Ngày Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết TỔNG QUAN VỀ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ Ở VIỆT NAM (phần 1)
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Bài viết cũ của tôi:
TỔNG QUAN VỀ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ
Ở VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ TIẾN TRIỂN
TRONG NỬA CUỐI THẬP KỶ 90
Báo cáo này sẽ nhìn lại tại sao Việt nam đã đạt được những thành tựu kinh tế vĩ mô đáng kể, cơ bản chuyển từ một nền kinh tế trì trệ và lạm phát cao vào cuối những năm 1980 sang một nền kinh tế mở cửa, tăng trưởng bền vững và ổn định tài chính rộng rãi vào giữa những năm 90. Đặc biệt, chúng ta sẽ nghiên cứu tại sao Việt nam có thể cắt giảm lạm phát rất nhanh. Chương này cũng sẽ nhìn lại mối quan hệ giữa chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ và quá trình giảm phát. Dĩ nhiên, gắn chặt với quan hệ này là hiệu quả của chính sách thuế và giảm nhu cầu ngân sách cần được tài trợ bằng nguồn tiền gây lạm phát. Hơn nữa, đã xuất hiện phản ứng đầy ấn tượng và nhanh của mức cung tổng thể, dẫn đến những tỷ lệ tăng trưởng hàng năm tương đối cao. Mặc dù việc phân tích chi tiết phản ứng của cung nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của chương này, ở đây cũng sẽ làm rõ những nhân tố then chốt tạo ra tăng trưởng sản xuất.
Phần dưới đây của báo cáo này được tổ chức như sau: Mục 2 cung cấp phần giới thiệu tổng quan về những điều kiện ban đầu, những kết quả cơ bản và những chính sách cải cách. Mục 3 tập trung vào những chính sách kinh tế then chốt phối hợp tạo nên quá trình ổn định vĩ mô trong khoảng thời gian tương đối ngắn, bao gồm các chính sách thuế, tiền tệ và tỷ giá, và cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Mục 4 sẽ nhìn lại những khó khăn gặp phải và các chính sách còn thiếu thích hợp, với các dữ kiện thống kê chi tiết, và thảo luận những thách thức chưa được giải quyết cho thời kỳ tiếp sau, khi Việt nam trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm do thất bại trong việc thực hiện những cải cách xa hơn, nhất là trong lĩnh vực cơ cấu, và do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu á năm 1997-98.
2 GIỚI THIỆU TỔNG QUAN
Mục này cố gắng phân tích những điều kiện ban đầu của nền kinh tế Việt nam để xem xét triển vọng của cải cách, cả trên phương diện lịch sử lẫn qua so sánh với các nền kinh tế đang chuyển đổi khác. Mục này cũng xem xét những điều kiện cơ bản ban đầu và chiến lược cải cách được thông qua đã tác động như thế nào tới kinh nghiệm và kết quả kinh tế vĩ mô của Việt nam. Ngoài ra, khi cần, mục này cũng sẽ so sánh ngắn gọn một số điểm tương đồng với các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung ở châu âu.
2.1 Những điều kiện ban đầu
(i) Di sản của chiến tranh và sự cô lập. Sau cuộc chiến tranh Đông dương kéo dài ba thập kỷ nối tiếp những xung đột nội bộ và một thời kỳ dài tương đối bị cô lập về chính trị và kinh tế, tại điểm bắt đầu những cải cách kinh tế, Việt nam đã tiếp nhận một nền kinh tế bị tàn phá và một cuộc thống nhất hai miền đất nước với những hệ thống kinh tế và chính trị khác biệt. Bởi vậy, những thách thức đối với cải cách là đặc biệt to lớn. Những năng động trong chuyển biến kinh tế đã diễn ra trong bối cảnh một hệ thống chính trị hiện còn đề cao hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa và các mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
(ii) Thu nhập thấp và vai trò của nông nghiệp. Việt nam đã có thu nhập đầu người vào khoảng 200 USD với nông nghiệp là khu vực chính, chiếm khoảng một nửa tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tạo ra hơn 80% việc làm. Khu vực công nghiệp có quy mô tương đối nhỏ (chiếm khoảng 25% GDP).
(iii) Hệ thống kế hoạch hoá tập trung. Việt nam đã chính thức chấp nhận cơ chế kế hoạch hoá tập trung kiểu Liên xô trong đó hệ thống kinh tế bị quản lý cao độ. Khu vực nông nghiệp rộng lớn bị tập thể hoá thành các hợp tác xã sản xuất và phân phối. Giá xuất xưởng và thương mại nông sản được xác định theo phương thức hành chính[1]. Tem phiếu lương thực - hợp thành một phần tiền lương của công nhân viên chức - chỉ dùng được trong các cửa hàng nhà nước. Thương mại giữa các tỉnh bị hạn chế. Hơn nữa, về trợ cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra, các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện theo những chỉ thị của Trung ương. Các doanh nghiệp này phải chuyển những khoản tiền định trước hàng năm vào ngân sách, bất kể kết quả tài chính của doanh nghiệp, và thường phải vay ngân hàng để tài trợ cho các hoạt động thường xuyên.
Tuy nhiên, không giống như trường hợp khối Đông âu, trên thực tế kế hoạch hoá tập trung chưa được áp dụng sâu sắc ở Việt nam. Vì thiếu một bộ máy có tổ chức, kế hoạch hoá tập trung chỉ được đưa vào một cách dè dặt và có mức độ; việc tập thể hoá và tập trung hoá cũng chưa được quán triệt đầy đủ. Vẫn tồn tại một di sản thị trường mạnh, đặc biệt là ở Miền Nam, tạo thuận lợi cho những cải cách dựa trên thị trường sau này.
(iv) Các điều kiện kinh tế vĩ mô. Giai đoạn ngắn áp dụng kế hoạch hoá tập trung một phần đã mang lại những kết quả đáng thất vọng. Trước khi thực hiện các cải cách, Việt nam đã đối mặt với tăng trưởng chậm hoặc trì trệ và những khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do những mất cân đối bên trong và bên ngoài gây ra. Những kiểm soát giá cả nội địa và ràng buộc chặt cả nội thương và ngoại thương đã sinh ra những thị trường song song về hàng hoá và ngoại tệ. Trong khi đó, cơ cấu kích thích méo mó đã tạo ra những thiếu hụt về cung.
Hơn nữa, chính sách lỏng về tín dụng và thuế đi kèm với những đòi hỏi vay mượn của các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ đã nuôi dưỡng lạm phát. Khi viện trợ và thương mại với các nước khối Hội đồng tương trợ kinh tế (CMEA) bị cắt đứt năm 1990-91, xuất khẩu của Việt nam đã giảm rất mạnh; đất nước gần như không còn dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra, do mức độ tiền tệ hoá nền kinh tế Việt nam thấp và do thiếu hoàn toàn niềm tin vào hệ thống ngân hàng nội địa, việc sử dụng nội tệ bị hạn chế trong khi tình trạng đô la hoá trở nên phổ biến. Thêm vào đó, do lãi suất thực âm quá lớn, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đã không tiếp cận được thị trường tín dụng chính thức.
Kết quả là đã bùng nổ các hoạt động về tín dụng, hàng hoá và ngoại tệ trên thị trường phi hình thức. Sự kiện này cũng giải thích sự tồn tại của buôn lậu quy mô lớn và tương đối thiếu hệ thống thuế nội địa. Thêm nữa, một trong những đặc trưng quan trọng nhất của nền kinh tế Việt nam trong thời kỳ này là vai trò quan trọng của khu vực phi hình thức. Khu vực này đã tham gia duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động phi hình thức được giữ vững nhờ luồng vốn hàng năm đáng kể do cộng đồng đông đảo người việt hải ngoại chuyển về hỗ trợ cho cả tiêu dùng lẫn đầu tư trong nước (mặc dù chưa có những thông tin chính xác, những ước lượng sơ bộ cho thấy Việt nam đã nhận được khoảng 6-8 tỷ đô la Mỹ của người Việt hải ngoại trong thời kỳ 1975-90). Khi chưa có viện trợ chính thức từ bên ngoài trong thời gian này, nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể trên đã duy trì được các thị trường song song ngày càng bùng mạnh.
Trái với khu vực doanh nghiệp Nhà nước trì trệ dưới những chỉ thị kế hoạch hoá, kinh nghiệm tồn tại của khi vực phi hình thức và các thị trường song song đã làm cho giới lãnh đạo Việt nam sớm thừa nhận kế hoạch hoá tập trung đã không vận hành tốt. Sự thừa nhận này đã được củng cố thêm nhờ hiệu ứng "giới thiệu thành tựu" của các nền kinh tế láng giềng Đông á định hướng thị trường đang tăng trưởng nhanh. Điều này giải thích việc Việt nam đã nhanh chóng áp dụng những biện pháp cải cách một cách toàn diện hơn, phù hợp với tổng thể khung cảnh kinh tế vĩ mô, thậm chí ngay cả khi quản lý kinh tế vĩ mô còn thiếu nhiều công cụ thông dụng được sử dụng trong nền kinh tế thị trường.
2.2 Những kết quả chủ yếu
Đối diện với những thách thức đồng thời của chuyển đổi có tính hệ thống để tạo ra một nền kinh tế dựa trên thị trường và ổn định hoá để khôi phục các cân bằng kinh tế vĩ mô, những cố gắng cải cách đã mang lại nhiều tiến bộ đáng kể trên cả hai phương diện. Một mặt, đến nay đã thiết lập được những phần tử cơ bản của hệ thống kinh tế định hướng thị trường, bao gồm: (i) hệ thống giá cả tự do; (ii) khu vực tư nhân năng động, tuy còn nhỏ, song tăng trưởng; (iii) chế độ ngoại thương mở cửa rộng rãi; và (iv) hoà nhập các hoạt động kinh tế phi hình thức rộng lớn vào các luồng của thị trường chính thức dựa trên luật pháp. Mặt khác, đã nhanh chóng thực hiện một bộ toàn diện các chính sách kinh tế vĩ mô kết hợp với một số biện pháp cơ cấu then chốt để giảm nhanh lạm phát trong một thời gian tương đôí ngắn. Sau đó, cố gắng ổn định kinh tế vĩ mô này tiếp tục được duy trì nhờ những biện pháp cải cách xa hơn để tăng phản ứng của cung, tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, mở thêm việc làm và cải thiện mức sống của dân cư.
Một trong những đặc trưng quan trọng nhất trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt nam là thắng lợi lớn trong cắt giảm lạm phát trong khi vẫn duy trì được tăng trưởng sản xuất. Kinh nghiệm này hoàn toàn trái ngược với suy sụp sản xuất và gia tăng lạm phát trong các nền kinh tế đang chuyển đổi khác ở Đông âu và khối Liên xô cũ. Điểm khác biệt cơ bản của trường hợp Việt nam có lẽ là sự thận trọng trong từng bước đi của các biện pháp cải cách để tránh những xáo động lớn trong hoạt động sản xuất và hạn chế mức độ sa thải lao động. Các biện pháp này đều nhằm phát triển từng bước khu vực tư nhân mới, được đặc trưng bằng các doanh nghiệp năng động hướng về lợi nhuận, trong khi vẫn cải thiện hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp nhà nước "già cỗi" trong những khu vực then chốt.
Đặc biệt, việc tháo gỡ các hạn chế thương mại và các biện pháp tự do hoá giá cả đã mở ra những kích thích tiền tệ - gần như vắng mặt trong các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung - có tác dụng nhanh chóng hỗ trợ vào việc nâng cao tỷ lệ sử dụng các nguồn lực, nhất là trong khu vực nông nghiệp. Trái lại, sự sụp đổ đột ngột của cơ chế kế hoạch hoá tập trung ở các nước Đông âu cùng với đóng cửa nhiều doanh nghiệp Nhà nước - hầu hết trong các ngành công nghiệp nặng - trong giai đoạn đầu cải cách, đã làm sản xuất giảm rõ rệt, đổ vỡ mạng lưới phân phối và thất nghiệp nghiêm trọng.
Cũng trong giai đoạn này, mở cửa ra thế giới bên ngoài của Việt nam đã định hướng lại luồng ngoại thương từ các nước khối CMEA sang khu vực đồng tiền chuyển đổi. Các luồng ngoại thương tăng lên cũng kéo theo bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài và viện trợ quốc tế. Kết quả là Việt nam đã tích luỹ được dự trữ ngoại tệ ở mức cần thiết so với gần như không có trước cải cách.
Tiếp theo các biện pháp tự do hoá lúc đầu đóng góp vào sửa chữa cơ cấu giá méo mó và phân bổ sai lệch những nguồn lực, Việt nam đã phối hợp hài hoà các chính sách tài chính đi kèm với những cải cách hệ thống để đạt các mục tiêu ổn định hoá. Đặc biệt, dù tỷ giá không được dùng làm “cái neo” (“anchor”) trong giai đoạn đầu của chương trình ổn định vĩ mô, nhưng trên thực tế, nó đã giữ vai trò này trong bước đi tiếp theo sau khi tỷ giá chính thức được đưa sát với tỷ giá trên thị trường song song thông qua các chính sách tài chính mạnh. Do vậy, tỷ giá danh nghĩa ở Việt nam đã hầu như không đổi trong giai đoạn 1992-95
Tỷ giá tương đối ổn định đi đôi với tăng thêm lòng tin vào hệ thống ngân hàng nội địa đã kéo theo việc sử dụng nội tệ gia tăng. Sự gia tăng này, đến lượt mình, đã hỗ trợ đáng kể vào việc hoà nhập các thị trường phi chính thức đa dạng vào các kênh chính thức. Trong khi đó, lạm phát đã giảm rõ rệt, từ trung bình khoảng 157%/ năm trong giai đoạn 1988-90 xuống 14%/ năm trong các năm 1994-95, và thậm chí xuống tới 4% trong các năm 1996-97, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng từ 5% năm 1990 lên trung bình 8-9%/ năm trong các năm 1996-97.
2.3 Lịch trình các chính sách
Giống như các nước đang chuyển đổi, Việt nam nhận được nhiều trợ giúp ý kiến về chính sách cải cách qua các định chế tài chính quốc tế hay các nhà kinh tế chuyên gia. Tuy nhiên,Việt nam đã lọc lựa một số chính sách phù hợp với thực trạng chính trị và xã hội theo hoàn cảnh của mình. Trong bước đi đầu tiên, Việt nam đã bắt đầu quá trình cải cách bằng tự do hoá giá cả và thương mại, cả trong thị trường nội địa lẫn trong các giao dịch quốc tế. Nhờ đó, những quyết định sản xuất, tiêu dùng và đầu tư của các tác nhân kinh tế ngày càng dựa trên các tín hiệu của thị trường. Tiếp theo, các nhà lãnh đạo thực hiện những cải cách có tính hệ thống để chuyển cơ chế quản lý kinh tế sang hệ thống dựa trên thị trường. Những cải cách này đã phi tập thể hoá khu vực nông nghiệp - khu vực vốn chưa được cơ khí hoá như ở các nước Đông âu - và đề cao hộ gia đình như là đơn vị sản xuất cơ sở, tăng quyền tự chủ lớn hơn cho các doanh nghiệp Nhà nước, và khuyến khích hội nhập nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới. Các biện pháp này cũng được hỗ trợ bởi cải cách đất đai nhằm động viên sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập nội địa, nhờ đó giữ được mức tiêu dùng và cầu gộp tương đối tốt. Đồng thời khu vực tư nhân quy mô nhỏ nhưng rộng lớn đang có đã phản ứng mạnh để tăng đầu tư và cơ hội buôn bán, và bù lại mức suy giảm sản xuất do cầu nhập khẩu từ khối các nước CMEA biến mất.
Sang bước hai, chiến lược đã nhấn mạnh vào ổn định kinh tế vĩ mô và, đặc biệt vào cắt giảm lạm phát. Do vậy, chính sách lãi suất cao và tín dụng chặt đã là những biện pháp đầu tiên để kiểm soát bùng nổ lạm phát có thể xảy ra do tự do hoá tiền lương và giá cả. Chính sách tỷ giá được sử dụng để giảm chênh lệch quá lớn giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá song song, trong đó tỷ giá song song được xử dụng thành công để điều chỉnh dần tỷ giá chính thức trong từng giai đoạn. Các chính sách này đã đi kèm với tăng cường chính sách thuế, bao gồm các biện pháp tăng thu và giảm chi, và những cải cách cơ cấu khác, nhất là cải cách hệ thống ngoại thương và ngoại hối, khu vực tài chính và khu vực các doanh nghiệp Nhà nước.
3- CHƯƠNG TRÌNH ỔN ĐỊNH VÀ CÁC CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH
Mục này sẽ xem xét tổng quan các biện pháp tự do hoá và phi tập thể hoá đã đóng góp vào sửa chữa cơ cấu giá méo mó và phân bổ sai lệch các nguồn lực, đảm bảo quá trình giảm phát với vai trò quyết định của chính sách tiền tệ và tỷ giá, kèm theo thắt chặt tài chính công và vai trò của một số cải cách cơ cấu và hệ thống có tác dụng hỗ trợ sản xuất, tạo thuận lợi cho các chính sách ổn định.
(i) Tự do hoá giá cả và phi tập thể hoá nông nghiệp là những cải cách then chốt đầu tiên được áp dụng ở Việt nam. Chúng cho phép thay đổi dài hạn cánh kéo giá nội địa theo hướng ưu đãi cho nông nghiệp, khu vực chiếm tới 60% toàn nền kinh tế. Ảnh hưởng của chính sách này đặc biệt mạnh, làm cho Việt nam từ một nước nhập khẩu gạo trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới.
(ii) Trong lĩnh vực sở hữu đất đai, Việt nam đã áp dụng hệ thống cho thuê và hợp đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về chấp nhận quyền sở hữu đầy đủ để có thể lôi cuốn đầu tư nước ngoài.
(iii) Chính sách tiền tệ chặt và lãi suất cao là công cụ quan trọng nhất để mang lại ổn định giá cả. Giá cả đã ổn định so với nhiều năm của thời kỳ thiếu quản lý tài chính, gồm thiếu kiểm soát tiền tệ, cơ cấu lãi suất lệch lạc và hệ thống phân bổ tín dụng dựa trên những chỉ thị kế hoạch.
Mặc dù hệ thống tài chính yếu kém và thiếu hầu hết các công cụ quản lý tiền tệ hiện đại khi bắt đầu quá trình ổn định hoá, các nhà lãnh đạo tiền tệ vẫn có thể lập lại kiểm tra tiền tệ khá nhanh. Tiếp đó, tăng trưởng tiền tệ bị cắt giảm rất nhanh nhờ sử dụng chính sách thuế chặt để giảm tài chính từ nguồn ngân hàng cho thâm hụt ngân sách và nhờ sử dụng các công cụ trực tiếp để giảm tín dụng cấp cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Hơn nữa, chính sách lãi suất cao đã được áp dụng với những kết quả đáng kể. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã tăng mạnh; nguồn vốn tiết kiệm đáng kể trước đây được giữ dưới nhiều hình thức khác nhau (chủ yếu dưới dạng vàng, đá quý và ngoại tệ) đã được huy động vào kênh tiết kiệm tài chính tại hệ thống ngân hàng nội địa.
(iv) Những chuyển động hướng tới một nền kinh tế mở đã được dẫn dắt bởi quá trình cải cách hệ thống hối đoái, trong đó biện pháp then chốt là chính sách tỷ giá mềm dẻo dựa trên thị trường, được tiến hành qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu của quá trình giảm phát, Việt nam đã chấp nhận thống nhất sớm các tỷ giá, đưa tỷ giá chính thức bị định giá cao sát với tỷ giá thị trường song song, theo quan điểm xây dựng một tỷ giá phản ánh các điều kiện thị trường tốt hơn trong một hệ thống tỷ giá cố định hoặc thả nổi có quản lý. Trong giai đoạn hai, khi chênh lệch giữa hai tỷ giá đã giảm đáng kể, các nhà lãnh đạo quốc gia đã áp dụng các chính sách tài chính chặt để ổn định cả hai tỷ giá. Chính sách này đã vận hành hoàn toàn thắng lợi tại Việt nam vì theo sau nó là một thời kỳ ổn định tỷ giá kéo dài, làm mạnh quá trình giảm phát và hỗ trợ việc khôi phục lòng tin vào đồng tiền nội địa. Tỷ giá giữa tiền đồng Việt nam và ngoại tệ đã dao động trong một dải hẹp trong suốt thời kỳ 1992-95 (10.000-11.000 đồng / US$1).
(v) Chính sách tiền tệ chặt trên đã được hỗ trợ bởi một chương trình điều chỉnh thuế kiên quyết, có tác dụng làm giảm đáng kể những mất cân bằng tổng thể về thuế và do đó, giảm nhu cầu tài chính bù đắp thâm hụt ngân sách. Đặc biệt, cán cân thuế thường xuyên đã chuyển từ thâm hụt cao sang thặng dư ngày càng tăng để tài trợ cho chi tiêu vốn cũng ngày một tăng. Về phía thu nhập, một trong những cải cách then chốt là thay thế hệ thống chuyển giao thoả thuận từ các doanh nghiệp Nhà nước sang chính phủ đã tồn tại từ lâu, bằng nghĩa vụ thuế được xác định rõ ràng - phần đầu và cơ bản nhất của những cải cách thuế đa dạng nhằm tạo ra một hệ thống thuế tương đối đơn giản nhưng minh bạch. Việt nam cũng đã cam kết kiểm soát chặt chi tiêu, nhất là giảm rất nhanh số lao động dịch vụ dân sự, cắt giảm mạnh trợ cấp, hạn chế tiền lương và kìm hãm đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với nguồn tài chính sẵn có từ bên ngoài.
(vi) Một số cải cách cơ cấu quan trọng cũng được áp dụng để tăng cường những nền tảng của quá trình tăng trưởng kinh tế. Việt nam đã tự do hoá hệ thống ngoại thương và chế độ đầu tư nước ngoài trong thời kỳ 1989-95, nhờ đó đã thu được nhiều lợi ích. Tự do hoá nhập khẩu đã được thực hiện vững chắc, đặc biệt bao gồm loại bỏ sự độc quyền của khu vực nhà nước về một số loại hàng hoá và giảm các hạn chế định lượng. Tuy nhiên, do thị trường tài chính còn kém phát triển, lợi ích chính của tự do hoá chủ yếu được dồn cho những doanh nghiệp có nhiều thu nhập ngoại tệ trong khu vực nhà nước trong khi thị trường tiếp tục bị chia cắt.
(vii) Tăng cường quản lý tiền tệ cũng được hỗ trợ đáng kể bởi một cuộc cải cách khu vực tài chính lớn, trong đó những thành phần chính là thiết lập có hiệu quả hệ thống ngân hàng hai cấp và mở rộng các công cụ kiểm tra tiền tệ của ngân hàng trung ương. Việc mở rộng các dịch vụ ngân hàng và quản lý ngày càng tốt hơn các ngân hàng thương mại đã làm tăng lòng tin vào hệ thống ngân hàng và là công cụ để tăng cầu tiền tệ và giảm vòng quay tiền tệ, từ đó tăng cường kiểm soát được lạm phát và ổn định tỷ giá, tăng trung gian tài chính và hấp dẫn thêm vốn đầu tư nước ngoài. Việc một số lượng lớn các ngân hàng nước ngoài đã mở cửa tại Việt nam là một bằng chứng rõ rệt.
(viii) Khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng đã được cơ cấu lại một phần kèm theo một số tiến bộ trong việc xây dựng khuôn khổ thể chế và luật pháp cho những sáng kiến cá nhân. Trong khi khu vực tư nhân đã phản ứng tích cực, vẫn còn tồn tại những hạn chế đối với các hoạt động quy mô nhỏ, phần lớn là do tiếp tục những ưu đãi cho các doanh nghiệp Nhà nước. Ở Việt nam, việc thiên vị như vậy là một chính sách có chủ ý, xuất phát từ cam kết của hệ tư tưởng muốn duy trì một khu vực doanh nghiệp Nhà nước mạnh đi đôi với mối lo ngại về những ảnh hưởng "không mong muốn" của một khu vực tư nhân rộng lớn hơn. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo đã lo ngại về khả năng mất nguồn thu thuế do các doanh nghiệp Nhà nước nộp (hơn một nửa tổng thu thuế) và tác động mất ổn định khi cắt giảm nhanh lao động trong khu vực công cộng.
4 THỰC TRẠNG KINH TẾ ĐẾN TRƯỚC NĂM 2000
Do không tiếp tục những đổi mới kinh tế, từ năm 1996, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt nam bắt đầu chậm dần. Đặc biệt, từ đầu năm 1998, xu hướng ngày càng xấu đi của nền kinh tế Việt nam đã rất rõ ràng; nó có nguồn gốc chủ yếu từ những yếu kém trong nội bộ nền kinh tế, và bị mạnh lên do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu á. Dù cho các nền kinh tế trong khu vực đang phục hồi nhanh, tình hình kinh tế Việt Nam có thể sẽ còn xấu hơn nữa nếu chính phủ Việt nam không thực hiện những cải cách mạnh dạn hơn nhằm huy động được mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư - phát triển.
4.1 NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG NỬA CUỐI THẬP KỶ 90:
Phân tích những tiến triển trong ba năm 1987-99 đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng nền kinh tế Việt Nam đẵ đi vào một giai đoạn hết sức khó khăn. Những dấu hiệu chính gồm:
4.1.1 Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm nhanh và tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng lên
Tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm đã không ngừng giảm sút từ 1995 đến cuối năm 1999. Nếu như tỷ lệ tăng trưởng GDP là 9,5% năm 1995 thì năm 1998 giảm xuống 5,8% và chỉ còn 4,8% năm 1999. Có hai điểm đáng chú ý về tỷ lệ tăng trưởng GDP. Thứ nhất, một phần của sự tăng trưởng kể trên đến từ các sản phẩm không bán được, phần là các sản phẩm do khu vực doanh nghiệp nhà nước sản xuất ra. Giá trị hàng hoá tồn kho đã tăng lên đến mức đáng lo ngại. Do vậy, tỷ lệ tăng trưởng thực chất của GDP còn nhỏ hơn con số nêu trên trong vài năm gần đây.
Bảng 2: Tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm của các ngành kinh tế (%)
Năm | Toàn nền kinh tế | Nông nghiệp | Công nghiệp | Dịch vụ |
1986 | 2,3 | 2,4 | 10,3 | -2,8 |
1987 | 3,6 | -0,5 | 9,2 | 5,3 |
1988 | 6,0 | 3,9 | 5,3 | 9,1 |
1989 | 4,7 | 6,8 | -2,8 | 7,6 |
1990 | 5,1 | 1,6 | 2,9 | 10,8 |
1991 | 6,0 | 2,2 | 9,0 | 8,3 |
1992 | 8,65 | 7,1 | 14,0 | 7,0 |
1993 | 8,1 | 3,8 | 13,1 | 9,2 |
1994 | 8,8 | 3,9 | 14,0 | 9,6 |
1995 | 9,5 | 4,8 | 13,6 | 9,8 |
1996 | 9,3 | 4,4 | 14,5 | 8,8 |
1997 | 8,2 | 4,3 | 12,6 | 7,1 |
1998 | 5,8 | 3,5 | 8,6 | 4,9 |
1999 | 4,8 | 5,2 | 7,6 | 2,3 |
Nguồn số liệu : Niên giám thống kê 1995-2000
Thứ hai, việc giảm tỷ lệ tăng trưởng diễn ra trong tất cả các khu vực của nền kinh tế quốc dân như bảng 1 đã chỉ ra. Sản xuất nông nghiệp cao hơn không nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng dân số. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp hầu như không thay đổi kể từ năm 1980 đến nay. Nông thôn tiếp tục nghèo nàn và lạc hậu. Trong công nghiệp, phần lớn các ngành đều giảm nhanh tỷ lệ tăng trưởng, chỉ một vài ngành như sản xuất dầu thô, xi măng, giấy, khai thác than, và một số sản phẩm thuộc công nghiệp khai thác và công nghiệp hàng tiêu dùng còn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ các nước Châu á.
Theo các lý thuyết kinh tế vĩ mô và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đối với một nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng dân số hàng năm 2%, một tỷ lệ tăng năng suất lao động 5-7% và một tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động trên 3% cộng với 2-3 triệu lao động thất nghiệp và 6-7 triệu lao động thiếu việc làm như trường hợp Việt Nam hiện nay, cần phải đạt được một tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm tối thiểu 6-7% để vừa giải quyết được việc làm cho người lao động, vừa cải thiện được đời sống nhân dân. Theo tiêu chuẩn này, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt nam tụt xuống dưới 6% năm 1998-99 là một dấu hiệu rất đáng lo ngại. Tỷ lệ tăng trưởng thấp đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố tăng từ 5,9% năm 1995 lên 6,8% năm 1998 và 7,4% năm 1999.
4.1.2 Tiêu dùng đang trì trệ và nhìn chung, các hộ gia đình đều cố gắng giảm chi tiêu
Những khó khăn của kinh tế Việt nam kể từ mùa hè năm 1996, minh chứng bằng việc giảm sút tỷ lệ tăng trưởng của tất cả các khu vực kinh tế, đã tạo ra cho các hộ gia đình một tâm lý lo ngại về một giai đoạn khó khăn mới sau thời kỳ suy thoái 1986-1990. Điều đó cũng có nghĩa là thu nhập và mức sống trong tương lai sẽ giảm đi. Hậu quả là các gia đình trở nên tiết kiệm hơn để có tiền đảm bảo cuộc sống gia đình trong một tương lai được đánh giá là khó khăn hơn (đồ thị 1). Việc gia tăng tốc độ suy giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế những năm 1998-99 và các tháng đầu năm 2000 cùng với những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực Châu á càng làm mạnh lên tâm lý dự báo bi quan và hợp lý này.
Mặt khác, tầng lớp có thu nhập cao xuất hiện trong quá trình cải cách kinh tế, đã đầu tư tương đối đủ cho cuộc sống gia đình trong những năm 1991-95 (ví dụ như xây dựng nhà cửa, mua sắm bất động sản và hàng tiêu dùng cao cấp...), nay không còn nhu cầu tiêu dùng thêm nữa. Trong bối cảnh của Việt nam hiện nay, khi khu vực kinh tế tư nhân còn chưa thực sự được nâng đỡ, người giầu đang chuyển đổi tiền tiết kiệm sang vàng và ngoại tệ để tích luỹ. Từ năm 1995 đến nay và trong tương lai, vì khả năng tiềm tàng của việc phá giá đồng tiền Việt Nam còn lớn, điều này càng thúc đẩy xu hướng giảm tiêu dùng và tăng tiết kiệm bằng ngoại tệ. Đến cuối năm 1998, huy động tiết kiệm bằng tiền Việt tăng khoảng 19% so với cuối năm 1997 trong khi cũng trong khoảng thời gian trên, tiền gửi ngoại tệ tăng 135 %[2]. Nhiều thông tin cho thấy sự mất vốn của Việt Nam do khu vực tư nhân đã tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài.
Đồ thị 1: Tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng tư nhân thực (%)
|
Hơn nữa, do chính sách tiền tệ kém mềm dẻo và duy trì lãi suất thực quá cao, giá cả ở Việt Nam những năm gần đây tăng lên rất chậm, thậm chí giảm trong nhiều tháng liên tiếp. Hậu quả là người dân cảm thấy nên hạn chế tiêu dùng và dành tiền gửi ngân hàng để kiếm lãi suất cao, coi gửi tiết kiệm như một nghề kinh doanh. Họ không chỉ gửi tiết kiệm ngắn hạn, mà còn tích cực gửi tiết kiệm dài hạn, thậm chí hăng hái mua công trái với thời hạn 5 năm. Người dân chỉ mua hàng trong trường hợp thật cần thiết vì họ hiểu rằng trong tương lai, giá cả hàng hoá sẽ giảm đi trong khi chất lượng hàng hoá sẽ tốt hơn. Đây là một nguyên nhân quan trọng của hiện tượng mất cân đối cung cầu trên thị trường hàng hoá tiêu dùng.
4.1.3 Các doanh nghiệp không còn muốn tiếp tục đầu tư nữa.
Cung vượt cầu trên thị trường hàng hoá đối với phần lớn các sản phẩm sản xuất nội địa đã dẫn tới giảm sút đáng kể tỷ suất lợi nhuận đầu tư. Trong nhiều ngành, lợi nhuận đầu tư bình quân còn thấp hơn giá vốn. Hậu quả là các doanh nghiệp không còn dám đầu tư nữa. Điều này đã phản ánh đúng nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường: Giảm tỷ suất lợi nhuận đã kéo theo giảm tỷ lệ đầu tư.
Đồ thị 2 cho thấy tỷ lệ tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân giảm rất nhanh. Sự giảm sút này còn bị đẩy nhanh do cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hàng hoá nhập khẩu và của các sản phẩm của khu vực nhà nước, khu vực luôn luôn được sự nâng đỡ quá mức của chính phủ, và do cạnh tranh của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Đầu tư thực hiện của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm đi đáng kể (đồ thị 2), trong đó đặc biệt nghiêm trọng là sụ giảm sút rất nhanh về giá trị vốn FDI cam kết, nhân tố quan trọng để duy trì tốc độ phát triển kinh tế VN trong thời gian tới.
|
Trong khu vực nhà nước, các doanh nghiệp hưởng qui chế độc quyền và bán độc quyền vẫn tiếp tục làm ăn có lãi trong điều kiện lãng phí và chi phí tiền lương cao, trong khi các doanh nghiệp không độc quyền bị buộc phải tiếp tục đầu tư để tồn tại và duy trì thu nhập cho người lao động, dù rằng lãi suất tín dụng cao và việc bán sản phẩm rất khó khăn. Mục tiêu của các doanh nghiệp không độc quyền không còn là lợi nhuận nữa, mà nhằm vào giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động của họ.
Mặc dù có sự tăng giảm khác nhau, song nhìn chung, tỷ lệ tăng trưởng của đầu tư của khu vực công cộng đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp nhà nước không còn muốn tiếp nhận vốn ưu đãi bổ xung của chính phủ. Cũng do những khó khăn lớn liên quan đến sự trì trệ của thị trường, tăng tâm lý tiết kiệm trong dân cư và việc suy giảm nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế, quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra rất chậm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét