
9.34
7.25
3.87
-1.78
1997
8.15
4.63
2.67
0.85
1998
5.76
3.44
3.63
-1.31
1999
4.77
1.40
0.37
3.00
2000
6.79
2.46
2.99
1.33
2001
6.84
3.37
3.19
0.27
Nguồn: tính toán từ cân đối tài khoản quốc gia về nguồn - sử dụng
Tiến triển đối với đầu tư đã diễn ra theo chiều ngược lại. Đầu tư trong giai đoạn 1991-1997 đã tạo ra 3,88% tỷ lệ tăng trưởng GDP, tương đương 46,5% tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân năm. Sang giai đoạn 1998-2001, đầu tư đã tạo ra 2,54% tỷ lệ tăng trưởng GDP, tương đương 42,1% tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân năm. Như vậy, tỷ trọng đóng góp của đầu tư đã tăng lên trong khi tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng giảm đi; đến nay, đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng đã tương đương với đóng góp của tiêu dùng mặc dù trong cân đối tích luỹ - tiêu dùng, vốn đầu tư chỉ bằng khoảng một nửa của tiêu dùng.
Hiệu quả vốn đầu tư thấp kém và đang trong xu hướng giảm sút mạnh
Mặc dù vốn đầu tư có vai trò rất quan trọng như vậy, nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ở nước ta lại rất thấp và có xu hướng giảm dần. Để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, phươngpháp thông dụng nhất được dùng là hệ số vốn - sản phẩm gia tăng ICOR (Incremental Capital - Output Ratio). Hệ số ICOR của năm t được xác định bằng cách chia vốn đầu tư của năm t-1 cho khối lượng GDP tăng thêm trong năm t (cả hai chỉ tiêu này đều được tính theo giá so sánh); do vậy ICOR phản ánh nhu cầu vốn đầu tư cần thiết năm trước để làm tăng thêm 1 đơn vị GDP năm sau. Nếu hệ số ICOR tăng lên thì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm sút và ngược lại, nếu hệ số ICOR giảm xuống thì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên.
Bảng 2 trình bày các số liệu về hệ số ICOR của toàn nền kinh tế nước ta qua các năm. Trong giai đoạn tăng trưởng nhanh 1991-1995, hệ số ICOR của ta trung bình đạt 3,26, tức là tương đối hợp lý nếu so với tình hình diễn ra tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nếu xét trong bối cảnh xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp, tỷ trọng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giản đơn còn cao... thì hệ số ICOR trên vẫn tương đối cao, tức là hiệu quả vốn đầu tư vẫn tương đối thấp.
Khi ở trình độ phát triển thấp vào những năm từ 1950 đến 1970, hệ số ICOR của Hồng Kông, Singapo, Đài Loan và Hàn quốc chỉ dao động trong khoảng 1-1,5; thấp hơn nhiều so với ICOR của ta trong giai đoạn hiện nay. Ngay trong các thập kỷ 70 và 80, khi trình độ phát triển đã tăng rõ rệt, hệ số ICOR của 4 nước trên cũng vẫn nằm trong khoảng 2-4.
Bảng 2: Hệ số ICOR của các khu vực kinh tế (vốn đầu tư trễ 1 năm so với thay đổi GDP)
Năm
ICOR toàn nền kinh tế
ICOR khu vực KT nhà nước
ICOR khu vực ngoài quốc doanh
ICOR khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
1991
3,08
3,13
3,14
2,72
1992
2,30
2,05
3,72
1,21
1993
3,49
2,92
5,04
2,78
1994
4,03
4,18
4,75
3,17
1995
3,39
3,60
1,98
9,62
1996
3,54
3,07
2,60
7,69
1997
4,26
4,33
3,23
5,92
1998
6,65
8,24
4,56
6,84
1999
7,79
19,59
4,21
4,76
2000
5,74
7,33
3,77
5,68
2001
5,91
7,28
3,39
9,37
2002
6,20
8,11
3,41
8,95
Nguồn: Tính toán theo số liệu trong Niên giám Thống kê 2001 (số liệu 1995-2001), Số liệu thống kê 1975-2000 (số liệu 1990-1994) của Tổng cục Thống kê; số 2002 là ước tính trên cơ sở tình hình sản xuất và đầu tư 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là hệ số ICOR của ta đã tăng lên rất mạnh trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 1996 đến nay. Tính trung bình cho 5 năm sau khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ châu á (1998-2002), hệ số ICOR lên tới 6,46; là một mức rất cao, gấp 2 lần giai đoạn 1991-1997, cao hơn tất cả các hệ số ICOR của các nước đang phát triển Châu á trong bảng 3, cao hơn cả các nước công nghiệp hùng mạnh như Mỹ, Anh, và chỉ thấp hơn Pháp và Nhật Bản. Như vậy, rõ ràng hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế nước ta đã giảm rất mạnh trong những năm gần đây và kém rất xa so với các nước đang phát triển trong khu vực Châu á.
Bảng 3: Hệ số ICOR của một số nước trên thế giới
Nước và lãnh thổ
1969-1980
1981-1990
1991-1997**
Hồng Kông
2,44
3,36
6,01
Singapo
3,97
4,42
4,31
Hàn Quốc
3,28
3,43
5,88
Trung Quốc
4,64*
3,26
3,53
Malaixia
2,55
4,19
4,64
Thái Lan
4,30
4,23
5,36
Inđônêxia
2,37
5,11
4,84
Phillippin
4,59
4,69
4,77
Ấn độ
3,42
4,08
3,76
Pakistan
2,96
3,18
3,76
Bangladesh
2,44
2,93
2,95
Mianma
3,11
3,23
2,46
Mỹ
4,31
5,05
5,49
Anh
6,72
5,64
5,62
Pháp
6,33
7,59
7,37
Nhật Bản
5,70
6,84
28,28
Nguồn: Tính toán theo số liệu trong International Financial Statistics, Yearbook năm 1999 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong tính toán đã loại trừ 1 số năm rất đặc biệt. Dấu * chỉ số liệu 1979-1980, ** chỉ giai đoạn 1991-1996 đối với các nước Châu á bị khủng hoảng.
Trong những khu vực chủ chốt của nền kinh tế, chúng ta đều thấy hiệu quả đầu tư những năm gần đây rất thấp kém. Đối với khu vực kinh tế nhà nước, nếu như hệ số ICOR trong giai đoạn 1991-1995 là 3,26 còn ở mức chấp nhận được và ngang với ICOR toàn nền kinh tế thì từ năm 1997, đã tăng lên rất nhanh, đến năm 2001 đạt 7,3, ước năm 2002 lên tới 8,1. Đây là những mức rất cao so với toàn nền kinh tế cũng như so với tình hình tại các nước khác. Tương tự, hệ số ICOR của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh trong những năm gần đây, trung bình 3 năm 2000-2002 là 8,0, tương đương với ICOR năm 2002 của khu vực kinh tế nhà nước.
Tuy nhiên, chính khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (khu vực ít được quan tâm nhất và không được coi là chủ chốt) lại là nơi sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả nhất. Mặc dù hệ số ICOR của khu vực này đã có năm lên tới 5 (1993) và trên 4 trong 2 năm khó khăn 1998-1999 nhưng từ năm 2000 đến nay đã giảm đáng kể và có xu hướng giảm dần. Hiện nay, hệ số ICOR của khu vực này chỉ khoảng 3,4, rất thấp so với mức chung của toàn nền kinh tế và tương đương với hệ số ICOR của các nước đang phát triển. Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng. Trong tương lai, nếu chúng ta tích cực chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư toàn nền kinh tế sẽ cao hơn và hệ số ICOR toàn nền kinh tế có khả năng sẽ giảm mạnh.
Bảng 3 cho thấy hầu hết các nước khu vực châu á đều giữ được hệ số ICOR tương đối thấp (từ 2,5 đến 4) trong suốt hai thập kỷ 2 thập kỷ 70 và 80. Thậm chí Singapo, Trung Quốc, Malaixia và các nước Nam á vẫn duy trì được hệ số ICOR thấp trong thập kỷ 90. Vì tất cả các nước quanh ta đều làm được như vậy và chúng ta cũng đã làm được như thế nên không có lý do gì mà tới đây chúng ta không thể không làm được; do đó, chúng ta hoàn toàn có thể đưa hệ số ICOR của nền kinh tế nước ta về mức trung bình của nửa đầu thập niên 90.
Tăng nhanh đầu tư không phải là giải pháp trong bối cảnh hiện nay của nước ta
          Nếu như đầu tư là nhân tố cơ bản tạo ra quá trình tăng trưởng ở nước ta thì câu hỏi đặt ra là liệu đầu tư có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh được không, và có nên theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên đầu tư không ? Câu trả lời là không. Nguyên nhân cơ bản là do tỷ lệ đầu tư trên GDP của ta đã đến mức giới hạn và hiệu quả đầu tư đã trở lên quá thấp kém.
          Đồ thị dưới đây cho thấy tỷ lệ đầu tư trên GDP của ta đã tăng lên rất mạnh trong giai đoạn 1991-1994; quá trình trên diễn ra cùng với chính sách tự do hoá kinh tế nhanh và phát triển hướng ngoại đã làm cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng lên đến đỉnh điểm vào năm 1995. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỷ lệ đầu tư chỉ tăng lên rất chậm, phản ánh xu hướng bão hoà dần về đầu tư ở nước ta.
                    Đồ thị: Thay đổi tỷ lệ đầu tư trên GDP qua các năm (%)



          So sánh với các nước bạn châu á, có thể thấy tình hình đầu tư của ta không có nhiều sáng sủa. Bảng 4 cho thấy tỷ lệ đầu tư trên GDP của ta hiện nay đã cao hơn nhiều so với trung bình của các nước đang phát triển châu á. Vì tỷ lệ đầu tư của khu vực châu á đã và đang dẫn đầu thế giới nên tỷ lệ đầu tư của ta cũng đang vào loại rất cao so với trình độ thế giới; do đó chúng ta không thể cứ liên tục nâng tỷ lệ đầu tư lên cao mãi.
Mặt khác, các lý thuyết kinh tế đều cho rằng trong mỗi giai đoạn phát triển, bao giờ cũng tồn tại một quan hệ tỷ lệ tối ưu giữa đầu tư và tiêu dùng (mà C. Mác đã dùng thuật ngữ cấu tạo hữu cơ của tư bản - C/V - để diễn đạt; đây là một nguyên lý cực kỳ quan trọng trong học thuyết của Mác mà chúng ta thường xuyên không xét tới khi lựa chọn quan hệ đầu tư - tiêu dùng, tức là giữa đầu tư và tiền lương cho người lao động). Khi xảy ra mất cân bằng trong quan hệ tỷ lệ trên, ví dụ đầu tư quá nhiều so với trả công cho người lao động thì hiệu quả vốn đầu tư nói riêng và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống kinh tế nói chung sẽ phải giảm xuống.
Chính vì vậy, nhiều nước như Trung Quốc, Singapo, Ấn độ... đã điều chỉnh giảm tỷ lệ đầu tư của mình để kìm hãm sự phát triển quá nóng (quá so với tiềm năng dài hạn) của nền kinh tế và tình trạng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm sút nhanh. Trong thập kỷ 90, nhiều nước Đông á đã không giữ tỷ lệ đầu tư - tiêu dùng ở mức tối ưu mà đưa tỷ lệ đầu tư lên những mức rất cao, dẫn tới mất cân đối giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư, buộc phải vay mượn vốn nước ngoài quá nhiều, từ đó phát sinh khủng hoảng kinh tế (Thái lan, Hàn Quốc, Inđônêxia, Philippin và Hồng Kông). Số liệu cũng cho thấy các nước công nghiệp duy trì được tỷ lệ đầu tư trên GDP rất ổn định trong suốt 3 thập kỷ 70, 80 và 90 của thế kỷ 20; đây có thể được coi là tỷ lệ đầu tư tối ưu đối với các nước này.
Bảng 4: Tỷ lệ đầu tư trên GDP của một số nước trên thế giới (%)
Nước
1970
1980
1985
1990
1991
1992
1993
1994
1995
1996
1997
Thế giới
22,4
24,5
22,6
23,5
22,7
22,4
22,4
22,7
22,9
22,7
22,7
Châu á
18,5
27,3
29,4
31,4
31,1
31,7
33,1
32,9
33,6
32,4
31,1
Hồng Kông
20,5
35,1
21,6
27,4
27,2
28,5
27,6
31,9
34,8
32,1
35,4
Singapo
38,7
46,3
42,5
35,9
34,1
35,9
37,9
32,8
33,7
35,3
37,4
Hàn Quốc
25,4
31,7
29,6
36,9
38,9
36,6
35,1
36,1
37,0
38,4
35,0
Trung Quốc
-
34,9
38,5
35,2
35,3
36,6
43,5
40,9
40,2
38,7
37,5
Malaixia
20,3
30,4
27,6
31,2
37,2
35,1
37,8
40,4
43,5
41,6
42,5
Thái Lan
25,6
33,8
28,2
41,1
42,8
40,0
39,9
40,4
42,3
41,0
29,2
Inđônêxia
13,6
20,9
28,1
36,1
35,5
35,8
29,5
31,1
31,9
30,7
31,3
Phillippin
21,2
29,1
14,3
24,2
20,2
21,3
24,0
24,1
22,5
24,0
24,8
Ấn độ
17,1
20,9
24,2
25,2
22,7
24,0
20,8
22,9
25,6
23,1
23,4
Pakistan
15,8
18,5
18,3
18,9
19,0
20,1
20,7
19,4
18,4
18,6
17,8
Bangladesh
-
11,3
10,3
12,8
11,5
12,1
14,3
13,8
16,6
17,2
15,3
Mianma
12,0
23,5
16,2
16,3
18,8
18,1
18,0
16,2
18,2
16,0
14,9
Các nước công nghiệp

23,9

23,2

21,2

21,6

20,3

19,8

19,3

19,9

20,0

20,1

20,3
Mỹ
17,3
19,3
19,4
16,3
14,8
15,2
16,2
17,4
17,1
17,4
18,1
Anh
19,5
18,6
17,2
19,2
16,1
15,3
15,0
15,5
16,1
15,8
15,7
Pháp
26,9
24,2
18,9
22,5
21,5
19,7
17,1
18,0
19,2
18,3
18,1
Nhật Bản
39,0
32,2
28,2
32,3
32,2
30,8
29,7
28,7
28,6
29,9
28,6
Nguồn: International Financial Statistics của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
          Với những phân tích kể trên, có thể tin rằng tỷ lệ đầu tư của ta khó có thể tăng thêm được nữa, trừ khi áp dụng những biện pháp cải cách mạnh mẽ làm tăng đáng kể cơ hội cho các nhà đầu tư hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp hành chính (ví dụ như tăng mạnh đầu tư từ ngân sách trong những năm qua), nhưng những can thiệp như vậy chỉ đẩy nhanh quá trình giảm hiệu quả vốn đầu tư. Ngoài ra, có thể tin rằng tỷ lệ đầu tư của ta hiện nay cũng đã quá cao so với tỷ lệ đầu tư tối ưu, gây ra tình trạng sử dụng vốn rất lãng phí và kém hiệu quả. Vì vậy nếu cứ tiếp tục chính sách phát triển dựa trên đầu tư ồ ạt như hiện nay thì nền kinh tế nước ta sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, hiệu quả vốn đầu tư sẽ không thể được cải thiện và quá trình phát triển ở nước ta sẽ không thể bền vững. Con đường duy nhất để tiếp tục phát triển là đưa tỷ lệ đầu tư về mức tối ưu đồng thời hạ thấp nhanh hệ số ICOR.
Cần phải làm gì trở lại tăng trưởng nhanh, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ?
Khó khăn rất lớn của nước ta hiện này là làm sao giảm được hệ số ICOR đang rất cao để phù hợp với giai đoạn đầu phát triển, tức là đưa về mức khoảng 3-3,5 trong giai đoạn 2001-2010. Một trong những nguyên nhân quan trọng quan trọng nhất làm cho vốn đầu tư kém hiệu quả là chúng ta đã và đang quá tập trung phát triển các ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp điều chỉnh cơ cấu kiên quyết để chuyển sang phát triển các ngành sử dụng ít vốn, nhiều lao động vì nguồn lao động dồi dào là một lợi thế rất lớn và không thể chối cãi của ta trong giai đoạn hiện nay.
Kinh nghiệm các nước Đông á cũng cho thấy, quá trình công nghiệp hoá tốt nhất là bắt đầu bằng việc phát triển các ngành có hệ số vốn thấp nhưng sử dụng nhiều lao động. Các nước Đông á theo đuổi chiến lược này trong suốt ba thập kỷ qua nên có được những tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao, nhưng lại giữ được hệ số ICOR rất thấp, đồng thời cũng thu hút được một lượng lao động rất lớn. Như vậy vốn đầu tư ở đây không bị sử dụng lãng phí mà được tập trung vào đúng vào các ngành nghề phù hợp với giai đoạn đầu của công nghiệp hoá: các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là các ngành nghề sử dụng lao động làm hàng xuất khẩu thông qua khai thác tối đa các đầu vào tại chỗ kết hợp với nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và sản phẩm trung gian có hàm lượng vốn cao.
Nước ta có thể đi theo con đường này bằng cách phát triển các ngành hướng về xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, đồng thời khai thác tốt các lợi thế so sánh khác của ta như điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, kỹ năng và đức tính cần cù của người lao động... Danh mục các ngành này tương đối phong phú, trước hết là các chủng loại nông sản nhiệt đới đa dạng nhưng có chọn lọc kỹ càng, ngư nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp nhẹ khác sản xuất trên địa bàn nông thôn, dệt may, giày dép, dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi, văn phòng phẩm, thiết bị điện và hàng điện tử dân dụng, hàng thủ công mỹ nghệ... Chỉ sau khi đã có thu nhập cao, tích luỹ được nhiều vốn thì mới từng bước chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn, sản xuất các sản phẩm tinh vi hơn, cần nhiều vốn hơn và chứa hàm lượng lao động ít hơn. Quá trình này cứ tiếp tục theo các lập luận của lý thuyết đàn nhạn bay.
Tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động là một giải pháp tối ưu, nhưng trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, các ngành đó cũng phải nhanh chóng sử dụng các công nghệ tiên tiến và nâng cao được tỷ lệ nội địa hoá đối với từng sản phẩm. Theo kinh nghiệm của các nước Đông á, lúc đầu cần phải nhập khẩu công nghệ của nước ngoài, nhưng sau đó phải nghiên cứu phát triển lên thành kỹ thuật của riêng chúng ta thì mới có đủ sức cạnh tranh dài hạn.
Một số ý kiến cho rằng nếu cứ phát triển dựa vào nguồn lao động rẻ tiền, và các ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp thì đất nước sẽ không thể tiến nhanh được. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng không có nghĩa là chiến lược này không cho phép đạt được những tốc độ tăng trưởng đến 10%/năm và dài hạn; các nước Đông á đã đạt được những tốc độ tăng trưởng như vậy trong 3-4 thập niên qua, tạo ra cái gọi là điều thần kỳ châu á. Trung Quốc cũng chỉ là một ví dụ giống như các nước Đông á khác, nhưng vì là một nước lớn, lại mới nổi lên trong 2 thập kỷ gần đây nên đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của thế giới.
Mặt khác, cần phải thấy rằng một nền kinh tế quy mô khá lớn, nhưng nghèo và đông dân như nước ta sẽ không thể phát triển theo kiểu nhảy cóc, bỏ qua các giai đoạn phát triển bình thường được. Lý thuyết đàn nhạn bay trong kinh tế học phát triển đã khảng định điều đó. Việc đốt cháy các giai đoạn có nguy cơ khủng hoảng kinh tế rất cao và rất tốn kém. Vì vậy, chiến lược phát triển lựa chọn của chúng ta cơ bản vẫn phải tuân theo quy luật phát triển chung, nhưng có những ngành, nghề có thể phát triển nhanh hơn, đi tắt đón đầu, nếu chúng ta biết tận dụng được những thành tựu của nhân loại, đồng thời khai thác được thế mạnh sẵn có của chúng ta; tuy nhiên, điều chắc chắn rằng số ngành nghề như vậy sẽ không thể và không nên nhiều.
Cuối cùng, cần phải nghiên cứu kỹ và tiến hành thận trọng quá trình chuyển dịch cơ cấu. Ví dụ trong nông nghiệp, cần nghiên cứu kỹ hơn ảnh hưởng của việc Trung Quốc gia nhập WTO để có giải pháp lựa chọn cơ cấu hợp lý. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhanh có thể dẫn tới mất cân đối cung cầu trên thị trường nội địa (ví dụ mất an ninh lương thực) hoặc mất cân bằng hệ sinh thái (thủy sản hay trồng rừng). Trong điều kiện hiện nay, việc phát triển mạnh các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn không phải là dễ dàng nếu như không có những thay đổi lớn về nhận thức và hành động vì chúng ta không sẵn có các cơ sở công nghiệp mạnh ở nông thôn để tạo ra một mạng lưới công nghiệp rộng rãi; các doanh nghiệp công nghiệp địa phương hiện nay phần lớn đều thuộc sở hữu nhà nước và hoạt động rất yếu kém; điều này có nghĩa là khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ phải đóng vai trò chủ yếu trong quá trình công nghiệp hoá nông thôn. Tuy nhiên khu vực này đã và đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, trong đó nổi cộm nhất là các chính quyền địa phương không có thái độ thân thiện với các doanh nghiệp tư nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét