Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Đau lòng chuyện uống rượu

Ngày Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Đau lòng chuyện uống rượu
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Trong khi hàng triệu trẻ nhỏ không có tiền ăn, mặc, học hành, hàng triệu gia đình dân lao động nghèo tiết kiệm từng đồng để tồn tại thì đám quan chức liên tục họp hành, sau đó là nhậu bằng tiền thuế, tiền bán tài nguyên và tiền vay nước ngoài. Hậu quả thì ai cũng rõ, nhưng: "Cái nước mình nó thế !!!!!!!!!!".
Cơ quan tôi, một Bộ lớn, đã có trường hợp nhậu xong, trưa về nằm trên bàn làm việc ngủ và tử vong.
Đau lòng chuyện uống rượu
Nữ chủ tịch mất chức, chồng bỏ
- Câu chuyện về chị S. uống rượu “thần sầu” ra đi mất chồng, mất con khiến nhiều người trước đây thấy “ngứa mắt”, nay tỏ ra ngậm ngùi: “Phận đàn bà con gái ăn nhậu với đám đàn ông thì trước sau gì cũng hư. Đàn ông hư còn có đường về, đàn bà hư coi như mất hết!”.
Không chỉ cán bộ công chức cấp tỉnh mới sa đà vào nhậu nhẹt bê tha, ở cấp cơ sở xã - ấp, nạn bia rượu phổ biến còn hơn nữa. Đi xuống xã nào cũng nghe nói ông cán bộ kia vừa mất mấy hôm vì uống rượu!
Bơ vơ không nhà, không gia đình
Chị S. trở thành chủ tịch Hội phụ nữ xã sau 5 năm phấn đấu không ngừng.
Bà con trong xã H.T huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long quý mến người phụ nữ này bởi tính cách niềm nở, ân cần vui vẻ, tận tụy với công việc.
Là phụ nữ, chị may mắn có người chồng đảm đang. Ở nhà anh quán xuyến hết mọi việc, từ lo cho 2 đứa con ăn học đến ruộng vườn, heo gà.
Nhờ vậy, chị yên tâm công tác. Ai hỏi sao để vợ đi thoải mái vậy, anh chồng hiền lành trả lời: “Cán bộ phong trào thì phải đi công tác hoài mà!”.
Thực ra, câu này chị thường nói với anh mỗi khi về nhà.

Thời gian sau có nhiều người đến to nhỏ với anh là thấy chị ngồi quán nhậu dưới thị trấn.

Lúc đầu anh không quan tâm. Nhưng nghe nói riết, anh hỏi thì được chị giải thích là “giao lưu” với xã bạn!

Anh căn dặn: “Nghe bà con đồn em uống rượu thần sầu. Phụ nữ là cán bộ uống rượu vậy là không hay đâu!”.

Chị trả lời: “Đi làm Nhà nước hổng uống rượu hổng được đâu anh ơi. Phải uống mới quan hệ xã giao, giao lưu thì công việc mới chạy!”.

Gần như hôm nào chị trở về nhà cũng nồng nặc men rượu. Anh chồng đảm đang lo lấy khăn lấy nước lau cho vợ, pha nước chanh cho vợ uống giã rượu.

Nằm cạnh con lộ nối liền 2 xã có căn nhà trọ mang tên “Tình đôi ta” rất nổi tiếng.

Đám thanh niên nam nữ thường dắt nhau vào đây tình tự. Một hôm em trai anh chồng tức tốc đến, kéo ông anh lên xe chạy thẳng ra quán trọ vì anh phát hiện hồi nãy bà chị dâu đi cũng gã đàn ông vào đây.

Vào tới, 2 anh em ập vào phòng thì gặp chị S. đang nằm, quần áo xộc xệch. Chị nửa tỉnh nửa say giải thích là do hồi chiều “giao lưu” nên say quá, phải nhờ người chở vào nằm nghỉ cho tỉnh, chút về!

Anh chồng tội nghiệp tin lời, chở vợ về.

Nhậu ngày, nhậu đêm - Ảnh minh họa: Tuổi trẻ
Tuy nhiên sau đó, lời đồn đại về mối quan hệ giữa “bà chủ tịch” và ông cán bộ xã kế bên rộ lên khắp xóm.

Anh S. không bỏ ngoài tai được nữa, âm thầm theo dõi. Lần này anh bắt tại trận vợ anh và ông cán bộ xã bên đang nằm với nhau trong căn nhà trọ “Tình đôi ta” sau khi ngồi ăn nhậu “giao lưu”.

Chẳng thèm nói thêm câu nào, anh chồng chạy về thông báo cho ba mẹ bên vợ và gói ghém toàn bộ áo quần, tư trang của vợ vào túi xách, đem qua nhà ba mẹ vợ trả lại với lời nhắn: “Đàn bà lăng loàn không được trở về nhà!”.

Hai đứa con khóc lóc năn nỉ, nhưng anh chồng cương quyết đoạn tuyệt.

Chị S. bị kỷ luật vì tội “quan hệ bất chính” và mất chức chủ tịch. Bị chồng đuổi, cha mẹ không cho tá túc, chị âm thầm ra đi một mình chẳng biết về đâu.

Câu chuyện về chị S. uống rượu “thần sầu” ra đi mất chồng, mất con khiến nhiều người trước đây thấy “ngứa mắt”, nay tỏ ra ngậm ngùi: “Phận đàn bà con gái ăn nhậu với đám đàn ông thì trước sau gì cũng hư. Đàn ông hư còn có đường về, đàn bà hư coi như mất hết!”.

Trời đánh không chết, nhưng...

Trưởng công an xã H.T, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long là người cao to, phốp pháp.

Anh được mọi người khen là thuộc loại “trời đánh không chết” vì có hôm đang đi công tác, gặp trời mưa, sấm sét đùng đùng, ai cũng sợ xanh mặt trong khi anh vẫn điềm nhiên đội mưa gió, chạy như bay.

Ầm một tiếng, ánh sáng chói lòa từ trên cao lao xuống đốt trụi mấy bụi cây ven đường. Còn bò đứng gần ngã ra lăn quay, chết cháy đen thui. Nhưng anh T. chỉ văng ra mà không sao!

Ai cũng khen anh cao số, “trời đánh không chết”!

Ăn nhậu triền miên là bệnh ở không ít công chức - Ảnh minh họa
Tưởng như anh T. là người không thể chết trừ khi trời gọi đi. Bởi vậy nên trong các cuộc nhậu anh rất tự tin. Ai mời là “bụp” vào ngay. Ai đưa là uống.

“Hổng ngán thằng Tây nào” là câu anh thường nói hàng ngày.

Trên cương vị trưởng công an xã, anh phải đi cơ sở, tiếp xúc với nhân dân nhiều nên ăn nhậu cũng phải nhiều.

Nhiều đến mức quanh năm suốt tháng anh chẳng biết cơm nhà là gì! Khả năng uống của anh khó ai bì kịp. Vào bàn tiệc, anh có thể ngồi từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm không sao!

Thế rồi, cái tin trưởng công an xã H.T “ra đi” bay nhanh khắp xã vào buổi sáng sớm mặt trời chưa kịp lên.

Đang ngồi nhậu với các chiến hữu, anh lè nhè đứng dậy đi ra bụi cây phía sau nhà. Tưởng là “đi xả nước” ra như thường lệ, những người ngồi chung cứ điềm nhiên tiếp tục.

Thấy đã lâu anh T. chưa trở vô, mọi người túa ra tìm, thấy anh nằm gục sau hè. Họ vội vàng xốc anh vào nhà và cạo gió.

Nhưng cạo một lúc không ăn thua, anh đã trút hơi thở cuối cùng ngoài bụi cây sau nhà rồi!

Mấy bà vợ nghe tin, cảnh báo chồng: “Thấy chưa, nhậu cho dữ đi rồi chết tức tưởi như ông T. cho mà xem. Cỡ ông ăn thua gì. Ông T. trời đánh không chết mà chết vì rượu đó!”.

Căn bệnh chưa có thuốc!
Nhiều cán bộ có trách nhiệm ở miền Tây tỏ ra ngán ngẩm với tệ nạn uống rượu lan tràn như hiện nay.

Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tâm sự: “Thiệt hại do tệ nạn này rất lớn, ảnh hưởng đến công việc, uy tín cán bộ với dân và các mặt khác…”.

Tuy nhiên, làm thế nào để chất dứt không phải là dễ.

Trước nay đã có những lần tuyên chiến thẳng tay nhưng không thành công. Ngược lại làm cho hiệu lực chỉ đạo của tỉnh bị “lờn”. Nên các biện pháp sau này thiên về “hạn chế” hơn là “cấm”.

Trong nhân dân, tệ trạng rượu chè đã đến mức báo động. Nhưng trong cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức lẽ ra phải gương mẫu song họ “còn uống dữ hơn” thì sao mà làm gương để vận động nhân dân noi theo?

Hầu như đi xuống địa phương nào cũng bắt gặp cảnh ăn nhậu tràn làn. Có người gọi là “văn hóa” thực là khó nghe song ngẫm nghĩ cũng không sai.

Tiếp khách khứa phải có rượu; giao lưu, liên hoan phải có rượu; bạn bè gặp mặt cũng rượu…

Đến mức đã có luật bất thành văn trong quy hoạch hoặc cơ cấu lựa chọn cán bộ, ở các vị trí mang tính đối ngoại, ngoại giao như chánh văn phòng, tiếp tân thì ngoài năng lực chuyên môn, ứng cử viên phải có thêm “năng lực uống rượu” để tiếp khách, không làm mất mặt địa phương…

Cứ đà này xem ra tệ nạn uống rượu đang ngày càng trầm trọng hơn là chắc chắn!

Duy Chiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét