Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Gia đình… giấc mơ giữa đời thực của nữ công nhân

Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Gia đình… giấc mơ giữa đời thực của nữ công nhân
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Bài này của báo Nhân dân đây:
Gia đình… giấc mơ giữa đời thực của nữ công nhân
Đám cưới tập thể tại Vĩnh Phúc
NDĐT- Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 31.000 công nhân trong các KCN, trong đó lao động nữ chiếm đến gần 70% và hơn 80% trong số họ vẫn chưa lập gia đình. Tuổi thanh xuân của các cô cứ lặng lẽ trôi theo công việc với khát khao về một người đàn ông, một gia đình nhỏ bé… Nhưng dường như điều đó là vô vọng.
Tuổi thanh xuân thời… ca kíp
19h tối thứ bảy khi tiếng chuông hết giờ làm việc khô khốc vang lên, Tuyết uể oải hòa vào dòng người trở về nơi ở. Cô là công nhân một công ty may mặc ở Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc), cô gọi nơi ở của mình là “căn phòng bốn không”: không tivi, không đài, không internet, sách báo.
Về phòng, cô cũng không cần thay bộ quần áo đồng phục vì chung quanh sẽ chẳng có ai quan tâm đến điều đó và đa số họ đi làm ca chưa về. Tuyết duỗi tay duỗi chân cho đỡ mỏi lăn ra nằm nghỉ sau một ngày làm việc dài.

Một ngày như vạn ngày khác, 70 phòng trọ trong khu cô ở yên ắng như thường lệ, chỉ có một vài bóng người quanh ra, quẩn vào trong cái sân chung của khu nhà.

Ông chủ nhà trọ cho biết, chuyện thu nhập công nhân bấy lâu là chủ đề quen thuộc của cư dân xóm trọ thì nay chuyện yêu đương lại trở nên nóng bỏng, nhiều đến nỗi ông cũng sốt ruột cho cho các cô gái đang ở trọ nhà mình.

Tuyết làm cho công ty may VinaKorea đã được được gần bốn năm. “Lúc mới xuống Vĩnh Phúc làm, em ở chung với nhóm bạn, tối về có tiếng nói, tiếng cười đỡ buồn chán. Nay đứa lấy chồng, đứa về quê, chẳng còn ai. Những hôm đi làm về, nhìn bốn bức tường thấy cô đơn, buồn chán lắm” – Tuyết tâm sự.

Còn với Hiền, 29 tuổi, quê Thái Nguyên đang làm việc tại công ty Jahwa Vina thở dài: “Suốt ngày làm bạn với công việc, nhiều lúc mong có một người bạn trai hiền lành đến phòng để trò chuyện cho đỡ buồn cũng không có”.

Trong một căn phòng khác, chúng tôi gặp bốn công nhân nữ là Lanh, Hằng, Hồng, Hà. Bốn chị em đang lúi húi nấu cơm cải thiện một bữa “ăn tươi” cuối tuần với đậu rán, rau muống luộc, chút lạc rang đậm muối. Ăn xong họ cùng ngồi tán gẫu giết thời gian.

Phòng trọ nêu trên hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt. Chỉ tính riêng ngõ 7, đường Nguyễn Tất Thành, TP Vĩnh Yên đã có hàng trăm phòng trọ tương tự và cuộc sống của họ vẫn mang một mầu ảm đảm, nhạt nhẽo như nhau.

Bởi vậy, thay cho việc phấn đấu để có cuộc sống tốt hơn, những công nhân nữ trong các khu công nghiệp đang có xu hướng mong tìm được người chồng tốt ở quê để trở về, rồi kiếm một việc gì gần nhà để làm.

Tại căn nhà trọ khác, chúng tôi gặp Triệu Thị Kim Tuyến, quê ở Sông Lô, Vĩnh Phúc đang ngồi buồn bã một mình.

Ngay đến việc lần đầu tiên Vĩnh Phúc tổ chức Tuần Văn hóa du lịch với những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nhưng Tuyến cũng chỉ ở nhà nghe tiếng pháo hoa nổ lụp bụp trên bầu trời trong đêm khai mạc rồi thôi, bởi Tuyến nghĩ, đi một mình trong những khung cảnh lãng mạn vậy, thì ở nhà còn tốt hơn.

Thêm lời của Tuyến, Hoài, 25 tuổi ở phòng bên cạnh kể, nhà ở Phúc Yên nhưng vì đất canh tác phải dành cho dự án xây dựng đường cho nên Hoài tìm vào các công ty làm thuê. Mỗi tháng, ngoài tiền ăn uống, Hoài và những người công nhân nữ khác như vậy được chủ doanh nghiệp trả lương gần hai triệu đồng.

Số tiền này, Hoài gửi phần nhiều cho bố mẹ và nhờ ông bác giữ lại một ít sau này có chút vốn mở cửa hàng may vá quần áo ở nhà.

Hỏi Hoài làm mãi thế, không lấy chồng, ông bà không giục sao, em cười: “Em biết chứ, nhưng nếu không làm, nhà em đói ngay!”.

Theo chị Đinh Thị Xuân Hoa – Phó ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, cuộc sống thiếu thốn vật chất, tinh thần và không gia đình, là tình trạng chung của đa phần lao động nữ trong các khu công nghiệp, do phải làm tăng ca mới có tiền trang trải cuộc sống cho nên không có thời gian giao lưu, tìm hiểu, không được hưởng thụ các hoạt động văn hóa xã hội.

Biết bao số phận nữ công nhân đang trong tình trạng như thế, càng thấy đau xót hơn khi trong cơn khát khao tình cảm đã có nhiều công nhân rơi vào tình cảnh yêu vội, sống thử dẫn tới bao hệ lụy.

Cần những sự quan tâm của mọi người

Vấn đề bức bách đang đặt ra là người lao động ở các khu công nghiệp luôn bị “gạt” ra ngoài đời sống văn hóa, giao lưu kết bạn tại địa phương mình nơi làm việc.

Chính quyền địa phương cho rằng, chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động là của doanh nghiệp. Còn chủ doanh nghiệp thì cho rằng, họ thuê công nhân đến làm việc có trả lương, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm đúng quy định là đủ và không còn trách nhiệm nào hơn.

Thế nên, nhiều chị em được hỏi có vui mừng khi biết tháng 5 là tháng của công nhân không. Họ đọc vanh vách những kế hoạch, chương trình, mục tiêu: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chăm lo bảo về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động… còn giao lưu kết bạn là nhiệm vụ của mình.

Sự phát triển của các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc đã kéo theo sự gia tăng về lực lượng lao động, trong đó có một lượng lớn lao động nữ. Số lượng lao động nữ tập trung ở những ngành dệt may và da giầy, chiếm 90,8%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nữ trên 90% như Công ty TNHH Vinakorea chiếm 94,4%; Công ty TNHH Shin woon chiếm 91,4%; Công ty TNHH Quốc tế Ha Nam chiếm 94,1%; Nhà máy ADREM VINA chiếm 95,3%...

Hiện nay, ở các khu công nghiệp chưa có quy hoạch xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân. Tỉnh cũng đã có kế hoạch nhưng thực tế, việc triển khai đang vướng mắc, còn nhiều bất cập.

Khi được hỏi về vai trò của tổ chức công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ, nhiều đồng chí đều nắm rất rõ, số lượng nữ công nhân quá tuổi, lỡ thì, tình trạng phá thai hiện nay là đáng báo động. Còn để tạo điều kiện cho nữ công nhân giao lưu, làm quen với đối tượng khác giới để tiến tới xây dựng gia đình thì chưa làm được. Tất cả làm được chỉ quanh quẩn mãi việc tư vấn pháp luật, sức khỏe sinh sản…

Cuộc sống của người công nhân vốn đã khó khăn, song nếu khó khăn về kinh tế họ còn cố gắng để làm việc, còn thiếu thốn về mặt tình cảm với người khác giới để có thể nên vợ nên chồng thì càng xa vời với cuộc sống của người công nhân. Vì vậy, các tổ chức công đoàn, đoàn thể, doanh nghiệp cần quan tâm, tạo ra các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên nhằm xích mọi người lại gần với nhau hơn. Có như vậy, những người nữ công nhân mới có cơ hội gặp gỡ, kết bạn để rồi tìm cho mình người bạn đời tri kỉ.

*** Năm 2012, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã tổ chức đám cưới tập thể cho 20 cặp thanh niên công nhân vào ngày 12-12-2012. Đây là lễ cưới tập thể đầu tiên trên địa bàn tỉnh và của miền bắc. 20 cặp đôi hạnh phúc được đưa đến Chùa Hà Tiên nghe sư thầy giảng đạo nghĩa vợ chồng, đến nhà thờ và Đài tưởng niệm Bác Hồ để dâng hương. Chi phí từ xe hoa, trang phục cưới, trang điểm, ảnh cưới, nhẫn cưới, tiệc cưới đều được doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay hỗ trợ. Mỗi cặp đôi chỉ phải đóng 500.000 đồng.

ĐẶNG TIẾN ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét