Ngày Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Những số phận bi thảm ở thiên đường vàng
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Những số phận bi thảm ở thiên đường vàng
Tình trạng khai thác vàng lậu tràn lan ở Bồng Miêu,
để lại những hầm hố gây ô nhiễm môi trường.
(LĐĐS) - Số 5 - Chủ nhật 12/05/2013 20:00“Thiên đường” đâu dễ đến, còn cái chết thì luôn cận kề với họ. Năm nào cũng có cảnh phu vàng chết do sập hầm, ngạt khí…
Mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) vốn do người Chămpa cổ khai phá từ cách đây cả ngàn năm. Bồng Miêu tiếng Chăm nghĩa là “cánh đồng vàng”. Nhưng mấy chục năm nay, Bồng Miêu đã trở thành “thiên đường vàng” cho dân đào đãi vàng trái phép. Hàng ngàn người tứ xứ lũ lượt kéo về đây, bất chấp sự truy quét đẩy đuổi của cơ quan chức năng, ngày ngày trốn chui nhủi để đào vàng ở hàng trăm tụ điểm rải rác khắp rừng sâu núi thẳm. Nhưng “thiên đường” đâu dễ đến, còn cái chết thì luôn cận kề với họ. Năm nào cũng có cảnh phu vàng chết do sập hầm, ngạt khí…
Chết ngay lần đầu đi đào vàng
Những người dân địa phương vào hầm đưa thi thể 3 nạn nhân ra ngoài kể lại, họ tìm thấy 3 thi thể nạn nhân trong tình trạng tay nắm chân của nhau, nên suy đoán nhiều khả năng là khi nạn nhân đầu vào đến độ sâu khoảng gần 400m thì gặp phải khí độc nên bị ngạt, bất động tại chỗ. Thấy vậy, ông Hoạt vào nắm chân kéo nạn nhân bị nạn ra ngoài, nhưng ông Hoạt cũng bị ngạt, tiếp đến nạn nhân thứ ba cũng gặp nạn tương tự.
Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) mấy ngày qua nhốn nháo vì cuộc tìm kiếm và phát hiện 3 phu vàng chết đã nhiều ngày trong hầm sâu 400m ở khu mỏ cũ Ngách Chụm. Nhóm phu vàng này gồm có 4 người, thì 3 người là Trần Viết Hoạt (SN 1964, trú xã Tam Lãnh), Hồ Văn Điền (19 tuổi, trú xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My), Hồ Văn Thương (18 tuổi, trú xã Trà Đốc) đều chết, chỉ còn Hồ Văn Lợi (SN 1992, cùng trú xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) may mắn thoát nạn nhờ “giữ chức” đầu bếp, ở lại trên mặt đất.
Vợ nạn nhân Trần Viết Hoạt, bà Bùi Thị Thu Tịnh (44 tuổi) bàng hoàng đau khổ vì cái chết bất ngờ của chồng. Bà khóc ròng: “Cũng chỉ vì nợ nần quá lớn nên chồng tôi mới đi làm vàng mong gỡ gạc, chứ xưa nay ông ấy vẫn chí thú với cái trang trại trồng trọt chăn nuôi trên dốc Dẻo. Ai ngờ, mới lần đầu mà đã ra nông nổi này. Mẹ con tôi thật hối hận vì không ngăn cản được ông ấy”.
Bà Tịnh rũ xuống như tàu lá chuối rừng khô héo trên núi Ngách Chụm, kể lể phận người xấu số. Ông Hoạt đã lập trang trại từ 5 năm nay, chuyên trồng rừng và chăn thả bò, gà, lợn…, được UBND xã Tam Lãnh và UBND huyện Phú Ninh công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Nhưng trời không thương người ngay, mấy năm nay dịch bệnh lở mồm lòng móng rồi tai xanh xảy ra liên tục, gia súc gia cầm chết như ngả rạ, trang trại lâm cảnh nợ nần.
Ông Hoạt gắng cầm cự, nhưng rồi các món nợ vay ngân hàng và anh em trong nhà chất chồng lên hơn 100 triệu đồng - một món nợ lớn đối với người vùng núi Tam Lãnh này. Nợ anh em còn lần khân được, nhưng nợ ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con, đã cận kề ngày phải trả cả gốc lẫn ngọn không biết đào đâu ra tiền, nên tối ngày 2.5, ông Hoạt bàn với mấy mẹ con bà Tịnh, rằng sẽ vào núi tìm nơi để đào vàng thử vận may, trời thương thì trả bớt được nợ nần. 3 mẹ con bà Tịnh quyết ngăn, nhưng vẫn không cản được ông Tịnh lén ra đi lúc mờ sáng ngày 3.5, gia nhập nhóm đào vàng trên núi Bồng Miêu.
Công an truy quét, phá hủy máy móc, lán trại, đẩy đuổi
các đối tượng khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu.
Lời bà Tịnh chìm trong nước mắt: “Nhưng trời đã không thương chúng tôi. Mẹ con tôi sau 2 ngày không thấy ông ấy quay về, điện thoại cũng ò í e, nên thằng Hảo (23 tuổi, con trai đầu anh Hoạt) vào núi tìm cha. Giữa đường thì gặp ông Hồ Văn Lợi đang xuống núi kêu cứu vì 3 phu vàng, trong đó có ông Hoạt mất tích trong hầm vàng sâu. Có đến chết tôi cũng không thể nào ngờ, ông ấy đi lần đầu cũng là lần cuối cùng…”.
Rồi thì ông Hoạt cũng được công an và người dân tìm thấy vào ngày 5.5, đưa trở về nhà, nhưng với tấm thân bụi đất tang thương. Thiếu úy Nguyễn Hoàng Cầu - Phó Đồn công an xã Tam Lãnh - cho biết, nguyên nhân 3 phu vàng chết là do cứu lẫn nhau khi gặp nạn. Những người dân địa phương vào hầm đưa thi thể 3 nạn nhân ra ngoài kể lại, họ tìm thấy 3 thi thể nạn nhân trong tình trạng tay nắm chân của nhau, nên suy đoán nhiều khả năng là khi nạn nhân đầu vào đến độ sâu khoảng gần 400m thì gặp phải khí độc nên bị ngạt, bất động tại chỗ. Thấy vậy, ông Hoạt vào nắm chân kéo nạn nhân bị nạn ra ngoài, nhưng ông Hoạt cũng bị ngạt, tiếp đến nạn nhân thứ ba cũng gặp nạn tương tự. Đây là hầm lò cũ từ thời Pháp thuộc, bỏ hoang lâu năm, ở sâu trong lòng đất nên tích tụ khí độc trong thời gian dài. Rất nhiều phu vàng đã bị mất mạng do nguyên nhân tương tự trong hệ thống hầm lò cũ dưới lòng núi Bồng Miêu.
“Thiên đường ngầm”
Hệ thống hầm lò cũ của Bồng Miêu gồm 40 cửa của 10 tầng hầm ngang dọc lò khác nhau trong lòng núi, dài gần 60km, kéo sang tận Trà Bồng-Quảng Ngãi, vốn có từ thời Pháp thuộc, hoang phế theo thời gian, nhưng nhiều chục năm nay đã trở thành “thiên đường ngầm” của dân đào vàng lậu. Các phu vàng đột nhập vào hệ thống hầm lò để đào vàng qua các cửa lò như Ngách Chụm, Hủ Gạo, Giếng Trời, Hội trường Barit, Hội trường Mưa, Hội trường sụp, lò 5, lò 6, lò 7...
Các phu vàng chui vào một ngách hầm Bồng Miêu. Ảnh: T.T.Thư
Phu vàng Nguyễn Văn Ba, hơn 50 tuổi, dân Tam Lãnh, vốn có “thâm niên” mấy chục năm “bòn” vàng Bồng Miêu, tỉnh bơ kể: “Dân đào vàng chui vào trong hầm thì mặc sức vẫy vùng vì không có cơ quan chức năng nào dám đánh cược mạng sống với hiểm nguy ngạt khí sập hầm chết chóc để mà vào truy quét cả. Nhiều nhóm phu vàng mang cả máy móc xay nghiền quặng, đãi vàng, lương thực vào để tiện bề làm ăn, ngủ nghỉ hàng tháng trời, thậm chí còn đem cả karaoke vào “hát cho nhau nghe” trong hội trường nữa”.
Theo ông Ba, các hầm lò dọc ngang nhiều lối, không quen thì sẽ không tìm thấy lối ra, lạc đến mất mạng. Nhiều chỗ xuống rất sâu, hơi lạnh tỏa ra, thiếu dưỡng khí, rất dễ bất tỉnh, nếu không được kéo ra thì sẽ chết. Nhiều đoạn hầm chật cứng, phải bò qua. Bóng tối và ẩm ướt. Nhưng cũng có những “hội trường” rộng đến hàng trăm mét vuông, như Hội trường Barit, nghe nói là nơi để người Pháp hội họp phu vàng ngày xưa. Nhưng một phu vàng kỳ cựu gan lỳ như ông Ba cũng không khỏi ớn lạnh khi nhớ lại những vụ ngộ độc cyanua, ngạt khí hoặc sụp lở đất kinh hoàng mà ông chứng kiến trong “quá trình công tác” ở mỏ Bồng Miêu. Ông bảo, dân đào vàng thường dùng chất độc cyanua để phân tách vàng trong quặng, cùng với chướng khí tích tụ lâu năm trong hầm lò, nên rất nhiều phu vàng xấu số “dính chưởng”.
Tang thương nhất là vụ ngộ độc khí khiến mười mấy phu vàng cùng chết trong hầm lò vào một năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ 20, ông Ba không còn nhớ chính xác năm nào, bởi như ông nói là vì hơn nửa đời quanh quẩn trong hầm vàng đã khiến đầu óc ông mụ mị. Nhưng ông vẫn không thể thoát khỏi nơi này vì ở nhà còn vợ cùng 4 con nhỏ chờ ông bòn vàng nuôi sống. Đứa con lớn của ông mới 15 tuổi đã phải theo cha, đến nay đã tròn 10 năm xuống hầm lên bãi. Ngày nào “trúng mánh”, thì được vài trăm ngàn, có khi cả triệu bạc, còn thì có bữa có bữa không, bị truy quét thì phải trốn chui trốn nhủi. Vậy nên gia cảnh khó khăn vẫn hoàn khó khăn.
Còn phu vàng trẻ Trần Hùng, người Thanh Hóa, mới 22 tuổi đời nhưng đã có 6 năm tuổi nghề ở Bồng Miêu, lại kể lể nỗi niềm cơ cực cùng những nỗi kinh sợ bởi hiểm nguy chết chóc luôn chực chờ giáng xuống đầu họ bất cứ lúc nào: “Nhà em nghèo lắm, bố bệnh nặng liệt giường, thường ho ra máu, mẹ quanh quẩn bán rau ở chợ không nuôi nổi 3 em nhỏ, nên em mới 16 tuổi đã phải bỏ học theo mấy chú, bác vào đây đào vàng, kiếm tiền gửi về giúp mẹ.
Nhưng kiếp đào vàng thật cơ cực, chẳng khác nào con trút đêm ngày khoét núi, đánh cược mạng sống. Em chứng kiến mấy vụ tai nạn chết người, có cả đồng hương của em nữa”. Hùng kể, đất đá bên trong đường hầm có thể sập xuống bất cứ lúc nào, lâu lâu lại có những mảng đất đá lớn rơi xuống đánh ầm, vọng đến tai nghe lạnh sống lưng. Ở những hầm người Pháp đã khai thác, các phu vàng đành bòn mót khoét lần vào khắp vách hầm, vừa làm vừa cầu trời phật phù hộ chứ đất đá mà sập xuống thì có mọc cách cũng không thoát nổi. Ngay đến những trụ đất đá mà người Pháp ngày xưa chừa lại để chống đỡ, nay các phu vàng cũng đánh cho sập để lấy vàng. Những vụ sập hầm, ngạt khí, chết người xảy ra ở đây lâu nay, quả thật khó tránh khỏi.
Hùng bảo: “Em sợ lắm, nhưng vẫn phải làm, vì phận em quá nghèo. Khi vào đây, em mong sẽ mau chóng kiếm được nhiều tiền từ việc đào vàng, nhưng rồi bước chân vào mới hay, mới biết hết nỗi cơ cực. Em tính khi nào gom góp được số tiền kha khá thì sẽ về quê tìm việc khác để làm. Nhưng mãi mà cũng chẳng gửi tiền về nhà đỡ đần giúp mẹ được bao nhiêu”. Hùng đã đánh cược cả mạng sống của mình chỉ để được chủ nậu trả tiền công cho em mỗi tháng 3 triệu đồng.
Chính quyền bất lực
Đó là dưới hầm. Còn trên mặt đất, nạn khai thác vàng lậu cũng diễn ra khắp các khu vực, khi ngang nhiên, khi lén lút. Những khu vực Núi Kẽm, Đồi Sim, Thác Trắng, Hầm Hô, Ngách Chụm… loang lổ hầm vàng như những hố bom. Lúc cao điểm, ở đây tập trung cả ngàn phu vàng và các loại máy móc xay nghiền quặng, máy phát điện, cả máy xúc máy ủi… Mỏ vàng Bồng Miêu lớn nhất nước, nạn khai thác lậu cũng vào hàng nhất nước. Đất đai, rừng núi, môi trường bị tàn phá rất nặng nề. Đặc biệt là tai nạn chết người, năm nào cũng có. Điển hình như vụ sạt lở núi xảy ra tháng 10.2008 khu vực Sũng Mùn, xã Tam Lãnh đã chôn vùi nhóm 6 phu vàng. Và mới đây nhất là vụ 3 phu vàng chết ngạt trong hầm lò ở Ngách Chụm ngày 5.5.
Tình trạng bất ổn đã kéo dài nhiều năm nay tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, bất chấp các nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát trật tự của cơ quan chức năng và cả của đơn vị được giao quyền quản lý, khai thác mỏ vàng này là Cty Bồng Miêu. Không chỉ đào vàng trái phép, mà các phu vàng cũng đã nhiều lần tổ chức đánh cướp quặng vàng của Công ty Bồng Miêu. Mới đây nhất, trong đêm 18 rạng 19.3, hàng trăm người dân đã lên kế hoạch đánh cướp quặng vàng của Cty Bồng Miêu. “Kịch bản” cướp vàng này cũng giống như những lần trước đây, chỉ khác là lần này được lực lượng công an ngăn chặn kịp thời. Vào các năm 2010, 2011, đều xảy ra những cuộc “cướp vàng” theo kiểu tương tự tại mỏ vàng Bồng Miêu, hàng trăm người dân đã vào tận bên trong nhà máy, không chỉ cướp đi hàng chục tấn quặng vàng mà còn cướp cả vàng đã qua sơ chế và đập phá nhà máy.
Đáng nói, lực lượng Công an huyện Phú Ninh vào giữa tháng 3 mới vừa kết thúc đợt truy quét tại Bồng Miêu, phá hủy hơn 40 máy nổ, máy phát điện, máy nghiền đá các loại, thu giữ trên 3.000m dây dẫn nước, tháo dỡ và tiêu hủy gần 50 lán trại, đẩy đuổi hơn 100 đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực Thác Trắng, Hầm Hô, Núi Kẽm..., đồng thời lập đồn công an ngay tại Bồng Miêu. Thì ngay sau đó xảy ra âm mưu cướp vàng bất thành, và bây giờ là 3 phu vàng chết ngạt trong hầm.
Ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh - cho biết: “Tình trạng khai thác vàng lậu tồn tại hàng mấy chục năm nay ở Bồng Miêu luôn là một vấn nạn nhức nhối cho địa phương. Những người khai thác vàng trái phép từ tứ xứ đổ về, có cả dân địa phương. Họ trốn trên núi để khai thác, khi cơ quan chức năng tổ chức đẩy đuổi thì họ chui vào các hầm vàng, vào sâu trong rừng, sau khi đoàn truy quét rút lui, thì họ lại xuất hiện. Công an tổ chức chốt chặt các ngả lên núi, ngăn người lạ và chặn đường tiếp tế, nhưng họ vẫn mọc ra như nấm”. Theo ông Minh, hiện nay “vàng tặc” đang lộng hành ở các mỏ AD1, AD2, Núi Kẽm…
Đây là khu mỏ thuộc Cty Bồng Miêu đang quản lý và khai thác. Mặc dù các cửa vào hầm lò cũ cũng đã bị Cty này đánh sập hoặc dùng bêtông bịt kín, nhưng các phu vàng vẫn tìm mọi cách đục bêtông, thậm chí cho nổ mìn phá bêtông để chui vào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét