Ngày Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Còn rủi ro gì từ chính sách tiền tệ?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Còn rủi ro gì từ chính sách tiền tệ?
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, áp lực lớn trong ngắn hạn, đà tăng trưởng nhanh sẽ không thể trở lại trong 1-2 năm tới.Tại buổi tọa đàm “Nhìn lại điều hành chinh sách của Ngân hàng Nhà nước 2011-2013: những kết quả và thách thức”, diễn ra trong buổi sáng nay (30/10), nhiều nhà khoa học, các nhà kinh tế, các ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách vv… đã cùng thảo luận dưới nhiều góc cạnh khác nhau, góc nhìn tổng thể vĩ mô, góc nhìn từ những người điều hành vi mô trực tiếp (các ngân hàng thương mại), góc nhìn xuất phát từ bài học của các nước trên thế giới, của các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá về quá trình thiết kế và điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong 3 năm qua.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đã cùng nhận định bối cảnh nền kinh tế trong nửa đầu năm 2011 đứng trước thách thức, rủi ro hết sức khó khăn, trong đó lạm phát tăng cao, mặt bằng lãi suất vọt lên tới 22-24%/năm; Tiền đồng mất giá, trong khi dự trữ ngoại hối mỏng; hiệu quả đầu tư công thấp; nhập siêu cao; khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng xuống thấp, mức độ rủi ro, khả năng đổ vỡ của một số NHTM khá cao; bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng tiêu cực vào kinh tế Việt Nam.
Hội thảo đã đánh giá được một số mặt tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua trên các khía cạnh.
Thứ nhất, kết quả điều hành chính sách tiền tệ từ năm 2011-2013 là một trong những điểm sáng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp vai trò trọng yếu vào thiết lập sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát về mức thấp và duy trì ổn định trong 2 năm (2012-2013) xoay quanh 7%/năm; tính kiên định, nhất quán xuyên suốt và thông điệp rất rõ ràng từ NHNN trong việc đặt mục tiêu ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô và giảm lạm phát được khẳng định rõ nét. Đây cũng chính là điểm tựa quan trọng trong cải thiện thứ bậc về môi trường kinh doanh của Việt Nam (tăng 5 bậc).
Thứ hai, định hướng rõ ràng và chủ động dẫn dắt thị trường, linh hoạt trong điều hành triển khai thực thi các giải pháp của chính sách tiền tệ được các chuyên gia đánh giá là phương pháp điều hành khá mới và rõ nét của chính sách tiền tệ.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đánh giá, trong hai năm qua (2012, 2013) cán cân thương mại được cải thiện đáng kể; dự trữ ngoại hối tăng. Riêng tỷ giá hối đoán của Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá là ổn định nhất khu vực, trong khi đã có tiền tệ một số nước giảm giá trị tới 17-18%.
Đây là điểm quan trọng trong củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tổng quát lại.
Thứ ba, sự phối hợp đồng bộ trong sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ, đồng thời bước đầu có sự phối kết hợp tốt với các công cụ của chính sách tài khóa, như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong quá trình tái cơ cấu phân bổ dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, khu vực ngành nghề cần ưu tiên.
Thứ tư, thị trường tiền tệ ổn định, hoạt động ngân hàng từng bước được củng cố tạo sự lành mạnh sau những biên pháp quyết liệt của NHNN triển khai các biện pháp cơ cấu lại các ngân hàng, sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém. Bước đầu 9 NHTM nhỏ đã được cơ cấu lại, loại bỏ nguy cơ đổ vỡ hệ thống, thanh khoan của hệ thống cải thiện đáng kể.
Đề án xử lý nợ xấu bước đầu đã triển khai có kết quả, VAMC ra đời đã và đang có động thái tích cực thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của toàn hệ thống.
Thứ năm, việc NHNN triển khai quyết liệt thực hiện Nghị định 24 đã xử lý một bước căn bản về những bất cập chính sách quản lý vàng, từng bước sắp xếp, tổ chức thị trường một cách cơ bản, nhất là thị trường vàng miếng.
Chuyên gia lĩnh vực ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định,thời gian qua, NHNN đã thực hiện được một số thành công nhất định. Trong đó, NHNN đã xóa bỏ “vàng hóa” qua việc ngưng huy động vàng; lợi nhuận qua đấu thầu vàng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước…
Những rủi ro thách thức trong thời gian tới
Nhiều chuyên gia đều thống nhất đưa ra nhận định và cảnh báo rủi ro, thách thức trong thiết kế và điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến nhận định: Tác động từ bên ngoài có thể dễ nhận thấy khi NHTW các nước phát triển, nhất là Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang điều chỉnh gói QE3 tác động đến dòng vốn ngoại quay đầu chảy ra, cần có dự tính nhằm tránh tác động đến tỷ giá và lãi suất;
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực lớn trong ngắn hạn, đà tăng trưởng nhanh sẽ không thể trở lại trong 1-2 năm tới, nếu nóng vội muốn tăng trưởng nhanh thì nguy cơ lạm phát cao lại ngay lập tức có thể quay lại (phải tăng đầu tư, trong khi ngân sách hạn hẹp, đầu tư công vẫn là kênh chủ yếu, áp lực đòi hỏi tăng tín dụng cao);
Phối hợp trong điều hành chính sách, nhất là chính sách điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý theo giá thị trường nếu không đồng bộ, lộ trình không được tính toán cụ thể có thể làm phương hại lên mục tiêu ổn định lạm phát (có tới 2/3 nguyên nhân của chỉ số CPI năm 2013 là do tác động từ điều chỉnh giá mặt hàng và dịch vụ công của các bộ ngành địa phương);
Nguyên nhân căn bản và sâu xa dẫn đến lạm phát cao luôn tiềm ẩn vẫn chưa chữa trị nhiều, đó là tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, dựa vào vốn, cải cách cơ cấu kinh tế còn rất chậm vá thiếu quyết liệt (cải cách doanh nghiệp và đầu tư công).
Kiến nghị các giải pháp
Các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý kiến nghị, NHNN nên kiên định lập trường điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt để đạt được mục tiêu xuyên suốt đó là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tạo điều kiện duy trì lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đồng bộ và nhất quán trong điều hành và sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn; các biện pháp xử lý nợ xấu; các chương trình tín dụng đặc thù nhằm phát huy hiệu quả của kênh tín dụng, kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ chủ lực góp phần tăng tổng cầu ở mức hợp lý, cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cần có các giải pháp để phát triển thị trường tiền tệ và hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất theo hướng có lộ trình giảm dần biện pháp quản lý hành chính, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tự do lãi suất;
Về quản lý thị trường ngoại hối, trong thời gian tới cần nghiên cứu có thể tăng tính linh hoạt hơn qua việc nới biên độ tỷ giá.
Trong nhóm giải pháp về cơ cấu các tổ chức tín dụng cần được quyết liệt hơn, lộ trình nâng cao năng lực về quản trị, về chất lượng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước cần gấp rút thực hiện để nâng cao tính ổn định, phát triển bền vững…
THEO VNMEDIA
http://beta.vnmedia.vn/VN/kinh-te/tai-chinh-ckhoan/25_1848684/con_rui_ro_gi_tu_chinh_sach_tien_te.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét