Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại

Ngày Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại
TS Đặng Kim Sơn
SGTT.VN - Chúng tôi thực hiện bài ghi ý kiến TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, người luôn nhấn mạnh cần nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cách đối xử với lĩnh vực quan trọng này chưa công bằng.
Nông dân hy sinh quá nhiều
Từ đầu năm 2013 đến nay, chúng ta nói nhiều đến công lao điều hành kinh tế vĩ mô giữ cán cân thương mại ổn định, lạm phát giảm, nhưng có một điều không ai nói đến đó là phần hy sinh to lớn của nông dân. Giá lúa gạo, nông sản rẻ thê thảm, trong khi nông dân thiệt hại thì lại giúp cho rổ hàng hoá khả quan lên, lạm phát giảm đi. Lạm phát giảm nên Chính phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ. Hy sinh của nông nghiệp đã bù đắp cho nợ xấu ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp. Trong khi đó, đáng lẽ công nghiệp hoá và đô thị hoá thì phải lấy công nghiệp có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn để đẩy đất nước lên, sau đó quay lại bù đắp cho nông nghiệp.

Trong các chính sách các tỉnh trải thảm đỏ mời gọi đầu tư thời gian qua đã không tính đến giá môi trường, mất cân bằng trong tài nguyên. Chính chuyện hy sinh tài nguyên và môi trường mà làm cho việc phát triển công nghiệp và đô thị rất dễ dàng.

Chúng ta thấy nông nghiệp đóng góp 24% cho xuất khẩu, 20% cho GDP, nơi tạo việc làm cho một nửa lao động cả nước, nhưng tỷ trọng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp chưa được 10%, chi tiêu công cho nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong tổng chi tiêu công. Cái chúng ta lấy đi từ nông nghiệp, nông thôn quá lớn so với trả lại cho họ.

Tương lai còn đáng lo hơn

Tốc độ tăng GDP của nông nghiệp ổn định nhưng rõ ràng so với công nghiệp thì chỉ bằng 1/3 vì năng suất lao động của công nghiệp. Nếu như thế thì đáng lý công nghiệp phải hút lao động gấp đôi, gấp ba lần. Nhưng thực tế không phải vậy vì công nghiệp ngày càng đầu tư máy móc hiện đại, nên tính đến chuyện chuyển 80% trong số 30 – 40 triệu nông dân sang công nghiệp thì không có cửa để họ đi vào đô thị.

Đất đai là tài nguyên duy nhất mà Nhà nước giao cho nông dân, nhưng 61% nông dân chỉ có dưới 0,5ha; 32% từ 0,5 – 3ha; còn nông dân sản xuất lớn rất ít. 

Nông dân Việt Nam chịu sức ép về công nghiệp hoá: lấy đi tài nguyên đổ chất thải trở lại, chịu sức ép của biến đổi khí hậu, thiên tai, của xâm nhập mặn, chịu cạnh tranh thương mại bất bình đẳng, sức ép của đô thị hoá. Trong khi đó nông dân phải đương đầu với giá cả biến động, không có bảo hiểm, không có thị trường giao sau, không có dự báo thị trường. Còn ốm đau thì đối mặt với tình trạng chăm sóc sức khoẻ ở nông thôn quá tệ.

Người thành thị được phòng chống thiên tai tốt hơn như triều cường đã lo nâng đường. Còn nông thôn, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh người dân gánh chịu hết, 70% chi phí phòng chống thiên tai là do họ tự bỏ ra từ vốn liếng sản xuất ít ỏi của mình. Hơn 40% hộ gia đình nông dân khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, họ không gượng dậy nổi.

Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp trong 30 năm khá tốt, e rằng từ đây chững lại. Những chính sách tức thời không giải quyết được căn cơ khi vấn đề quyết định là năng suất lao động.

Các tổ chức quốc tế dự báo 50 năm tới giá nông sản thế giới sẽ dừng lại ở mức rất cao, nhất là những nông sản sạch và chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh về tài nguyên, ví dụ việc khai thác nước ở thượng nguồn sông Mekong, cạnh tranh về nghề cá trên Biển Đông. Trong nước thì người ta không muốn làm nông nghiệp nhưng lại đòi hỏi cao hơn về chất lượng nông sản.

Nhà nước nên giảm bớt chuyện chi tiết, đã từng diễn ra cảnh lãnh đạo đi chỉ tay nuôi con nọ, trồng cây kia, đến lúc người ta trồng, nuôi có sản phẩm bán không ra thì không thấy anh hoạch định đâu cả. Nhà nước nên tập trung xây dựng pháp lý cho thị trường, đất đai, từ đó người dân sẽ quyết định trồng gì, nuôi gì; hỗ trợ cho nghiên cứu, không cần phải viện nghiên cứu quốc gia vì trên thế giới hầu hết tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp là do tư nhân nghiên cứu. Vai trò của nhà nước là đàm phán những hiệp định quốc tế, làm qui hoạch, pháp lý, những dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến nông, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn. Hiện nay các bộ tranh nhau về đào tạo nghề cho nông thôn, nhưng rốt cuộc người hưởng lợi trực tiếp là nông dân thì lại trở thành đối tượng bị động.

Chúng ta đang xuất khẩu 6 – 7 triệu tấn lúa mỗi năm, nếu lùi bớt lại vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Chúng ta phải giữ 3,8 triệu hecta đất làm lúa, nhưng có thể thay vì ba vụ lúa thì làm hai lúa – một màu, trồng thêm ngô, khoai tây, thậm chí hai màu – một lúa. Hiểu theo quy định nhà nước là không chuyển đất lúa thành đào ao. Nên chuyển sang khái niệm giữ đất nông nghiệp chứ không phải giữ đất lúa, tức là không làm sân golf, khu công nghiệp trên đất nông nghiệp.

CÁC NGỌC( GHI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét