Ngày Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Đôi trẻ tật nguyền và câu chuyện cổ tích tình yêu
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Định mệnh đôi lứa đưa họ lại gần nhau, một mái ấm được dựng xây sau bao rào cản, khó khăn và cả tự ti mặc cảm.
Rồi hạnh phúc ấy đã đơm hoa, kết trái ngọt ngào khi chỉ một năm sau ngày cưới, một cháu trai kháu khỉnh khỏe mạnh chào đời đã thắp lên ánh sáng cho ngôi nhà nhỏ.
Hai số phận, một nỗi đau
Chúng tôi tìm về thôn 2, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vào 1 ngày cuối năm để gặp vợ chồng anh Lê Văn Nghị và chị Nguyễn Thị Long – hai nhân vật chính đã viết nên câu chuyện tình tuyệt đẹp ở miền quê nghèo. Đập vào mắt tôi khi bước chân đến tổ ấm hạnh phúc này là hình ảnh gia đình đang quấn quýt bên nhau, anh Nghị phụ mẹ chuẩn bị bữa cơm trưa, trong khi chị Long ngồi trên chiếc xe lăn đang đùa chơi với đứa con nhỏ. Cháu bé tên là Lê Nguyễn Nhật Phi vừa được 10 tháng tuổi, là kết tinh của tình yêu bền bỉ của hai con người có số phận tật nguyền.
Anh Lê Văn Nghị (SN 1981) sinh ra trong một gia đình công chức nghèo ở xã Tây Trạch, huyện Quảng Trạch. Khi chào đời, Nghị cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng tai ương đã bất ngờ đến với anh khi mới lên 2 tuổi.
Qua một trận sốt li bì, Nghị được các bác sĩ ở trạm y tế xã tiêm thuốc nhưng không may bị trật ven. Lúc đó gia đình vội hoảng hốt đưa đi cấp cứu. Giữ được mạng sống, nhưng một nửa người bên trái, và đặc biệt là cánh tay của Nghị cứ thế teo tóp dần, không cử động được. Chạy vạy khắp nơi nhưng không cứu được phần người lành lặn trong con, bố Nghị đã đóng cửa dắt díu mẹ con vào Long An, nơi đơn vị đóng quân (bố anh Nghị là bộ đội biên phòng) để sinh sống.
Tuổi thơ của Nghị cứ thế trôi đi trong sự cô đơn, buồn tủi. Anh phó mặc cuộc đời cho bố mẹ chăm lo, nuôi nấng. Mãi cho đến năm 2007, lúc nhận quyết định về hưu, bố anh mới đưa cả gia đình về lại quê nhà để sinh sống.
Chị Nguyễn Thị Long (SN 1978) có tuổi thơ đẫm nước mắt và nhuốm màu bất hạnh không kém phần tuổi thơ của Nghị. Chưa đầy một tuổi, người mẹ của Long đã bỏ hai cha con mà đi, chỉ vì cuộc sống quá túng quẫn. Một tháng sau ngày mất mẹ, Long lại phải xa người cha thân yêu của mình vì ông còn nặng nợ với đất nước, phải nhập ngũ để bảo vệ vùng trời thiêng liêng của tổ quốc trong cuộc chiến tranh tại biên giới Tây Nam.
Tuổi thơ của Long chỉ có bà nội cạnh bên. Đến khi Long 12 tuổi thì người cha trở về nhưng sức khỏe đã yếu đi nhiều. Hai cha con lại sớm hôm rau cháo nuôi nhau. Không có nghề nghiệp ổn định, họ chở nhau đi mua cá tại các bãi thuyền về mang ra chợ bỏ cho các đầu mối. Cũng chính công việc vất vả đi sớm về tối này đã mang lại bất hạnh cho đời chị.
Đó là một sáng đầu năm 1997, khi hai cha con vừa đổ xong mối cá, vừa từ thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) quay xe ra quốc lộ để về nhà thì bất ngờ một chiếc xe tải xé màn sương mai lao tới, cuốn phăng hai cha con vào gầm. Chiếc xe nát bét, may mắn sống sót, nhưng Long đã phải đón nhận một tin khủng khiếp là hai chân của chị chẳng thể nào cất bước được nữa, mọi di chuyển phải nhờ đến xe lăn.
Dù rằng, những ngày sau đó, bố Long đã vay mượn cả trăm triệu đồng để đưa con đi chữa trị khắp nơi, những mong tìm lại bước đi quen thuộc của con gái, thế nhưng sau bao vất vả ngược xuôi, cái mà bố con chị nhận được chỉ là cái lắc đầu tiếc nuối của các bác sĩ. Năm đó, chị 18 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất đời con gái.
Định mệnh đưa hai người gặp nhau
Đôi trẻ tật nguyền và câu chuyện cổ tích tình yêu
Cuối năm 2010, Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo về cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật. Chính tại hội thảo này, anh Lê Văn Nghị và chị Nguyễn Thị Long đã gặp nhau.
Nhớ lại khoảnh khắc ấy, chị Long cho biết: “Hôm ấy, tại hội trường dành cho người khuyết tật, tôi và anh Nghị là hai người đến muộn nhất. Lúc tôi đang loay hoay với chiếc xe lăn lên bậc tam cấp thì anh ấy từ xa trông thấy vội chạy đến giúp. Chúng tôi quen nhau từ đó”.
Sau lần gặp đầu tiên ấy, họ mến nhau qua từng ánh mắt, nụ cười. Nhà chị Long ở xã Lý Trạch, cách nhà anh Nghị khoảng 12 cây số nhưng cứ hễ có dịp là Nghị lại qua chơi thăm cô bạn gái mới quen. Câu chuyện của những lần gặp gỡ sau đó đã giúp họ hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nhau hơn. Rồi tình yêu đến như lẽ thường tình tự nhiên nhất.
Khi đôi bạn trẻ quyết định thưa chuyện với gia đình đôi bên và công khai tình cảm, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước song anh chị cũng không lường trước được khó khăn chồng chất khó khăn đến vậy. Gia đình kịch liệt phản đối, hàng xóm lời ong tiếng ve, bạn bè e ngại…
Mấy chục năm chăm nuôi cho một mình đứa con tật nguyền như Nghị đã cơ cực lắm rồi, nay anh còn “rước” thêm một cô gái tật nguyền, cha mẹ Nghị sợ gánh nặng ấy mình không đủ sức kham nổi. Nhưng anh chị không chùn bước, tự mình không được, họ nhờ anh em nội tộc gần xa góp ý, khuyên nhủ. Trước tình yêu mãnh liệt và nghị lực của hai người, cuối cùng đám cưới cũng đã diễn ra, làm náo động cả làng quê nghèo đất Quảng Bình ngày đó.
Kể về đám cưới, anh Nghị vẫn còn nguyên cảm giác của ngày hợp hôn: “Hôm đó, chúng tôi dự tính chỉ mời anh em thân hữu gần xa, tất tật khoảng 13 mâm cỗ. Nhưng đến khi khách khứa đến đông quá, gia đình phải chạy ra thị trấn Hoàn Lão đặt thêm nhà hàng, vị chi là 19 mâm. Mà cũng chẳng phải mỗi cỗ bàn ngồi 6 người như dự tính, mà hầu như mâm bàn nào cũng ngồi 9-10 người”.
Sở dĩ như vậy là do khi được tin anh Nghị và chị Long cưới nhau, không chỉ bạn bè mà nhiều người lạ biết được câu chuyện cảm động của anh chị cũng đã kéo đến chật nhà để chúc phúc. Có những người lặn lội từ thị trấn Ba Đồn vào, rồi trong Quán Hàu ra. Đặc biệt là Hội những người khuyết tật tỉnh Quảng Bình, không ai bảo ai, mọi người đều rồng rắn kéo đến để chia sẻ niềm hạnh phúc ngọt ngào của đôi trẻ.
Hạnh phúc đơm hoa của đôi trẻ tật nguyền
Sau khi cưới xong, cả Nghị và Long đều cố gắng vun vén tổ ấm, bù đắp cho những khiếm khuyết của nhau. Chị Long tuy phải ngồi trên xe lăn, nhưng chị cũng gắng tập làm những việc nhà đơn giản như dọp dẹp, nấu ăn, còn anh Nghị đảm nhận phần việc đi chợ giúp vợ.
Sẵn có tay nghề từ hồi chưa lấy chồng học được từ hội người khuyết tật, chị Long nhận đan len, đan mũ và khăn ấm. Sản phẩm của chị tuy không nhiều nhưng mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên được mọi người đón nhận. Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Bình cũng đã nhiều lần đưa sản phẩm này giới thiệu tại các hội chợ để giúp chị quảng bá thêm thương hiệu.
Trong khi đó, cũng với tâm niệm, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và đặc biệt là cho người vợ tàn tật của mình, anh Nghị cũng đã mạnh dạn vay vốn, mở quán cà phê kiêm bi da ngay tại nhà. Được cái, cà phê anh pha nguyên chất, hương vị đậm đà nên khách đến ngày càng nhiều.
Hạnh phúc hơn nữa là trong lúc chẳng ai dám nghĩ đến thì chị Long mang bầu và sinh ra một bé trai kháu khỉnh, lành lặn. Đứa trẻ được anh chị đặt tên là Lê Nguyễn Nhật Phi. Đến nay, cháu đã gần được 1 năm tuổi, rất tinh anh, khôi ngô tuấn tú. Anh chị cùng cho biết, sự chào đời của cháu Nhật Phi đã làm cho mái ấm thêm rộn tiếng cười vui.
Trong ngôi nhà nhỏ nhưng ngập tràn hạnh phúc ở xóm Làng, xã Tây Trạch, tiếng cười của những con người biết vượt qua số phận, chiến thắng định mệnh để đến với nhau, viết nên một câu chuyện tình yêu đẹp tựa như cổ tích đang được người dân Quảng Bình truyền tụng, ngợi ca. Tổ ấm ấy đang bền vững theo thời gian, đặc biệt là từ lúc có tiếng cười nói bi bô của cháu Lê Nguyễn Nhật Phi.
Nguồn: webcamdong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét