Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Vấn đề dùng bút danh Trần Dân Tiên của bác Hồ

Ngày Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Vấn đề dùng bút danh Trần Dân Tiên của bác Hồ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Vấn đề dùng bút danh Trần Dân Tiên của bác Hồ
Cụ Hồ đã ra đi khỏi thế giới này gần nửa thế kỷ rồi. Người đi nhưng tinh thần và tâm hồn vẫn ở lại. Và có lẽ còn ở lại nhiều thế kỷ nữa nếu con người, đặc biệt với những con người cần lao mong “đủ cơm ăn, áo mặc và được học hành”. Trước khi là Chúa, là Phật, là thần thánh, là vĩ nhân… tất cả đều là người bình thường với rất nhiều vấn đề liên quan đến nhân loại.
Hồ Chí Minh, một con người bình thường mà vĩ đại, vẫn tồn tại với đủ điều khen, tiếng chê, lòng hận thù và tinh thần cảm phục, chắc vẫn còn đứng mãi với thời gian.
Ở Châu Á với nhiều trường học, công viên, đường phố mang tên Cụ, hình tượng Cụ. 
Đặc biệt ở Ấn Độ: “Một người đàn ông cho hay, những năm 1970, nhiều thanh niên còn truyền nhau phiên bản khác của khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam: “Tên cha tôi, tôi có thể quên, nhưng không bao giờ quên Việt Nam”. (nguồn: bài Tên anh, tên tôi, Việt Nam, Việt Nam của Hồng Nga trên Website BBC). Thời điểm đó, nếu không ủng hộ cụ Hồ Chí Minh thì sao yêu quí Việt Nam đến thế?

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường mang tên Người tại Matxcơva.

Đặc biệt hơn nữa, ngoài bức tường danh nhân ở Paris còn là hình ảnh Hồ Chí Minh bên cạnh 19 vĩ nhân khác của 20 thế kỷ của nhân loại do một danh họa vẽ trên vòm nhà hữu nghị ở Mexico (có cả hình thánh Gandhi và Giáo hoàng).

Tin mới : tháng 8-2012 người ta mới lại làm lễ khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh ở thủ đô thủ đô Buenos Aires, Argentina.

Và ngày 24/3/2013 vừa qua, Đảng Phong trào Cánh tả Thống nhất của Cộng hòa Dominicana, chính quyền và nhân dân thành phố Santo Domingo de Este đã tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Quảng trường và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Santo Domingo, Cộng hòa Dominica.

Riêng vấn đề bút danh Trần Dân Tiên mà Cụ Hồ đã ký trên một tác phẩm tự viết về mình (Những mẩu chuyện đời hoạt động của Hồ Chủ tịch). Tuy vấn đề nhỏ nhưng lại cần phải được thảo luận vì nó chạm đến khía cạnh văn hóa và tâm linh của đời sống cộng đồng.

Có những người sau khi đọc tác phẩm “Đối thoại” của chúng tôi (gồm Đối thoại 2000 và đối thoại 2001) đã nêu thắc mắc: “Hai tác giả đã sùng bái và thần thánh hóa Hồ Chí Minh lại không thấy rằng Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm tự khen mình rồi ký tên là Trần Dân Tiên để dối trá và lừa bịp mọi người hay sao?”

Chúng tôi đã từng trả lời miệng rằng: “Chúng tôi không sùng bái ai cả nhưng với tư cách người có văn hóa, chúng tôi có trách nhiệm tôn trọng sự sùng bái trong đời sống tâm linh của cộng đồng”.

Ở Trà Vinh và nhiều tỉnh nhân dân lập đền thờ Hồ Chí Minh, tôn Hồ Chí Minh là bậc thánh cứu nước thì chuyện đó không ai ngăn cản được và cũng không được quyền báng bổ.” Không ai được phép xúc phạm đến đời sống tâm linh của Cộng đồng nếu muốn chứng tỏ mình là người có văn hóa. Mọi sự báng bổ Chúa, Phật, Thần Thánh đều biểu lộ tình trạng thiếu tim, thiếu óc và vô Văn hoá.

Có lúc chúng tôi đã hỏi lại họ:
“Các anh có dám phê phán rằng khi đức Nguyễn Trãi cùng với đức Lê Thái Tổ tự xưng mình là người nhà giời rồi 2 sai nghĩa quân lấy mỡ viết lên lá cây hàng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” như thế là lừa bịp nhân dân không?”.
Tất nhiên mọi người đều im lặng không thể trả lời.

Đó là chưa kể đến trường hợp danh tướng anh hùng Lý Thường Kiệt cho quân vào miếu thần trên bờ chiến tuyến sông Như Nguyệt giả làm người nhà giời đọc to bài thơ Nam Quốc sơn hà lúc nửa đêm:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Rất tiếc mấy nhà Hán học lại dịch “Nam đế” là “vua Nam”, dịch “cư” là ở, lại bỏ mất chữ “nghịch” trong “nghịch lỗ” (giặc trái mệnh trời), lại dịch nhầm mấy chữ thủ bại hư (lũ giặc nghịch mệnh trời ắt sẽ nắm chắc phần thất bại, dịch “nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” thành “chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”, như thế là làm mờ đi cái từ “thiên thư”, “thiên mệnh” vốn là dụng ý là cái thần của bài thơ.
Vậy là chuyện viết chữ trên lá và chuyện đọc thơ ở miếu thần đều là phản đòn rất đắc dụng của tiền nhân. Ai dám coi những cao kiến, cao sách đó là không chính đáng?
Xưa kia người ta coi Trời là đấng tối cao sinh ra tất cả và điều khiển tất cả. Giai cấp thống trị Trung Hoa tôn xưng người đứng đầu là hoàng đế và hoàng đế tự nhận mình là Con Trời (thiên tử) được Trời giao cho sứ mệnh cai trị muôn dân (trị quốc) và dẹp yên tất cả các nước nhỏ (bình thiên hạ). Chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa bắt nguồn từ đây và đã tồn tại ít nhất là hơn 5000 năm.

Các tộc người thuộc Bách Việt trồng lúc nước và sống yên bình trên miền Nam sông Dương tử. Sau bị Hán tộc tràn qua sông Dương tử, cửa xuống đó nay còn được gọi là Hán khẩu (Hồ Bắc) xuống đánh chiếm. Các tộc Việt chạy tán loạn sang đảo Đài Loan, quần đảo Nhật Bản và đa đảo phương Nam. Những tộc nào không chạy kịp tất nhiên bị cai trị và bị đồng hóa như Mần Việt, Đông Việt, Lưỡng Việt, Choang… Hiện nay nên có những công trình nghiên cứu về người Hoa gốc Việt.
Đặc biệt trường hợp Lạc Việt của chúng ta chạy không chịu chạy, đồng hóa không chịu đồng hóa nên đã trở thành những vấn nạn của lịch sử, thành chuyện đau đầu của các hoàng đế Trung Hoa từ bao đời nay. Không những thế các vị nguyên thủ của Lạc việt còn lớn tiếng khẳng định địa vị bình đẳng của mình với các hoàng đế phương Bắc.
Chính vì lẽ đó chúng tôi khẳng định rằng không ai được dịch chữ “đế” trong bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhât của Lý Thường Kiệt.

Sông núi nước Nam, Nam đế ngự.
Rành rành phận định tại Sách Trời.
Cớ sao nghịch tặc dám xâm phạm?
Thảm bại kìa bay nắm chắc rôi!
(Trần Khuê dịch)

Không thể dịch: “sông núi nước Nam vua Nam ở” mà phải dịch là: “Sông núi nước Nam, Nam đế ngự”. Còn chữ “đế” trong Bình Ngô đại cáo không thể dịch là: Từ Triệu, Đinh Lý Trấn xây nền độc lập cùng Hán Đường Tống Nguyên hùng cứ (làm chủ) một phương, mà phải dịch: “các đế nhất phương” là mỗi bên làm đế một phương.
Do đó phương Bắc tự xưng là con trời thì phương Nam cũng xưng là mình thuộc mệnh trời, là những người do trời sai xuống để bình giặc Tống, bình giặc Minh. Gọi vấn đề thiên thư và thiên mệnh là đối pháp chính trị hay gọi là gì cũng được nhưng không ai dám nói đây là thủ đoạn lừa dối nhân dân. Đó là phương lược mà các đấng tiên liệt đã dùng để quy tụ lòng người, tập hợp lực lượng nhằm chiến thắng giặc ngoại xâm.

Cụ Hồ cũng thế thôi! chỉ khác là Cụ không phải viện đến “thần quyền” hay “thiên mệnh”. Trong khi mọi người chưa biết Hồ Chí Minh là ai thì Cụ buộc phải viết “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” để tự giới thiệu mình. Trong tập tự truyện này, Hồ Chí Minh kể một số quãng đời bôn ba hải ngoại và tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc.

Phải công bằng và xác nhận rằng cụ Hồ đã kể toàn sự thật. Vì đơn giản là tất cả những nhân vật mà Cụ đã tiếp xúc có ít nhiều liên quan đến đời hoạt động của Cụ không một ai phê phán cụ Hồ đã bịa đặt một chi tiết nào; và mấy chục năm qua ngay cả những người đã ra rả chê trách Cụ ký bút danh Trần Dân Tiên cũng không nêu được một chi tiết nào sai sự thật và họ cũng chẳng bao giờ dám bàn về nội dung cuốn sách, chỉ một mực nhấn mạnh: ký bút danh để tự viết về mình như thế là thiếu khiêm tốn kém đạo đức, lừa dối nhân dân.
Thực tế chứng minh rằng Cụ Hồ viết không nhằm mục đích để khoe khoang mà chỉ nhằm tự giới thiệu với quốc dân và công luận. Quá trình hoạt động của Cụ chứng minh Cụ là một người yêu nước hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Việc tự giới thiệu nhằm tập hợp quần chúng đi theo mình kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ rõ ràng là tối cần thiết và cũng chẳng có thể coi đó là lập dị, cần chê trách.

Thông thường trong việc giao tiếp với cộng đồng người ta còn cần tự giới thiệu, huống hồ muốn làm đại sự không cho mọi người biết về mình thế nào được. Lịch sử đã chứng minh việc toàn dân Việt đoàn kết đi theo Cụ Hồ để đánh Pháp, chống Mỹ đã tạo nên những kỳ tích của thế kỷ. Người có lương tri không ai đi chê trách những việc “tự giới thiệu” của các vị anh hùng như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh…
Vậy mà những nhân định hồ đồ kiểu này cứ được tự do nói, tự do viết trên Mạng rồi lại được tiếp tục tự do truyền từ miệng người nọ sang tai người kia mấy chục năm liền không thấy ai kể cả các cơ quan hữu trách thấy cần phải suy nghĩ, phân tích sự đúng sai phải trái. Đúng như ông William James, một học giả Hoa Kỳ đã nói: “Nhiều khi người ta cứ tưởng mình đang suy nghĩ nhưng thực ra họ chỉ đang sắp xếp lại những thành kiến mà thôi”. (A great many people think they are thinking when they are merely rearranging their prejudices.– William James)

Nhân đây chúng tôi đề nghị đã đến lúc nên thảo luận để loại bỏ đi những nếp tiêu cực trong đời sống văn hóa dân tộc chứ không nên coi đó là “bản sắc” cần làm “đậm đà thêm”…

Sao lại cứ coi việc tự nói về mình là không nên, là kém đạo đức? Cứ để cho người khác nói về mình mới là khách quan ư?. Thật ra chủ quan hay khách quan hoàn toàn phụ thuộc vào việc nói đúng sự thật hay sai sự thật. Ai biết rõ sự thực về mình và những điều mình quan sát bằng bản thân mình.
Có một hiện tượng khá buồn cười là những tướng bại trận của Pháp của Mỹ thì đua nhau viết hồi ký còn những tướng thắng trận của ta, rất nhiều người né tránh vì e rằng người ta chê kể chuyện về cuộc chiến đấu đời mình như thế là thiếu khiêm tốn hoặc nhằm lừa dối mọi người. 

Có một chi tiết trong hồi ký của bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ Mác Namara chắc chắn không ai dám coi đó không phải là sự thật:
“Trong bữa tiệc có một bà đứng trước tôi hỏi “Này ông Mac Namara hôm nay ông đã giết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Rồi không đợi tôi trả lời bà ấy đã nhổ toẹt vào mặt tôi và bỏ đi”.

Rồi những chi tiết như ông Mac Namara công khai thú nhận “Chúng tôi đã sai lầm một cách khủng khiếp. Chúng tôi thua Việt Nam vì đã không hiểu lịch sử Việt Nam và văn hóa Việt Nam” thì đó là sự thật hay sự không thật? Chúng tôi vốn căm ghét ông Mac Namara người đã đồng tình trong việc dội 7 triệu tấn bom đạn lên đầu dân Việt nhưng không thể không bày tỏ lòng cảm phục trước sự chân thực của ông.

Kể những sự thật mà mình đã trải nghiệm mà lại coi là lừa dối thì đúng là “có đầu mà không có óc” (GS Trần Chung Ngọc) Vấn đề là người nghe phải kiểm tra và phân tích xem có đúng sự thật hay không. Một xã hội chìm đắm trong trạng thái tư duy tiểu nông hàng ngàn năm như ở nước ta thì việc nhẹ dạ cả tin những lời đồn thất thiệt, những ý kiến hồ đồ thật chẳng có gì lạ.
Tóm lại, cũng như việc đọc thơ Thần của Lý Thường Kiệt và việc viết chữ lên lá của Nguyễn Trãi, việc Cụ Hồ Chí Minh tự kể chuyện đời mình trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” chính là đáp ứng một nhu cầu của Đời sống và Lịch sử.

TP Hồ Chí Minh, 05 – 2012 _04-2013
Trần Khuê
Nguồn: Trích chuyên luận “Đấng minh triết Hồ Chí Minh trong đời sống tâm linh Việt”
(Blog Nguyễn Trọng Tạo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét