Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Cái đẹp cứu thế giới

Ngày Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cái đẹp cứu thế giới
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Cái đẹp cứu thế giới

 Mọi nền văn hóa đều để tạo ra cái đẹp. Chúng ta vẫn hay nói đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc Việt, nhưng thế nào là vẻ đẹp Việt, một vẻ đẹp hiện hữu, có thật? “Tôi cho rằng con người có ba yếu tố cấu thành cái đẹp: vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp trí tuệ. Ba yếu tố đó phải hòa quyện với nhau”.
Trải qua hơn ba mươi năm sau ngày đổi mới, phát triển kinh tế bằng mọi giá đã phá vỡ nhiều giá trị văn hóa mà cha ông đã tạo dựng suốt hằng ngàn năm, đặt văn hóa Việt vào một nguy cơ bị xâm thực ngay trên đất nước mình. Suốt một thời gian dài, toàn bộ sinh lực của dân tộc là để tồn tại, sống còn, chưa bao giờ chúng ta tự hỏi: Vẻ đẹp nào là của chúng ta, chúng ta đang ở đâu trong thế giới này? Đó cũng là nội dung chính của giai phẩm Xuân Lifestyle, với sự tham gia của những nhà văn hóa, nghệ thuật, nhà văn, nhà giáo dục, và những người đẹp.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: "Không ngừng sáng tạo là đặc tính của vẻ đẹp Việt."
Từ bao đời nay, chân, thiện, mỹ là những giá trị phổ quát của cuộc sống. Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, có thể thấy chúng ta đã từng có những thời kỳ đời sống văn hóa, tâm linh, nghệ thuật phát triển rực rỡ như thời Lý- Trần. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên tai địch họa, người Việt càng được trui rèn tinh thần linh hoạt ứng biến của những cư dân sống nhờ nước, gần nước, hòa vào nước. Có lúc thăng hoa như làn sương, có lúc nhọc nhằn, thác nghềnh, có lúc trong lành như những cơn mưa. Sự linh hoạt trong cuộc sống là điểm mạnh của dân tộc Việt. Tuy vậy, nếu không hiểu biết về cốt lõi của vẻ đẹp văn hóa, chúng ta dễ dàng đánh mất cái đẹp, biến cái đẹp thành cái xấu.
Về nhân chủng học, bất cứ dân tộc nào cũng có nét đẹp riêng, nếu mô phỏng, sao chép vẻ đẹp dân tộc khác chỉ là một sự lắp ghép. Hiện nay, không ít cô gái trẻ cho rằng: "Tây mới đẹp", thế là thi nhau đi sửa mũi, cắt mắt, bơm môi... Chữ "sang" các cụ dùng là để chỉ cốt cách, hun đúc nhờ tri thức, giáo dục, nề nếp gia đình. Từ cách đứng, thế ngồi, nghệ thuật thưởng trà, rót rượu... đều phải dạy. Tôn trọng người khác là khẳng định con người mình.
Chúng ta cần phải tìm kiếm, khôi phục lại vẻ đẹp Việt vốn có, phát triển thêm.... Tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm kiếm lại trang phục, văn hóa của 54 tộc người, khôi phục vẻ đẹp áo dài, khôi phục nghề làm gốm cổ Bàu Trúc và bây giờ là tạo dựng một không gian văn hóa tâm linh tại nhà vườn Long Thuận... không phải là để hoài niệm, so sánh. Mỗi thế hệ có một cách nghĩ, cách làm riêng, có kế thừa, có hội nhập, để phát triển. Nếu không sẽ bị hòa tan và mất luôn chính mình.
Hành trình đến với áo dài của tôi cũng biến chuyển ghê gớm. Ban đầu tôi khá bảo thủ, cho rằng đã là áo dài, phải giữ nguyên vẻ đẹp gốc gác. Đi nhiều nước, nhất là Nhật Bản, tôi thấy người ta rất phóng khoáng với chiếc Kimono, không ngại ngùng biến nó từ quốc phục thành áo khoác, áo tắm... và tôi đã thiết kế kiểu "áo dài hội nhập", cho cả người Mỹ, châu Âu, châu Á đều mặc được. Phải giữ vẻ đẹp cốt lõi, nhưng không ngừng sáng tạo, hiện đại, làm mới nó lên, đó cũng là đặc tính của vẻ đẹp Việt.
Âm nhạc cung đình Huế hay chèo cổ, dù được thế giới công nhận, nhưng phải đưa vào một không gian hoàn toàn khác, không thể chỉ quẩn quanh mái ngói sân đình, thiếu tiện nghi. Cái đẹp phải hữu dụng trong không gian mình sống, và quan trọng là mọi người đều muốn có nó, mới có thể tồn tại và đi vào cuộc sống. Nếu chỉ là một tượng đài thì nó sẽ tàn lụi dần theo thời gian.


Ảnh minh họa


Để gìn giữ đời sống tâm linh Việt, phải hiểu khía cạnh hết sức khoa học của đạo Phật chứ đừng tin vào đó như một thứ mê tín. Dùng báo chí để kết nối giữa trí thức với đại đa số quần chúng, nâng hiểu biết của người dân lên mức cao hơn. Trí thức là người hiểu biết, cái đẹp lúc nào cũng nằm trong tay của người hiểu biết, đề cao trí thức là đề cao cái đẹp và cái đúng.


Ông Giản Tư Trung - Viện trưởng viện nghiên cứu giáo dục (IRED): "Có sang hay không là ở lẽ sống của con người"
Môi trường sống là chỉ số đầu tiên về cái đẹp. Sống trong một thành phố không cây, không nước, không khí ô nhiễm trầm trọng như Sài Gòn mà sống được thì làm sao cho ra một con người? Nếu không có rừng, không có nước thì không có tâm hồn, vì chúng ta sống nhờ thiên nhiên, nhờ nước.
Kuala Lumpur có rừng nguyên sinh trong lòng thành phố như một lá phổi. Châu Âu có thành phố trong rừng, con người được sống trong vòng tay bao bọc của mẹ thiên nhiên. Còn Sài Gòn cả một thành phố mười mấy triệu dân chỉ có hai cái hồ: hồ Văn Thánh và... hồ Con Rùa! Một trong những chỉ số văn minh của một thành phố đẹp là chỉ số cây/đầu người, mình thì đo ngược lại, chỉ số đầu người/cây. Thật chua chát.
Ngày xưa ông bà ta có câu: "Cái nết đánh chết cái đẹp". Một người yêu cái đẹp thì không thể làm chuyện xấu được. Khổ nỗi giáo dục văn hóa nghệ thuật của ta bị hỏng rồi, khi người ta không cảm nhận được cái đẹp thì làm sao tạo được cái đẹp? Nói cái đẹp đang nhiều hơn cái xấu là tự ru ngủ mình thôi. Có những đại gia mua miếng đất rất đẹp gần sông lại xây một cái nhà bê tông to đùng. Họ cảm nhận thế nào về cái đẹp, về thiên nhiên? Vậy họ có tiền nhưng đâu có sang!
Tôi cho rằng con người có ba yếu tố cấu thành cái đẹp: vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp trí tuệ. Ba yếu tố đó phải hòa quyện với nhau. Bây giờ các em trẻ đi sửa mặt tùm lum, phải hiểu thế nào là đẹp mới sửa cho đúng chứ.
Một người bình thường phải hội đủ ba điều: Sức khỏe thể chất: các cơ quan nội tạng đều chạy tốt; Sức khỏe tinh thần: có tâm hồn bình an, phải làm chuyện tốt, không làm chuyện xấu, thiếu lương tâm; Sức khỏe xã hội: Có những mối quan hệ xã hội lành mạnh, không ghen ghét, hận thù. Còn một người khi có đủ ba điều trên, muốn trở nên sang trọng thì phải có Sức khỏe trí tuệ: Cái đẹp của trí tuệ chính là sự sang trọng.
Ai sống trên đời cũng muốn được giàu và sang, để giàu đã khó, để sang thì ít người biết lắm, đằng sau chữ sang là một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn. Muốn sang, phải có một nền tảng giáo dục đủ dùng, chứ không phải thật nhiều bằng cấp. Sang ở lẽ sống của con người. Chỉ có con người mới bàn cái đẹp, bàn về lẽ sống. Đau nhất là người ta không sang mà cứ nghĩ là mình sang!
Trong Diễn đàn Tinh hoa trẻ Việt Nam, tôi đã nói một sự thật khiến nhiều người trẻ sốc: "Nhiều người nói giới trẻ Việt Nam tuyệt vời, thông minh sáng tạo, nhưng tôi nói thật, các bạn nhạt nhẽo và vô hồn!". Các bạn hỏi ngược lại tôi: "Vậy thế hệ của ông là gì?". Trả lời: " Một thế hệ thất bại!". Nếu thành công thì không thể có nền giáo dục như thế này.
Tôi muốn nhấn mạnh đến tri thức và giáo dục. Vai trò của người trí thức, trách nhiệm xã hội của người hiểu biết phải được coi trọng trong một xã hội văn minh. Tri thức bản thân nó đã đẹp, không đẹp không phải là tri thức. Trí thức là người không để cho xã hội ngủ quên, người có trí là người thức tỉnh xã hội, giúp xã hội nhận chân giá trị để thay đổi. Dự án đường sắt cao tốc cũng nhờ trí thức lên tiếng mà dừng lại kịp thời, tránh đi bao mất mát cho đất nước.
Ấn phẩm Lifestyle có một tên gọi rất đẹp, phong cách sống, lối sống bây giờ là lúc cần được cảnh báo nhiều nhất, bàn bạc nhiều nhất. Mấy chục năm nay chúng ta mới chỉ lo chuyện ăn mà quên mất chuyện đạo. Chúng ta ngồi lại với nhau hôm nay cũng là để hướng về cái đẹp sang trọng. Phải mời gọi cho được giới trí thức và những người có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội để nói về điều đó. Phải giáo dục để những đứa trẻ biết thế nào là đẹp để yêu cái đẹp, thoát khỏi con người bản năng để vươn tới con người khai sáng
Bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân: "Mất cái đẹp vì mình từ chối nó"
Cuộc sống không bao giờ dừng lại, cái đẹp cũng không bao giờ dừng lại, luôn thay đổi để đẹp hơn lên. Tôi không phải là nhà mỹ thuật, cũng không làm trong ngành nghệ thuật, mà chỉ là một người nấu ăn. Tôi hiểu cái đẹp bằng cảm nhận của một người mẹ, một người nấu ăn. Do đó, tôi dám nói rằng cái đẹp của chúng ta đang không còn đẹp nữa.
Cái đẹp nhìn qua lăng kính mỗi người mỗi khác, nhưng cái đẹp cũng như hạnh phúc, không sờ nắm được, mà phải bằng cảm nhận của trái tim. Trên đời có lẽ không ai xấu như Thị Nở của Nam Cao, nhưng dưới ánh mắt Chí Phèo, Thị Nở vẫn đẹp, và đẹp hơn dưới ánh trăng!
Với phụ nữ, tuổi bắt đầu đẹp là từ 15-16 tuổi, nhựa sống căng tràn, nhưng tôi thấy các em bây giờ không đẹp, vì không có sức sống. Các em mặc áo dài nhưng cổ áo thì cởi bung ra, quần kéo lên, tay áo xắn bên cao bên thấp, vạt áo đài cuộn vào quần... Ngày xưa, mỗi khi bước ra đường người phụ nữ đều chăm chút rất kỹ càng cho vẻ đẹp của mình, từ chiếc áo dài, mái tóc, đến chiếc vòng đeo cổ, đôi bông tai. Những chuẩn mực để làm đẹp ngày xưa giờ không còn thấy nữa...
Cuộc sống tâm hồn thì quá nhạt nhẽo, đơn điệu từ cử chỉ, hành động đến tác phong. Nói chung là không tạo được phong cách. Các cụ thường nói: " Học ăn, học nói, học gói, học mở", giờ các em có được giáo dục gì đâu. Các em yêu không đẹp, tình bạn cũng không đẹp.
Tôi nói cái đẹp đang không còn đẹp nữa là vì tâm hồn của chúng ta đang bị làm bẩn đi. Chữ "sang" theo tôi hiểu là phải từ cách đi đứng, nói năng, ăn mặc, cho đến tâm hồn. Nghĩ như thế thì cái đẹp đâu có tuổi, cái đẹp cũng không phải là tô son trát phấn bên ngoài. Về nhân chủng học, người Việt Nam mình đẹp lắm, nước da bánh mật duyên dáng, vóc người nhỏ nhắn, nhưng người Việt Nam đang không tự tin về nhân chủng học của mình, nên mới phải sửa thành "Mũi Hàn Quốc, tóc Đài Loan, môi Nhật Bản", đi ra đường quên cả tiếng Việt, chỉ nói tiếng Anh.
Một nét đẹp khiến người ta yêu và nhớ lâu nhất là câu chuyện về những món ăn. Nhiều người Mỹ qua đây tìm đến tôi chỉ để học món cá kho tộ. Chỉ riêng về cá kho, chúng ta đã có không biết bao nhiêu loại khác nhau, kho gừng, kho xả, kho ớt, kho tiêu, kho măng, kho mít, kho nhạt, kho mặn, kho chua, kho cay... Biển hào hiệp đã cho chúng ta biết bao loài cá ngon và bổ. Cá kho là những giai điệu của biển. Không hiểu giá trị của biển thì không hiểu được giá trị của dân tộc này. Khi dạy về cá kho, tôi không chỉ nói về món ăn, tôi muốn truyền đạt đến học trò bản tình ca của biển. Đó là giá trị của tình yêu, của cái đẹp.
Thanh lịch người Tràng An cũng mất tiêu rồi. Hà Nội phải tự trách mình, vì còn xô bồ hỗn loạn hơn cả Sài Gòn. Sang Mỹ, có những gia đình Việt kiều còn giữ nguyên những nề nếp gia phong, nhưng ở Việt Nam, nhiều gia đình lại vọng ngoại không tới, lai căng, kệch cỡm. Phải coi lại sự đổi thay xã hội trong những năm qua đã tàn phá văn hóa dữ dội như thế nào.
Ra Huế ăn bánh bột lọc, con tôm rim ướp cả ngũ vị hương, như thế là sai rồi. Chả cá Lã Vọng mà thiếu mắm tôm thì còn gì là hương vị. Ăn chả giò mà chấm tương ớt thì làm sao nếm được hương vị của mắm chua ngọt. Tôi luôn dạy học sinh nước ngoài nếu dùng cơm Việt Nam, phải dùng đũa, đó là cách ăn "Từ trái tim đến trái tim". Chỉ riêng 12 món mứt ngày Tết bày ra trên bàn đãi khách đã là cả một câu chuyện thi vị, như một vòng tròn nhân sinh. Người ta ăn bánh chưng là thưởng thức hơi thở của trời đất. Cách nào để làm sống lại nền văn hóa ẩm thực Việt là điều tôi thiết tha theo đuổi suốt cả cuộc đời mình...
Tôi nghĩ một ấn phẩm đề cập về lối sống như Lifestyle phải có những trang mục hướng dẫn về trang phục, lời ăn tiếng nói, cách hành xử giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, mẹ chồng nàng dâu, cách nấu ăn... để gầy dựng một nếp nhà, một gia đạo, gia phong.
Mình mất văn hóa, mất cái đẹp vì mình từ chối nó. Buồn hơn là quan hệ giữa người và người không còn đẹp như ngày xưa nữa. Vì thế mỗi khi nói đến vẻ đẹp Việt, người ta thường có tâm trạng hụt hẫng, hoặc phải tìm về quá khứ. Chúng ta phải có lúc dừng lại, để nhìn lại mình, để hun đúc nên nét đẹp hình hài cho đứa con tinh thần. Tâm trạng hoài cổ thực ra là biểu hiện về sự thiếu thốn ghê gớm cái đẹp hiện tại. Đào bới lại vốn dân tộc thực sự là một chuyến tàu đi vào quá khứ, một cơ sở để tìm kiếm cái đẹp dân tộc mình.
Ông Trần Đức Cảnh -  Tồng Giám đốc Công ty Du lịch và Khách sạn Việt Mỹ: "Vẻ đẹp văn hóa Việt mới là cái giữ chân du khách"
Tôi nghĩ cha mẹ không tự tin về văn hóa của mình thì con cái làm sao tự tin? Huống gì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là quá lớn. Phát triển của chúng ta thời gian qua quá lệch về phát triển kinh tế mà coi nhẹ giáo dục, văn hóa nên phát triển cơ bản không bền vững, hội nhập mất tự tin là đương nhiên. Chúng ta bị choáng trước văn hóa thế giới vì thiếu sự tư tin vào bản chất Việt, không được chuẩn bị gì cho hội nhập, nghĩ cái gì người ta cũng hơn mình.
Tôi nghĩ rất cần có thêm nhiều những buổi tọa đàm như thế này, để người dân có thể tranh luận với nhau, tranh luận với giới trí thức, và tranh luận cả với nhà cầm quyền, một cách có hệ thống, để tìm được tiếng nói đồng thuận.
Làm việc trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, khi đi mua một sản phẩm nào đó, tôi thấy người ta quan tâm nhiều đến phong cách hơn là giá. Xây dựng một resort phong cách, một căn hộ phong cách là áp lực lớn nhất cho người bán. Về Việt Nam, tôi rất bức xúc khi thấy cuộc sống, giá trị sống, môi trường sống trong một cộng đồng đang bị hủy hoại dữ dội, như thế làm sao xây dựng được con người có phong cách. Về quy hoạch, nếu theo tiêu chuẩn một đô thị, thì Sài Gòn gần như không thể sống được. Một thành phố giống cơ thể con người, tất cả đều liên quan đến cấu trúc cộng đồng.
Mỗi con người phải mạnh khỏe thì cộng đồng mới mạnh khỏe. Đa số resort của chúng ta đều không bài bản, nối kết giữa một tỉnh với các quy hoạch lớn cũng không bài bản. Ra biển không khí êm dịu, cần vật liệu nhẹ nhàng lại dùng toàn bê tông cốt sắt thì phá biển chứ không phải là nghỉ dưỡng. văn hóa phục vụ cũng là vấn đề lớn.
Để xây dựng một khu nghỉ dưỡng với tầm vóc quốc tế như dự án Vĩnh Hội, bản thân tôi cũng phải học rất nhiều từ các tập đoàn nước ngoài về quy hoạch, thiết kế, quản lý khách sạn, để có thể đánh giá được nhu cầu khách cao cấp tương lai đến Việt Nam. Với quần thể sáu resort, tôi đã ký kết với 5 thương hiệu lớn của thế giới gồm Marriott International và Outrigger, Ritz-Carlton, JW Marriott và Outrigger vào thị trường Việt Nam, để quản lý ba khu nghỉ dưỡng. Đầu tư của chúng tôi vào Dự án Vĩnh Hội Resort theo mô hình "điểm đến" trở thành một trong "tứ trụ" của làng destination resort trong khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Nhưng nếu chỉ có cơ sở vật chất mà thiếu phần hồn thì cũng vô nghĩa. Vẻ đẹp văn hóa, lịch sử và con người Việt mới là cái giữ chân du khách.
Nhà văn Trầm Hương: "Hãy giữ lấy nếp nhà"
Ông bà xưa có câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", đó là định nghĩa rất giản dị về cái đẹp. Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam chính là vẻ đẹp của sự hy sinh. Có lúc phải chui vào một góc khuất để khóc riêng mình, mái tóc ngày càng nhiều sợi bạc... tất cả chỉ vì con. Chính nhờ có tri thức mà thật may, một vị vua thời Lý đã nhìn ra châu ngọc từ nguyên phi Ỷ Lan, bản lĩnh bất khuất, tinh thần tự trọng, tự tin, có tri thức... để giao cho bà cáng đáng triều chính, xây dựng triều Lý vẻ vang cho dân tộc. Nhìn vào lịch sử dân tộc, chúng ta có rất nhiều những người phụ nữ bất khuất như thế.
Trái tim người mẹ bây giờ quá nhiều tuyệt vọng, lo âu. Rõ ràng, việc giữ gìn những giềng mối gia đình, cộng đồng trong suốt thời gian qua đã không được coi trọng, dẫn tới những chệch choạc trong mối quan hệ con người, nhất là trong đời sống đô thị. Giá trị nhân phẩm là điều đẹp nhất của một cộng đồng, nhưng cũng chưa được xem trọng. Bạo lực còn nhiều lắm, tham nhũng cũng là một dạng của bạo lực... Hãy giữ lấy nếp nhà. Một người mẹ hãy truyền dẫn những đứa con mình nhận biết về cái đẹp. Lòng nhân hậu trong gia đình không giữ được thì làm sao giữ được xã hội khỏi bạo lực.
Người phụ nữ khi yêu là hy sinh tất cả. Những nỗi đau cũng tỏa ra vẻ đẹp, thế hệ trước phải biết cúi xuống, cho thế hệ sau được ngẩng cao đầu, cứu chuộc thế giới. Chính cái đẹp làm chúng ta không gục ngã. Đôi khi cái đẹp nằm trong sự chuyển hóa của tâm tưởng mình, thay đổi nhận thức, cái nhìn, tự nhiên cái đẹp bừng nở.
Hoa hậu Ngọc Diễm: "Cái đẹp thay đổi theo thời đại"
Giá trị của cái đẹp theo tôi là có sức lay động, lan tỏa, đánh thức những tình cảm đẹp của con người, đó là tình yêu và lòng nhân hậu. Nếu không có tình yêu với con người thì nghệ sĩ không thể tạo ra cái đẹp.
Trí thức là người có tình yêu lớn với con người, có hiểu biết để truyền bá cái đẹp đến với mọi người. Những tác phẩm của Beethoven được mọi thế hệ lắng nghe, thổn thức vì nó mang lại những cảm xúc tươi đẹp, bình an, rung động lòng người. Những người làm được điều đó là nghệ sĩ vĩ đại. Lòng nhân hậu, chính là sự quan tâm, tính vị tha, biết sống cho người khác. Khi cái đẹp gắn liền với tình yêu đất nước, gia đình thì bất cứ đâu bạn cũng có thể khoe ra vẻ đẹp của chính mình
Diễn viên điện ảnh Diễm My: Hãy giữ gìn hạnh phúc gia đình
Là thế hệ 9X, tôi nghĩ cái đẹp hình thức đưa người ta đến với mình, nhưng cái đẹp nội dung mới giữ chân người ta lại, đó là vẻ đẹp của trí tuệ, tâm hồn. Nhiều người cho rằng giới trẻ hiện nay chỉ thích bề ngoài. Nhưng hãy nhớ rằng khủng hoảng lối sống bắt nguồn từ văn hóa giáo dục. Nói về cách học lịch sử thôi, cách giảng dạy cũng rất sơ sài, ít thầy cô nào cho học sinh có cơ hội tiếp xúc bằng xương bằng thịt với những mảnh đất lịch sử, những địa danh đã đi vào ký ức dân tộc, hay thăm thú bảo tàng lịch sử... Cách học vẹt khiến học sinh chỉ thi trả bài xong là quên hết. Trên truyền hình, báo chí, chỉ thấy tràn ngập phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc, khiến cho lớp trẻ nhớ lịch sử nước khác vanh vách, mà lịch sử nước mình thì... mù tịt. Xóa bỏ khoảng cách thế hệ cần có một quá trình bắt đầu từ giáo dục, và cái nhìn hết sức công tâm và thiện chí của người lớn, các thế hệ đi trước.
Là diễn viên, tôi cố gắng hết sức để thể hiện nét đẹp Việt qua các vai diễn của mình. Phim cổ trang Việt Nam bị cho là ảnh hưởng quá nhiều văn hóa Trung Quốc, tôi cũng chỉ biết nỗ lực bằng vai diễn của mình, thể hiện sự dịu dàng, đức hy sinh cho tình yêu của người phụ nữ Việt. Trong gia đình, cố gắng cùng ba mẹ gìn giữ sự ấm cúng, những bữa cơm chung, không khí Tết sum họp... những điều tưởng chừng giản dị nhưng khi xa nhà, mới thấy là quý giá vô cùng...
Á hậu Dương Trương Thiên Lý: Người trẻ thiếu tự tôn về dân tộc
Được sống trong thời bình, không phải trải qua gian khổ vất vả như các thế hệ trước, được tôn trọng quyền quyết định, tính độc lập cao... nhưng không hiều sao tôi cứ suy nghĩ về những giá trị thật của dân tộc mình.
Ngày đầu tiên bước ra nước ngoài, tôi rất tự tin về dân tộc mình, nhưng cái nhìn về chiến tranh Việt Nam của thế giới có những điều khác xa, thậm chí là trái ngược, khiến tôi bị sốc. Lần đầu tiên tôi đặt ra câu hỏi, vậy 16 năm qua lớn lên ở Việt Nam thực sự là thế nào? Gia tài của mẹ Việt Nam cho thế hệ chúng tôi là gì? Vì có quá nhiều những giá trị ảo đang ngự trị, những điều mình từng cho là đúng đã trở thành sai...
Con tôi mới chín tháng mà tôi đã loay hoay tự hỏi cho con học trường Tây hay trường Việt? Vì mình học cả trường Tây và trường Việt rồi vẫn không hiểu thực hư thế nào. Mình yêu đất nước mình, nhưng yêu cái gì khi không biết đâu là thật, đâu là giả? Bản thân người truyền đạt kiến thức cũng thiếu tình yêu, nên lối dạy sáo rỗng, học xong quên hết. Người có nhiệt tâm, tình yêu thực sự với nghề giáo còn quá ít. Giới trẻ không được tiếp xúc với những trái tim đó, làm sao tránh khỏi đổ vỡ. Bây giờ, khi đã là một người mẹ, tôi sẽ dạy con tôi như thế nào về đất nước?
Tôi cùng với bạn bè thân thiết làm tờ báo Lifestyle, hy vọng có thể đánh thức cái đẹp trong thế hệ trẻ, nhưng khi đưa cho một người bạn làm báo, anh ấy nói tỉnh queo: "Báo này còn thiếu sex, sốc và sến". Giới truyền thông cũng đang là nguyên nhân chính đầu độc văn hóa. Làm sao có những tờ báo manh tính xây dựng và bảo tồn văn hóa dân tộc? Tôi thất vọng vô cùng, thi hoa hậu càng ngày càng không đẹp, phim ảnh càng ngày càng thiếu nghệ thuật, vì bản thân người làm nghệ thuật không có văn hóa.
Khi bộ phim Trần Thủ Độ mời tôi đóng vai công chúa Ngọc Dung, tôi rất mừng vì hy vọng có cơ hội làm nghệ thuật thực sự, nhưng khi đạo diễn để nghị quay cảnh "nóng" mà chẳng có ích gì trong việc thể hiện tính cách nhân vật, tôi đã từ chối vai diễn. Nghệ thuật phải hướng người ta đến cái đẹp chứ.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã kết thúc buổi tọa đàm bằng những lời kêu gọi thống thiết: " Nhìn về thế hệ kế thừa, lo lắng của tôi còn nhiều hơn. Chúng ta phải tự cứu mình thôi. Thời hội nhập, khái niệm ranh giới, địa lý không còn, phải thu nhận tất cả tinh hoa thế giới để chọn ra cái của mình, đó là cách hành xử để vượt qua những eo thắt hiểm nghèo này của đất nước. Gieo cái mầm tốt là cách để hạn chế cái dở. Rủ nhau đi trồng hoa, nhiều người trồng hoa thì cỏ sẽ bớt đi... Cái thiếu nhất bây giờ là cái neo, điểm tựa, lá cờ đầu. Trong mối lo chung ấy, chúng ta hãy tiếp lửa cho nhau. Cái đẹp cứu chuộc thế giới, biến cỏ thành hoa. Hãy tin vào những điều tốt đẹp, vì cuộc sống luôn đi tới."
Theo Tạp chí Lifestyle

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét