Câu chuyện về các nhà ngoại cảm đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là sau một loạt phóng sự VTV “vạch mặt nhà ngoại cảm”, trong đó có cả một nhân vật được coi là “huyền thoại ngoại cảm” của Việt Nam, vậy Ông bình luận gì về vấn đề này?
Tôi hoàn toàn ủng hộ VTV trong việc vạch mặt giới ngoại cảm. Nếu có tiếc thì chỉ tiếc là VTV lên tiếng hơi muộn. Với sức mạnh to lớn trong việc tác động lên nhận thức và hành động của xã hội, nếu VTV lên tiếng sớm hơn, chắc chắn giới ngoại cảm không thể lộng hành như thời gian qua. Tôi rất mừng là nay xã hội đã tương đối đồng thuận trong vấn đề rất nhạy cảm này.
Xin lưu ý rằng, ngay từ 2007, tôi đã được cộng tác với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) và nhà thơ Nguyễn Quyến để vạch mặt giới ngoại cảm. Và vào năm 2008, báo Thể thao và Văn hóa đã đăng liên tiếp 28 bài viết của tôi về các hiện tượng dị thường, trong đó tôi kiên quyết bác bỏ cái gọi là “ngoại cảm tìm mộ”, một thuật ngữ hoàn toàn sai về mặt học thuật và về mặt thực tiễn.
Đại tá Tiến sỹ Đỗ Kiên Cường.
Báo chí có thuật ngữ nhà ngoại cảm “rởm” và nhà ngoại cảm “chân chính”, vậy theo Ông có tiêu chí gì để phân biệt không hay tất cả đều là rởm?
Khi được đăng bài trả lời phỏng vấn kết luận loại bài viết với cái tít: “Đại tá Đỗ Kiên Cường, chiến binh quyết sạch ngoại cảm giả danh”, tôi đã đùa với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Nguyễn Quyến rằng, phải chăng tôi không chống ngoại cảm “chân chính”.
Xin khẳng định một sự thật rằng, sau 130 năm nghiên cứu (sau khi Hội nghiên cứu đầu tiên trên thế giới ra đời tại Anh năm 1882), giới khoa học quốc tế chưa tìm thấy bất cứ một bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy các hiện tượng ngoại cảm và tâm linh có thật. Điều đó có nghĩa bất cứ ai tuyên bố có khả năng tiên tri, thấu thị hoặc áp vong, họ chính là kẻ lừa đảo, cho dù là lừa đảo chủ ý (để cầu danh lợi) hoặc không chủ ý (do tin tưởng mù quáng vào khả năng không có thật của mình).
Xin nhấn mạnh điều căn cốt đó, do một thực tế là ngay cả những người đang mạnh mẽ phê phán giới ngoại cảm tìm mộ dường như cũng tin các hiện tượng tâm linh có thể có thật, cho dù với xác suất rất nhỏ. Nhiều người nhắc tới Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên tri Nostradamus hoặc nhà tiên tri Vanga.. Xin nhấn mạnh rằng, nguyên lý bất định của cơ học lượng tử đã là phát súng ân huệ đối với khả năng tiên tri từ lâu rồi; nếu không thì các hãng xổ số đã phá sản.
Những vấn đề VTV đề cập không phải là lần đầu nhưng trước đây báo chí chỉ “đánh” lẻ tẻ rồi sau đó chìm xuống và những người được gọi là “nhà ngoại cảm” vẫn hoạt động bình thường? Ông có thấy điều này là bất thường?
Không có đơn vị và cá nhân quyền lực nào đứng sau hoặc bao che giới ngoại cảm và tâm linh đâu. Chính xác hơn, chính chúng ta là những kẻ bao che. Tại sao tôi nói như vậy? Đó là vì “chúng ta muốn tin”, một bản năng gốc của con người.
Có thể bạn đọc ngạc nhiên, nhưng khoa học cuối thế kỷ 20 chứng tỏ rằng, con người là loài động vật mê tín, khi chúng ta rất thích nghe và dễ tin các hiện tượng lạ thường, những hiện tượng có vẻ nằm ngoài hiểu biết đương đại. Tại sao như vậy? Lý thuyết tiến hóa hiện đại nói rằng, người mê tín có sức khỏe thế chất và tinh thần tốt hơn người không mê tín, do đó có khả năng di truyền hệ gien bản thân tốt hơn. Là hậu duệ của những người mê tín, nên chúng ta mang sẵn cái bản năng mê tín trong bản chất sinh học của mình! Tuy nhiên đây là một chủ đề rất phức tạp, nếu có dịp tôi sẽ trình bày rõ hơn.
Từ vụ VTV lật tẩy nhà ngoại cảm: Tiến sỹ Đỗ Kiên Cường "cần cấm giới ngoại cảm hành nghề".
Vấn đề nhà ngoại cảm, nhất là việc sử dụng họ trong việc tìm mộ liệt sĩ đã quá rối loạn trong thời gian qua. Vậy theo Ông, các cơ quan nhà nước cần ứng xử như thế nào để thay đổi tình trạng trên? Có ý kiến cho rằng, nên cấm triệt để hoặc nếu để các nhà ngoại cảm này tồn tại thì cần phải quản lý bằng cách tổ chức thi để cấp giấy chứng nhận, cấp giấy hành nghề.
Nếu đặt ra nhiệm vụ quản lý ngoại cảm, nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là của Mỹ, nơi cả hai giới ủng hộ và phản đối các hiện tượng lạ đều hoạt động rất năng nổ. Ở đây có hai vấn đề: học thuật và quản lý nhà nước. Về mặt học thuật, chính phủ Mỹ tuyệt đối không chi tiền thuế của dân để nghiên cứu các hiện tượng đáng ngờ về mặt khoa học như ngoại cảm và tâm linh. Cần lưu ý thêm rằng, các tờ báo chính thống ngoại quốc (như Time, Newsweek, The Economist,…) không bao giờ viết về các hiện tượng này (trừ các bài phê phán!). Tất cả kinh phí nghiên cứu ngoại cảm đều do sự đóng góp của những người ưa chuyện lạ.
Do không công nhận ngoại cảm về mặt học thuật, nên chính phủ Mỹ cũng không đặt ra vấn đề quản lý ngoại cảm (tại sao lại quản lý cái không có?). Các nhà ngoại cảm được tự do hoạt động để thỏa mãn tính hiếu kỳ của dân chúng, miễn là không ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người khác và của xã hội. Nếu có sự lừa gạt thì đó là việc của tòa án.
Riêng tại Việt Nam, quan điểm của tôi là cấm giới ngoại cảm hành nghề. Còn ai muốn chứng tỏ khả năng, hãy thực hiện sự thử nghiệm trước giới chuyên môn đủ tư cách học thuật. Tuy nhiên đó chỉ là hoạt động thuần túy học thuật mà thôi.
Hôm qua, cơ quan công an đã bắt “nhà tâm linh” - cậu Thủy (Bắc Ninh) vì tội lừa đảo làm giả hài cốt liệt sỹ. Đây không phải “nhà ngoại cảm” duy nhất có hành vi lừa đảo nhưng là trường hợp đầu tiên bị xử lý theo pháp luật. Vậy theo Ông, có nên có một cuộc tổng điều tra và xử lý tất cả những trường hợp có bằng chứng lừa đảo theo đúng quy định của pháp luật?
Đó là điều bình thường trong một nhà nước pháp quyền và nên làm.
Gần đây, một giáo sư có tiếng đã phát biểu đại ý: không thể để Viện Toán học, Viện Vật lý “đứng cùng” với một trung tâm có những nghiên cứu về “áp vong”. Ông bình luận thế nào về phát biểu này?
Tôi hiểu sự bức xúc của và hoàn toàn đồng ý với ý tưởng đó. Theo tôi, UIA và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người là những tổ chức phải chịu trách nhiệm chính trong việc lăng xê giới ngoại cảm. Qua các sự vụ như công nhận khả năng áp vong của cô đồng Phương tại Thanh Hóa, tung hô lúa nhân điện (trồng lúa không cần phân bón và thuốc trừ sâu, chỉ cần nhà nhân điện tuần hai lần đề nhìn ruộng lúa trong vài phút để “truyền năng lượng vũ trụ” mà lúa tốt bời bời!), bênh vực Phan Thị Bích Hằng hoặc gắn gương Huyền Thông để tôn vinh một số nhà ngoại cảm, có thể thấy hai tổ chức này là các cơ quan phản khoa học hơn là khoa học.
Có thể bạn đọc không ngờ tới một thực tế rất đáng buồn rằng, ông tiến sỹ giám đốc UIA hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì, cho dù ông rất hăng hai nghiên cứu và tung hô giới ngoại cảm. Nếu không tin, xin bạn đọc hãy tìm lại hai loạt bài viết cũ của tôi.
Những người phụ trách UIA hay Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cũng là nhà khoa học, vậy theo Ông tại sao họ lại tin và thuyết phục dư luận là có những nhà ngoại cảm thật (nhà ngoại cảm chân chính) dù khẳng định khả năng của họ chỉ đạt 60-70% và có thể mất đi ?
Có hai lý do cơ bản. Đầu tiên với tư cách một người bình thường, họ cũng mê tín như chúng ta, do bản năng sinh học chi phối. Thứ hai, tuy cũng là nhà khoa học, nhưng họ không phải là nhà khoa học trong lĩnh vực dị thường học, nên thiếu kiến thức chuyên sâu. Năm 2002, tôi đã từng báo cáo chủ đề Các hiện tượng ngoại cảm và tâm linh dưới ánh sáng khoa học tại Viện Vật lý thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nên tôi biết. Tại buổi seminar đó, vị giáo sư giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người hoàn toàn chưa biết những thông tin mà tôi trình bày.
Ông đánh giá thế nào về sự “chủ quan” của các tổ chức chi tiền cho việc tim kiếm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm như trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội chi hơn 7 tỷ đồng cho “nhà tâm linh Thủy”?
Hoặc họ tin tưởng mù quáng vào khả năng tâm linh, hoặc họ không tin nhưng vẫn chi tiền vì những lý do “tế nhị” nào đó. Chúng ta tin tưởng vào cơ quan điều tra và cùng chờ sự kết luận của pháp luật.
Xin cám ơn ông!
H.Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét