Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

(1) Sự kiện 1975 và học thuyết sụp đổ từ từ

Ngày Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết (1) Sự kiện 1975 và học thuyết sụp đổ từ từ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Sự kiện 1975 và học thuyết sụp đổ từ từ

Tuanvietnam có một cuộc trao đổi về cuộc Chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, và nguyên nhân và kết cục của nó. Lần này là với một nhà sử học, tác giả của cuốn sách "Cuộc chiến của người Việt: Cách mạng và thay đổi xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long" (The Vietnamese War: Revolution and Social Change in the Mekong Delta), dài hai tập với 1500 trang, ấn hành năm 2003.
Bài điểm sách của tạp chí The Journal of Asian Studies, tháng 11-2004, có viết rằng "sau 30 năm, cách mạng Việt Nam cuối cùng đã tìm thấy sử gia của mình."
Tác giả cuốn sách, David W.P. Elliott, tốt nghiệp Đại học Yale trước khi phục vụ trong quân ngũ Hoa Kỳ thời gian 1962-65. Sau một năm học tiếng Việt, Elliott phục vụ ở Việt Nam từ 1963-65. Năm 1965, ông vào làm tại tổ chức Rand Corporation và giám sát một nghiên cứu về phong trào Việt Cộng ở tỉnh Mỹ Tho (khi đó mang tên Định Tường và hiện là Tiền Giang) cho đến 1967. Sau khi lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Cornell, Elliott dạy ở Cornell một năm và rồi chuyển sang Pomona College, nơi ông giảng dạy từ 1977 đến nay.
Trong dịp gặp gỡ với tác giả bài phỏng vấn, trong dịp Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư cuối năm ngoái, ông nói: "Khác với một số nhà nghiên cứu khác về Chiến tranh Việt Nam vốn lưu ý nhiều đến quá trình đàm phán Paris, ai là người xuất sắc hơn, hay thậm chí chiến thắng trong quá trình đàm phán, tôi lại coi tiến trình đàm phán Paris đơn giản hơn nhiều. Người Mỹ không thể tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ ở Việt Nam nữa và buộc phải rút quân. Điều quan trọng là rút theo cách nào mà thôi."

Như vậy, theo quan điểm của ông, quá trình đàm phán Paris chỉ là thứ yếu trong việc Mỹ rút khỏi Việt Nam?
Đúng vậy. Mỹ can dự quân sự vào Việt Nam, bởi một lý do hoàn toàn khác: Chiến tranh lạnh, và Việt Nam nằm trên tuyến đầu của cuộc chiến này. Còn bản thân Chiến tranh Việt Nam chính là cuộc thử thách ý chí.
Nhưng khi Tổng thống Richard Nixon lên cầm quyền, đối với ông ta và Henry Kissinger, vai trò của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Mỹ đã khác. Và nhất là khi Nixon bắt tay được với Mao Trạch Đông (đầu năm 1972), thì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Việt Nam đã mất dần ý nghĩa của nó.
Henry Kissinger, Nixon, hiệp định Paris, David W.P. Elliott
Ông David W.P. Elliott
Tức là ông cho rằng mục đích của hiệp định Paris là nhằm một mục đích duy nhất, đối với Mỹ, là rút quân khỏi Việt Nam, theo một cách tốt nhất với Mỹ, như lời ông đã dùng?
Đúng thế, và lý do để rút quân khỏi Việt Nam, theo tinh thần hiệp định Paris, là làm sao "giữ mặt" cho nước Mỹ và "giữ uy tín với đồng minh". Bởi vì, đối với Nixon, đặc biệt là đối với Kissinger, việc quân đội Sài Gòn thất bại quá nhanh, sau khi Mỹ rút quân, tại chiến trường Việt Nam có thể ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ đối với các đồng minh khác.
Chính vì vậy, Nixon và Kissinger đã tập trung khai thác cái "học thuyết sụp đổ từ từ" (Decent Interval Theory). Tức là Kissinger nói rằng, nếu khoảng thời gian sau khi Mỹ rút quân cho tới khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ kéo đủ độ dài, Mỹ sẽ không phải gánh trách nhiệm trước đồng minh.
Khoảng thời gian đó kéo dài bao lâu thì được coi là đủ?
Khoảng 2, 3 năm gì đó.
Đã bao giờ "học thuyết sụp đổ từ từ" được công bố công khai chưa?
Rất tiếc là chưa bao giờ nó được chính thức công bố cả, dưới văn bản chính thống, nhưng hầu như tất cả những ai nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam đều biết. Chỉ có trên báo chí, dưới dạng trích dẫn kiểu "deep background" mà thôi.
Tức là sao?
Trích dẫn không trực tiếp có 2 dạng: "background" và "deep bachground".
Chẳng hạn như sau khi nói chuyện với Kissinger, một anh nhà báo có thể dẫn "theo một quan chức cao cấp trong chính quyền Nixon...", là "background", còn với "deep background" phóng viên đó còn không được phép nói rằng "theo một quan chức cao cấp trong chính quyền Nixon".
Kissinger thích kiểu nói chuyện "deep background" với một nhà báo nhất định, nên khi thông tin đó xuất hiện trên báo, mặc dù không nêu tên ông ta, độc giả vẫn đoán là ông nói.
Kể từ đó đến nay, Kissinger không bao giờ cho phép mình phát biểu chính thức "on the record", nhưng tìm hiểu qua báo chí thời đó, những người thân cận với ông ta và cả những học giả nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam, người ta nhất trí rằng đã tồn tại cái gọi là "sự sụp đổ từ từ".
Thực sự, ngay khi mới nhậm chức, Nixon có tin rằng Chính quyền Sài gòn sẽ sụp đổ, tuy muộn?
Không. Lúc đầu, cả Nixon là Kissinger đều nghĩ rằng Chính quyền Sài Gòn không bị sụp đổ, và chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" không bị thất bại.
Thế nhưng, thời gian trôi quá, và càng có nhiều nghi ngờ của Kissinger về chính quền Sài Gòn và Việt Nam hoá chiến tranh. Kissinger ngày càng nghĩ nhiều đến lý thuyết này, đặc biệt, theo tôi nghĩ, là mùa hè năm 1971, khi ông ta bí mật sang thăm Trung Quốc.
Từ đó cho đến chuyến thăm của Nixon vào năm sau, vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ giảm sút, thực sự Kissinger đã nghĩ tới một cuộc thất bại tại Việt Nam.
Nhưng, trên thực tế, kể từ sau chuyến thăm Trung Quốc của Nixon (2.1972), các trận đánh lớn diễn ra trên cả 2 miền Việt Nam?
Thực tế, Nixon và Kissinger đều mong muốn làm hết sức để cũng cố sức mạnh của Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bằng cách tiếp tế, hay cung cấp hỏa lực, thế nhưng quốc hội Mỹ và người dân Mỹ lại không muốn như vậy. Họ cho rằng nếu tiếp tục làm điều đó là tốn tiền vô ích.
Và, anh phải nhớ rằng, lần đầu tiên trong lịch sử can dự và leo thang chiến tranh của Mỹ, Chính quyền của Johnson đã phải tính toán lại "chi phí và lợi ích của cuộc chiến". Và kết luận là cuộc chiến Việt Nam đã gây thiệt hại quá lớn cho nước Mỹ, đồng đôla sụt giá mạnh, kinh tế chao đảo, nạn thất nghiệp tăng nhanh...
Như vậy, sang tới thời kỳ Nixon, nước Mỹ không còn đủ sức mạnh để theo đuổi cuộc chiến, như dưới thời của Tổng thống Johnson nữa. Thậm chí, người ta còn nhận thức ra rằng, thậm chí với số tiền bỏ ra ít hơn, Mỹ cũng không nên can dự vào cuộc chiến nữa, bởi khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Henry Kissinger, Nixon, hiệp định Paris, David W.P. Elliott
Henry Kissinger với ông Lê đức Thọ tại Hòa đàm Paris. Ảnh tư liệu
Quay lại đề tài "chiến tranh lạnh", nước Mỹ can dự quân sự vào Việt Nam với mục tiêu nhằm vào Trung Quốc, hơn là vì Liên Xô, do vị trí địa lý liền kề giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản xuống khu vực Đông Nam Á, đúng không ạ? Hơn nữa, họ đã có trải nghiệm gần như tương tự trong cuộc chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên đầu những năm '50?
Theo tôi, mục tiêu của nước Mỹ thay đổi theo thời gian.
Chẳng hạn, vào những năm '50, thậm chí đầu những năm '60, mối lo lớn nhất của Mỹ là Liên Xô - một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ trong việc hỗ trợ cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Vào thời kỳ John Kenedy (Tổng thống Hoa Kỳ từ đầu năm 1961 đến 22.11.1963 - NV)), chủ yếu là chiến tranh lạnh. Kenedy chịu thất bại ở Sự kiện Vịnh Con Lợn (xảy ra vào trung tuần tháng 4.1961 khi nỗ lực bất thành của những người Cuba lưu vong, được CIA huấn luyện và trang bị vũ khí, hòng xâm chiếm miền Nam Cuba, dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro và được Liên Xô hỗ trợ).
Sau đó, trong cuộc tranh luận với Nikita Khrushev ở Vienna (Áo), Kennedy đã rơi vào thế phải phòng ngự, biện bạch. Và, thực sự, Kennedy đã cảm thấy lo ngại rằng ông ta là một tổng thống yếu trong con mắt cử tri Mỹ.
Hơn nữa, ông ta còn một mối lo rằng, với phong trào giải phóng dân tộc ngày càng phát triển, có nhiều quốc gia mới ra đời, và sẽ gia nhập phe xã hội chủ nghĩa, và, như vậy, nước Mỹ sẽ ngày càng bị cô lập.
Và, trong khi đó, trên bình diện địa chính trị thế giới, phong trào Đồng Khởi (bắt đầu từ 1959 và đỉnh cao là 1960, với việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cuối năm 1960, và nhiều vùng nông thôn đã rơi vào tay cộng sản - NV) tại miền Nam lại xuất hiện đúng thời điểm đó. Kennedy cùng các cộng sự nhìn khắp toàn cầu, và ông ta nhận thấy rằng Việt Nam thực sự là thách thức nguy hiểm với ông ta.
Đúng lúc để Kennedy có thể giành lại uy thế với Liên Xô, và Việt Nam hoàn toàn không phải nằm trong dự định ban đầu của Mỹ, trong chiến lược toàn cầu của mình, nhằm đối phó với Liên Xô trang "chiến tranh lạnh". Việt Nam xuất hiện như một sự cần thiết đúng lúc cho Kennedy, để ông ta có thể thể hiện lập trường của mình.
Thế sau khi Kennedy bị ám sát, và Lyndon Johnson lên, và năm 1965, Mỹ đưa quân trực tiếp vào miền Nam tham chiến. Giả sử Kennedy không bị ám sát, liệu có xảy ra chuyện này không?
Nhiều nhà sử học đã từng đặt ra câu hỏi: Nếu không bị ám sát, liệu Kennedy có làm những điều mà Johnson làm không? Chẳng hạn, tiến hành chiến tranh cục bộ, đưa quân sang Việt Nam...
Những người ủng hộ Kennedy đã phản đối, và cho rằng Kennedy đủ thông minh, tỉnh táo và tính thực tế để không làm chuyện đó. Hoặc, ông ta có thừa sự thận trọng để không làm điều mà Johnson đã làm.
Riêng tôi, tôi nghĩ Kennedy sẽ làm những điều mà Johnson đã làm. Có 2 lý do.
Thứ nhất, chính người Mỹ đã tham gia vào âm mưu đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, bởi họ biết rằng chính quyền của ông Diệm không phải là một đồng minh tốt.
Nếu không muốn can dự sâu thêm vào Việt Nam, Kennedy hoàn toàn có thể nói với Ngô Đình Diệm rằng "thôi đủ rồi, xin good-bye các vị, bởi vì chúng tôi giúp các vị, vì nghĩ các vị là đồng minh tốt, nhưng hoá ra không phải".
Thay vì làm chuyện đó, Kennedy đã lấn sâu hơn vào Việt Nam. Ông ta đã chủ trương tìm người thay thế Diệm, để tìm được khuôn mặt khả dĩ hơn trong cuộc tranh đấu với những người Cộng sản. Rõ ràng, sau khi Diệm bị ám sát, Mỹ đã can dự sâu hơn vào miền Nam Việt Nam.
Thứ hai, sau khi đảo chính Diệm, tình hình miền Nam Việt Nam trở nên hỗn loạn, chính quyền quân sự ngày càng trở nên bất lực trong việc ổn định tình hình. Về khách quan, nếu Mỹ không can thiệp sâu hơn, chính quyền Sài Gòn sẽ sụp đổ.
Dựa vào những yếu tố như vậy, tin tin rằng Kennedy, nếu không bị ám sát cuối năm 1963, cũng sẽ hành động như Johnson. Ngoài ra, có một yếu tố nữa, là năm 1964 là năm bầu cử, và nó gây sức ép rất mạnh lên các ứng viên tổng thống, bất kể đó là Kennedy hay Johnson.
Đến cuối nhiệm kỳ tổng thống chính thức (1968), lý do tại sao Johnson chủ trương tìm giải pháp đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
Ông ta không muốn trở thành vị tổng thống đầu tiên thất bại trong cuộc chiến bên ngoài nước Mỹ. Ông ta đã có thể tranh cử nhiệm kỳ 2 hòng cứu vãn thất bại, nhưng ông ta đã không thử làm. Tại sao vậy?
Bởi vì, cuộc chiến tranh Việt Nam đã không được người Mỹ ủng hộ (tháng 3 năm 1968, chỉ có 29% dân Mỹ ủng hộ chiến tranh Việt Nam - NV), và ông trở nên mất uy tín trong dân chúng Mỹ, trong năm cuối của nhiệm kỳ, ông bị phản đối ở mói nơi ông xuất hiện trên đất Mỹ. Chính vì vậy, tháng Ba năm 1968, Johnson đã tuyên bố không tham gia tái tranh cử.
Thế nhưng, tôi tin rằng Johnson không hề nhiệt tình với phương án đàm phán, bởi vì việc đàm phán là việc của người khác, nó diễn ra vào nhiệm kỳ sau, tức là nhiệm vụ của Nixon năm sau, có thể là Nixon hoặc Hubert Humphrey (Phó Tổng thống thời kỳ Johnson và ứng cử viên của Đảng Dân chủ năm 1968).
Nhưng lý do tại sao ông ta lại chấp nhận đàm phán, và tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc?
Là vì có quá nhiều sức ép chính trị đối với ông. Ông đã chấp nhận, nhưng không chịu trách nhiệm về diễn biến tiếp tục, bởi đó là vấn đề của vị tổng thống kế nhiệm.
(Còn nữa)
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét