Ngày Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Huyền bí Xiêng Khoảng
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Huyền bí Xiêng Khoảng
TPO - Nằm vắt bên kia dãy Trường Sơn, tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào có đường biên giới giáp ranh với tỉnh Nghệ An của Việt Nam.
Lẫn trong bạt ngàn cánh rừng nguyên sinh và kỳ vĩ của văn hóa cổ xưa là những phố thị hiện đại đang mọc lên. Chính vẻ đẹp hiện đại xen lẫn cổ kính ấy, đã tạo nên một Xiêng Khoảng tươi đẹp huyền bí.
Cánh đồng chum. |
Mặc dù chẳng phải tay lái chuyên nghiệp, tôi và anh bạn vẫn lên đường bằng con xe không còn cũ hơn được nữa. Để vượt qua dãy Trường Sơn đến với đất bạn Lào tươi đẹp, hai chúng tôi phải mất một ngày trời ròng rã đường trường mới đến được xã biên giới Nậm Cắn (thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Trước khi làm thủ tục qua biên giới, để chắc ăn, anh bạn đồng hành đã phải chuẩn bị mì tôm, lương khô, nước giải khát và một số thực phẩm khác để đề phòng nhỡ khi xe nghỉ lại dọc đường. Thật may, sự chuẩn bị cẩn trọng của anh bạn là tốt nhưng không cần thiết, vì dọc QL7A chạy dài theo núi rừng của đất nước Lào không còn như xưa. Miền đất này giờ mọc lên nhiều thị tứ, thị trấn, thị xã, các khu chợ, hàng quán tiện lợi.
Qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chừng chưa đầy hai mươi cây số là tới khu chợ hữu nghị Việt- Lào. Để thuận tiện giao thương hàng hóa, hai địa phương tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng đã thống nhất thành lập khu chợ này. Một tháng có hai phiên chính, nhưng những ngày thường tại đây vẫn có người kinh doanh buôn bán. Điều đáng nói, từ khi khu chợ này hình thành đã tạo công ăn việc làm cho bao người dân hai nước tập trung về đây làm ăn, buôn bán.
Chị Leng, một tiểu thương người Nọong Hét (Xiêng Khoảng) tâm sự: Trước đây chị chủ yếu làm nương rẫy, vất vả nhưng gia đình luôn phải đối mặt với cái đói. Từ khi khu chợ này ra đời, cả nhà chị ra đây kinh doanh hàng hóa tổng hợp nên cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều.
Các nhà sư đi khất thực là hình ảnh quen thuộc ở Lào |
Nhiều thiếu niên đã được gia đình gửi vào chùa từ rất sớm để giáo dưỡng tinh thần văn hóa Phật giáo |
Đi sâu vào đất nước Lào, dọc hai bên đường bắt đầu vắng dần người dân qua lại trên QL7A. Thỉnh thoảng lại thấp thoáng những bản làng yên bình hiện ra trước mắt. Bạt ngàn núi đồi nối nhau với muôn loài cây cối tươi tốt, nguyên sơ. Và khi tới thị trấn Nọong Hét (thị trấn đầu tiên của Lào cách biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An) thật sự mới bắt đầu cảm nhận sự khác biệt của đất nước Lào với nhiều nơi khác. Từ trẻ con cho đến người lớn, bà con rất thân thiện, ai nấy nhẹ nhàng, lễ phép và đặc biệt rất tôn trọng khách thập phương mỗi khi hỏi đường hoặc vào quán ăn của họ.
Một góc phố Phôn Xa Vẳn hôm nay. |
Không xa mấy với thị trấn Nọong Hét, Mường Khăm là thị trấn nhỏ nhưng cũng rất xinh đẹp. Một người dân giải thích, Mường Khăm có nghĩa là Mường Vàng. Vùng đất này đúng như tên gọi địa đanh của nó. Hai bên QL7A của huyện Mường Khăm (thuộc tỉnh Xiêng Khoảng) đều là những vựa vàng. Khắp dưới các chân đồi của núi rừng, đồng ruộng, vườn cây, nhà ở của mảnh đất Mường Khăm đều có vàng. Vì thế, hằng năm rất nhiều “đầu nậu” khai thác nhăm nhe vào mảnh đất của Mường Vàng tìm vận may nhưng, chính quyền nước bạn quản lý rất chặt việc khai thác khoáng sản, nhất là những vùng đất thiêng có từ xa xưa như mảnh đất Mường Khăm này.
Phóng xe về phía bắc của Mường Khăm, nơi đây tạo hóa còn ban tặng cho người Lào hai dòng suối nước nóng rất hấp dẫn, đó là Ban Nọi(suối nhỏ) và Ban Nhầy(suối lớn), quanh năm có nhiệt độ trên 60 độ C nên rất hấp dẫn đối với du khách tới thưởng ngoạn cao nguyên Mường Khăm.
Phônxavẳn- Bình yên trong sôi động
Từ Mường Khăm, chúng tôi thay nhau lái xe chạy qua các bản làng của đất nước Lào. Hai bên QL7A mùa này hoa ban nở trắng rừng. Một số người dân cho biết, sau cuộc kháng chiến chống Mỹ (năm 1975), dọc hai bên tuyến QL7A này người dân còn thưa thớt, cuộc sống vô cùng lạc hậu. Thế nhưng, nay đất nước Lào đã đổi thay một cách nhanh chóng. Nhiều ngôi biệt thự có kiến trúc hiện đại xen lẫn nếp nhà sàn xinh xắn mọc lên khắp đó đây.
Nét đặc biệt ở con người Lào đó là dù kinh tế, xã hội phát triển theo thời đại nhưng nhiều phong tục, tập quán họ vẫn luôn giữ được nét đẹp nguyên sơ của bao đời ông cha để lại. Được biết, Xiêng Khoảng có bốn tộc người, trong đó chủ yếu là người Thái Đăm (Thái đen), Mông (Lào Sủng), Lào Lùm và một cộng đồng nhỏ người Việt sinh sống.
Non ngày trời rong ruổi, xe lao qua không biết bao nhiêu bản làng, bao nhiêu đồi dốc, thung lủng, bao nhiêu cánh rừng… Cuối cùng chúng tôi cũng tới trung tâm tỉnh lị của tỉnh Xiêng Khoảng đó là thị xã Phônxavẳn. Nếu lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này người ta không khỏi ngỡ ngàng. Phônxavẳn bây giờ được xây dựng với nhiều kiến trúc hiện đại. Phố thị vô cùng sôi động, nhưng không phải vì thế mà mất đi nét đẹp văn hóa cổ của người Lào. Nhà cửa cao tầng san sát, hàng quán ngăn nắp, đường phố sạch đẹp. Trong dòng sôi động đó, Phônxavẳn vẫn luôn bình yên.
Mỗi buổi sáng nơi phố thị này người ta lại được chứng kiến hình ảnh các nhà sư đi khất thực trên các con phố, hầu hết đồng bào các dân tộc Lào đều theo Phật giáo. Các nhà sư đi khất thực thường một nhóm từ 5 đến 6 người, trước khi sư đi ngang cổng, các hộ gia đình đã chuẩn bị sẵn thức ăn và được chia đều các khẩu phần bằng nhau để làm phúc.
Một góc phố Phôn xa vẳn hôm nay. |
Một ông chủ nhà hàng ăn ở trung tâm thị xã này cho biết, tại các ngã ba, ngã tư đường phố ngày nào cũng có người mang cả ba lô đầy ắp tiền đủ các loại như đô la Mỹ, tiền Bạt của Thái Lan, tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc, tiền Kíp của Lào và tiền Việt Nam đồng…để phục vụ du khách, nhưng không bao giờ có chuyện cướp giật, vì an ninh nước bạn rất tốt.
Đến với Lào, dù ở đâu, ý thức của người tham gia giao thông không chê vào đâu được. Trong dòng người tấp nập của đô thị Phônxavẳn nhưng ngày đêm không hề nghe lấy một tiếng còi ô tô hay còi xe máy. Mọi người tham gia giao thông không có chuyện vượt đèn đỏ, hay đi sai làn đường như ở Việt Nam chúng ta. Tình cờ trên đường tôi bắt gặp một vụ va quệt nhỏ giữa chiếc xe bán tải chở hàng của một người đàn ông với một chiếc xe máy khác. Ngay lập tức, người lái xe tải dừng xe xuống chắp tay xin lỗi người đi xe gắn máy, còn người đi xe máy sau khi bị ngã liền đứng dậy kéo xe máy vào lề đường, sau đó cũng chắp tay cúi xin lỗi người điều khiển xe tải. Sau đó, hai người bắt tay thông cảm rồi đi tiếp.
Đêm Phônxavẳn, càng về khuya càng yên tỉnh, khiến dễ cảm nhận cuộc sống của con người trên đất bạn Lào. Phôn xa vẳn giờ đây đang ngày một phát triển sôi động, rất nhiều dịch vụ giải trí, nhưng con người ứng xử với nhau rất có văn hóa. Nằm giữa trung tâm thị xã, nhiều nhà hàng kaoraoke, vũ trường bắt đầu được mọc lên để phục vụ nhu cầu giải trí của con người.
Vũ trường của Lào dường như cũng khác hẳn các vũ trường ở Việt Nam. Mọi người ý thức được rằng; đến đây để giải trí… Vì thế chẳng mấy khi có cảnh say rượu, bia, rồi đánh nhau. Tới Phôn xa vẳn, khắp các con phố, nhà hàng, khu chợ… ngày đêm đều văng vắng những bài hát nhẹ nhàng như điệu lăm vông.
Nhái là món ăn độc đáo của người Lào. |
Theo chân một số khách người Lào, chúng tôi vào nhà hàng của một người dân tên là Giang (quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An) sang đây làm ăn. Khi bước vào, khách Tây và cả người Lào đang ngồi ăn khá đông. Khách hàng đang được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của người Việt Nam trên đất nước Lào thì bỗng đâu một nhóm thanh niên tóc xanh, tóc vàng, tóc trọc nhảy vào gọi đồ nhậu, rồi nói chuyện ầm ỉ, như náo loạn cả khu phố. Mấy ông khách Tây thấy khó chịu, chưa kịp ăn họ đã đứng dậy tạm biệt chủ nhà hàng, còn khách Lào tưởng sắp có đánh nhau nên đã gọi cảnh sát của thị xã Phôn xa vẳn tới dẹp loạn. Một nhân viên phục vụ nhà hàng này cho biết, đám thanh niên kia hầu hết đều là lao động tự do, họ đến từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Kỳ bí dưới đỉnh Phu Bia
Nằm ngoại ô thị xã Phônxavẳn chừng mười cây số, cánh đồng chum, hay đỉnh núi Phu Bia (có độ cao gần 3.000m) là niềm tự hào của người Lào nói chung, đồng bào tỉnh Xiêng Khoảng nói riêng. Cho đến bây giờ cánh đồng chum vẫn luôn là ẩn số về niên đại cũng như công dụng, nguồn gốc và bằng cách nào để vận chuyển từng khối đá lớn nặng hàng chục tấn từ đâu tới?
Nhân viên bảo vệ cánh đồng Chum (từng là phóng viên của một tờ báo của Lào, nay đã nghỉ hưu) cho biết, lâu nay người ta thường hay nói đến giả thuyết về những chiếc chum này là do người của bộ tộc Puôn (Lào) làm nên. Thủ lĩnh của bộ tộc này là Thạo Chương, sai quân lính đục chum đá để ủ rượu khao quân trong những lần chiến thắng. Một giả thuyết thứ hai, do một nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ - Pháp thực hiện nghiên cứu năm 1930 cho biết, niên đại của những vật cổ này có khoảng 2.500-3.000 năm về trước.
Theo nhà nghiên cứu, các chum này dùng để an táng người quá cố. Chum lớn dùng để an táng những người có vị trí cao trong bộ tộc, chum nhỏ giành cho những người thường dân. Tuy nhiên, dù giả thuyết nào đi chăng nữa thì cánh đồng Chum vẫn còn là ẩn số. Hằng năm, nơi đây có hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Hiện cánh đồng Chum này còn khoảng 700 chiếc chum lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở bản Ang, Lắt Xén và Xiêng Lếch.
Nằm không xa cánh đồng Chum kỳ bí, trên cao nguyên Xiêng Khoảng còn có thành cổ Mương Khuông, một công trình văn hóa cổ xưa của người Lào rất giá trị về mặt văn hóa nghệ thuật. Dù tường thành hầu hết đã bị đổ nát, chỗ rêu phong, mờ phủ bóng thời gian.
Phan Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét