Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Tôi muốn kể chuyện này ngay đêm nay

Ngày Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tôi muốn kể chuyện này ngay đêm nay
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Tôi muốn kể chuyện này ngay đêm nay

 - Tôi muốn kể câu chuyện này ngay đêm nay, một đêm cuối năm gió lạnh. Một đêm mà tôi thấy những ngày tháng vừa qua nỗi buồn nhiều hơn niềmvui. Một đêm mà tôi muốn năm cũ trôi đi nhanh hơn để kết thúc những câu chuyện buồn ấy và đón chào một năm mới với ít nỗi buồn hơn.
Làm người thì có lúc đúng, lúc sai và có thể rất sai. Nhưng bây giờ, càng ngày tôi càng thấy đúng sai nhiều lúc lại chưa chắc đã là điều quan trọng nhất. Đó là khi con người đối với nhau không cần đúng sai mà chỉ là hằn học, thù ghét nhau đến đánh mất đi cả chút vị tha cuối cùng còn lại trong con người mình.
Tối nay, khi tôi đang uống cà phê với bạn bè thì có một số điện thoại lạ gọi vào máy tôi. Tôi nghe máy. Người gọi tôi xưng tên là H. Tôi không nhận ra người đó là ai. Biết tôi không còn nhớ hoặc chưa nhớ ra , người đó tự giới thiệu để tôi nhớ ra anh. Và tôi đã nhận ra anh. Đó là một người cho vay lãi ở Nghệ An. Tại sao tôi lại quen một người cho vay lãi ? Phải chăng tôi đã vay tiền anh ấy, phải chăng tôi có liên quan gì gì đó với anh. Đúng. Tôi có một phần liên quan đến anh – một người cho vay lãi.
Câu chuyện là như thế này : Cách đây hơn một năm, tôi có viết trên tờ báo Đang Yêu câu chuyện về một phụ nữ suốt tháng, suốt năm đi làm từ thiện. Đó chính là nhà báo Lê Phương Dung. Những chuyện về việc chị làm từ thiện có lẽ quá nhiều người biết. Một người làm từ thiện lạ lùng. Lạ lùng bởi chị xuất hiện bất ngờ ở một nơi nào đó giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn rồi lại biến mất như chạy trốn sự mang ơn của người được giúp. Khi bài báo đó in ra, có rất nhiều bạn đọc gọi điện và viết thư cho tôi bày tỏ lòng kính trọng chị. Rồi có một lá thư viết cho nhà báo Lê Phương Dung nhưng lại nhờ tôi chuyển giúp. Đó là thư của một phụ nữ tên là Thu ở Nghệ An. Một lá thư cầu cứu. Chị Thu đã khóc nhiều đêm trước khi viết lá thư ấy. Bởi lúc đó, chị đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát mà không thể nào tìm thấy đường ra.

Vợ chồng chị Thu có hai người con : một trai, một gái. Đứa con trai của chị bị bệnh hiểm ngèo mất khi mới ngoài 20 tuổi. Đứa con gái chị còn nhỏ. Chồng chị lái xe gây tai nạn. Để chữa bệnh cho con và lo cho chồng giải quyết hậu quả vụ tai nạn, chị Thu đã phải đi vay lãi. Nhưng chị không có đủ tiền trả nợ. Thế là lãi mẹ đẻ lãi con và số tiền phải trả nợ lên gần 100 triệu. Chị không biết làm thế nào để trả nợ. Chị chỉ còn trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác giống như trông chờ vào một ông Bụt, một cô Tiên hiện lên giúp chị mà thôi. Thế là chị viết thư cho nhà báo Lê Phương Dung. Tôi đã đọc lá thư của chị cho nhà báo Lê Phương Dung qua điện thoại. Ngay lập tức, nhà báo Lê Phương Dung đưa cho tôi 33 triệu đồng để tôi chuyển cho chị Thu. Nhận được số tiền đó, chị Thu chỉ còn biết khóc vì chị không ngờ trên đời còn có những tấm lòng tử tế như vậy. Chị Thu quyết định ra Hà Nội chỉ với một ước muốn được gặp nhà báo Lê Phương Dung và để dược lạy chị Dung một lạy. Nhưng nhà báo Lê Phương Dung đã không nhận cái lạy đó. Chị Dung vốn là người làm từ thiện như thế đã bao nhiêu năm rồi mà chưa một lần đợi ai trả ơn chị.

Đến một ngày, chị Thu gọi điện nói cho tôi số nợ còn lại vẫn không có cách nào trả nợ và người chủ nợ sẽ lấy sổ lương hưu của chị để trừ nợ dần. Chị Thu vốn là giáo viên đã nghỉ hưu. Chị Thu nói với tôi nếu không còn sổ hưu
thì gia đình chị không biết sống bằng gì. Trước nỗi tuyệt vọng của chị, tôi đã xin điện thoại của người cho vay lãi và bắt đầu cuộc trò chuyện với anh. Những phú đầu cuộc nói chuyện vô cùng căng thẳng. Tôi nói với anh H hãy
đưa bàn tay ra một lần cứu chị Thu và gia đình chị ấy. Tôi xin anh đừng tiếp tục tính lãi với chị Thu và đừng lấy sổ hưu của chị ấy. Tôi nói với anh H tôi sẽ tìm cách giúp chị Thu lần thứ hai để trả bớt một phần chị Thu nợ anh H. Tôi nói với anh H là nhà báo Lê Phương Dung và tôi đều không hề quen biết chị Thu nhưng đã giúp chị ấy vì chị ấy đang quá tuyệt vọng. Anh H nghe có vẻ nguôi và đồng ý chưa lấy sổ hưu của chị Thu. Tôi bắt đầu nói chuyện với một vài người bạn như nhà thơ Nguyễn Quyến, nhà báo Tô Lan Hương và một sỹ quan công an là bạn tôi : anh Trịnh Văn Sỹ để tìm cách giúp chị Thu. Chúng tôi góp nhau được hơn 20 triệu và gửi cho chị Thu.

Nhưng tối nay, ngày 31 tháng 1 năm 2013, anh H gọi điện cho tôi thông báo chị Thu đang ốm nặng và có thể khó qua được. Anh H nói chị Thu vẫn còn nợ 33 triệu. Bà con lối phố đã quyên góp được 10 triệu giúp chị. Anh H đề nghị tôi hãy cố gắng giúp chị được bao nhiêu hay bấy nhiêu còn lại anh sẽ xóa nợ cho chị. Anh H nói anh đã trả lại sổ hưu cho chị. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe anh nói vậy. Tôi không cầm được nước mắt vì tôi nghĩ đến số phận quá đau buồn của chị Thu và nghĩ đến tấm lòng anh H – một người cho vay lãi. Từ lúc đó, tôi không còn nghĩ một chút gì trong lòng về anh H như một chủ nợ, một người cho vay lãi mà đó là một người đang cùng mọi người tìm cách giúp chị Thu. Tôi xin anh H số điện thoại chị Thu và gọi cho chị. Giọng chị đã quá yếu. Chị bị bệnh tắc động mạch lên não đã phẩu thuật nhưng bệnh quay trở lại và trầm trọng hơn khó lòng qua được. Tôi nói chị yên tâm, tôi sẽ tìm cách giúp chị. Tôi không muốn nếu có mệnh hệ nào mà phải rời bỏ thế gian thì chị không phải mang theo nỗi đau buồn vẫn để lại món nợ cho đứa con gái còn thơ dại của mình. Tôi muốn trong những ngày đông giá lạnh cuối năm này, lòng chị phải được sưởi ấm một chút bởi tình con người.

Sau khi nói chuyện với chị Thu, tôi chìa tay xin bạn bè đang uống cà phê hãy cho tôi xin mỗi người một ít tiền. Và tất cả đã cho tôi. Họ là những văn nghệ sỹ : Lại Hồng Khánh, Trần Quang Quý, Quang Hoài, Trần Đăng Huấn, Hàn Thủy Giang, Lương Tử Đức, Chu Lượng. Sau đó tôi nhắn tin cho bạn bè tôi như Đỗ Văn Hiểu, Công ty Đông dược Phúc Hưng, Trịnh Văn Sỹ, cán bộ Công an Hà Nội, họa sỹ, nhà văn A Sáng, nội dung tin nhắn : “ Từ bây giờ, tôi sẽ trở thành người ăn mày trong ba ngày. Xin hãy cho tôi một ít tiền với khả năng có thể”. Vì sao lại chỉ ba ngày ? Vì tôi muốn gửi sớm những đồng tiền như một sự chia sẻ của con người với con người cho chị Thu khi chị đang ốm nặng, khi chị đang đau khổ và khi chị đang tuyệt vọng. Tôi thầm nghĩ tôi sẽ đi “ăn mày” bạn bè từ ngày thứ Sáu đến ngày Chủ nhật tuần này. Nhận tin nhắn đó, mọi người vội vàng gọi điện cho tôi hoảng hốt sợ tôi có chuyện gì. Tôi đã kể câu chuyện chị Thu và hành động của người cho vay lãi tên là H cho bạn bè nghe. Tất cả sẵn sàng gửi tiền cho tôi.

Những chuyện buồn tưởng tôi còn phải mang theo cho đến ngày cuối cùng của năm cũ và có thể sang cả năm mới thì lúc này đang rời khỏi lòng tôi. Cũng như tôi, trong thành phố tôi ở chắc chắn có không ít người mang một
nỗi buồn trĩu nặng nào đó trong những ngày cuối năm này. Và tôi muốn họ cũng sẽ gặp một câu chuyện nào đó như tôi đã gặp để thấy rằng : cuộc đời vẫn còn bao người tốt dẫu xung quanh vẫn còn những kẻ ngạo mạn trong tăm tối và chỉ muốn làm cho người khác phải bị vấy bẩn và tan nát để họ được hả lòng, hả dạ.

Xin biết ơn anh H, một người cho vay lãi, một công việc mà thực sự tôi chẳng ưa chút nào dẫu tôi biết chuyện vay chuyện mượn là hoàn toàn tự nguyện. Có vay thì phải có trả. Nhưng những gì anh H làm cho chị Thu lúc này dù ít hay nhiều hay chỉ là một cuộc gọi điện cho tôi tối nay thực sự đã làm tôi xúc động. Tất cả những gì mà nhà báo Lê Phương Dung, người cho vay lãi tên H và những bạn bè tôi đã làm cho chị Thu, tôi thấy như làm cho chính tôi, làm cho không ít người trong lúc này hay đã từng có lúc tuyệt vọng về con người. Tôi biết có hai người đã và đang mang ơn những người như nhà báo Lê Phương Dung, người cho vay lãi tên H và bạn bè tôi. Người thứ nhất là chị Thu. Và người thứ hai là tôi. Tôi mang ơn họ vì họ đã làm cho tôi thấy cuộc đời này còn bao người tốt đang sống trong im lặng. Họ không nói gì mà chỉ làm những việc để người khác được ấm lòng cho dù chỉ là một phút trong cuộc đời dằng dặc.

Hà Đông, đêm 31 tháng 1 năm 2013

Nguyễn Quang Thiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét