Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Trần Đăng Khoa: Nhớ một thời giáo dục thanh khiết

Ngày Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Trần Đăng Khoa: Nhớ một thời giáo dục thanh khiết
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Trần Đăng Khoa: Nhớ một thời giáo dục thanh khiết


(VOV)-Những nan giải của giáo dục ngày nay, các thầy cô ở trường quê Nam Sách đã giải quyết ổn thỏa từ những năm 60, 70 của … thế kỷ trước.
Trong Blog tuần trước, tôi cùng với nhà khoa học Trần Thanh Thu bàn về việc dạy và học ở Bỉ. Có bạn đọc bảo: Quả là một Thiên đường Giáo dục. Không biết tới bao giờ, chúng ta mới lên tới đó? Xin thưa, cái Thiên đường đó không xa. Đã có thời, chúng ta cũng đã đi qua ngõ cái Thiên đường ấy rồi đấy. Ngay trong mái trường quê của tôi. Bởi vậy, trước khi bàn tiếp về việc dạy và học ở Bỉ, tôi muốn cùng bạn đọc ngoái lại gần nửa thế kỷ, nhìn lại ngành giáo dục quê nhà, ở một góc rất hẹp. Những năm tháng đẹp nhất của tuổi thơ tôi trôi qua trong mái trường quê đó.
Lớp học ban đêm (Ảnh: http://hoabinh.edu.vn/vn)
Đấy là Trường cấp III Nam Sách, nay là Trường THPT Nam Sách. Trường được thành lập từ năm 1962. Mười năm sau, tôi vinh hạnh được là học sinh của trường. Học sinh lớp 8G.

Tôi còn nhớ mãi buổi khai giảng năm ấy. Đó là 7h sáng ngày 1/9/1972. Khi đó, cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ bằng không quân, mở rộng ra Miền Bắc đang vào thời điểm khốc liệt nhất. Bom đạn mù mịt suốt ngày đêm. Chỉ ít thời gian sau, Mỹ dùng máy bay chiến lược B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng. Nam Sách là mảnh đất kiên cường, ở giữa hai thành phố lớn ấy, lại nằm bên Đường 5, con đường huyết mạch nối Thành phố Cảng với Thủ đô Hà Nội. Một trong những trọng điểm hủy diệt của Không quân Mỹ là hai cây cầu Phú Lương và Lai Vu.
Nam Sách thành trận địa sinh tử, quyết liệt bảo vệ hai cây cầu chiến lược ấy. Xã Ái Quốc và nhiều xã lân cận hóa thành “túi bom” của giặc. Chúng tàn phá bất kỳ lúc nào. Mảnh đất hậu phương, cung cấp người và của cho chiến trường Miền Nam “Thóc không thiếu một cân, Quân không thiếu một người”, giờ cũng đã thành một chiến trường khốc liệt.
Trường cấp III Nam Sách xé lẻ ra thành từng lớp, sơ tán về các làng quê. Có lớp học trong Chùa. Có lớp học ở Nhà thờ Thiên chúa giáo.
Lớp 8G của tôi sơ tán về xã Thanh Lâm. Ngày Khai giảng là buổi lao động tát nước ở giao thông hào và đắp lại những căn hầm kèo bị sạt lở sau một trận mưa lớn đêm trước. Thày Chủ nhiệm Vũ Đình Sâm đứng trên nóc hầm điểm danh học sinh và thông báo lịch trình học tập.
Buổi khai giảng đầu tiên của đời tôi khi mới lẫm chẫm bước chân vào lớp Một cũng là một buổi học độc đáo như vậy. Sau giờ khai giảng, học sinh tỏa về từng lớp để thầy trò làm quen với nhau. Hôm nay, thầy sẽ dạy các em bài học đầu tiên…”. Bài học đầu tiên của chúng tôi đây: “Ngày khai trường”, rồi “Tổ Quốc Việt Nam”. “Tổ Quốc em đẹp lắm - Cong cong hình lưỡi liềm…”. “Không, các em gập sách lại đi. – Thầy bảo - Bài học này chưa kịp có trong sách Giáo khoa đâu…”.
Hồi hộp quá. Không chỉ trò, mà cả thầy cũng hồi hộp. Thầy dạy và rồi chính thầy cũng phải học. Bài học đầu tiên trong đời. Đó là cách tránh bom. Thầy giúp chúng tôi phân biệt từng hướng rơi của bom. Nhìn hình dạng và đường bay của bom mà biết quả bom ấy sẽ lao xuống đâu. Lúc nào thì thì ngồi in, chụp mũ rơm lên đầu. Lúc nào thì phải chạy. Chạy theo hướng nào để có độ an toàn cao nhất. Rồi thầy dạy chúng tôi cách cứu thương và băng bó vết thương, “ để khi không có thầy bên cạnh, các em còn biết cách cứu bạn và tự cứu mình”. Chúng tôi bắt đầu tập băng bó. Một lũ trẻ lau nhau, trứng gà trứng vịt mà làm rất thuần thục. Vừa làm vừa cười đùa như chơi trò trận giả. Chúng tôi cười vui. Nhưng thầy lại khóc. Khóc thầm. Nhưng nước mắt không giấu được, cứ ầng ậng sau hai hàng mi. Và tôi hiểu một điều rất hệ trọng. Chiến tranh không bao giờ là một trò đùa.
Khi tôi thành học sinh trường Cấp III Nam Sách, chiến tranh đã lên đến đỉnh điểm. Bom đạn mù mịt. Có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng đời sống tinh thần lại ấm áp, bình thản. Lạ thế! Một xã hội trong vắt. Không có tham nhũng. Không có kẻ cướp, đĩ điếm, trấn lột. Và đẹp nhất trong bầu khí quyển trong lành ấy là người lính và người thày. Đó là hai chiến sĩ kiên cường trên hai mặt trận: Chống giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Chúng tôi cắp sách đến trường, tiếp nhận cùng một lúc hai nguồn kiến thức lớn. Một nguồn từ sách vở. Đó là những bài học, đúc rút kinh nghiệm sống, là trí khôn của cha ông và của cả loài người, thành nguồn sáng trong lành, tinh lọc qua tâm hồn thày cô rồi tỏa xuống mỗi học sinh. Còn nguồn kiến thức thứ hai, cũng rất quan trọng, mảng kiến thức này không nằm trong giáo án, cũng không có trong sách giáo khoa, nhưng lại tác động đến học trò rất mãnh liệt. Đó là cuộc đời các thày cô. Tấm gương các thày cô. Chính các thày cô đã thành giáo cụ trực quan, dạy chúng tôi làm người.
Thầy nào thì  trò ấy. Khi thầy không gương mẫu, không còn là một vẻ đẹp, thì mọi lời giảng, dù có hay đến đâu cũng thành vô nghĩa.
May mắn cho lũ học trò nhà quê chúng tôi trong những năm tháng gian nan, vất vả ấy mà vẫn có được một ngôi trường nề nếp, quy củ. Nhờ chính sách “hạ phóng” của Bộ Giáo dục, nhiều thầy cô ở thành phố lại tỏa về các miền quê và những vùng sâu vùng xa. Trường Cấp III Nam Sách là một ngôi trường quê, học trò đều là con em nông dân ở mấy làng quê nghèo lam lũ, nhưng nhà trường lại có một đội ngũ giáo viên rất giỏi. Nhiều thầy cô người Hà Nội gốc nhưng lại về bám trụ ở đây, như thầy Độ đường Quán Thánh, cô Nga phố Hàn Thuyên, thầy Tuấn phố Quang Trung, thày Bản phố Hàng Bạc, cô Hằng đường Cầu Giấy.
Tôi không sao quên được thày Độ. Thầy dạy toán. Lên bục giảng, thầy không mang giáo án, chỉ ve vảy hai bàn tay không. Nhưng xin bạn đọc chớ hiểu lầm thầy lười nhác hay cẩu thả. Giáo án nằm hết trong đầu thầy. Cả cuốn sách Giáo khoa toán dày cộp cũng ở trong đầu thầy. Thầy chép bài tập lên bảng mà đâu có nhìn sách giáo khoa. Thầy bảo: “Nếu thầy nhớ nhầm, các em nhắc thầy nhé!”.
Nhưng chẳng bao giờ thầy nhầm. Cái tài lớn nhất của thầy mà tôi rất phục là khả năng biến những gì phức tạp thành đơn giản  dễ hiểu. Tôi nghiệm thấy những người giỏi đều thế cả. Họ có khả năng đơn giản hóa những gì phức tạp. Còn người kém thì ngược lại, ngay cả điều đơn giản, qua họ, cũng thành phức tạp, rối mù. Thày Độ giảng rất thoải mái, nhưng học sinh nào cũng hiểu được. Tôi là một học trò cá biệt, rất dốt toán, mà cũng nắm được bài ngay tại lớp. Còn thầy Tuấn lại có một biệt tài khác mà chúng tôi phục lăn. Thầy dựng Hình, chẳng cần com-pa, thước kẻ, mà hình nào cũng đẹp. Có khi thầy vừa giảng, vừa quài tay ra sau lưng, khoanh một nét thành một Đường tròn tâm O, chuẩn đến mức kinh ngạc.
Trong con mắt chúng tôi, các thầy cô như những vị thánh sống. Cao cả và tinh khiết. Hồi đó có chuyện dạy thêm không? Có! Thời nào chả có những học sinh kém. Với những cô cậu học trò cá biệt ấy, sau buổi học, các thầy cô thường mời ở lại để phụ đạo thêm. Thảng hoặc, có học sinh, do hoàn cảnh khó khăn, vào các buổi tối, thầy còn đạp xe đến tận nhà phụ đạo. Thầy dạy mà không lấy tiền. Có thày còn sẻ cả một phần lương đạm bạc của mình cho học trò mua sắm quần áo hay dụng cụ học tập. Ngày Tết, hay ngày 20-11, học sinh ríu rít đến thăm thầy chỉ có hai bàn tay trắng. Phong bì không và hoa cũng không. Ở làng quê khoai lúa, muốn tặng hoa thầy cũng chẳng có để tặng. Nhưng cả thầy và trò đều vui. Một niềm vui chan hòa, ấm cúng và tinh khiết.
Bây giờ chúng ta hay kêu về nền giáo dục xuống cấp trầm trọng với bao nhiêu vấn nạn. Trong đó có cả những vấn nạn thuộc về nghiệp vụ giảng dạy, như nạn “văn mẫu”, nạn “đọc chép”. Thày đọc và trò chép. Nhà trường đã biến học sinh thành những con vẹt. Đó là những phương pháp giáo dục phản giáo dục tệ hại nhất. Những vấn đề nan giải này, các thày cô ở mái trường quê Nam Sách đã giải quyết rất ổn thỏa từ những năm 60, 70 của … thế kỷ trước.
Tôi rất phục cách dạy văn của thầy Vũ Đình Sâm, chủ nhiệm các lớp  8G, 9G, 10G mà tôi theo học. Dù những năm tháng ấy, trong mái trường này, thầy chỉ là một tên tuổi rất khiêm nhường. Khi nhắc đến những giáo viên giỏi, người ta thường nhắc đến thầy Tham, thầy Soa, thầy Hoạch, thầy Độ, thầy Tuấn, cô Nga, cô Hằng, thầy Đức, cô Thanh, cô Thu…
Và còn rất nhiều thầy cô khác nữa. Thầy Sâm thường khuất trong bóng tối. Bản thân thầy cũng tự giấu mình đi. Nhưng trong con mắt của tôi, thầy là một tấm gương sáng, không chỉ với học trò, mà còn với cả ngành giáo dục. Cách dạy của thầy theo tôi là mẫu mực, đáng để Ngành Giáo dục hôm nay tham khảo. Thầy không biến học trò thành con vẹt, cũng không tự biến mình thành Rô-bốt cứng nhắc. Mọi quy chế, hướng dẫn, quy định của ngành chỉ có ý nghĩa tham khảo quan trọng, còn Giáo viên phải có những sáng tạo riêng, nhằm đổi mới mỗi tiết giảng, truyền đạt kiến thức đến học trò một cách hiệu quả nhất, nhưng lại gợi mở cho các em sự độc lập suy nghĩ và sáng tạo.
Trong tiết giảng, thầy không đọc lại đoạn văn trích. Đấy là việc học sinh tự đọc ở  nhà. Thay cho thời gian đọc tác phẩm, thầy tóm tắt cả cuốn sách, để học sinh nắm được nội dung, biết đoạn trích học nằm ở đâu. Thầy biến bài giảng thành buổi Xê-mi-na để học sinh cùng thảo luận. Có buổi học thành cuộc tranh luận rất sôi nổi. Thầy gợi mở, xới lên các vấn đề để học sinh bàn. Rồi thầy tổng kết. Có vấn đề thầy kết luận ngay, có vấn đề thầy bỏ ngỏ, để học sinh nghĩ tiếp.
Trong phần tổng kết, ngoài biểu dương những ý kiến có tính khám phá của học trò, thầy nói ba vấn đề. Một là thầy tóm tắt phần hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên của Bộ Giáo dục về đoạn văn trích. Hai là thầy tóm tắt ý kiến của các nhà phê bình nghiên cứu về tác phẩm đã được in trên các báo và tạp chí từ trước đến nay, đặc biệt là những kiến giải xuất sắc có tính phát hiện. Phần thứ ba, là ý kiến riêng của thầy. Tôi thích phần thứ ba này nhất. Bởi đó là những ý kiến tôi không tìm thấy ở bất cứ tài liệu nào trên sách báo. Như vậy, một bài học, được chiếu rọi từ nhiều góc độ khác nhau. Một giờ lên lớp của thầy, bằng học sinh lục lọi hàng tháng trong thư viện với hàng đống sách vở.
Bây giờ, trong các thầy cô dạy phổ thông, có  ai làm được như thầy không?
Thầy nào trò  nấy. Thầy phải giỏi thì trò mới có thể giỏi được. Nhờ có một đội ngũ thầy giỏi như thế, mà trường có được một đội ngũ học sinh làm rạng danh trang sử nhà trường. Có người rất nổi tiếng, được thế giới biết đến, như nhà địa chất Tạ Phương, người được mang tên cho một loại quặng quý trong một cuốn sách khoa học về địa chất ở nước Nga. Rồi những tên tuổi được cả nước biết đến như anh hùng quân đội Vũ Ngọc Diệu, anh hùng Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Bá Đính, nhà báo Trịnh Bá Ninh, rồi các nhà quản lý Hoàng Bình, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Dung, các nhà kinh tế Vũ Văn An, Nguyễn Hữu Thắng…Và còn rất nhiều các anh các chị khác nữa.
Tôi muốn nói thêm đôi điều về hai học sinh của trường, anh hùng quân đội Vũ Ngọc Diệu và anh hùng Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ. Cả hai anh đều lên đường nhập ngũ khi còn đang học phổ thông. Trong trận “Điện Biên phủ trên không”, với 12 ngày đêm đánh B52 ở Hà Nội năm 1972, Vũ Ngọc Diệu là lính ra đa bảo vệ Hà Nội. B52 là vũ khí chiến lược của Mỹ, là sức mạnh tàn bạo của không lực Hoa kỳ. B52 có nhiều máy bay phản lực yểm trợ, bảo vệ, lại bay ở tầm cao, lại có hệ thống phá sóng ra đa, tung nhiễu mù mịt nên rất khó phát hiện. Kỳ tích của Vũ Ngọc Diệu cùng các cộng sự của anh là sự mày mò nghiên cứu, phát hiện chính xác B52. Sau nhiều lần tác nghiệp, anh nhận ra rằng, khi B52 cắt bom, và chỉ khi chúng cắt bom, trên màn huỳnh quang ra đa xuất hiện những điểm lóe bất ngờ giữa vô vàn những đốm sáng của những mục tiêu giả. Nhờ thế, chúng ta tiêu diệt được B52.
Còn Đỗ Chu Bỉ cùng thế hệ tôi. Chúng tôi nhập ngũ khi còn học dang dở. Tổ Quốc gọi và chúng tôi ra đi. Con trai đi. Con gái cũng đi. Sau Tổng động viên, trường vắng hẳn. Phải nhiều lớp gom lại mới đủ sĩ số một lớp. Trong bài thơ gửi em gái mình, khi ở chiến trường Tây Nam, nghe tin em vào Đại học Sư phạm, tôi viết: Hôm nay em đến Giảng đường/ Anh hằng khao khát/ Thế  hệ anh, mấy lớp người đi cứu nước/ Có  bao anh chưa tới được lớp mười/ Có  bao anh nằm lại dọc đường rồi/ Những con suối không tên. Những ngọn đồi không tuổi/ Có  thể sau này, em dẫn học trò tới/ Chỉ thấy im lìm rừng xanh với núi xanh…/ Ước mong sao ngày đất nước yên lành/ Anh lại trở về, cùng em, vui chơi như thuở nhỏ/ Trên góc sân nhà, em là cô giáo nhé/ Anh làm chú học trò. Và bài học đầu tiên…
 Thật bất ngờ khi Đỗ Chu Bỉ cũng nghĩ như tôi nghĩ trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình về một thế hệ học trò chúng tôi. Anh là người lính dũng cảm, đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng bảo vệ từng tấc đất biên cương Phía Bắc Tổ Quốc. Hết đạn thì dùng dao găm và lưỡi lê. Một cuộc chiến đấu không cân sức. Mình anh đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch.
Khi đồng đội tìm đến chi viện, anh đã hy sinh. Trên người anh là mười chín vết dao và vết đạn bắn. Trong túi áo ngực đẫm máu là bức thư anh viết dở cho mẹ: “Mẹ ơi, con không thể chết được đâu, dù kẻ thù tàn bạo đến thế nào. Bởi con còn có mẹ. Mẹ mỗi ngày một già yếu, ai sẽ chăm sóc mẹ nếu không phải là con?  Mẹ hãy tha tội cho thằng con trai bất hiếu này. Mẹ ơi, rồi con sẽ trở về nếu biên giới im tiếng súng. Con sẽ trở về cho tuổi già mẹ không còn hưu hắt. Rồi con sẽ tiếp tục trở về ngôi trường thân yêu của con. Con sẽ tiếp tục học để mẹ không phải xấu hổ vì có một thằng con thất học. Mẹ ơi, con sẽ về. Không kẻ thù nào giết nổi con đâu…”
Cũng như 217 liệt sĩ, những học sinh ưu tú nhất của trường, Đỗ Chu Bỉ không còn trở về. Anh đã nằm lại trên điểm chốt Bình Liêu. Nhưng các em của anh, những học sinh thế hệ sau anh đã quyên góp tổ chức tạc tượng anh, rồi đưa anh trở về ngôi trường thân yêu mà anh hằng khao khát được học tiếp. Bức tượng ấy hiện đang nằm trong Phòng Truyền thống của nhà trường.
Và như thế, có một Trường Cấp III - Trường Trung học Phổ thông Nam Sách bám trụ ở quê nhà, thành một địa chỉ văn hóa, một di tích lịch sử thiêng liêng với rất nhiều thế hệ. Lại còn có những trường cấp III – Trường Trung học Phổ thông Nam sách ở những miền xa. Đấy là các thế hệ học sinh của trường, trong suốt nửa thế kỷ qua, đã mang theo hình bóng thày cô, vóc dáng mái trường đến mọi miền Tổ Quốc, và làm nên những chiến công mới, những kỳ tích mới. Đó cũng là những vẻ đẹp của trường mà đâu phải ai cũng nhận ra…./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét