Ngày Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Kinh tế Trung Quốc sẽ có cú sụp đổ kinh hoàng?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Kinh tế Trung Quốc sẽ có cú sụp đổ kinh hoàng?
Rất có thể những hệ quả mới chỉ bắt đầu. Nhiều chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể phải chịu những nỗi đau lớn hơn rất nhiều.NHTW Trung Quốc đã khiến thị trường toàn cầu quay cuồng khi cố gắng thắt chặt tín dụng và hạn chế hệ thống ngân hàng trong bóng tối (shadow banking). Tuy nhiên, rất có thể những hệ quả mới chỉ bắt đầu. Nhiều chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể phải chịu những nỗi đau lớn hơn rất nhiều.“Tín dụng đã được thắt chặt kể từ cuối năm ngoái”, Leland Miller – chủ tịch của China Beige Book International nhận định.
Theo Leland, lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng lên chính là một chỉ số thể hiện sự căng thẳng của hệ thống. Cơ chế chu chuyển tín dụng đã vỡ vụn và cho đến khi điều này được sửa chữa, Trung Quốc sẽ không thể có được kết cục tốt đẹp.
Trong thông báo được gửi đi tuần trước, NHTW Trung Quốc khẳng định nền kinh tế và hệ thống tài chính đang vận hành trơn tru và không hề có hiện tượng thiếu thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải chịu đựng những rắc rối từ tín dụng và tình trạng đầu tư quá mức trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm.
Bill Smead – CEO kiêm CIO của Smead Capital Management – cho rằng trong giai đoạn 2008 – 2011, Trung Quốc đã bơm vào nền kinh tế khoảng 2.500 tỷ USD. Phần lớn số tiền này đổ vào các công cụ đầu tư để xây dựng cầu cống, sân bay và chung cư. Rất nhiều dự án được xây dựng chỉ với mục đích thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội mà không tạo ra nhiều hiệu quả về mặt kinh tế.
Trong khi đó, Gordon Chang – tác giả của cuốn sách “The Coming Collapse of China," (tạm dịch: Cú sụp đổ sắp tới của Trung Quốc) cho rằng nước này chỉ có thể tăng trưởng 2 -3%. Thậm chí, nếu tất cả hoạt động xây dựng đổ vào các thành phố ma và “những con đường chẳng dẫn đến đâu”, nền kinh tế có thể không tăng trưởng.
Gordon Chang bổ sung nên nhìn vào sản lượng sử dụng điện để xem xét tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thay vì các con số chính thức. Trả lời phỏng vấn CNBC hồi đầu tháng, ông nhận định Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,9% trong quý I thay vì 7,7% như báo cáo.
Và, rất nhiều khoản vay được sử dụng để tài trợ cho các thành phố ma và những tuyến đường sắt bỏ hoang. Các chủ nợ gần như không bao giờ có thể thu hồi những khoản nợ này. Thay vào đó, các ngân hàng tiếp tục đảo nợ.
Nếu các ngân hàng ngừng đảo nợ, hệ thống ngân hàng có thể xuất hiện một “lỗ hổng” về vốn. Trong trường hợp này, chính phủ buộc phải bỏ ra một số tiền khổng lồ để tái cấu trúc các ngân hàng.
Trung Quốc có thể làm hai điều để phòng chánh rủi ro: nâng cao tỷ lệ dự trữ bắt buộc và sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ.
David Riedel – chuyên gia đến từ Riedel Research Group – cho rằng trong khi nhà đầu tư phải lo lắng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức 20% mà chính phủ đưa ra và kho dự trữ ngoại hối 3.000 tỷ USD là “hai trụ đỡ quan trọng”.
Tuy nhiên, sử dụng dự trữ ngoại hối để tái cấu trúc các ngân hàng có thể gây nên nhiều hậu quả không mong muốn: phá hoại đồng nhân dân tệ và gây nên lạm phát, dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn.
Bi quan
Đối với một số nhà đầu tư quốc tế, sự bấp bênh của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc tránh đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Rajiv Jain – giám đốc của quỹ Virtus Foreign Opportunities Fund – nói với các nhà đầu tư tham dự hội thảo của Morningstar rằng ông “rất lo lắng về những rủi ro đến từ hệ thống ngân hàng trong bóng tối của Trung Quốc”.
Nhận định về đầu tư trong quý I vừa qua, ông cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc là không bền vững. Jain bổ sung thê rằng các rủi ro mang tính chất hệ thống. Nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm, chắc chắn là giá hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Giá hàng hóa thấp dẫn đến thu nhập cũng như đầu tư vào các nước xuất khẩu sụt giảm. Các nước này bao gồm Indonesia, Malaysia, Brazil, Canada và Australia.
Ông khuyến nghị nên đầu tư vào các công ty có phần lớn hoạt động ở trong nước (ví dụ như các ngân hàng Ấn Độ) và đánh giá rất thấp các công ty liên quan đến thị trường hàng hóa (vốn phụ thuộc vào Trung Quốc).
Cơ hội của Trung Quốc?
Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan về Trung Quốc. “Chúng tôi vẫn tin rằng Trung Quốc có thể xoay xở được”, Todd Henry – chuyên gia đến từ T.Rowe Price nhận định. Mặc dù nhận định Trung Quốc đã sai lầm trong phân bổ nguồn vốn và hệ thống tài chính ẩn chứa rủi ro, Henry vẫn cho rằng không có rủi ro hệ thống.
T. Rowe cho rằng không nên đầu tư vào mảng tài chính của Trung Quốc. Các cổ phiếu chưa đủ rẻ để chấp nhận rủi ro. T. Rowe ưa chuộng cổ phiếu của các công ty tiêu dùng, Internet và công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
Richard Gao, chuyên gia tại Matthews Asia, cho rằng Trung Quốc sẽ không đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân hàng trên diện rộng. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên có cách tiếp cận thận trọng và giảm danh mục đầu tư vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các ngân hàng.
Michael Kurtz, trưởng bộ phận đầu tư cổ phiếu của Nomura, cũng cho rằng nỗ lực thắt chặt tín dụng “rất hữu ích trong việc giúp nền kinh tế Trung Quốc bền vững hơn trong trung và dài hạn. Thậm chí, đây là điều tích cực cho các định chế tài chính của Trung Quốc.
Còn Bill Stone của công ty quản lý tài sản PNC Asset Management thì cho rằng có vẻ như Trung Quốc không sụp đổ và những biến động gần đây có thể tạo ra cơ hội trong tương lai.
2007 hay 1979?
Chuyên gia đến từ HSBC Garry Evans so sánh bối cảnh hiện nay của Trung Quốc với nước Mỹ hồi năm 1979, khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Paul Volcker lên nhậm chức. Theo Evans, chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào cải cách, thị trường sẽ chờ đợi liệu cải cách sẽ diễn ra như thế nào.
Trong khi đó, Henry cho rằng chuyển trọng tâm nền kinh tế từ đầu tư sang tiêu dùng nội địa sẽ là một quá trình đòi hỏi nhiều sự khéo léo. Rủi ro nằm ở chỗ Trung Quốc có thể đi chệch hướng và mất kiểm soát. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tỏ ra khá xuất sắc trong nhiệm vụ điều hành nền kinh tế.
Trong khi đó, Smead có cái nhìn ảm đạm hơn khi cho rằng Trung Quốc năm 2013 giống với nước Mỹ thời kỳ 2007 – 08, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra. Trung Quốc là mối lo ngại lớn nhất của Smead và ông tránh đầu tư vào các công ty năng lượng, tài nguyên cũng như công nghiệp phụ thuộc vào Trung Quốc.
Smead dự báo Trung Quốc sẽ chịu đựng một cuộc suy thoái sâu kéo dài đến 4 năm.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét