Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Tướng Giáp: Có một học thuyết quân sự Việt Nam

Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tướng Giáp: Có một học thuyết quân sự Việt Nam
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Đọc để biết chứ tôi thấy bài này chưa thuyết phục.
Có một học thuyết quân sự Việt Nam
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara.
(LĐ) - Số 105 - Thứ bảy 11/05/2013 08:18
Ngày 21.9.1996, tại Hội thảo “Học thuyết quân sự Việt Nam”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài nói chuyện mở màn. Qua đó, ông đề xuất việc triển khai nghiên cứu vấn đề này thành đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Chuyên trang Hồ sơ – Sự kiện của Báo Lao Động thứ 7 xin trân trọng giới thiệu một phần bài phát biểu quan trọng này.
Hình thành học thuyết từ thời phong kiến
Đã hơn một lần tôi đặt vấn đề về việc: Có học thuyết quân sự Việt Nam hay không, trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Hôm nay, tôi nói một cách khẳng định là có.
Tôi xin kể một câu chuyện: Năm 1971, tôi được Bộ Chính trị cử sang Liên Xô để đề nghị thêm viện trợ. Lúc đó Mỹ đang gia tăng máy bay B.52, C.130, các phương tiện chiến tranh điện tử để đánh ta... Đồng chí Côxưghin hỏi tôi: "Tôi xin hỏi đồng chí Giáp, đồng chí nói, các đồng chí đánh thắng Mỹ. Tôi muôn biết, các đồng chí có bao nhiêu sư đoàn bộ binh cơ giới, Mỹ có bao nhiêu? Xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu các đồng chí có bao nhiêu, Mỹ bao nhiêu? Tất cả khả năng phòng không, khả năng về tên lửa, về thông tin, về rađa của các đồng chí như thế nào? Đồng chí nói qua cho tôi biết". 

Tôi nói: "Tôi hiểu câu hỏi của đồng chí... Đồng chí hỏi về vấn đề so sánh lực lượng. Theo học thuyết quân sự Xôviết là như vậy. Nhưng nếu chúng tôi đánh theo cách đánh của các đồng chí thì chúng tôi không đứng nổi được hai tiếng đồng hồ! Nhưng chúng tôi đánh theo cách khác - cách đánh của Việt Nam - và chúng tôi sẽ thắng". Sau năm 1975, có dịp trở lại Liên Xô và gặp lại đồng chí Côxưghin, đồng chí ấy nói vui vẻ: "Việt Nam các đồng chí thắng to quá, như thế tốt quá". Rõ ràng là chúng ta có cách đánh khác. Và đương nhiên, cách đánh của ta có học tập, vận dụng học thuyết quân sự Mác – Lênin, kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc ta và học tập kinh nghiệm đấu tranh quân sự của các nước khác.

Tôi đọc Ph. Ăngghen, ông có nói rằng, đứng về quân sự mà nói thì có những dân tộc có tư chất quân sự riêng của mình. Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ: Cách đánh giặc thì chúng ta có cách đánh khác, cách đánh của Việt Nam. Bây giờ kể từ chuyện to cho đến chuyện nhỏ thì thấy rằng, chúng ta biết đánh theo cách riêng của mình, chứ không thì cũng khó mà đánh thắng.

Đất nước Việt Nam là một cộng đồng dân tộc hình thành quốc gia - dân tộc rất sớm, trong lịch sử cộng đồng dân tộc ấy đã từng chống thiên nhiên khắc nghiệt, chống kẻ thù ngoại xâm mạnh hơn mình... Là một dân tộc như vậy, cho nên từ xa xưa đã tạo nên một nền văn hóa Việt Nam, hạt nhân của nó là tinh thần đấu tranh để làm chủ thiên nhiên, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh; tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm để giữ vững độc lập, chủ quyền, gắn liền với huyền thoại Phù Đổng. Vì vậy, dân tộc ta là một dân tộc có tinh thần làm chủ đất nước rất cao, đấu tranh bất khuất.

Trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ, dân tộc ta đã tìm tòi và sáng tạo ra cách đánh riêng từ thời đánh quân Đồ Thư, cho đến thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa...

Có thể nói, một ngàn năm bị kẻ thù đô hộ và có mưu đồ đồng hóa rất rõ ràng, nhưng cộng đồng các dân tộc ở trên đất nước ta đã giữ vững tinh thần làm chủ, tìm ra cách đánh kẻ thù. Lúc đó đã có những thắng lợi, nhưng mốc thắng lợi từng thời gian, về sau thời gian giữ được độc lập, chủ quyền càng ngày càng dài. Ví dụ, nhà nước Vạn Xuân, giữ vững độc lập chủ quyền được đến mấy chục năm. Sau đó tuy bị đô hộ một ngàn năm, nhưng cuối cùng dân tộc ta đã giành được độc lập.

Như vậy thời kỳ này tổ tiên ta đã tìm tòi, sáng tạo ra cách đánh của ta, thắng lợi đó đã thể hiện được "nhỏ thắng lớn". Thắng được là do chúng ta có tinh thần độc lập tự chủ, đấu tranh bất khuất. Điều đó thể hiện ngay từ trong thần thoại cho đến bây giờ. Đi đâu chúng ta cũng thấy các miếu mạo không những thờ Hai Bà Trưng, mà cả những nữ tướng của Hai Bà. Từ đó có thể nói, nước ta đã giữ vững được văn hóa dân tộc (văn hóa theo nghĩa rộng), mất văn hóa là mất nước, dân tộc ta giữ vững văn hóa của mình, hoàn thiện thêm mãi, cho nên đã đánh bại được âm mưu đồng hóa.

Hiện nay, ở Trung Quốc có một nhóm nghiên cứu: "Vì sao dân tộc Việt Nam bị xâm lược nhiều lần mà vẫn tồn tại, giữ được bản sắc?". Cái đó chứng tỏ sức sống của văn hóa dân tộc ta với bản sắc riêng. Nhờ vậy, tổ tiên ta đã giữ vững được nền độc lập gần một ngàn năm, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX chống lại sự xâm lược và mưu đồ đồng hóa của phong kiến phương Bắc. Thời kỳ này nước nhà tuy được độc lập, cũng có lúc bị đô hộ, nhưng đã đánh thắng nhiều đội quân xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần. Quân Mông - Nguyên đã từng làm chủ Trung Quốc, nhưng sang đánh Việt Nam thì bị thất bại nhục nhã.

Thời phong kiến, ta có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung và có thể nói, ngay từ thời đó đã hình thành học thuyết quân sự Việt Nam. Sự hình thành đó thể hiện quân sự là sự kế tục chính trị bằng thủ đoạn khác (theo Claudơvít mà cũng là theo chủ nghĩa Mác - Lênin). Chúng ta đã đi đến Tuyên ngôn độc lập thứ nhất "Nam quốc sơn hà". Nhân tố này thể hiện một bước phát triển cả về văn hóa và quân sự.

Tiếp đó đến Trần Hưng Đạo, với “Hịch tướng sĩ”, kêu gọi quân quan "đi thủy ta cho thuyền, đi bộ ta cho ngựa"... đó là một bài hịch nổi tiếng của một lãnh chúa phong kiến; chúng ta cũng đã có Hội nghị Diên Hồng, thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc ở việc thích chữ "Sát Thát" vào cánh tay. Hịch Trần Quốc Tuấn thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của tổ tiên, thể hiện tư tưởng "Đoản binh thắng trường trận".

Đến đây, thực tế là hình thành học thuyết quân sự Việt Nam, nhưng còn những hạn chế của nó. Đến Lê Lợi, Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo” và các bài viết về quân sự, học thuyết quân sự của dân tộc đã phát triển lên một bước mới. Bản hùng văn đã nói đến "bốn phương manh lệ" tụ tập lại, nó nói lên tính nhân dân rộng rãi, không những thế, còn tổng kết được "lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh" trên cơ sở lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn.

Lúc này bản “Bình Ngô đại cáo” đã nâng cao một bước chất lượng của học thuyết quân sự của dân tộc Việt Nam, của nước Đại Việt, đưa ra một định nghĩa về dân tộc, về đất nước, trải qua các triều đại là Triệu, Đinh, Lê và Lý, Trần, Lê. Đứng trên lập trường của phép biện chứng duy vật mà xem xét thì Nguyễn Trãi đã nêu lên một khẩu hiệu vượt thời đại: "Thái bình muôn thuở, tắt lửa chiến tranh", nếu thắng thì trong hang cùng ngõ hẻm đều yên ổn nghe tiếng nhạc thái bình.

Trước thời Quang Trung, có giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, là giai đoạn cần tách ra để nghiên cứu trong chuyên đề này. Người anh hùng áo vải đã kêu gọi nông dân đứng lên khởi nghĩa, lôi cuốn đông đảo quần chúng. Nhưng thiên tài Nguyễn Huệ vẫn có những hạn chế về giải quyết vấn đề ruộng đất, không đề ra được khẩu hiệu ruộng đất, nhưng về cách đánh giặc thì đã phát triển nhiều so với các giai đoạn trước.

Thế là trong thời đại Đại Việt, học thuyết quân sự Việt Nam đã hình thành và phát triển dựa trên đường lối chính trị với nền tảng dân tộc, khẳng định nước Nam anh hùng là có chủ.

Lịch sử Việt Nam là một lịch sử oanh liệt, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu chống mạnh, trên cơ sở "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", quyền độc lập tự chủ, trên cơ sở nhân nghĩa thắng bạo tàn. Như vậy, rõ ràng là có một học thuyết quân sự Việt Nam. Trong lịch sử, chiến tranh du kích có ở nhiều nước, nhưng để đánh bại được quân xâm lược lớn thì theo tôi được biết, hiếm có nước nào có những thành công như nước ta. Hôm nọ chiêu đãi ở Phủ Chủ tịch, đồng chí Phiđen Caxtơrô nói đại thể: Tôi đọc lịch sử chiến tranh, từ trước đến nay chưa từng có cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như nước Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ; đây là vô song, trên thế giới chưa có; trong lịch sử tôi chưa thấy...

Không quân Việt Nam tập luyện cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phát triển tới đỉnh cao trong thời hiện đại

Trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược, ngoài Bắc có Hoàng Hoa Thám, ở trong Nam có Trương Định, tinh thần anh dũng thì có thừa, cách đánh lại vận dụng cách đánh cả của thời trước. Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Nguyễn Thiện Thuật đã lợi dụng địa hình để kháng chiến; Phan Đình Phùng đã đánh theo lối đánh du kích có khi tập trung, có khi giữ vững căn cứ, cũng có khi đánh vào đô thị, đánh xuống thị xã Hà Tĩnh và có ý định đánh xuống cả Vinh. Nghiên cứu quân sự thời Phan Đình Phùng thấy rất giỏi, biết phát huy tất cả những cái từ trước. Còn Hoàng Hoa Thám, lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu suốt 30 năm. Có thể nói, ông cha ta thời đó vẫn kế tục những kiến thức quân sự từ trước, có tư tưởng độc lập, tinh thần đấu tranh bất khuất.

Cho đến thời điểm lịch sử Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước chân chính gặp chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra đường lối cứu nước, con đường giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn là "con đường cách mạng vô sản". Như vậy, mục tiêu chính trị là độc lập, chủ quyền cho dân tộc lại mang lại ruộng đất cho dân cày và hạnh phúc cho nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đây là một chuyển biến về chất, cho nên với mục tiêu chính trị mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao. Tôi càng nghiên cứu, càng thấy rõ hơn. Đúng là một cuộc chiến tranh toàn dân, thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trong Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp đầu tiên nói về nhiệm vụ và quyền lợi của dân, quy định quyền tự do của người dân trong xã hội. Mục tiêu chính trị của Đảng khác trước; mục đích chính trị của chiến tranh là xuất phát từ mục tiêu chính trị đó.

Đảng lãnh đạo cuộc chiến tranh nhân dân, và cuộc chiến tranh đó là của dân, do dân, vì dân. Vì thế, Đảng đã phát động được sức mạnh to lớn của toàn dân, không những trong những năm chiến đấu trong vòng vây, mà cả suốt những năm chống Pháp và can thiệp Mỹ, suốt 30 năm nhân dân ta đã đánh thắng hai đế quốc to. Điều đó thể hiện được sự phát triển mới truyền thống quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết, sự thông minh, sáng tạo của dân tộc. Một chính khách cao cấp Mỹ có nói: Nếu các ngài chỉ anh hùng không thôi thì chúng tôi đánh bại, nhưng dân tộc các ngài rất thông minh.

Ta động viên toàn dân rộng rãi như vậy, đến cao độ như vậy, phát huy sức sáng tạo đến như vậy của mỗi một người dân, của bộ đội, của lực lượng vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy sức mạnh của cả dân tộc, của nhân dân cả nước được nhân lên gấp mấy lần. Học thuyết quân sự Việt Nam có một bước phát triển mới và có thể nói, đã trở thành một bộ phận trong học thuyết quân sự cách mạng chung của cả thế giới. Nhìn chung, lại thì từ thời đại Văn Lang, Đại Việt, Việt Nam đến thời đại Hồ Chí Minh; từ thuở có các cộng đồng dân tộc sống trên đất nước này cho đến khi địch, ta đều phong kiến và đến lúc ta còn phong kiến, địch là tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa hiện đại nhất, chúng ta đã phát triển cách đánh truyền thống đến đỉnh cao mới.

Rồi đây trong thời hòa bình, nói quốc phòng là phải quốc phòng toàn dân, mà phải có dự báo đến một chừng nào đó, đến sự phát triển tình hình thế giới và trong nước, tình hình kinh tế, xã hội, khoa học ở nước ta và của các thế lực thù địch. Nhìn chung thế giới bây giờ là công nghiệp, chắc các đồng chí đã đọc thông điệp của ông Bin Clintơn, đại thể nói: Cách đây một trăm năm, chúng tôi từ thời đại nông nghiệp chuyển sang thời đại công nghiệp, bây giờ chúng tôi từ thời đại công nghiệp chuyển sang công nghệ thông tin. Đến cuối thế kỷ XX thì tất cả học sinh các trường trung học đều liên hệ với mạng thông tin quốc tế. Tình hình bây giờ, cả vật chất và tinh thần đều có khác, cho nên ta nghiên cứu quốc phòng toàn dân thì phải nghiên cứu cả tình hình kinh tế - xã hội thế giới, trong nước và có dự báo từng bước.

Tôi muốn nói thêm một điểm nữa, Ph.Ăngghen có nói: Trong chiến tranh có hai nhân tố quyết định: Một là con ngưòi, hai là vũ khí, hai nhân tố đều quan trọng nhưng cuối cùng con người là nhân tố quyết định. Trước chúng ta cũng có nói nhiều về vấn đề này, tôi có viết một bài trước Tết Mậu Thân, trong bài ấy đã đi đến kết luận: Ta đã đánh bại hai luận thuyết, một là luận thuyết vũ khí luận, vũ khí là quan trọng nhưng không phải quyết định; hai là luận thuyết về quân số, theo ta quân số ít có thể đánh thắng kẻ địch có quân số nhiều hơn.

Tôi thấy các học giả tư sản nghiên cứu và rất coi trọng dự báo, ta làm chưa bằng họ, so với 50 viện của Mỹ nghiên cứu về Liên Xô thì ta cần phải tập trung sức nghiên cứu hơn nữa.

Bây giờ, trong học thuyết quân sự Việt Nam, về kinh nghiệm chiến tranh, tôi muốn nói đến chiến tranh du kích ở Việt Nam. Bộ Chính trị lãnh đạo và chỉ đạo đấu tranh vũ trang vừa xuất phát từ đường lối cách mạng, vừa là dựa trên sự học tập quần chúng, đúc kết kinh nghiệm của quần chúng.

Đơn cử một ví dụ, chẳng hạn như đánh máy bay bay thấp, một nhiệm vụ rất khó, dân quân, bộ đội mấy tháng không làm được. Ta theo dõi máy bay bay thấp của địch cả đêm cũng không thấy, đi đánh ban ngày cũng không phát hiện được mục tiêu. Bộ tư lệnh NATO cũng nói do rađa không phát hiện được nên đánh máy bay bay thấp là rất khó. Tôi theo dõi, suy nghĩ gần hai tháng, sau thấy có mấy đơn vị đánh được. Tôi đi vào Hà Tĩnh, tập trung độ 45-50 cán bộ và chiến sĩ đã đánh máy bay bay thấp.

Tôi hỏi từng người, thì có một em 18 tuổi - học sinh trung học - trả lời: "Em nghiên cứu thấy máy bay bay từ ngoài biển vào, đi qua dãy núi Thiên Nhẫn, lúc đến các eo thì nó hạ xuống. Em nghiên cứu 3 lần nắm được quy luật bay của chúng, thế là nắm cơm và đem súng trường lên đó nằm phục, thế là bắn rơi máy bay địch". Tôi mới vỗ vai cô gái và nói: "Em là một nhà triết học lớn, vì nhà triết học mới tìm ra quy luật, em tìm ra quy luật là giỏi!". Từ đó tôi mới bàn và phát triển lên, về tổ chức bộ đội và cách đánh, kết quả là đi đến ta đánh bại chiến thuật máy bay bay thấp của địch. Cho nên sự sáng tạo của quần chúng là rất to lớn. Tôi đã báo cáo với Bác, mang cả băng ghi âm để Bác nghe.

Nói tóm lại, phải khẳng định có một học thuyết quân sự Việt Nam và tôi nghĩ rằng, theo học thuyết ấy không hề có chiến lược quân sự thuần túy, chiến lược của ta bao giờ cũng là chiến lược tổng hợp, cả chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, một chiến lược toàn diện. Đây là một đề tài quan trọng, khá rộng. Đương nhiên phải hạn định phạm vi cho rõ. Vì vậy, ý kiến của tôi: Một là, khẳng định cần có đề tài này; hai là, đề tài này nên xác định là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét