Ngày Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cô chủ quán bar (P.cuối)
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Tôi nắm bắt cơ hội sự nghiệp của mình, để cô gái cao bồi ở lại cho Minh chăm sóc
Tóm tắt kỳ trước
Trong giai đoạn cuối cùng của cô gái cao bồi. Pi buộc phải lựa chọn: Ở lại cùng Minh chăm sóc người ốm, bay đi xa để tham gia vào một dự án rất quan trọng cho sự nghiệp của mình.
Nhìn nhận cơ hội và nắm bắt cơ hội là hai cánh cửa dẫn vào căn phòng cất giấu thành công. Nhưng để mở cửa, chìa khóa chính là sự quyết đoán. Khi tôi vào gặp trưởng phòng, cho biết đồng ý gia nhập êkíp làm việc tại Đà Nẵng, ông gật đầu hài lòng: “Luôn có nhiều thời gian cho những người trẻ như cậu. Tuy nhiên, không có bắt đầu nào là quá sớm!”. Một lời nhận xét khích lệ, hoàn toàn chẳng ám chỉ gì nhưng chỉ trong vài giây, tôi khựng lại. Hồ như có một ai đó muốn thét lên, chung quanh tôi và bên trong chính tôi. Bước ra hành lang, không thể trì hoãn lâu hơn, tôi điện thoại cho Minh. Không may mắn, hay thật may mắn, cậu ấy đang bận. Bên kia vọng đến những tiếng ồn ào của một đám đông đang vào hồi thảo luận sôi nổi.
- Cậu sắp rời khỏi thành phố, vào thứ Bảy tuần này! – Tôi thông báo ngắn gọn, không tìm ra cách nào dễ chấp nhận hơn.
- Cậu sẽ không đến bệnh viện nữa? – Có gì đó giống nỗi sợ hãi thoáng qua giọng nói của bạn thân.
- Ừ, trong ba tuần. Theo yêu cầu của văn phòng công ty! – Tôi nói nhanh, vì nói dối. Chẳng có yêu cầu nào cả. Chỉ là lựa chọn của chính tôi.
- Cậu không thể lùi lại chuyến đi, hay chọn chuyến công tác khác?
Chơi với nhau lâu, chưa bao giờ tôi nghĩ Minh là bộ óc sắc bén. Nhưng lúc này, phải chăng cậu ấy đã đọc rõ ý nghĩ câm lặng trong tôi. Trước khi tôi kịp biện minh, cậu ấy lấy lại giọng nói điềm tĩnh quen thuộc:
- Nhưng không sao. Tớ sẽ thu xếp để vào bệnh viện với An thay cậu. Chúng ta nói chuyện sau nhé. Giờ tớ đang bận trong phòng thí nghiệm.
Cậu ấy tắt máy. Tôi nhìn chiếc điện thoại trên tay, cho đến khi ánh sáng trên màn hình tắt ngấm. Đôi khi, một việc tồi tệ gần như đã chạm mức giới hạn, người ta vẫn có thể làm cho nó tồi tệ hơn. Thực tế này đã xảy ra chính xác với tôi. Ở lẽ nào đó, Minh chấp nhận và giải quyết thông tin của tôi thật gọn nhẹ. Cậu ấy cũng không bực dọc gì. Nhưng giá như cậu ấy khó chịu và cất lời phiền trách thì tôi còn dễ chịu hơn.
Tôi trở về bàn làm việc, mở máy tính, đọc văn bản, tìm kiếm mấy số liệu về nguyên liệu giấy, viết e-mail trả lời vài đối tác. Công việc diễn ra bình thường như trong mọi buổi sáng bình thường. Tuy nhiên, hết thảy những điều tôi đang làm đều gắn kết với nhau lỏng lẻo, vuột ra ngoài tầm kiểm soát, như thể các đồ vật đặt trên nền đất trượt, trôi vào một khối sương mù mịt.
Tôi nhớ lại thái độ ngạc nhiên lặng lẽ của Minh trong cuộc điện thoại. Cậu ấy không trách cứ lựa chọn của tôi, vì mọi việc mà tôi và cậu ấy đang làm đều dựa trên tinh thần tự nguyện. Nếu không gặp chúng tôi, tình trạng cô gái cao bồi vẫn vậy. Ngoài vài trò vui vui, thực tế là chúng tôi chẳng giúp ích gì cả, tôi tự trấn an. Cô ấy chưa bao giờ nói cậu trách cứ “thật không công bằng” với bất kỳ ai hay bất cứ điều gì. Vì thế, tôi cũng không nên thiếu công bằng với chính tôi. Cuộc sống luôn tiếp diễn và tôi phải đi con đường mình cần đi. Đôi khi, người ta buộc phải gạt qua một bên các sự kiện buôn bã để hướng thời gian của mình theo dòng chảy tích cực. Đó là điều sách vở vẫn thường nhắc nhở con người, trong các bài học làm sao xoay trở và thích ứng với nhịp sống hiện đại. Chỉ có điều, không phải bao giờ cũng thoải mái, khi để cho cậu bạn thân ngạc nhiên về lựa chọn của mình.
Còn hai ngày trong thành phố. Tôi thu xếp hành lý cho chuyến đi làm việc đầu tiên, trao đổi với giảng viên hướng dẫn luận văn một số vấn đề mà tôi cần thực hiện trong thời gian vắng mặt, đến ngân hàng chuyển hết tiền còn trong thẻ sang tài khoản của Minh. Mấy việc kiểu này làm nhanh thôi, không có gì phải suy nghĩ. Thời gian còn lại, tôi vào bệnh viện, ngồi với An.
Cô gái cao bồi không biết gì về chuyến đi của tôi. Qua cửa sổ, thấy tôi bước trên hành lang, cô ấy sẽ ngồi dậy, chỉnh sửa cá áo carô mà cô ấy đã mặc sẵn bên ngoài khi biết tôi sắp đến. Cái áo vải dày và những ô vuông mạnh mẽ làm An trông ít gầy hơn và cũng làm tôi nhớ nhiều hơn lần đầu tiên nhìn thấy cô. Ngỡ như rất lâu, dễ chừng nhiều năm đã trôi qua giữa hai thời khắc. Sự phi lý, nếu có giữa những thời khắc của hình ảnh, thì đó là chiếc áo vẫn nguyên vẹn, chẳng có gì suy suyển. Còn cơ thể ở bên trong nó hao mòn đi, như thể cô ấy đang cười nói, tranh luận với tôi về đám nhân vật u tối, nhưng tràn đầy sức sống trong mấy quyển sách của Faulkner mà cô ấy đã đọc lại gần sắp hết…
Vài ngày trở lại đây, An không còn phải truyền thuốc. Vậy nên cô ấy thích vịn vào cánh tay tôi, cùng đi ra bãi cỏ vuông vức giữa các khối nhà, ngồi cạnh mấy luống phong lữ thảo mới trồng nên mùi rễ cây tỏa hương hăng hắc. Cách cô ấy tập trung vào những chuyện nhỏ bé, vui vẻ thật lòng với các niềm vui khó nhận ra, làm tôi ngạc nhiên. Đó là cách của người tin rằng mình sẽ sống thêm nhiều lần nữa như thời gian mình đã từng có, chứ không người đang phải đếm từng ngày còn lại.
Cũng vì An như thế, tôi không biết phải bắt đầu thế nào để nói với cô ấy về chuyến đi xa của mình. Chỉ có ba tuần. Khi mình về, cô ấy vẫn duy trì được tình trạng hiện tại. Gia đình cô ấy luôn ở cạnh bên. Minh và giáo sư của cậu ấy sẽ thử nghiệm loại biệt dược hữu hiệu. Cô ấy sẽ khỏe lên. Có gì mà phải buồn bã và làm cho mọi việc nhuốm màu bi thảm. Tôi không ngừng tự nói với chính mình. Rốt cuộc, chiều thứ Sáu, tôi đến bệnh viện trong buổi trực như thường lệ, ngồi với An cạnh luống phong lữ thảo, cho đến khi ánh nắng chói chang trên mấy khối nhà tắt hẳn. Và tôi vẫn chẳng nói gì với cô ấy.
An mong mọi người được nhìn thấy như một sinh thể bình thường (Ảnh minh họa)
Minh đã lấp vào khoảng trống tôi để lại, nhẹ nhõm và tự nhiên theo đúng cách riêng của cậu ấy. Các buổi chiều, nếu không bận việc với êkíp, Minh nhắc tôi dùng Skype với cậu ấy và An. Cô gái cao bồi thực sự vui vẻ. Câu đầu tiên khi chúng tôi thấy nhau qua iPad không phải lời chào, mà một câu hỏi: “Anh nhìn thấy em chứ?”. Cậu bạn to béo thò đầu vào, nói to: “Chắc chắn Pi nhìn thấy tổi rõ hơn!”. Cả ba cười phá lên. Có một lần, An đề nghị tôi ra bãi biển, mang theo máy, để tất cả cùng có thể nhìn thấy trời và nước. Ý tưởng có vẻ lãng mạn và hơi điên rồ nhưng mang đến một niềm vui đặc biệt. Tôi vững tâm dần.
Thỉnh thoảng, tối khuya, Minh điện thoại, cho biết các món đã chi dùng trong khoản tiền tôi chuyển. Cậu ấy cũng đi làm thêm cật lực nhưng rõ ràng, ngành học của cậu ấy không dễ kiếm như lĩnh vực của tôi. “Nếu không có tiền cậu gửi, tớ khó mà làm được, Pi ạ”, Minh nói nhẹ nhàng. Tôi hỏi về việc thử nghiệm loại biệt dược mới. Cậu ấy bảo, giáo sư đã mang thuốc về. Nhưng họ chưa dám sử dụng. Phải đợi cô ấy khỏe hơn. Và thêm một khó khăn nữa, để tiến hành thử nghiệm nguy hiểm, còn phải có sự đồng ý của bố An. “Chúng ta đang và sẽ cố hết mức. Nhưng chúng ta không thể quyết định tất cả, Pi ạ!”, Minh nói. Tôi ừ. Nhưng thế cũng đủ để với tôi, cảm giác có lỗi vơi nhẹ. Cho đến một ngày, tôi bỗng nhận ra mình đã có thể nhìn nhận mọi việc bằng con mắt của người ngoài cuộc. Những cơn dằn vặt và muộn phiền không còn đeo bám.
Văn phòng mới đã thiết lập xong. Công việc bống nhiều lên không thể tin nổi. Các sếp lớn của công ty bay ra, kiểm tra mạng lưới và hệ thống thông tin. Mọi người trong êkíp đốc thúc nhau làm việc từ sáng sớm đến chiều tối, mệt nhoài. Tôi không còn thời gian chuyện trò qua Skype với những người bạn ở thành phố. Nhưng cùng thời điểm ấy, cậu bạn thân và cô gái cao bồi cũng im lặng đột ngột. No new is good news, tôi tự trấn an.
Thời hạn ba tuần công tác kết thúc nhưng các anh trong êkíp ở lại thêm vài ngày làm cho xong vài việc dang dở. Không có lý do gì để vội vã trở về. Cứ thế, tôi dấn thân vào công việc. Đây là cuộc sống của tôi hiện tại và tương lai. Liệu tôi còn đòi hỏi gì hơn?
Minh đón tôi ở sân bay. Nếu không có áo pull in dòng chữ tiếng Anh: Không có cơ hội thứ hai, hẳn tôi khó lòng nhận ra cậu bạn thân. Minh gầy sọp. Trông cậu ấy như mọi sinh viên bình thương, mệt mỏi sau giờ học và các buổi làm thêm, thờ ơ trong bộ quần áo rộng không hợp mốt. Chỉ có đôi mắt vẫn rực lên thứ ánh sáng chăm chú và gan góc. Cậu ấy bước đến, vòng tay ôm vai tôi. Sự tiếp xúc rất nhanh thay cho mọi lời nói, mọi câu hỏi mà chúng tôi không thể nói ra vào thời khắc ấy.
Tôi đã hoàn tất luận văn tốt nghiệp và ký hợp đồng chính thức với công ty. Minh vẫn còn một năm. Cậu ấy cho biết dẽ dốc hết sức, để được giữ lại trường, tiếp tục làm việc với giáo sư nghiên cứu đề tài về bạch cầu cấp nguyên bào dòng lympho. Những lúc rảnh rỗi, hai thằng đi cà phê với nhau, bàn bạc các vấn đề cùng quan tâm. Có vài lúc, chúng tôi bỗng lặng thinh, chờ đợi. Chờ tiếng cười, hay một nhận xét lạ lùng từ cô gái không còn ở bên chúng tôi nữa. Rốt cuộc, sau những lảng tránh, Minh đã lên tiếng trước:
- Cậu có yêu cô ấy không?
- Có, ngay từ cái nhìn đầu tiên! – Tôi thừa nhận khó khăn – Nhưng điều mà cô ấy mang theo, sự sống và cái chết là vấn đề quá lớn, tớ không thể kham nổi.
- Đừng dằn vặt. Tớ hiểu điều cậu nói. Vì tớ cũng từng nghĩ giống cậu! – Giọng bạn thân mờ đi –Nếu có khác chăng, thì là tớ không hy vọng nhiều vào tình cảm. Vậy nên tớ đã xem cô ấy như một bệnh nhân, một đối tượng để nghiên cứu.
- Tớ không nghĩ như vậy. Cậu đã cư xử tốt hơn tớ nhiều…
Như một người gắng sức ngoi lên, bơi đi trong mạch ký ức nặng nề, Minh nói khẽ:
- Cậu có biết câu nói cuối cùng của An là gì không? Là câu chúng ta vẫn nghe cô ấy hỏi: “Anh nhìn thấy em chứ?”. Mãi gần đây, tớ mới hiểu vì sao An lặp đi lặp lại điều này. Cô ấy không mong chúng ta yêu thương. Cô ấy mong điều đơn giản hơn nhưng khó khăn hơn: Được nhìn thấy như một sinh thể bình thường. Tuy nhiên, chúng ta đã không thể. Xuyên qua vẻ đẹp của cô, tính cách lạ lẫm của cô, căn bệnh nan y của cô, chúng ta chỉ nhìn thấy các vấn đề của mình mà thôi. Chúng ta hy vọng nhìn thấu, hiểu được nhiều thứ. Nhưng sự thật là cô ấy đã mất. Chẳng còn cơ hội thứ hai để sửa chữa. Chúng ta có thể bỏ tiền, bỏ thời gian nhưng điều quan trọng nhất, tình cảm chân thành đủ để trân trọng thời khắc sống của An, chúng ta đã quên mất, Pi ạ…
Minh chuyển tôi chồng sách cũ của Faulkner. An nhờ tôi trả lại tiệm cho thuê. Cần phải trả lại, vì sẽ có những người xa lạ nào đấy còn cơ hội đọc những trang viết tuyệt vời của Thánh địa, những cây cỏ hoang, hay âm thanh và cuồng nộ. Trong buổi chiều nóng ẩm, lặng gió, từ những trang sách nằm im thoáng thở ra tiếng nói thầm, bất tận, về sự lãng quên, về trạng thái trống rỗng, về những cơ hội theo tuổi thanh xuân rời đi, không thể quay ngược lại.
Lâm Hân (Sinh viên Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét