Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Nghệ sĩ ủng hộ 'album tục' của Ngọc Đại
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Nghệ sĩ ủng hộ 'album tục' của Ngọc Đại
Đồng nghiệp tôn trọng sáng tạo riêng của nhạc sĩ có biệt danh 'Đại Điên'. Có người còn cho rằng nên tổ chức hội thảo âm nhạc bàn về CD 'Thằng Mõ 1' đang gây bão dư luận do chứa ngôn từ dung tục, không xin phép.Nhà thơ Nguyễn Đình Chính - tác giả những bài thơ mà Ngọc Đại phổ nhạc - cho biết Ngọc Đại hay phổ thơ của những người bạn như Thụy Kha, Trọng Tạo… Bạn bè thường để ông tùy ý, không quan tâm tới việc xin phép hay tiền tác quyền.
Ngọc Đại nổi tiếng vì sự cá tính trong âm nhạc.
Lê Minh Sơn cho biết, sau khi thu âm “Thằng Mõ 1”, Ngọc Đại đem tặng các nghệ sĩ thân quen. Bạn bè nhận, nhưng thương hoàn cảnh của ông nên thường tặng lại tiền. “Vì thế không thể coi đây là chuyện mua - bán, phát hành đĩa. Theo tôi đây là cuộc chơi riêng của Ngọc Đại” - Lê Minh Sơn nhận xét. Là người đi sau, Lê Minh Sơn rất quý trọng những gì Ngọc Đại làm bởi anh đánh giá Ngọc Đại làm bất cứ thứ gì cũng chỉ xoay quanh âm nhạc.Kết quả bình chọn
Theo bạn, nên xử lý thế nào với album 'Thằng Mõ 1' của Ngọc Đại?
- Thu hồi triệt để, ngay lập tức.phiếu
- Cái gì đã phát hành rồi thì thôi, chỉ cần có biện pháp ngăn in sao, tái bản.phiếu
- Mở đường cho nhạc sĩ tiếp tục sáng tạo nghệ thuật.phiếu
Tổng cộng: 3798 phiếu
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, một người thân thiết với Ngọc Đại, nghe hết những tác phẩm của ông từ xưa đến nay, nhận xét: “Ngọc Đại không giống ai về tư duy âm nhạc. Anh ấy làm âm nhạc cho mình, để mình dùng, không có mục đích nào khác ngoài đam mê. Đĩa vừa rồi càng chứng tỏ con người Ngọc Đại. Từ nhiều năm nay, anh không có vợ con, chỉ còn biết đến âm nhạc”. Nhà thơ Phan Huyền Thư cũng cho rằng, CD không phải là một dự án chính thống. Bản thân Ngọc Đại từ lâu đã một mình một cõi, nên để ông được tự do với âm nhạc của mình.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - bố nhạc sĩ Anh Quân. Ảnh: Thỏ.
Khi bàn về những ngôn từ nhạy cảm trong sản phẩm âm nhạc của Ngọc Đại, các nghệ sĩ đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Theo Lê Minh Sơn, nhạy cảm hay không do quan niệm của mỗi người. Nhà sản xuất âm nhạc Chu Minh Vũ nhận xét đây là chuyện rất bình thường. “Giới hạn giữa thanh và tục cần có thời gian thẩm định. Ca dao tục ngữ có những bài rất tục, chúng ta thường tránh đi nhưng không vì thế mà nó bị mất. Ngọc Đại là một nghệ sĩ độc lập, không theo phép tắc thông thường. Những người như thế, những gì càng cấm sẽ càng lao vào”.Theo Chu Minh Vũ, không nên cổ súy phổ biến những tác phẩm nhạy cảm rộng rãi đến công chúng nhưng nên có cơ chế riêng cho những tác phẩm đó. Thế giới có những phim như “Shortbus”, “9 songs” khiến ngay cả giới chuyên môn cũng choáng váng về sự tiếp cận trực diện yếu tố tình dục. Những phim như thế không bị hủy mà có cơ chế riêng để đưa vào giảng dạy cho sinh viên điện ảnh, tư liệu tham khảo, giới hạn độ tuổi người xem. Như thế mới không giới hạn sự sáng tạo của người nghệ sĩ. “Có câu: Kẻ điên sáng tạo thế giới. Nếu không có kẻ điên, nghệ thuật toàn sự an toàn, không có gì đáng xem nữa” - Chu Minh Vũ phản biện.
Nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha còn cho rằng sự kích thích của âm nhạc là tiết tấu chứ không phải ngôn từ như văn chương. “Thời kỳ Thơ Mới, Bích Khê từng có câu: Đây sự thực trần truồng nằm giữa háng - có sao đâu”, Thụy Kha phát biểu. Cũng theo ông, âm nhạc đương đại có quyền “sờ” vào mọi thứ, hơn nữa xét về mục đích, CD của Ngọc Đại không có tư tưởng chống đối.
Nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha.
Nói về giải pháp với CD của Ngọc Đại, cơ quan chức năng định thu hồi. Từng làm công tác quản lý, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đồng ý rằng “Thằng Mõ 1” nằm trong số những thứ “không phù hợp đưa ra công chúng” của Ngọc Đại. Trong khi đó, nhà phê bình âm nhạc Thụy Kha lại nêu phương án, nên có một hội thảo âm nhạc bàn về vấn đề “Thằng Mõ”. “Âm nhạc của Ngọc Đại có giai điệu răng cưa, không phải hình sin như nhiều người. Anh ấy có những bước tiến trong quá trình sáng tạo, sau tình yêu, các vấn đề đời thường đã nâng cao vấn đề hơn khi chạm đến những gì còn chưa được số đông chấp nhận. Bản thân Ngọc Đại từng là lính ở Quảng Trị. Bây giờ thời bình, anh ấy có quyền xông pha, dấn thân trong nghệ thuật. Chúng ta nên có hội thảo để bàn định thận trọng về những gì Ngọc Đại làm” - Thụy Kha đưa ra phương án.
Trên VnExpress.net, phần lớn ý kiến tỏ ra thất vọng về sản phẩm mới của Ngọc Đại. Độc giả Hoàng Quốc Cường bình luận: “Ông nói là làm để thỏa mãn thú chơi nghệ thuật của ông thì ông làm để ở nhà dùng thôi. Đằng này ông mang đi bán. Với công nghệ sao chép dễ dàng như hiện nay thì sản phẩm của ông dễ dàng bị phát tán lắm. Với 'Nhật thực', 'Dệt tầm gai' ông đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho công chúng nghe nhạc thì với 'Thằng Mõ 1' chưa cần nghe cũng đáng để ông xuống đáy xếp hàng với những loại nhạc rẻ tiền đầy rẫy trên thị trường. Thật đáng tiếc”.
Nickname Thienthandu muc còn viết: “Chỉ bao biện cho sự biến thái và thoái hóa của tâm hồn thôi, làm gì mà cống với chả hiến! Tội nghiệp thay cho một con người vốn có chút tên tuổi trong cộng đồng mà nay tự tay chôn vùi bởi cái tư tưởng quái dị và dung tục đó”. “Chào Ngọc Đại, Tôi không biết ông là ai, nhưng những gì ông đã suy nghĩ trong đầu và viết ra (tự gọi là sáng tác) cho là nghệ thuật và tự in ra phát tán. Nếu nội dung đó vô thưởng vô phạt thì không ai ý kiến gì, tuy nhiên, những gì ông viết ra thật sự là không hợp với ngôn tự Việt Nam và đó không phải là nghệ thuật. Nếu việc ông tự viết ra và để tự mình thưởng thức khi không sao cả, ông viết ra, ông phát tán cho người khác nghe, thì ông cần phải có ý thức với người nghe, với cộng đồng và với xã hội, trong đó có cả người thân của ông cũng sẽ nghe và họ sẽ nghĩ gì? Cơ quan chức năng cần làm rõ nội dung những gì ông Ngọc Đại phát tán có hợp thuần phong mỹ tục Việt nam, có vi phạm pháp luật và xữ lý theo luật pháp” - độc giả Phạm Thế comment.
Bên cạnh đó, cũng có những độc giả tỏ ra bình tĩnh và bênh vực nhạc sĩ. “Nếu không xét đến khía cạnh pháp lý mà chỉ có khía cạnh nghệ thuật thì chẳng có vấn đề gì với các sáng tác của Ngọc Đại cả! Tôi không biết anh Ngọc Đại và chưa nghe album này của anh Ngọc Đại nhưng tôi chỉ thấy nhiều người lên chửi bới về nội dung được cho là thô tục của các sáng tác của người khác đã là sự xâm phạm đến cá nhân nhạc sĩ rồi. Bản thân người nghe có lựa chọn của riêng mình, đó là quyền của người nghe. Và người nhạc sĩ sáng tác bất kể gì, miễn không xâm hại đến người khác, đó là quyền của nhạc sĩ. Bên cạnh đó, nghệ thuật thì không thể bị gò bó. Bản thân tác phẩm nghệ thuật tự thân nó có đời sống riêng khi ra công chúng và giá trị của nó sẽ được đánh giá bởi người thưởng thức theo thời gian. Và việc nó tồn tại hay không cũng ảnh hưởng gì đến những người chưa nghe nhưng chỉ biết lên chê bai, bới móc ở đây” - ý kiến của độc giả Hoài Nam nhận được 281 lượt like, đứng đầu trong số ý kiến được thích nhất.
Ý kiến của độc giả nhudinhvan “Chưa nghe thì chẳng nên bình phẩm, chẳng nên ném đá. Tôi cũng chưa nghe, nên không dám có ý kiến gì cả. Phát ngôn đánh giá về nghệ thuật cần sự trải nghiệm, cân nhắc, đừng nên đánh giá, phán xét lung tung” cũng nhận được 160 lượt like ủng hộ.
25 năm trước, nhạc sĩ Trần Tiến từng làm “Đối thoại 87” ở TP HCM. Chương trình gặp phản ứng dữ dội do đề cập tới những vấn đề nhạy cảm. Bản thân Trần Tiến phải ra Hà Nội gặp cơ quan chức năng. Lãnh đạo Bộ Văn hóa khi ấy đã đề nghị Hội nhạc sĩ làm hội thảo bàn về đêm nhạc của Trần Tiến và thật bất ngờ là ông được đồng nghiệp ủng hộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét