Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Khi ngân hàng đối mặt ‘thời điểm Minsky’

Ngày Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Khi ngân hàng đối mặt ‘thời điểm Minsky’
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Khi ngân hàng đối mặt ‘thời điểm Minsky’
Bớt đi lợi nhuận và chia sẻ một mẩu bánh cho người khác, đó cũng là lòng trắc ẩn cần có của những người đã ăn quá dày.
Minsky!

Tín hiệu giảm lãi suất huy động và có thể cả lãi suất cho vay mới đây của ngân hàng đang chứng minh cho một nghịch lý đã tồn tại trong suốt một năm rưỡi qua.
Khách quan mà nói, tình thế tín dụng của khối ngân hàng thương mại đã chạm vào “thời điểm Minsky” - một khái niệm về đáo hạn thanh toán nhưng con nợ không thể trả nợ được cho chủ nợ, dẫn đến khả năng bùng phát vỡ nợ, nhưng nguy hiểm hơn thế là vỡ nợ dây chuyền.
Với những gì đã thể hiện tại thị trường tín dụng và cả thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam, khả năng vỡ nợ trên có thể không còn nằm ở dạng nguy cơ, mà đang hiển hiện một sớm một chiều.

Từ quý III/2011, mối quan hệ chồng chéo và dính líu quá nhiều về vay mượn lẫn nhau trong thị trường liên ngân hàng đã báo trước cho cái gọi là nguy cơ vỡ nợ. Đó cũng là bối cảnh mà dòng chảy tín dụng bị thắt chặt từ ngân sách nhà nước và Ngân hàng nhà nước (NHNN), bối cảnh mà phát sinh một hố phân hóa lớn về thanh khoản ngay trong nội bộ khối ngân hàng.

Chỉ có những ngân hàng quốc doanh lớn, đặc biệt là nhóm G5, mới được NHNN cung cấp lượng vốn đều đặn và do đó không bị rơi vào “bẫy thanh khoản”. Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng nhỏ như Phương Nam, Phương Tây… lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.

Tình thế khan hiếm thanh khoản đã khiến các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, phải lao vào cuộc đua nâng cao mặt bằng lãi suất huy động. Vào quý 4/2011, lãi suất huy động đối với khách hàng từ khu vực dân cư đã đạt đến trên 20% - một mức rất cao so với mặt bằng chung của thế giới, qua đó cũng “giúp” lạm phát toàn năm 2011 đạt “thành tích” gần 20%.

Tuy thế, chẳng bao giờ ngân hàng chấp nhận chênh lệch lãi suất thực âm. Điều đó cũng có nghĩa là lãi suất huy động càng cao thì lãi suất cho vay đầu ra lại phải cao hơn nữa. Không quá kinh ngạc là vào thời điểm tháng 10/2011, lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại nhỏ đã vọt lên đến gần 30% - một hình ảnh bị doanh nghiệp xem là “cắt cổ”.

Nhưng cách đây đúng một năm, vào tháng 5/2012, lần đầu tiên khối ngân hàng phải thừa nhận hệ lụy của cơ chế “cắt cổ” trên. Cũng là lần đầu tiên, Thống đốc NHNN phải phát đi một “hiệu triệu” về việc các ngân hàng cần giảm lãi suất cho vay đối với các món vay cũ về mức 13%.

Trước thông điệp có vẻ như khá bất ngờ trên, ngay cả một số ngân hàng lớn đã phải thừa nhận lượng vốn tồn ứ trong két sắt của họ là đủ lớn để gây lo ngại về khả năng kém sinh lãi. Vietinbank hay ACB là những ngân hàng không quá giấu giếm thực tế bĩ cực đó. Trong khi ACB tồn đến 3 tỷ USD mà không cho vay được, giới chuyên gia ngân hàng lại ước tính có đến 200.000 tỷ đồng vẫn nằm nguyên trong trạng thái ngủ đông tại ngân hàng mà không thể đưa vào lưu thông.

Nhưng cái chết vào năm 2012 chưa thực sự đến với khối ngân hàng. Mà chỉ đến giờ này, khi BIDV phát ra thông điệp từ ngày 13/5 sẽ đưa tất cả các khoản vay cũ về mức lãi suất 13%, người ta mới chứng nhận được là quyết tâm của khối ngân hàng lớn đến thế nào.

Hy sinh!

Dù chỉ còn khoảng 13-14% khoản vay cũ phải chịu mức lãi suất cho vay 15-17% theo báo cáo của cơ quan chức năng, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp muốn vay mới đã không thể tiếp cận được mức 13%.

Thậm chí ngay cả việc đưa cái “tỷ lệ nhỏ” 13-14% khoản vay cũ trên về lãi suất 13% cũng phải mất ít nhất một năm, tính từ tháng Năm năm ngoái.

Rõ là mọi chuyện chuyển động một cách chậm chạp đến khó tả. Trong khi các doanh nghiệp liên tục kêu khát vốn thì nhiều ngân hàng vẫn bàng quan với núi lợi nhuận mà họ đã tích lũy được từ những năm trước. Cho dù Tết 2013 không mấy sáng sủa đối với cơ chế thưởng của ngành ngân hàng, song không vì thế mà một số ngân hàng lớn không tiếp tục báo lãi ngàn tỷ sau khi quý I/2013 kết thúc.

Trong khi đó, báo chí mô tả “doanh nghiệp chết như ngả rạ”, cùng nhiều con số thống kê chính thức được Ủy ban thường vụ quốc hội và các cơ quan liên quan nêu bật.

Nhưng sau một năm kể từ giữa năm ngoái, có lẽ nguy cơ vỡ nợ dây chuyền trong nội tại ngân hàng đã đạt đến giới hạn nguy hiểm. Một trong những minh họa hiển nhiên cho giới hạn này là Quyết định 780 của NHNN được ban hành vào tháng 4 năm ngoái đã không tạo ra được bất kỳ chuyển biến nào về thay đổi hiện trạng nợ xấu.

Cần nhắc lại, Quyết định 780 cho phép các ngân hàng được “tái cấu trúc” nợ theo hướng chuyển nhóm nợ từ xấu sang đỡ xấu hơn. Và thời điểm tháng 4/2012, quyết định này đã giúp cho 250.000 tỷ đồng tránh khỏi nguy cơ siết nợ dây chuyền, làm cho các ngân hàng chủ nợ và doanh nghiệp con nợ có thêm thời gian để “thu xếp” với nhau.

Tuy nhiên, phần lớn nợ đọng và nợ xấu lại thuộc về doanh nghiệp bất động sản. Như hiện trạng mà tất cả mọi người đều nhìn rõ, trong một năm qua đã không hề hiện ra bất kỳ tín hiệu nào lạc quan nào đối với thị trường nhà đất, hệ số tiêu thụ gần như bằng 0, đặc biệt bi đát đối với phân khúc căn hộ cao cấp.

Trong bối cảnh thê thảm như thế, trả được nợ và lãi vay thực sự là chuyện lạ. Thực tế, không những không thanh toán được nợ vay, con số nợ theo Quyết định 780 cho tới nay đã được sơ kết là 272.000 tỷ đồng, tức tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với quý I/2012. Trong khi đó, Bộ Xây dựng lại phát đi báo cáo về hiện trạng tồn kho bất động sản đang tăng vọt…

Sẽ không quá ngạc nhiên nếu ngay trong tuần tới và trong nửa cuối tháng 5/2013, một chiến dịch giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ trở nên hiện hữu, điều mà doanh nghiệp đã phải mòn mỏi chờ đợi suốt từ năm 2011 đến nay.

Giờ đây, việc giảm lãi suất huy động đã không còn quá thiết yếu. Hơn thế, dư địa cho việc giảm này cũng chỉ còn rất ít, sau khi NHNN đã phung phí nhiều cơ hội kích thích kinh tế và các thị trường trong năm 2012.

Yếu tố cốt tử có lẽ chỉ còn thuộc về cơ chế giảm lãi suất cho vay, cũng đồng nghĩa với một mức độ “hy sinh” nào đó của ngân hàng.

Bớt đi lợi nhuận và chia sẻ một mẩu bánh cho người khác, đó cũng là lòng trắc ẩn cần có của những người đã ăn quá dày.


Việt Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét